Kiến trúc xanh thúc đẩy và bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng không khí và nước, giảm chất thải rắn và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Theo các chuyên gia của Hội đồng xanh thế giới, nếu so sánh với một công trình thương mại thông thường, công trình xanh sẽ sử dụng ít hơn 26% năng lượng, chi phí bảo trì ít hơn 13% và lượng phát thải nhà kính ít hơn 33%.
Có rất nhiều lợi ích kinh tế từ kiến trúc xanh, bao gồm giảm chi phí trong quá trình sử dụng công trình. Cụ thể, giảm đáng kể hóa đơn chi phí vận hành bao gồm điện, nước, rác thải… và khả năng thu hồi số tiền đầu tư xây dựng nhanh hơn. Giá thành tài sản lúc này cũng tăng đáng kể so với một công trình xây dựng không mang tính bền vững, sự lựa chọn khách hàng bao giờ cũng nghiêng về công trình xanh.
Lợi ích xã hội của kiến trúc xanh ngày càng thể hiện rõ rệt. Kiến trúc xanh sẽ tạo môi trường thân thiện cho người sử dụng ở nhiều khía cạnh, bao gồm chất lượng không khí trong nhà tốt hơn, tối ưu hóa sự thoải mái mọi công năng trong công trình. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng các yếu tố thiết kế của kiến trúc xanh làm giảm sự xuất hiện của bệnh liên quan đến đường hô hấp, triệu chứng dị ứng và hen suyễn.
Giữa không gian đô thị nắng nóng và bụi bặm thì sự thoát hơi nước và bóng cây từ công trình kiến trúc xanh sẽ làm giảm đi một lượng nhiệt đáng kể. Không những vậy lớp thực vật xanh còn làm giảm lượng ánh sáng của tia cực tím chiếu vào vật liệu xây dựng. Các bề mặt công trình sẽ được bảo vệ tốt hơn, chính vì vậy lớp cây xanh càng phủ dày thì hiệu quả bảo vệ công trình càng cao.
Trên thế giới ngày càng có nhiều công trình từ quy mô nhỏ như nhà ở, trường học đến quy mô lớn như đô thị được thiết kế, quy hoạch mang tính bền vững. Và điều đó cũng tương tự cả trong phát triển xây dựng mới và các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình hiện có. Đáng mừng là ở chỗ, kiến trúc xanh không chỉ diễn ra trong một phạm vi quốc gia, khu vực bởi liên quan đến nền kinh tế xanh và biến đổi khí hậu toàn cầu. Hiển nhiên, kiến trúc xanh cũng đang ngày một phát triển ở tất cả các nơi trên thế giới.
Tòa nhà The Crystal được xây dựng ở London thực sự là một công trình kiến trúc xanh ngoạn mục bởi tính bền vững và nó có thể tự tạo ra năng lượng để vận hành các thiết bị điện tử bên trong. Hệ thống khách sạn Parkroyal (Singapore) cũng là biểu tượng công trình khách sạn xanh ngay ngoài mặt tiền với kiến trúc nghệ thuật tinh tế. Trung tâm Nghiên cứu môi trường Lewis Adam Joseph ở Oberlin (Ohio, Mỹ) cũng được thiết kế kiến trúc xanh vô cùng ngoạn mục.
Tại Việt Nam, lĩnh vực xây dựng có tiềm năng giảm thiểu năng lượng tiêu thụ không nhỏ, công trình xanh chính là giải pháp hiệu quả nhất trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia được dự báo sẽ phải chịu nhiều thách thức trước vấn đề biến đổi khí hậu.
Từ năm 2000, đã có nhiều hoạt động tích cực đối với vấn đề này như việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh. Mặc dù đã có nhiều những công trình xanh tiêu biểu của Việt Nam được chú ý như Bamboo Wing, khu nghỉ dưỡng Flamingo (Đại Lải, Vĩnh Phúc), Khu nghỉ mát Ana Mandara Villas Dalat (Resort & Spa) tại Đà Lạt... nhưng trong thực tế, phong trào phát triển công trình xanh ở Việt Nam mới đi được những bước đầu tiên. Kiến trúc xanh tại Việt Nam chưa thực sự đạt hiệu quả như kỳ vọng và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội.
Để công trình xanh được áp dụng phổ biến, cần sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt khuyến khích phong trào kiến trúc xanh đến mọi nhà, cấp, ngành,… Nhà nước cần có chính sách khuyến khích như giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng, ưu tiên cấp phép xây dựng những công trình xanh; đồng thời, phải giải quyết được bài toán xây dựng nhận thức của xã hội về vấn đề này, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan.