Aa

Kinh doanh khách sạn vẫn bết bát

Thứ Năm, 17/12/2020 - 08:00

Ngành du lịch vừa phục hồi nhẹ đã phải tiếp tục đối đầu với tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến kinh doanh khách sạn vẫn bết bát.

Tiếp tục lao dốc

Kể từ cột mốc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm mạnh về lượng khách du lịch quốc tế và nội địa, khiến doanh thu phòng khách sạn trong 11 tháng qua đã giảm hơn 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ số ADR (giá phòng trung bình theo ngày) đã giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Thiếu vắng khách du lịch dẫn đến hàng loạt khách sạn trong hệ thống của chúng tôi phải hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa”, là chia sẻ của Trưởng phòng kinh doanh của một doanh nghiệp tại TP.HCM, đang sở hữu 5 khách sạn, resort trải dài từ TP.HCM đến Đà Nẵng.

Vị này cho hay, hiện tại doanh nghiệp ông đang rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Doanh thu từ hệ thống khách sạn trong tập đoàn chỉ đủ trả tiền điện, nước... chứ chưa đủ để trả tiền lương tối thiểu cho hơn 200 nhân viên.

Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cũng chỉ rõ, thị trường du lịch, nghỉ dưỡng của Việt Nam đang cho thấy sự phục hồi khá chậm, khi công suất lấp đầy toàn thị trường chỉ ở ngưỡng 25% do nguồn cầu du lịch nội địa chưa đủ để có thể tác động rõ rệt đến hoạt động của phân khúc này.

Tại TP.HCM, kể từ đợt giãn cách xã hội vào tháng 4/2020, công suất phòng vẫn đang nằm dưới mức 20% và thấp hơn hầu hết các thành phố khác ở khu vực châu Á. Con số này giảm mạnh so với công suất 72% đạt được vào năm 2019.

Ảnh minh họa.

Còn tại Hà Nội, trong 2 tháng vừa qua, thành phố ghi nhận công suất thuê phòng gần 35% nhờ vào các doanh nghiệp địa phương đang dần phục hồi hoạt động kinh doanh, nhu cầu lưu trú dài hạn tăng lên, cũng như các cơ sở lưu trú đăng ký cung cấp dịch vụ cách ly.

Trong tháng 10/2020, Hà Nội và TP.HCM cũng có mức công suất phòng cải thiện so với đợt giãn cách xã hội đầu tiên vào tháng 4/2020. Việc phát triển vắc-xin và những kết quả đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống Covid-19 đã củng cố niềm tin cho Việt Nam trong quá trình hồi phục thị trường du lịch nghỉ dưỡng.

Song đã xuất hiện một số ca lây nhiễm trong cộng đồng vừa qua tiếp tục khiến nhiều khách sạn tại TP.HCM và khu vực phía Nam phải nhận yêu cầu hủy phòng, một số sự kiện phải dừng hoặc hoãn do lo ngại về dịch bệnh.

Thị trường khách sạn luôn trong thế phòng thủ

Trước những diễn biến phức tạp của Covid-19, nhu cầu du lịch trong nước giảm mạnh và khách du lịch nội địa - vốn là lối thoát của thị trường trở nên trầm lắng.

Theo các chuyên gia, diễn biến phòng chống Covid-19 tích cực là một điểm cộng lớn, nhưng sự hồi phục hoàn toàn của ngành dịch vụ lưu trú và khách sạn sẽ còn phải đối mặt với nhiều biến động khó lường và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch của thế giới.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương phân tích, việc xuất hiện lại ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng thường làm chậm tiến trình phục hồi so với dự kiến. Ví dụ, các điểm đến ven biển ghi nhận dấu hiệu phục hồi từ tháng 5/2020 với lượng khách tốt và lượng đặt phòng tăng. Thế nhưng, việc tái bùng phát dịch ở Đà Nẵng đã ảnh hưởng nặng đến mùa du lịch cao điểm của khu vực này.

Chủ các khách sạn tại Đà Nẵng cho biết, sau dịch, họ nỗ lực cải thiện doanh thu bằng cách đưa ra mức giá dịch vụ thấp hơn so với thông thường nhằm gia tăng sức hút với nhóm khách du lịch có ngân sách thấp. Hệ quả của việc này dẫn đến giá phòng tiếp tục xu hướng giảm.

Nhận định về thị trường thời gian tới, ông Nguyễn Trọng Thức, Phó Giám đốc Công ty CBRE Hotels Việt Nam đưa ra dự báo, năm 2021, thị trường khách sạn sẽ luôn trong tư thế phòng thủ. Ông Thức cũng cho rằng, hoạt động kinh doanh của thị trường có thể thay đổi liên tục do phải đối mặt với những biến động khó lường về dịch bệnh cho đến khi có vắc-xin phòng ngừa hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

Hiện nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư vào cuộc săn đón những tài sản bị áp lực nợ với mức định giá thấp. Tài sản bị định giá thấp chủ yếu tập trung ở những khách sạn thuộc phân khúc bình dân, còn các khách sạn 4 - 5 sao chưa ghi nhận nhiều tài sản rơi vào tình thế này. Nhiều cơ hội cũng mở ra khi những chủ sở hữu các chuỗi khách sạn đang tìm cách thoái vốn tại một số tài sản kém hiệu quả.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top