Theo số liệu của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 2,58% so với cùng kỳ năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 1,64%. Đây là chỉ số CPI tương đối thấp trong điều kiện lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới cao ở mức kỷ lục trong hàng mấy chục năm và giá cả nhiều mặt hàng như xăng dầu, nguyên nhiên vật liệu đầu vào của nền sản xuất tăng cao. Áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm 2022 với nền kinh tế Việt Nam vẫn rất lớn, cần có các biện pháp quản lý phù hợp.
*****
TÌNH HÌNH LẠM PHÁT 8 THÁNG NĂM 2022
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), CPI bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 2,58% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số lạm phát cơ bản bình quân trong 8 tháng năm 2022 tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2021.
Việc chỉ số CPI 8 tháng năm 2022 tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,64%, được hỗ trợ bởi một số nguyên nhân. Trước hết, mặc dù một số nền kinh tế lớn trên thế giới từng bước phục hồi, nhưng do tác động của các gói hỗ trợ kích cầu trong đại dịch Covid-19 nên lạm phát của các nước trên thế giới tăng cao. Lạm phát của Mỹ tăng 8,6% trong tháng 8 sau khi đạt mức cao nhất kể từ năm 1981 vào tháng 7 là 9,1%, lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng ở mức cao kỷ lục.
OECD nâng gấp đôi mức dự báo lạm phát trong nhóm 38 nước thành viên lên 8,5%, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 1988. Lạm phát ở Anh đã tăng lên 10,1% trong tháng Bảy, mức cao nhất kể từ năm 1982; Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo lạm phát có khả năng sẽ tăng lên 13% trước cuối năm nay do giá năng lượng tăng cao. Riêng Thổ Nhĩ Kỳ, mức độ tăng của giá cả còn lên tới 73%. Đồng thời, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 tại một số thành phố lớn ở Trung Quốc và việc thực hiện chính sách “Zero covid” đã làm đứt gẫy nguồn cung vật tư, linh kiện phục vụ sản xuất của thế giới.
Thêm vào đó, cuộc xung đột Ukraine và chính sách trừng phạt kinh tế tăng dần của các nước phương Tây đối với Nga cùng sự trả đũa cũng rất mạnh mẽ của Nga đối với các nước phương Tây làm cho nguồn cung xăng dầu, gas và nhiều vật tư, nguyên liệu bị xáo trộn. Giá cả xăng dầu và nhiều loại vật tư nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đã tăng cao, tác động mạnh đến lạm phát. Nhưng tình hình giá cả ở Việt Nam chưa bị tác động nhiều trong quý I, do sức cầu còn yếu bởi nhiều ngành dịch vụ chưa mở cửa nên CPI của một số tháng chưa tăng mạnh. Đồng thời, từ tháng cuối tháng 6/2022 giá xăng dầu và một số mặt hàng có chiều hướng giảm giá.
Thứ hai, các cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế (nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách, cán cân thương mại, quan hệ cung - cầu ngoại tệ ...) tiếp tục được kiểm soát và giữ ở trạng thái tốt hơn so với giai đoạn trước, dự trữ ngoại hối trên 115 tỷ USD, cùng với kinh nghiệm kiểm soát lạm phát thấp trong nhiều năm qua, đang tạo được niềm tin và sự ổn định nhất định của thị trường tài chính - tiền tệ.
Thứ ba, hoạt động xuất khẩu 8 tháng ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động nhập khẩu 8 tháng ước đạt 246,84 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD.
Thứ tư, mặc dù vốn FDI đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 8 tháng đạt gần 16,78 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2022 ước tính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua, giúp tăng nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế, giảm sức ép tăng giá ngoại tệ.
Thứ năm, việc điều hành chính sách tiền tệ đã linh hoạt và chủ động hơn, lượng cung tiền vào nền kinh tế ở mức vừa phải, tỷ giá cơ bản ổn định, chỉ số giá đô la Mỹ giảm Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 0,37%, VND ổn định và giảm giá nhẹ so với USD và tăng giá so với các đồng tiền khác. Đây là cơ sở để chỉ số lạm phát cơ bản thấp, giúp ổn định thị trường tài chính tiền tệ và giúp cho CPI tăng thấp.
Thứ sáu, do dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, khiến người dân đẩy mạnh chi tiêu, theo đó giá vé tàu, vé ô tô, giá vé máy bay, giá dịch vụ du lịch tăng mạnh. Việc tăng chi tiêu với chỉ số tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cuối cùng ước đạt 3.679,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 giảm 3,5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,1% (cùng kỳ năm 2021 giảm 5,1%) cũng là nguyên nhân làm cho vòng quay của tiền tệ trong nền kinh tế tăng nhẹ (khoảng 0,69 lần so với 0,65 lần năm 2021), góp phần tạo áp lực tăng CPI.
