TS. Giản Tư Trung: “Kinh doanh vì người là cách vì mình khôn ngoan nhất“

TS. Giản Tư Trung: “Kinh doanh vì người là cách vì mình khôn ngoan nhất“

Hà Thương (Thực hiện)
Hà Thương (Thực hiện) ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Bảy, 17/06/2023 - 06:00

Theo TS. Giản Tư Trung, kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm, dịch vụ tốt lành. Đây là kiểu kinh doanh vì người mà cũng chính là đang vì bản thân doanh nhân, doanh nghiệp theo cách khôn ngoan nhất.

******

Lời toà soạn:

Lịch sử đất nước dù thăng trầm, biến đổi không ngừng nhưng thời nào, giai đoạn nào dân tộc Việt Nam cũng sản sinh ra những doanh nhân vươn lên làm sự nghiệp lớn. Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành những tên tuổi lớn, kiến tạo những thương hiệu quốc gia. Trong hành trình phát triển, từ những thăng - trầm, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã bộc lộ bản lĩnh và khát vọng, cống hiến và đồng hành cùng vận nước. 

Khi đất nước phải căng mình ứng phó với hệ quả của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn kiên cường ở mặt trận kinh tế; đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn. Họ cũng là những người tiên phong đang giải bài toán hậu Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - những người truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất về câu chuyện vượt khó, làm giàu và sống có trách nhiệm - đã có nhiều đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và tạo nên những thay đổi tích cực cho cộng đồng. 

Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: "Nguồn lực phát triển cho giai đoạn tới là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất". Để hiện thực hoá khát vọng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hùng cường vào năm 2045, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt chính là rường cột cho công cuộc kiến tạo tương lai thịnh vượng, với vai trò dẫn dắt và truyền cảm hứng trên hành trình thực hiện sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của mình. 

Trân trọng và tự hào trước tinh thần phụng sự đất nước của cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân Việt, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) thực hiện chuyên đề: Doanh nghiệp, doanh nhân và trách nhiệm xã hội. 

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

 

TS. Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED là người có hơn 20 năm miệt mài gắn bó với sự học của doanh giới và với sự nghiệp nâng cao doanh trí, hơn ai hết, ông cũng là người hiểu rõ về "đạo kinh doanh" của doanh nhân, doanh nghiệp.

Theo ông, doanh nhân là người làm kinh doanh, nhưng thế nào là "kinh doanh", đó mới là điều quan trọng. Kinh doanh không phải chỉ là kiếm tiền, kinh doanh cũng không phải phụng sự xã hội một cách đơn thuần, mà kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm, dịch vụ tốt lành.

"Chiếc áo không làm nên thầy tu"

PV: Là người miệt mài gắn bó với sự học của doanh giới suốt hơn 2 thập kỷ qua, hai chữ "doanh nhân" được ông hiểu như thế nào, thưa ông?

TS. Giản Tư Trung: Nếu hiểu một cách nôm na, dân dã thì "doanh" là kinh doanh, "nhân" là người, doanh nhân là người làm kinh doanh.

Còn để hiểu một cách cụ thể thì doanh nhân phải là những người cùng doanh nghiệp mình đáp ứng được cả chuỗi trông cậy của cộng đồng, xã hội. Bắt đầu từ việc thấu hiểu được xã hội đang cần gì, muốn gì, để từ đó nhìn nhận được những vấn đề cần phải giải quyết. Kế tiếp là sáng tạo ra những giải pháp để giải quyết những vấn đề này. Rồi biến các giải pháp ấy thành sản phẩm, dịch vụ tốt lành nhằm đưa vào cuộc sống, thúc đẩy xã hội đi lên một cách tốt đẹp hơn. Khi đó, sản phẩm và dịch vụ của doanh nhân và doanh nghiệp sẽ trở thành phương tiện để giải quyết những vấn đề của xã hội.

