Aa

Nghệ An: Kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm so với cùng kỳ

Thứ Hai, 10/04/2023 - 13:08

Hoạt động xuất, nhập khẩu của Nghệ An gặp khó khăn, trong đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Thống kê của Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2023 của tỉnh ước đạt 175 triệu USD, đưa tổng kim ngạch 3 tháng đạt 520 triệu USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2022. Còn kim ngạch nhập khẩu tháng 3/2022 dự ước đạt 85 triệu USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu 3 tháng đạt 274,2 triệu USD, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh một số mặt hàng có tỷ trọng tăng trưởng ổn định như quặng sắt, phân bón, thì nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Nghệ An như linh kiện điện tử, sợi, hàng may mặc, dăm gỗ, bao bì... đều gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ do lượng đơn hàng nhập khẩu giảm mạnh.

Cũng theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Nghệ An, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Nghệ Tĩnh trong quý I giảm so với cùng kỳ: đạt 1.025.407 tấn, đạt 91,33% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản lượng hàng xuất nhập khẩu quý I năm 2023 ước đạt 385.500 tấn, giảm 23,30% so với cùng kỳ năm 2022; Sản lượng hàng nội địa đạt 472.321 tấn giảm 16,90%; Sản lượng hàng container ước đạt 7.880 TEU tương đương 143.123 tấn, giảm 31,72% so với cùng kỳ năm 2022.

Kim ngạch xuất - nhập khẩu Nghệ An, Nghê An
Nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Nghệ An gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ do lượng đơn hàng nhập khẩu giảm mạnh.
(Ảnh: H.Q).

Đánh giá vấn đề trên, một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho rằng, do khách hàng không bán được hàng nên nhu cầu vận chuyển container trong nước giảm mạnh. Đặc biệt, trong thời gian qua, giá cước vận tải quốc tế giảm rất mạnh nên các hãng tàu chạy tuyến quốc tế đã rút bớt tàu và chuyển sang khai thác thêm tuyến nội địa, dẫn đến giá cước vận chuyển hàng container nội địa giảm theo. Mặt khác, do tình hình thị trường container quốc tế khó khăn nên trong thời gian vừa qua các chuyến tàu quốc tế do VIMC Lines khai thác tạm thời dừng tuyến cập cảng Cửa Lò.

Không chỉ thiếu vắng đơn hàng, hoạt động xuất khẩu còn phải đối mặt với thách thức từ việc sụt giảm giá nhiều mặt hàng chủ lực. Theo đó, hiện giá xuất khẩu bình quân các mặt hàng như: đá các loại, dăm gỗ, sắn và sản phẩm từ sắn đã giảm; giá cao su giảm mạnh 20,6%. Một số mặt hàng công nghiệp chế biến cũng chịu cảnh sụt giá mạnh như phân bón giảm 25,5%; sắt thép giảm 32%...

Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc (như tinh bột sắn, hoa quả tươi) thường xuyên gặp tình trạng tắc nghẽn khu vực cửa khẩu (cửa khẩu Kim Thành - Lào Cai, Móng Cái - Quảng Ninh…) gây tình trạng giao nhận hàng bị chậm trễ… Nhóm khoáng sản, mặt hàng bột đá vôi trắng xuất khẩu chủ yếu sang các nước như Ấn Độ hiện đang chịu sự cạnh tranh rất gay gắt từ các đối thủ nước ngoài, đặc biệt là Malaysia do giá từ các nước này rẻ hơn nhiều.

Cũng theo phản ánh của các doanh nghiệp, hầu hết các chi phí phục vụ sản xuất đều tăng nhưng giá bán hàng khó tăng do cạnh tranh thị trường với các đơn vị cùng ngành trong nước và nước ngoài.

Từ nửa cuối năm 2022, lạm phát tăng và việc thắt chặt chi tiêu tại một số thị trường xuất khẩu quan trọng khiến sức mua hàng dệt may có xu hướng giảm (từ Hoa Kỳ, EU), nhiều doanh nghiệp dệt may bị sụt giảm đơn hàng nghiêm trọng. Đơn cử như mặt hàng linh kiện điện tử gặp khó khăn do khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang một số nước như Ấn Độ, châu Âu tương đối khó.

Tuy nhiên, giá một số mặt hàng như xăng dầu, than đá, gạo, chè lại đang có xu hướng tăng. Trước tình hình như vậy, Sở Công Thương Nghệ An cho biết sẽ tập trung triển khai các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống, vừa đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Sở Công Thương tỉnh Nghệ An nhận định và đưa ra một số giải pháp như: Sự sụt giảm của nhu cầu các nước trên thế giới là khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Nghệ An trong năm 2023.

Tuy nhiên, bên cạnh thách thức thì vẫn có nhiều yếu tố tích cực như các Hiệp định thương mại tiếp tục được thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; thu hút đầu tư từ các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu; các doanh nghiệp Nghệ An tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các Hiệp định FTA.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An tích cực tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nâng cao nhận thức về hướng tiếp cận mới với kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm thay đổi dần tư duy sản xuất của doanh nghiệp, khuyến khích áp dụng công nghệ. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, gia tăng hàm lượng chế biến sâu và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông sản của Nghệ An./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top