Thứ bảy, một số mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả trong nước giảm giá do được mùa và chuỗi cung ứng đã hồi phục sau khi mở cửa “sống chung” với dịch bệnh. Như giá thịt lợn, giá thịt gà, giá gạo, giá rau đều giảm. Tuy nhiên, trong tháng 6, 7 giá một số mặt hàng đã tăng cao trở lại gây áp lực lạm phát, tuy tháng 8 đã có một số mặt hàng có xu hướng giảm.
Thứ tám, đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc quản lý thị trường tài chính tiền tệ; sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ và quyết liệt của các cơ quan quản lý giá cả và cơ quan quản lý thị trường, tránh các đợt tăng giá sốc vào một số thời điểm nhạy cảm. Trong 8 tháng, để kìm giữ tỷ giá ngoại tệ và đồng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước bán ra một khối lượng khá lớn ngoại tệ và thực hiện hút ròng về hàng trăm ngàn tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu trên thị trường mở. Đồng thời, để đảm bảo kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ, theo báo cáo mới nhất của Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính đã lựa chọn thời điểm thích hợp để tăng tổng khối lượng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ gần trăm ngàn tỷ đồng với kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành bình quân năm 2022 là 14,38 năm; lãi suất phát hành bình quân hiện nay là 2,47%/năm; kỳ hạn còn lại của danh mục trái phiếu Chính phủ là 9,19 năm, đảm bảo khả năng chi tiêu của Ngân sách Nhà nước và phù hợp kế hoạch vay, trả nợ.
DỰ BÁO LẠM PHÁT NĂM 2022 VÀ KHUYẾN NGHỊ
Năm 2022, mặc dù tình hình đại dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, nền kinh tế thế giới vẫn sẽ từng bước phục hồi. Trước hết, cùng với việc lạm phát tăng cao, nhiều quốc gia đã thực hiện nâng lãi suất và các biện pháp để kìm giữ lạm phát nên sự phục hồi và phát triển kinh tế bị chậm lại. Giải pháp kích cầu gần 2 năm qua của nhiều quốc gia chẳng những không mang lại hiệu quả như mong muốn, mà còn tạo nên mất cân đối cung - cầu trầm trọng hơn, làm cho lạm phát bùng nổ trên toàn cầu, vượt đỉnh 30, 40 thậm chí 50 năm qua, mà thường bắt nguồn từ các nước có nhiều kinh nghiệm trong xử lý khủng hoảng trước đây. Hầu hết các quốc gia đã nhận ra tình trạng này và đang có các biện pháp khắc phục. Ngân hàng trung ương nhiều nước đã có các động thái giảm mua trái phiếu chính phủ và xem xét nâng mạnh lãi suất cơ bản trong 8 tháng năm 2022. Điều này có thể sẽ gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn và làm cho tốc độ phục hồi kinh tế chậm lại.
Trong Báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” ngày 7/6/2022, Ngân hàng Thế giới cảnh báo thế giới đang bước vào “thời kỳ tăng trưởng yếu kéo dài và lạm phát gia tăng” và hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 từ 4,1% xuống 2,9%. OECD cũng dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2022, giảm mạnh so với mức 4,5% được đưa ra hồi tháng 12/2021 do ảnh hưởng của tình hình xung đột tại Ukraine và các biện pháp chống lạm phát. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát vẫn cao và lãi suất tăng cao sẽ làm nhu cầu đầu vào của sản xuất thu hẹp và khả năng chi tiêu của nền kinh tế thu hẹp, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ hai, nhiều quốc gia vừa bắt đầu phục hồi kinh tế, nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, về vật tư, linh phụ kiện và hàng hóa sẽ còn tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, cuộc xung đột Ukraine và chính sách trừng phạt kinh tế tăng dần của các nước phương Tây đối với Nga cùng sự trả đũa cũng rất mạnh mẽ của Nga đối với các nước phương Tây làm đứt gãy nguồn cung xăng, dầu và nhiều loại nguyên vật liệu và lương thực của thế giới. Cuộc xung đột chưa thấy hồi kết, nên giá cả nhiều mặt hàng trong nền kinh tế khó hạ thấp. Đây sẽ là nhân tố có thể đẩy giá cả xăng dầu và nhiều mặt hàng tiếp tục ở mức cao, thúc đẩy lạm phát tăng lên.
Tuy nhiên, xung đột đã xảy ra 6 tháng nay và chỉ ở mức độ giới hạn, giá dầu thô thế giới đã xác lập mức cao quanh mốc 100 - 110 USD/ thùng và ít có khả năng tăng cao hơn, thậm chí có thể hạ thấp do tăng nguồn cung từ Venezuela, Iran. Giá nguyên vật liệu đầu vào cơ bản đã ổn định và hạ thấp. Giá xăng dầu đã hạ thấp trong cuối tháng 6 trở lại đây. Sức ép lạm phát do tăng giá đầu vào trong các tháng cuối năm không lớn như 8 tháng qua.
Thứ ba, Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới và mức độ nhập khẩu nguyên liệu đầu vào chiếm tới 37% cho nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn. Tuy nhiên, mức độ tăng giá nguyên nhiên vật liệu và hàng hóa sẽ không lớn như trong 8 tháng qua, khi đứt gẫy nguồn cung do cùng lúc xuất hiện hai nguyên nhân do xung đột Ukraine và do sự bùng phát dịch Covid-19 tại các thành phố lớn của Trung Quốc. Một số mặt hàng nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu cho đầu vào của sản xuất Việt Nam như sắt thép, đồng, nhôm, thức ăn chăn nuôi, phân bón… đã tăng giá mạnh trong giai đoạn trước. Nhưng từ cuối tháng 6 một số loại vật tư nguyên liệu, sắt thép cám ngô, thức ăn chăn nuôi... đã giảm mạnh, giảm sức ép lạm phát.
Thứ tư, kinh tế Việt Nam đã thích ứng tốt với trạng thái chung sống với dịch bệnh, sản xuất đang phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 với GDP quý I tăng 6,42%, GDP quý II năm 2022 tăng 7,72% so với cùng kỳ năm 2021; các hoạt động dịch vụ, đặc biệt là du lịch, hàng không nội địa và quốc tế được mở cửa trở lại đã tăng trưởng mạnh mẽ. Tính chung 8 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách tăng 51,6% và vận chuyển hàng hóa tăng 20,6%, luân chuyển hàng hóa tăng 28%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1.441 nghìn lượt người, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động du lịch, dịch vụ và hoạt động xuất nhập khẩu trong quý III và IV sẽ tiếp tục có xu hướng tăng cao. Cầu tiêu dùng tăng cũng là một nhân tố có thể thúc đẩy lạm phát tăng cao.
Thứ năm, thời gian vừa qua lãi suất ngân hàng đã xuống tương đối thấp. Do sản xuất phục hồi, nhu cầu về vốn tín dụng tăng cao sẽ có khả năng thúc đẩy lãi suất và lạm phát tăng cao. Ngân hàng Nhà nước đang hành động linh hoạt giữa nhiều nhân tố tác động cả trong nước và quốc tế, khi vừa phải bình ổn lãi suất thậm chí giảm được lãi suất nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng, vừa phải kiểm soát được lạm phát lại vừa lấp được hố sâu chênh lệch kích thích tỷ giá và đặc biệt là trong bối cảnh bên ngoài lãi suất của các ngân hàng Trung ương các quốc gia khác đang liên tiếp tăng lên.
Thứ sáu, năm 2022 tác động của các gói kích cầu kinh tế năm 2020, 2021 của Việt Nam sẽ bộc lộ rõ hơn do tác động bởi độ trễ của lượng tiền tệ được đưa vào thị trường. Đặc biệt, năm 2020 tín dụng trong nền kinh tế tăng trưởng 12,17% nhưng nền kinh tế chỉ tăng 2,9% GDP; năm 2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng khoảng 14% nhưng nền kinh tế chỉ tăng 2,58%, vì vậy lượng tiền tệ trong nền kinh tế tương đối lớn có thể gây sức ép lạm phát. Việc triển khai Chương trình hỗ trợ hồi phục và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội cũng sẽ gây sức ép lên giá cả nguyên nhiên vật liệu và tạo thêm sức ép tăng lạm phát.
Thứ bảy, trong vài năm gần đây do lãi suất tín dụng hạ thấp, một lượng tiền lớn có thể đã chuyển hướng vào lĩnh vực bất động sản tạo nên cơn sốt đất và tăng giá bất động sản ở nhiều địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Thanh Hóa… Sau khi Chính phủ và nhiều địa phương có động thái quản lý thị trường bất động sản, cơn sốt có hạ nhiệt, nhưng giá bất động sản vẫn cao, mặc dù thanh khoản thấp. Đồng thời, sau các quyết định kiểm tra chặt chẽ hoạt động của thị trường cổ phiếu và trái phiếu, thị trường chứng khoán có nhiều biến động và chỉ số chứng khoán sụt giảm đến 24% cũng tạo nên sự lo lắng. Cần theo dõi chặt chẽ sự biến động trên cả hai thị trường này để tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường, thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát.