Hiểu như thế này để thấy rằng, không phải cứ bỏ tiền ra mở công ty là mặc nhiên trở thành doanh nhân. Hiểu như thế này để thấy rằng, "chiếc áo không làm nên thầy tu". Doanh nhân là người làm kinh doanh nhưng mục tiêu hàng đầu của việc kinh doanh là hướng đến việc giải quyết các vấn đề của xã hội, phục vụ xã hội, cùng doanh nghiệp của mình làm những việc "lợi mình, lợi người, lợi cộng đồng" thì đó mới là doanh nhân thực thụ.

Khi chúng ta hiểu đúng bản chất như vậy và khi doanh nhân làm kinh doanh như vậy, xã hội sẽ có những cái nhìn tốt đẹp về doanh giới, sẽ quý trọng doanh giới.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm, dịch vụ tốt lành. (Ảnh: HT)

PV: Như chia sẻ của ông thì rõ ràng, doanh nhân mang một sứ mệnh rất lớn đối với sự phát triển của đt nước và cộng đồng xã hội, thế nhưng ti sao, dư luận xã hội dưng như vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với đội ngũ này? Từ trong nhận thức, nhiều người vẫn cho rằng doanh nhân là "ăn trên ngồi trốc", là trọc phú, con buôn...?

TS. Giản Tư Trung: Để hiểu hơn về điều này, chúng ta thử quay ngược dòng lịch sử kinh thương Việt Nam. Kể từ thời phong kiến, những định kiến về giới doanh nhân đã bắt đầu xuất hiện.

Nguyên nhân là do hệ tư tưởng Nho giáo lúc bấy giờ quy định trật tự xã hội là Sĩ - Nông - Công - Thương - Binh. Tức những người làm kinh doanh chỉ xếp ở vị trí thứ 4, là những người thuộc tầng lớp "hạ đẳng" của xã hội. Bởi người ta tin rằng, nông dân mới là lực lượng quan trọng tạo ra của cải vật chất, nuôi sống con người còn doanh thương không tạo ra giá trị gì cho xã hội mà chỉ là mua đi bán lại kiếm lời.

Mặt khác, trọng nông hơn trọng thương là do cách làm ăn của doanh thương thời đó phần nhiều không mấy tốt đẹp. Ngày xưa làm nông phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên và thương lái. Một năm được mùa thì hai ba năm mất mùa do thiên tai, địch họa. Khi được mùa thì thương lái mua vào với giá rất thấp, còn khi mất mùa thì thương lái bán ra với giá rất cao và dù cao thì ít nhất nông dân cũng phải mua làm giống để gieo trồng. Thế nên mới nói, được mùa thì mất giá mà được giá thì mất mùa.

Tất nhiên thuận mua vừa bán, không ai ép ai, nhưng cách buôn bán này của thương nhân là không hề nhân văn. Làm giàu cho mình bằng cách làm nghèo người khác là cách làm giàu không đẹp. Chính vì vậy, đa số người nông dân không có thiện cảm, thậm chí là còn căm ghét thương nhân.

Ý thức hệ của Nho giáo đã không coi trọng những người làm kinh doanh, cộng thêm cách làm ăn không nhân văn, ít tình người, chưa kể nhiều thương nhân còn "buôn gian bán lận" đã khiến trong tâm thức của nhiều người, kinh doanh là một nghề không đáng tôn trọng. Đây chính là nguồn gốc lịch sử khiến cho một bộ phận xã hội ngày nay vẫn còn thiếu thiện cảm khi nhắc tới đội ngũ doanh thương.

Nếu như trước đó, quan điểm của các nhà Nho, thương nhân là tầng lớp hạ đẳng, thì các nhà Nho yêu nước và các trí thức Tây học đầu thế kỷ 20 đã nhận thấy vai trò của phát triển doanh thương đối với sự phú cường của quốc gia, nên đã nỗ lực thay đổi nhận thức của xã hội về thương giới, đồng thời, làm cho cho xã hội thấy rằng, thương nhân hay doanh nhân là một nghề rất quan trọng và nếu làm ăn đàng hoàng thì vẫn là một nghề rất cao quý.

