Aa

Kinh doanh nước sạch: Càng độc quyền, rủi ro càng cao

Thứ Tư, 30/10/2019 - 16:00

Cho đến hôm nay, ám ảnh về “khủng hoảng nước bẩn” Sông Đà đã lắng đi chút ít. Tuy nhiên, nỗi lo về nước bẩn thì không giảm bớt mà càng tăng lên khi mà “sự cố nước bẩn” hoàn toàn có thể ập xuống bất cứ lúc nào.

Chỉ vì hai cái xe “ất ơ” (cho đến lúc này cứ tạm cho là như thế) đổ bừa dầu thải mà phải đến một phần tư cư dân nội thành Hà Nội nháo nhào hết cả lên. Còn từ chính quyền đến các cơ quan chức năng của thành phố thì có lẽ đã “rút kinh nghiệm” sau vụ “thông báo sớm” khi cháy ở Công ty Rạng Đông nên rất dè dặt trong việc đưa ra các quyết định. 

Người dân phát hiện và phản ánh mùi khét trong nước sinh hoạt từ ngày 10/10, còn thực chất việc đổ dầu thải gây nhiễm bẩn nguồn nước ít nhất xảy ra từ ngày 8/10, nhưng phải đến ngày 15/10, nhân buổi giao ban báo chí của thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội mới khuyến cáo người dân chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt chứ không sử dụng để nấu ăn, uống.

Nhiều người sởn gai ốc khi nghĩ đến việc, nếu không phải là dầu thải mà là một chất kịch độc không mùi, không màu, không vị thì hàng triệu người đã nuốt nó vào cơ thể và hậu quả khi đó sẽ khủng khiếp như thế nào…

Tôi không quan trọng hóa vấn đề, nhưng với cách làm như của doanh nghiệp, cách giám sát như của cơ quan chức năng và cách quản lý như của chính quyền… hiện nay, thì điều gì cũng có thể xảy ra, ít nhất là với nước sạch. Hóa ra, cái sự an toàn của nước mà tất cả chúng ta, không chừa một ai, hiện đang ăn uống hằng ngày hiện nay, nó mong manh quá. 

Và cái sự an toàn của con người càng mong manh hơn khi nó là tổng hợp của bao nhiêu sự mong manh, từ thiên tai đến giao thông, từ miếng ăn thức uống đến không khí để thở. Tạm quên thực phẩm bẩn, bụi mịn trong không khí hay thủy ngân để sản xuất bóng đèn phích nước, sự lo lắng của người dân nói chung và Hà Nội nói riêng bây giờ dồn vào nước sạch.

Vậy, làm thế nào để giảm bớt rủi ro cho nước sạch?

Sau khủng hoảng nước Sông Đà, các chuyên gia và dư luận mới giật mình chỉ ra những lỗ hổng từ sản xuất, kinh doanh đến quản lý, từ cơ chế giám sát đến thực hiện báo cáo, từ quan trắc đến xét nghiệm thường xuyên… Nhưng nói gì thì nói, đơn vị sản xuất vẫn là người chịu trách nhiệm trực tiếp và trước tiên.

Lương tâm, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh đang là vấn đề nhức nhối lớn của xã hội, khi mà thuốc giả thuốc thật không biết đâu mà lần, và tràn lan thực phẩm bẩn, thực phẩm độc. Lại càng lo sợ hơn khi có sự độc quyền trong một lĩnh vực nào đó.

Động lực từ cơ chế thị trường làm người ta xao nhãng những cảnh báo của các chính trị gia. Đến khi sự cố xảy ra, không ít người mới liên tưởng đến câu nói của Karl Marx, đại ý là, khi lợi nhuận đến mức khủng thì có treo cổ lên người ta cũng dám làm.

Độc quyền trong sản xuất, cung cấp nước sạch là độc quyền tự nhiên. Trước tiên, nước sạch là loại hàng hóa đặc thù, bởi việc bán hàng đi liền với hạ tầng là mạng lưới đường ống truyền tải, cung cấp nước. Hạ tầng này không những phải đầu tư lớn mà còn không phải lúc nào và ai cũng có thể làm được. Mặt khác, không phải cứ có tiền là mua được nước, càng không phải thích mua của ai thì mua. Cũng không phải cứ sản xuất ra là bán được nước sạch, lại càng không phải thích bán cho ai thì bán. 

Tóm lại, cả người bán và người mua là cố định, và người quyết định không ai khác chính là chính quyền thành phố. Chính quyền quyết định nhà sản xuất nào cung cấp nước cho địa bàn nào, cũng có nghĩa là người dân nào phải dùng nước của nhà máy nào. Không ai có thể làm khác được.

Chính vì thế, nước Sông Đà nhiễm bẩn, nhưng người dân thuộc khu vực dùng nước sông Đà không thể tự mình chạy sang mua nước của nhà cung cấp khác được. Cho nên, ngay đến như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đứng đầu cái ngành vừa quản lý chuyện nước (tài nguyên), vừa chỉ đạo chuyện sạch bẩn (môi trường), khi trả lời báo chí trong những ngày khủng hoảng nước Sông Đà cũng phải thốt lên rằng, chính ông và gia đình cũng đã phải 3 ngày dùng nước bẩn đó.

Còn Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải mặc dù khẳng định, nếu doanh nghiệp cung cấp nước không đáp ứng được yêu cầu, "lúc nào Thành phố cũng có quyền cắt hợp đồng, chọn doanh nghiệp khác”, nhưng có phải nói cắt hợp đồng là cắt ngay được đâu. Khủng hoảng nước sông Đà xảy ra chỉ mới khoảng nửa tháng mà đã nhao hết cả lên, bây giờ lại “cắt” luôn thì có mà loạn. Muốn thay nhà cung cấp khác thì nào là phải xin chủ trương, phải đấu thầu, phải lập và duyệt dự án, rồi xây dựng, nghiệm thu, vận hành… nhanh cũng phải mất dăm năm. Vậy thời gian ấy, có ai dám tình nguyện không sử dụng nước???

