Aa

Kiều hối 2020 khó đạt mục tiêu

Thứ Bảy, 31/10/2020 - 06:15

Nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế cũng như giúp nền kinh tế giảm sự phụ thuộc vào dòng vốn nước ngoài.

Tác động lớn từ dịch

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối trên toàn thế giới dự kiến sẽ giảm khoảng 20% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cơ quan này cũng nhận định năm nay, dòng kiều hối toàn khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dự kiến sẽ giảm 13% do sụt giảm dòng tiền từ Hoa Kỳ - vốn được xem nguồn kiều hối lớn nhất khu vực này.

Tại Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nhận định, suy thoái kinh tế từ đại dịch Covid-19 sẽ đe dọa an ninh và phúc lợi nghề nghiệp của hơn 91 triệu người di cư quốc tế từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, dòng kiều hối chuyển vào châu Á trong năm 2020 có thể giảm 54,3 tỷ USD, tương đương khoảng 20% mức hiện nay. Báo cáo của ADB cũng chỉ ra Việt Nam, Indonesia và Philippines là ba quốc gia Đông Nam Á có dòng kiều hối sụt giảm mạnh nhất trong năm 2020.

Kiều hối toàn khu vực Đông Á - Thái Bình Dương dự kiến giảm 13%

Tuy nhiên, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM thông tin mới đây, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch nhưng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM thông qua các NHTM và các tổ chức kinh tế trong 9 tháng năm 2020 đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019. Con số này của cả năm 2020 ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 0,82% so với năm trước.

Cho rằng đây là con số tích cực với TP.HCM, nhưng PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận thấy con số này cũng không phản ánh bức tranh chung tình hình kiều hối về Việt Nam năm nay. Chuyên gia này đánh giá, một số vùng có người Việt Nam cư trú đông như Pháp, Mỹ, Canada trong năm nay đều gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Giãn cách xã hội ở nhiều quốc gia khiến hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ, gián đoạn. Kiều hối về ít đi đó là xu thế và để hy vọng có lượng kiều hối lớn đổ về Việt Nam năm nay là rất khó.

Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng kiều hối năm 2020 sẽ thấp hơn năm 2019 khá nhiều. Theo TS. Hiếu, số liệu kiều hối về TP.HCM nêu trên chỉ mang tính tương đối, bởi kiều hối về Việt Nam đến từ kênh chính thức và kênh phi chính thức, trong đó kênh phi chính thức chiếm tỷ trọng cũng tương đối nên khó có thể lượng đoán được. Con số chính thức vẫn phải chờ thông tin từ phía NHNN hoặc các tổ chức tài chính.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng nhận định, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2020 giảm khoảng 10 - 15% so với năm 2019 và có thể giảm mạnh hơn, khoảng 15 - 17%, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến xấu.

Trên thực tế, tình hình dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, Pháp đã công bố lệnh đóng cửa toàn quốc kéo dài một tháng, Đức áp đặt các biện pháp hạn chế mới khi các quốc gia lớn nhất EU thừa nhận các bệnh viện sẽ sớm bị quá tải bởi dịch Covid-19. Tại Mỹ - quốc gia mà lượng kiều bào Việt chiếm gần 1/2 tổng số kiều bào Việt trên khắp thế giới, với lượng kiều hối hàng năm gửi về cao nhất cả nước - tình hình Covid-19 tiếp tục ghi nhận những con số kỷ lục, trung bình mỗi ngày, quốc gia này có thêm 71.832 người nhiễm mới theo số liệu của trường đai học John Hopkins. Giới chuyên gia nhìn nhận, doanh nghiệp của các kiều bào Việt cũng không tránh khỏi tác động từ dịch, dịch vụ trong cộng đồng người Việt cũng bị đóng cửa khá nhiều đồng nghĩa với lượng tiền gửi về cho bà con tại Việt Nam cũng sẽ thu hẹp lại.

Có thể hồi phục nếu dịch được kiểm soát

Kiều hối được xem là một trong những nguồn lực quan trọng để hỗ trợ kinh tế tại Việt Nam. Nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế cũng như giúp nền kinh tế giảm sự phụ thuộc vào dòng vốn nước ngoài.

Những năm gần đây, lượng kiều hối chuyển về nước khá lớn. Đáng chú ý, cơ cấu của dòng kiều hối cũng có những dịch chuyển tích cực khi lượng kiều hối chuyển về nước để đầu tư kinh doanh ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Thực tế, lượng kiều hối về Việt Nam những năm gần đây đã có sự chuyển dịch, không còn dừng lại ở việc gửi tiết kiệm mà đã dần chuyển hướng sang đầu tư chứng khoán, bất động sản, mua cổ phần, cổ phiếu, thành lập doanh nghiệp…

Có được kết quả này, theo giới chuyên gia là do nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá nhanh trong khi kinh tế vĩ mô ổn định. Bên cạnh đó cũng bởi chính sách thu hút kiều hối của Việt Nam đã thông thoáng hơn so với giai đoạn trước, tạo điều kiện cho kiều bào chuyển tiền về Việt Nam. Nhà nước cũng đã có những điều chỉnh về chính sách phù hợp để khuyến khích dòng kiều hối chảy về Việt Nam như các chính sách về quốc tịch, hộ tịch, sở hữu nhà đất… Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, “việc chúng ta muốn đẩy mạnh thu hút kiều hối cần tiếp tục nghiên cứu để có những chính sách mở rộng hơn nữa, nhất là với việc xuất nhập cảnh của những Việt kiều có mong muốn về nước”.

Để đón dòng kiều hối cuối năm, các NHTM cũng đang rục rịch cung cấp các dịch vụ nhận và chuyển tiền. Trung tuần tháng 9/2020, LienVietPostBank và SmartPay (ví điện tử của SmartNet) đã ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác triển khai các hoạt động hợp tác song phương về ví điện tử, kiều hối và các dịch vụ khác. Vietcombank tặng 100.000 đồng cho các giao dịch chuyển, nhận tiền kiều hối có giá trị từ 2.000 USD trở lên (hoặc tương đương). Vietcombank mới đây cũng phối hợp với Công ty Kiều hối Vietcombank (VCBR) triển khai chương trình khuyến mại “Nhận tiền kiều hối - Nhân đôi niềm vui” thực hiện từ nay cho tới hết tháng 1/2021.

Theo đó, nhà băng này sẽ tặng 100.000 đồng cho các giao dịch chuyển, nhận tiền kiều hối có giá trị từ 2.000 USD trở lên (hoặc tương đương). Từ nay tới 31/12/2020, Agribank cũng triển khai chương trình khuyến mại “Kiều hối Agribank, Tích điểm - Đổi quà”; khách hàng thực hiện thành công mỗi giao dịch chuyển hoặc nhận tiền Kiều hối qua hệ thống WU tại Agribank sẽ được hệ thống Agribank tự động tích điểm, điểm tích lũy càng cao khách hàng sẽ có cơ hội để đổi điểm nhận quà với giá trị lên tới 1 triệu đồng.

WB ước tính, năm 2021, lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ hồi phục và tăng 5,6%, lên 470 tỷ USD. Nhưng tất nhiên, triển vọng có được hay không sẽ phụ thuộc vào tác động của Covid-19 đối với tăng trưởng toàn cầu và các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, doanh thu kiều hối sẽ có thể phục hồi vào năm 2022.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top