Với bối cảnh này, một thế hệ doanh nhân đã xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 20. Có thể tạm gọi thế hệ doanh nhân này là thế hệ doanh nhân tiền bối hay thế hệ doanh nhân 1.0, những người đặt nền móng cho nền kinh thương Việt Nam. Và cũng từ thế hệ doanh nhân này, chúng ta đã hình thành được một tầng lớp "tư bản dân tộc". Và nổi bật trong thế hệ doanh nhân này là Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà, Trương Văn Bền…

FPT
viettel

Hình ảnh doanh nhân, doanh nghiệp đang dần được cải thiện trong mắt cộng đồng xã hội. (Ảnh: vda.com)

Giai đoạn sau năm 1945, khi đất nước xây dựng Chủ nghĩa Xã hội thì chủ trương xóa bỏ chủ nghĩa tư hữu, tầng lớp doanh nhân không còn và xã hội cũng không còn kinh doanh theo đúng nghĩa.

Giai đoạn 1954 - 1975, đất nước bị chia cắt thành 2 miền Nam - Bắc. Khi đó, miền Bắc tiếp tục đi theo Chủ nghĩa Xã hội, với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, không có kinh tế thị trường, tất cả đều sản xuất và phân phối theo kế hoạch của Nhà nước. Trong khi, ở miền Nam có thị trường, có doanh nhân, nhưng vì nhiều lý do, nhìn chung vẫn chưa hình thành được một "tầng lớp" doanh nhân đông đảo mang tinh thần "tư bản dân tộc".

Sau năm 1975, khi tiến hành cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam thì trên cả nước không còn doanh nhân, không có kinh tế thị trường, tất cả thực hiện kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp. Do đó, lịch sử của nền kinh thương Việt Nam rất thăng trầm và kinh doanh thường bị coi là chủ nghĩa cá nhân xấu xí và tham vọng tư hữu hay "bóc lột".

Năm 1990, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ra đời. Mặc dù, luật ra đời không phải là để khuyến khích kinh doanh, mà nhằm mục đích hợp thức hóa thực trạng của nền kinh tế, chuyển đổi các cơ sở sản xuất thành các công ty, doanh nghiệp để quản lý và thu thuế, nhưng đây cũng được xem là dấu mốc về sự xuất hiện của thế hệ doanh nhân 2.0.

Đến năm 2000, Luật Doanh nghiệp mới ra đời, đây có thể xem là cuộc cách mạng thực sự trong lịch sử kinh thương Việt Nam. Nếu như Luật Công ty năm 1990 với tư tưởng là người dân chỉ được làm những gì Nhà nước cho phép, thì Luật Doanh nghiệp năm 2000 là một cuộc cách mạng thực sự về tư tưởng quản lý của Nhà nước đối với khu vực này. Và tư tưởng mang tính cách mạng đó là người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Thực ra thì trong Luật không có điều khoản nào ghi cụ thể như vậy, nhưng quan điểm chủ đạo khi xây dựng Luật là trả lại quyền tự do kinh doanh cho người dân. Đây cũng là lần đầu tiên hợp thức hóa tư tưởng cốt lõi về quyền tự do kinh doanh của người dân. Do đó, từ năm 2000, chúng ta có một thế hệ doanh nhân thứ ba, tạm gọi là thế hệ Doanh nhân 3.0. Và cũng từ đây, kinh tế và kinh doanh ở Việt Nam bắt đầu bùng nổ cả về số lượng doanh nghiệp và quy mô doanh nghiệp.

Năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm làm "Ngày Doanh nhân Việt Nam" nhằm tôn vinh những người làm nghề kinh doanh. Hiện nay, nước ta chỉ có bốn nghề có ngày tôn vinh nghề, gồm nghề giáo, nghề báo, nghề thầy thuốc và nghề doanh nhân. Điều này thể hiện quan điểm chính thống của Nhà nước, kinh doanh là nghề cao quý.

Có thể nói, những dấu mốc trên là những sự kiện có tính quyết định làm thay đổi nhận thức của xã hội về giới doanh nhân, thúc đẩy doanh giới, doanh nghiệp phát triển.