Thái độ của người đứng đầu Thành phố và người đứng đầu Bộ về môi trường chính là phản ánh sự bức xúc của người dân đã lên mức cùng cực. Nhưng bức xúc cũng chỉ là bức xúc. Thử hỏi thành phố có dám cắt ngay hợp đồng với doanh nghiệp không? Còn Bộ trưởng phải dùng nước bẩn 3 ngày nhưng như thế thì sao, có thể không mua nước của Sông Đà được không? Điều đó cho thấy mức rủi ro cao ra sao khi thành phố đánh cược sức khỏe, tính mạng người dân vào tay một số nhà sản xuất nước sạch ít ỏi.

Nắm được cái thóp ấy nên khi phát hiện nguồn nước vào ô nhiễm, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) không cắt nước. Nhưng chiều 15/10, khi Thành phố khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng nguồn nước nhiễm dầu để tắm giặt chứ không dùng để ăn uống thì ngay đêm đó, Viwasupco cắt hẳn việc cung cấp nước. 

Cho dù nước nhiễm bẩn, không dùng ăn uống được, nhưng dù sao cũng vẫn còn có thể dùng cho sinh hoạt như giặt giũ, vệ sinh… và người dân có thể mua nước đóng chai để ăn uống. Nhưng khi cắt hẳn thì sinh hoạt của cư dân sẽ rối loạn, vì có là đại gia cũng không thể mua nước đóng chai về đổ nhà vệ sinh hay giặt quần áo… Phải chăng biết thế nên nhà sản xuất mới làm mình làm mẩy, đã không xin lỗi thì chớ còn cắt hẳn nước cho… biết? Và y như rằng, sang ngày 16/10, Thành phố phải yêu cầu Viwasupco cấp nước trở lại, dù là nước bẩn nhưng vẫn còn có cái để dùng cho sinh hoạt.

Nói sơ qua đã thấy rõ, cái thế của sự độc quyền nó lớn đến mức nào. Độc quyền, dù muốn dù không, bao giờ cũng dẫn đến ỷ thế, cái thế độc quyền.

Nói nhà sản xuất nước sạch có tính độc quyền tự nhiên cũng đúng, nhưng cái sự độc quyền ấy không thể là độc tôn, lại càng không phải là vĩnh viễn.

Còn như hiện nay, mặc dù có một vài nhà sản xuất chính cho TP. Hà Nội, nhưng mỗi nhà sản xuất lại cung ứng nước cho những địa bàn nhất định, vì vậy về thực chất cũng là độc tôn. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, cần thay đổi việc phân vùng cấp nước cố định bằng việc thiết lập mạng lưới đường ống theo mô hình mạng vòng, kết nối hệ thống truyền tải nước cấp 2 trong toàn thành phố. Khi một nguồn cung cấp nước gặp sự cố sẽ đóng van nguồn đó và điều tiết nước từ nguồn khác, như vậy sẽ không có cảnh cả một khu vực bị cô lập về nước sạch như cuộc khủng hoảng nước Sông Đà vừa qua.

Đồng thời, chỉ nên tư nhân hóa khâu sản xuất nước sạch, còn khâu phân phối nước trực tiếp đến người dân vẫn phải do nhà nước đảm nhiệm, vì việc cung cấp nước sạch là dịch vụ công ích và nước sạch là mặt hàng thiết yếu. Thực ra, chẳng nói đâu xa mà ngay TP.HCM và một số địa phương khác ở nước ta cũng đang áp dụng mô hình trên trong việc cung ứng nước sạch.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, nên để các nhà đầu tư bất động sản tham gia vào kinh doanh nước sạch để vừa tạo sự cạnh tranh lành mạnh, vừa giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực này. PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, về nguyên tắc, những công ty kinh doanh nước sạch phải đảm bảo chất lượng nước sạch đến từng người dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp bất động sản lại phải đầu tư để thiết kế, lắp đặt thêm các công trình lọc nước cho từng tòa nhà để bảo đảm nước sạch đủ tiêu chuẩn uống được tại vòi cho cư dân của mình, mà Tập đoàn Capital House là một trong những ví dụ đó.

Từ thực tế trên đặt ra câu hỏi, như thế thì tại sao lại không để các nhà đầu tư bất động sản tham gia kinh doanh nước sạch? 

Đây chính là một mũi tên trúng nhiều đích. Vì như thế sẽ mở rộng cạnh tranh, mở rộng nhà cung cấp, tạo sự công khai, minh bạch trong kinh doanh nước sạch, từ đó sẽ giảm được giá nước sinh hoạt. Đồng thời, các nhà đầu tư bất động sản cấp nước cho chính cư dân của mình, liên quan đến cả chuỗi sản phẩm chính là bất động sản nên sẽ tăng tính trách nhiệm hơn là nhà sản xuất nước thuần túy hiện nay. Và, vấn đề mấu chốt là sẽ hạn chế được sự độc quyền, từ đó sẽ giảm thiểu rủi ro, tăng sự an toàn cho việc cung cấp nước.

Còn không, trong tương lai không ai dám chắc sẽ không xảy ra một cuộc khủng hoảng nước tương tự như vừa qua, thậm chí có thể là thảm họa nếu không có cơ chế và sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ.

Bởi, càng độc quyền, rủi ro càng cao./.

(Nguồn ảnh trong bài: Zing News)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top