Thứ tám, khả năng vốn FDI sẽ tiếp tục được giải ngân tăng cao trong năm 2022 cũng sẽ là một nhân tố có thể giúp tỷ giá VND so với các ngoại tệ bớt căng thẳng. Nhưng việc giải ngân cao cũng đòi hỏi lượng nguyên nhiên vật liệu, vật tư, lao động và các yếu tố sản xuất tăng cao, đẩy lạm phát tăng cao.
Thêm nữa, nhiều chuyên gia cảnh báo tình trạng gia tăng giá lương thực, thực phẩm thế giới trong nửa cuối năm 2022 và trong năm 2023 có thể sẽ đẩy lạm phát thế giới tăng cao. Nhưng Việt Nam đang là một quốc gia xuất khẩu lương thực, thực phẩm lớn của thế giới. Sức ép lạm phát từ tăng giá lương thực, thực phẩm sẽ thấp hơn nhiều quốc gia khác, thậm chí còn được bù đắp bởi sự gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản.
Dự báo trong các tháng cuối năm 2022 nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu ổn định như hiện nay, lãi suất của các nền kinh tế lớn tăng không quá cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 7,0% - 7,5% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 2,9% - 3,2%.
Nếu giá dầu thô hạ xuống thấp hơn hiện nay, cơ hội chống lạm phát của các quốc gia tốt hơn, kinh tế thế giới phục hồi gần với dự báo từ đầu năm, các gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế phát huy tốt tác dụng, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, khu vực du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ, tăng trưởng năm 2022 đạt mức 7,8 - 8,5% thì khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức là 3,3 - 3,6%.
Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát cần thực hiện tốt một số biện pháp.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 với các biến thể mới có thể bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh khác sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng. Đây sẽ là yếu tố tiên quyết cho khả năng tăng trưởng và ổn định kinh tế năm 2022.
- Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng GDP quý II năm 2022 đã tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011 - 2021. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”.
- Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính - tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI). Cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung tiền, mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá để giảm sức ép lạm phát trong các tháng cuối năm. Cung tiền trong thời gian qua đang tăng, tín dụng 8 tháng đầu năm 2022 tăng 9,5%. Khả năng tăng tốc độ luân chuyển của đồng tiền khi dịch bệnh được kiểm soát cũng là một thực tế cần được tính toán khi xem xét khả năng tăng cao của lạm phát.
- Bộ Tài chính cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định và phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.
- Tổng cục quản lý thị trường Bộ Công Thương và Cục quản lý giá Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa” của một số chủ thể, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa, thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả. Thời gian qua, giá xăng dầu đã giảm hơn 25%, nhưng giá nhiều mặt hàng chưa giảm, thậm chí tăng cao. Cần sớm có các biện pháp ổn định để đưa giá các mặt hàng về đúng vị trí. Đặc biệt, cần có sự theo dõi chặt chẽ của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về sự biến động trên cả thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát.
- Giá dịch vụ giáo dục sau thời gian tạm ngưng do dịch bệnh, cần thực hiện tăng theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ tại một số địa phương vào đầu năm học 2022 - 2023 cũng góp phần làm tăng chỉ số CPI. Đặc biệt cần lưu ý việc triển khai Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập có thể làm tăng các chi phí dịch vụ công. Nhiều trường đại học đang xem xét việc tăng chi phí trong năm học mới cũng là nhân tố có thể đẩy tăng lạm phát.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá, thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch các thông tin về giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tránh lạm phát kỳ vọng, tránh các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu tới mặt bằng giá cả của một số mặt hàng và mặt bằng giá cả của nền kinh tế. Cần làm cho các doanh nghiệp và người dân hiểu rằng nếu cứ cố giữ giá hàng hóa cao sẽ tạo nên chi phí đầu vào cho sản xuất cao, tạo vòng xoáy tăng giá và lạm phát cao sẽ bào mòn thu nhập thực tế của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, cần có các cơ chế theo dõi, quản lý giá thường xuyên giữa các cơ quan có liên quan và có chế tài xử lý nghiêm khắc để các chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành phải được các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư thực thi một cách toàn diện và nghiêm túc.
- Kiểm tra chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tránh việc điều chỉnh giá, tăng giá bất hợp lý. Với những mặt hàng có lộ trình tăng giá, cần xác định rõ mức độ, thời điểm thực hiện, tránh trùng các thời điểm có thể gây biến động lớn đến mặt bằng giá cả của nền kinh tế./.