Thành phố đang thiếu đi những "khoảng thở"
Vừa qua, tại một đối thoại về Kiến trúc xanh, các chuyên gia, kiến trúc sư (KTS) đã có những thảo luận về không gian xanh và thực trạng đó tại các công trình nhà cao tầng, nhà ở hiện nay.
Theo đánh giá, có một thực trạng khác biệt giữa Việt Nam - Singapore, đó là không nhiều người sử dụng tại Việt Nam trong những công trình nhà cao tầng (Cubic), công trình kết hợp nông nghiệp (H&P) và công trình nông thôn (Lab Concept) cảm nhận được những tiện nghi mà khoảng xanh các đơn vị thiết kế, chủ đầu tư mang lại. Bởi vậy mà ngoại trừ các chủ đầu tư lớn và có uy tín thì hầu hết các dự án nhà ở thường bỏ qua "khoảng xanh - khoảng thở" cho khu dân cư và thay vào đó là các cửa hàng, quán xá hay trung tâm thương mại.
Nói về vấn đề này, KTS Trần Vũ Lâm - Chủ tịch CTCP Kiến trúc Lập Phương (CUBIC) cho hay: “Chúng tôi là đơn vị thiết kế những công trình nhà cao tầng, khi tham gia thiết kế, đơn vị luôn tìm ra những khoảng trống xanh nhiều nhất, để tạo tiện nghĩ, thoáng mát cho cuộc sống của người dân.
Nhưng bên cạnh việc cố gắng thiết kế đó, chúng tôi gặp phải rất nhiều khó khăn từ nhà đầu tư, thêm khoảng xanh là bớt khoảng ở - cái mà đem lại lợi nhuận cho chủ đầu tư. Họ luôn chạy theo diện tích phòng, số lượng phòng mà quên mất nếu công trình có đầy đủ tiện nghi thoáng đãng cho cộng đồng thì lợi nhuận sẽ được tăng đôi khi còn hơn những phòng mà chúng ta cố “co kéo” thêm".
"Thở là sự sống và mỗi công trình cũng giống như 1 cơ thể sống, cần đầy đủ các bộ phận, giải pháp và chức năng. Trong đó, khoảng trống, "khoảng thở" dành cho các công trình nhà ở đang dần khan hiếm", ông Lâm chia sẻ.
Ở góc độ KTS, ông Trần Vũ Lâm thừa nhận rằng trước những sức ép về đô thị thì các không gian ở như hiện tại đang rất bức bối, thiếu đi những khoảng xanh. Với những tổ hợp giao thông dày đặc hay công trình nhà ở cao tầng dạng khối với diện tích lớn "cắm" thẳng xuống thành phố, nhu cầu về không gian xanh ngày càng trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, sự kết nối giữa các công trình là không có vì mỗi đơn vị đầu tư một công trình đơn lẻ hoặc cùng chủ đầu tư thì lại tại các vị trí khác nhau và cách xa nhau trong thành phố khiến cho sự kết nối giữa các công trình là rất khó.
Điều này đã dẫn đến thực trạng là nhiều khu nhà ở, chung cư cũ người dân đã phải tận dụng các khoảng trống của tầng thượng hay các khu hiên nhà để trồng cây xanh, các bạn nhỏ phải chơi ở hành lang hoặc tập xe ngay dưới mép đường.
Không chỉ dừng lại ở đó, KTS Trần Vũ Lâm cũng chỉ ra một thực trạng: "Vừa qua nhiệt độ thành phố tăng thêm 1 độ, sức nóng kéo dài, có thể lý giải một phần nguyên nhân đơn giản là trước đây cây xanh nhiều hơn thì độ tản nhiệt, hấp thu tốt hơn, nhưng bây giờ sức nóng của toàn bộ bê tông cốt thép, thậm chí chúng còn tỏa nhiêt lại khi có vấn đề về ủ nhiệt và tản nhiệt trong kết cấu của bê tông cốt thép".
Giải pháp nào cho khoảng thở xanh?
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào để thành phố thoát khỏi tình trạng bê tông hóa? Làm thế nào để tăng mật độ xanh cho các khu nhà ở?
Trả lời cho băn khoăn này, KTS Trần Vũ Lâm cho rằng giữa các tòa nhà nếu có khoảng trống, khoảng thở thì sự thông gió sẽ tốt hơn, bởi gió sẽ đi tốt hơn trong khoảng không gian ấy và điều này sẽ giúp nhiệt tỏa ra giảm đi, đồng thời tạo ra sự thông thoáng cho không gian.
"Theo tôi, đây là khoảng thở xanh mang tính cộng đồng trong đô thị, là nơi để giao lưu, giao tiếp cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều tòa nhà hiện lại đang chạy theo các chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận mà quên đi khoảng thở cần thiết cho cư dân đô thị", ông Lâm lo ngại.
Do đó, ở góc độ một KTS ông Lâm đề xuất khi có điều kiện thì các khu dân cư, đội ngũ thiết kế cần đưa ngay khoảng xanh vào thiết kế các khu đô thị, tạo ra độ rỗng có "khoảng thở".
"Không gian của chúng ta sau khoảng 10 năm đã phát triển nhanh chóng, chóng mặt với mật độ các chung cư cao tầng ngày càng tăng. Nhưng đi cùng với đó các chủ đầu tư lại không quan tâm tới các yếu tố không gian xanh, không gian sinh hoạt chung,… không có không gian đúng nghĩa để đáp ứng nhu cầu của người dân".
Bởi 1 trong 3 nhu cầu quan trọng của con người với nơi an cư chính là tính kết nối và giao lưu cộng đồng, nên KTS Trần Vũ Lâm cho rằng mỗi chủ đầu tư hay nhà thiết kế cần tôn trọng nhu cầu này.
Giải pháp mà nhóm KTS Cubic đã đưa ra và được áp dụng tại một số dự án lớn được tóm lược lại như sau:
Thứ nhất, với những tổ hợp lớn, các căn hộ sẽ được xoay ngang, để tận dụng tối đa năng lượng gió và ánh sáng cho ngôi nhà. Hạn chế làm căn hộ theo chiều sâu
Thứ hai, tạo không gian liên kết cộng đồng, ngoài cây xanh trong nhà thì thiết kế phía dưới là khoảng rỗng để tạo không gian xanh, có thể là hồ bơi ngoài trời hoặc các thảm cỏ, cây xanh.
Riêng đối với những khu nhà ở phức hợp đòi hỏi tiết kiệm về chi phí và diện tích xây dựng cũng hẹp hơn, KTS Lâm cho rằng vẫn có thể đưa vào đó khoảng xanh bằng việc tạo cầu nối liên thông giữa các tòa nhà, còn khu vực phía dưới sẽ tận dụng khu vực tiếp cận giao thông để có thu về thương mại, nhưng vẫn tạo các khoảng rỗng để hình thành khu giao tiếp cộng đồng.