Nếu ở thời điểm năm 2000, cả nước mới có khoảng 30.000 doanh nghiệp, đa số là doanh nghiệp nhà nước, rất ít doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng đến thời điểm hiện tại, sau 23 năm phát triển, cả nước đã có gần 1 triệu doanh nghiệp. Điều quan trọng hơn là hình ảnh của đội ngũ doanh nhân, những người làm kinh doanh đã đẹp hơn rất nhiều trong mắt cộng đồng xã hội.

Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm, dịch vụ tốt lành

PV: Ông có thể nói rõ hơn s thay đổi về hình ảnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam?

TS. Giản Tư Trung: Hình ảnh doanh nhân ngày nay đã trưởng thành hơn rất nhiều so với trước. Nếu trước đây, doanh nhân kinh doanh chủ yếu để kiếm tiền thì giờ đây, ngày càng nhiều doanh nhân không chỉ kiếm tiền mà còn nghĩ rộng và làm xa hơn thế. Tiền chỉ là hệ quả của kinh doanh.

TS Giản Tư Trung

Như đã nói, doanh nhân là người làm kinh doanh, nhưng thế nào là kinh doanh đúng nghĩa, vì không phải ai mở công ty cũng làm kinh doanh. Kinh doanh không chỉ là kiếm tiền, kinh doanh cũng không chỉ là phụng sự xã hội, kinh doanh cũng không phải chỉ là kiếm tiền và phụng sự xã hội, kinh doanh cũng không phải là kiếm tiền để phụng sự xã hội, mà kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm, dịch vụ tốt lành của mình.

Ví dụ với một người bán bánh, thì mục đích của họ là kiếm tiền. Mục đích này không có gì sai. Nhưng làm sao để kiếm được nhiều tiền thì câu trả lời là họ phải bán được thật nhiều bánh. Vậy làm sao để bán được nhiều bánh? Cách tốt nhất để bán được nhiều bánh là bánh của anh phải ngon, bổ, rẻ, hợp vệ sinh và phục vụ tốt. Ngược lại, nếu bánh anh bán không đáp ứng được những tiêu chuẩn này thì sẽ không thể bán được nhiều bánh và nếu không bán được nhiều bánh thì cũng không thể kiếm được nhiều tiền.

Như vậy có nghĩa, khi tạo ra được một chiếc bánh ngon, bổ, rẻ, hợp vệ sinh, dịch vụ tốt là người làm kinh doanh đang nỗ lực kiếm nhiều tiền cho chính mình bằng cách phụng sự xã hội.

Cá nhân tôi đã và đang gắn bó với sự học của doanh nhân trong suốt hơn 22 năm thông qua Trường Doanh Nhân PACE, và một trong những việc quan trọng nhất mà chúng tôi làm khi tiếp sức cho sự học của doanh giới là chia sẻ tư tưởng kinh doanh này. Thật hạnh phúc là ngày nay, tư tưởng kinh doanh này đã trở nên khá phổ biến và được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận ngày càng nhiều. Chính vì vậy mà hình ảnh của người doanh nhân Việt đang đẹp lên mỗi ngày trong mắt người tiêu dùng, cộng đồng xã hội.

PV: Nếu "kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm, dịch vụ tốt lành" như ông nói, thì người làm kinh doanh là đang vì mình hay vì người khác?

TS. Giản Tư Trung: Con người sống vì mình không có gì sai?! Nhưng cần lưu ý là có rất nhiều cách sống vì mình. Tôi tạm chia ra 3 cách "vì mình". Cách thứ nhất là "ích kỷ ngu ngốc". Ở cách này, con người sống và làm chỉ biết vì mình và chỉ vì mình mà thôi, không quan tâm ai khác, "sống - chết, thành - bại mặc bay".

Cách thứ hai là "ích kỷ độc ác", tức là vì mình bằng cách hại người, làm lợi cho mình bằng cách làm hại người khác, mưu cầu hạnh phúc của mình bằng cách nghiền nát hạnh phúc của người khác.

Cách thứ ba là "ích kỷ khôn ngoan", tức là ích kỷ vừa khôn lại vừa ngoan. Khôn là nghĩ cho mình còn ngoan là nghĩ cho người. Ích kỷ khôn ngoan là vừa nghĩ cho mình vừa nghĩ cho người, có nghĩa là làm lợi cho mình bằng cách làm lợi cho người khác, làm gì cũng nghĩ đến chuyện lợi mình, lợi người, lợi các bên, lợi cộng đồng. Nói một cách khái quát, vì người cũng là cách vì mình khôn ngoan nhất.

Vì vậy, "kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm, dịch vụ tốt lành" là cách kinh doanh vì khách hàng, vì cộng đồng, xã hội, nhưng cũng là đang vì bản thân của chính doanh nhân, doanh nghiệp. Họ đang vì mình nhưng theo cách khôn ngoan nhất. Và kinh doanh theo cách này thì doanh nhân, doanh nghiệp cũng đang rất có đạo đức và rất có trách nhiệm.

Từ thiện, đóng thuế, tạo việc làm chưa phải là phụng sự xã hội lớn nhất của doanh nghiệp

PV: Có quan điểm cho rằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là từ thiện, đóng thuế và tạo việc làm. Ông nghĩ sao về điều này?

TS. Giản Tư Trung: Tôi cho rằng, quan điểm này là đúng nhưng chưa đủ. Từ thiện, đóng thuế hay tạo việc là những đóng góp vô cùng đáng trân quý, nhưng những việc này (nếu có), chưa phải là những đóng góp lớn nhất của doanh nghiệp. Phụng sự xã hội hay trách nhiệm xã hội lớn nhất của doanh nghiệp không gì khác mà chính là sản phẩm, dịch vụ tốt lành doanh nghiệp mang đến cho khách hàng.

Có nhiều doanh nghiệp chưa làm từ thiện, cũng không có nhiều nhân viên (nhất là các ngành nặng về chất xám), thậm chí ngành nghề của họ được miễn thuế, nhưng cống hiến của họ cho xã hội vẫn vô cùng lớn thông qua các sản phẩm, dịch vụ mà họ tạo ra.

Không có doanh nghiệp nào là không bán một cái gì đó, kể cả là doanh nghiệp bé xíu với quy mô vài nhân viên hay tập đoàn khổng lồ với hàng trăm ngàn người. Nếu cái doanh nghiệp bán tốt lành thì gọi là kinh doanh, còn cái doanh nghiệp bán không tốt lành thì không gọi là kinh doanh mà chỉ là đội lốt kinh doanh.

Ts Giản Tư Trung

Cho nên kinh doanh là kiếm tiền, điều này "tự cổ chí kim" không thể phủ nhận, nhưng phải bằng cách phụng sự xã hội thông qua những sản phẩm tốt lành. Vì vậy, không có trách nhiệm nào của doanh nghiệp lớn hơn trách nhiệm đem đến những sản phẩm, dịch vụ tốt lành và không làm phương hại đến xã hội thông qua quá trình này. Tất nhiên, sự tốt lành này phải bao gồm cả hai nghĩa về pháp luật và đạo đức. Tức là sản phẩm/dịch vụ đó phải được pháp luật cho phép và đạo đức chấp nhận.

PV: Vậy Trường Doanh nhân PACE do ông sáng lập đã khai phóng tư tưởng của doanh nhân, doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội như thế nào, thưa ông?

TS. Giản Tư Trung: Năm 2001, một năm ngay sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời, tôi và cộng sự đã sáng lập ra Trường Doanh nhân PACE - ngôi trường dành riêng cho giới doanh nhân đầu tiên trong lịch sử kinh thương Việt Nam.

Hằng năm, Trường PACE cũng thường tiếp đón đoàn các trường kinh doanh trên thế giới ghé thăm và các giáo sư cũng thường đặt câu hỏi: Trường PACE có đào tạo doanh nhân về "Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp" (CSR) không?

Tôi trả lời, ở Trường PACE không có môn học này. Câu trả lời này khiến họ rất ngạc nhiên, bởi một trường về doanh nhân hàng đầu cả nước mà lại không hề dạy một bộ môn quan trọng hàng đầu đối với mỗi doanh nhân.

Rồi nhiều người lại hỏi thêm: Trường PACE có môn "Đạo đức kinh doanh" không? Tôi trả lời, ở Trường PACE cũng không có môn Đạo đức kinh doanh. Điều này lại khiến họ ngạc nhiên hơn nữa.

Nhưng rồi họ vẫn hỏi thêm câu cuối: Sắp tới trường có ý định đưa hai môn này vào chương trình đào tạo không? Và câu trả lời của tôi vẫn tiếp tục là không. PACE chưa bao giờ dạy môn Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và Đạo đức kinh doanh và trong tương lai PACE cũng không có ý định đưa hai bộ môn này vào chương trình đào tạo của trường.

Lúc này, gần như các giáo sư của các đoàn đều sốc khi không hiểu chúng tôi đã đào tạo những gì cho doanh nhân mà lại không coi trọng đạo đức và trách nhiệm. Bởi kinh doanh mà không có đạo đức, không có trách nhiệm sẽ tạo ra một thế hệ doanh nhân vô cùng nguy hiểm cho xã hội.

Thực tế, trong hoạt động đào tạo, chúng tôi đặc biệt coi trọng đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, luôn muốn góp phần phát triển một thế hệ doanh nhân có đạo đức, có trách nhiệm, nhưng chúng tôi không thích cách tiếp cận những vấn đề này theo cách truyền thống như lâu nay. Đơn giản là vì, đã là người lớn, lại là lãnh đạo, thì có lẽ ít ai muốn được dạy bảo là phải có đạo đức hay phải có trách nhiệm.

TS Giản tư trung
TS. Giản Tư Trung trong một buổi trò chuyện với các doanh nhân. (Ảnh: NVCC)

Do vậy, thay vì triển khai môn học Đạo đức kinh doanh và Trách nhiệm xã hội, PACE đã triển khai ba môn học thay thế khiến hầu hết doanh nhân rất thích thú và say sưa, gồm: Tư tưởng kinh doanh, Văn hoá doanh nghiệp và Quản trị cuộc đời.

Ba môn học này, chúng tôi chia sẻ nhiều tư tưởng và triết lý để doanh nhân có đạo đức, có trách nhiệm mà không cần nhắc đến hai từ này. Bởi suy cho cùng, doanh nghiệp có trách nhiệm, kinh doanh có đạo đức cũng chính là vì bản thân họ đem lại lợi ích cho họ. Như tôi đã nói, kinh doanh vì người là đang vì mình một cách khôn ngoan nhất.

Vì vậy, việc chúng ta nói nhiều hay nói ít về đạo đức, trách nhiệm không quan trọng, quan trọng là phải hiểu được bản chất và gốc rễ của vấn đề. Đó là lý do Trường PACE muốn hướng người học tìm về bản chất, nắm được gốc rễ của mọi việc.

Văn hóa vừa là chân thắng, vừa là chân ga của doanh nhân và doanh nghiệp

PV: Theo quan sát của ông, những doanh nghiệp còn trụ vững sau hàng loạt sóng gió suốt thời gian qua như đại dịch Covid-19, suy giảm nền kinh tế toàn cầu, biến đng địa chính trị… đu có điểm chung là gì?

TS. Giản Tư Trung: Làm kinh doanh sẽ có lúc phải đối mặt với những sóng gió, thuyền lớn thì sóng lớn. Tuy nhiên, cùng một khó khăn nhưng mức độ chịu ảnh hưởng của các doanh nghiệp là khác nhau. Có doanh nghiệp rất chật vật để tồn tại, nhưng có doanh nghiệp lại tìm thấy vận hội trong biến động để bứt phá. Điều này giống với câu nói của Warren Buffett "Chỉ khi thuỷ triều rút thì bạn mới biết ai đang bơi mà không mặc quần áo". Thủy triều chính là cuộc khủng hoảng, còn doanh nghiệp chính là những người bơi.

Vậy những doanh nghiệp nào sẽ ít khó khăn hơn? Để trả lời câu hỏi này chúng ta chỉ cần tìm ra những doanh nghiệp khó khăn nhiều thì còn lại là những doanh nghiệp ít khó khăn hơn.

Vậy đâu là những doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều? Theo tôi, những doanh nghiệp thường vi phạm một trong hai hoặc cả hai yếu tố sau sẽ là doanh nghiệp có mức độ khó khăn nhiều hơn.

Một là doanh nghiệp rời xa "năng lực cốt lõi" của mình. Mỗi doanh nghiệp sẽ có một năng lực cốt lõi, trong trường hợp năng lực này không còn phù hợp thì doanh nghiệp có thể rời bỏ nó để tìm hướng đi mới. Nhưng nếu năng lực cốt lõi của mình vẫn chưa thay đổi mà đã vội rời xa nó thì sức đề kháng của doanh nghiệp trước những khó khăn, thử thách chắc chắn là rất yếu. Như ông bà ta thường nói "Tham đĩa bỏ mâm", nhưng trong trường hợp này, nếu "tham đĩa" thì thường bị "mất mâm", chứ không phải là "bỏ mâm".

Ví dụ, năng lực cốt lõi của doanh nghiệp là vận tải, nhưng không tập trung vào vận tải mà chuyển sang làm bất động sản và dồn phần lớn nguồn lực cho nó thì doanh nghiệp sẽ nhanh chóng lộ rõ sự yếu thế của mình khi thị trường bất động sản gặp biến động mạnh.

Hai là doanh nghiệp rời xa "giá trị nền tảng". Giá trị nền tảng chính là giá trị giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, là giá trị lợi mình, lợi người, lợi cộng đồng. Khi doanh nghiệp vì người nhưng cũng là vì mình sẽ là cách để doanh nghiệp phát triển bền vững. Nhưng nếu doanh nghiệp rời xa giá trị nền tảng này, doanh nghiệp sẽ khó trụ vững khi gặp sóng gió.

bđs
bđs

Khi toàn thị trường đóng băng, các doanh nghiệp bất động sản đều khó khăn nhưng sẽ có những doanh nghiệp ít khó khăn hơn, nếu họ phát triển phân khúc bất động sản đáp ứng nhu cầu thực của xã hội về nhà ở. (Ảnh: Tùng Dương)

Ví dụ như lĩnh vực bất động sản, khi toàn thị trường đóng băng, các doanh nghiệp bất động sản đều khó khăn nhưng sẽ có những doanh nghiệp ít khó khăn hơn, nếu họ phát triển phân khúc bất động sản đáp ứng nhu cầu thực của xã hội về nhà ở. Ngược lại, doanh nghiệp chỉ phát triển những phân khúc để phục vụ cho giới đầu cơ thì khi thị trường có biến động, giới đầu cơ sẽ rút chạy đầu tiên và chạy nhanh nhất. Khi họ chạy, dòng tiền sẽ đứng và doanh nghiệp sẽ vô vàn khó khăn.

Nhiều người nói rằng, bất động sản bây giờ phải làm nhà ở rẻ thì doanh nghiệp mới tồn tại được, nhưng tôi không cho là như vậy. Bởi nhu cầu thực về nhà ở có cả cao lẫn thấp, có cả đắt lẫn rẻ, chứ không phải nhà giá rẻ mới có nhu cầu thực. Có những khu căn hộ hạng sang giá rất cao, nhưng trong giai đoạn khó khăn vẫn bán được nếu sản phẩm đó đáp ứng nhu cầu ở thực. Bởi vì, nhu cầu để ở thì khi nào cũng có chứ không phải hết khó khăn người ta mới cần nhà để ở. Vấn đề ở đây là nhu cầu thực chứ không phải là nhu cầu đầu cơ.

Nếu doanh nghiệp vi phạm một trong hai yếu tố trên thì có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu phạm cả hai thì khó mà tồn tại được trong bối cảnh biến động như hiện tại. Tất nhiên, hai điều kiện trên là hai điều kiện cần, ngoài ra doanh nghiệp còn phải có rất nhiều điều kiện đủ khác như chiến lược đúng đắn, quản trị tài chính, quản trị nhân sự… để quyết định đến khả năng sống còn hay khả năng bứt phá của doanh nghiệp.

PV: Theo ông, doanh nghiệp và văn hoá có mi liên quan như thế nào?

TS. Giản Tư Trung: Tôi cho rằng, văn hóa là thứ làm nên ai đó hay cái gì đó, là thứ mà vì nó hay để bảo vệ nó người ta có thể sẵn lòng hi sinh mọi thứ khác; Văn hóa là những gì còn lại sau khi mất hết mọi thứ và văn hóa là những gì còn thiếu sau khi đã có tất cả.

Còn về vai trò của văn hóa đối với con người và doanh nghiệp thì tôi có thể nói ngắn gọn là: Văn hóa vừa là chân thắng ngăn ta rơi xuống vực sâu, vừa là chân ga giúp ta vượt bao đèo cao. Nếu không quan tâm đến văn hóa, doanh nghiệp không thể chinh phục các đỉnh cao và nếu không quan tâm đến văn hóa, doanh nghiệp có thể phạm những sai lầm khó có cơ hội sửa chữa. Vì vậy mà văn hoá là yếu tố sống còn, vừa là mục đích, vừa là phương cách để đạt được mục đích đối với mỗi doanh nghiệp.

Ts Giản Tư Trung

Mỗi doanh nghiệp đều có một văn hoá riêng, gọi là văn hoá doanh nghiệp. Để tạo ra văn hoá doanh nghiệp cần nhiều yếu tố, nhưng văn hoá lãnh đạo được xem là yếu tố then chốt.

Mà văn hoá doanh nghiệp lại tạo ra văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, văn hoá người lãnh đạo có vai trò quan trọng trong việc tạo ra văn hoá kinh doanh. Một lãnh đạo tử tế thì doanh nghiệp của họ không thể làm ăn bậy bạ. Bởi lẽ, làm ăn cũng là làm người. Con người mình như thế nào thì sẽ làm ăn như thế đó, nếu mình là người đàng hoàng tử tế thì mình cũng sẽ làm ăn đàng hoàng tử tế, chứ không thể có chuyện con người tử tế mà lại làm ăn bậy bạ được. Nói cách khác, cách làm ăn của doanh nghiệp sẽ là tấm gương phản chiếu trung thực nhất cách sống và cách làm người của doanh nhân và doanh nghiệp đó.

Thực học là con đường tốt nhất để mỗi doanh nhân nâng cao doanh trí của chính mình

PV: Ông có hình dung ra sao về thế hệ doanh nhân Việt Nam thời đại mới?

TS. Giản Tư Trung: Trong hình dung của tôi, thế hệ doanh nhân Việt Nam thời đại mới là thế hệ doanh nhân không chỉ có năng lực lãnh đạo hay tài năng kinh doanh, mà còn là thế hệ doanh nhân có chiều sâu văn hoá, có tính nhân bản và tinh thần ái quốc. Đó là một thế hệ doanh nhân "rất nhân loại, rất dân tộc và cũng rất là chính mình". Đó là một thế hệ doanh nhân vẫn luôn tâm niệm "Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua những sản phẩm dịch vụ tốt lành", "Kinh doanh vì người là cách vì mình khôn ngoan nhất". Và thế hệ doanh nhân mới cũng sẽ hướng đến một nền quản trị mới, một nền quản trị mang trong mình "Khát vọng dân tộc & Chuẩn mực toàn cầu", "Tinh thần Việt Nam & Tinh hoa thế giới".

PV: Theo ông, làm thế nào đ có được một thế hệ doanh nhân như hình dung của ông?

TS. Giản Tư Trung: Tôi nghĩ, không có con đường nào khác ngoài thực học, học ở trường lớp hay tự học. Thực học là con đường tốt nhất để mỗi doanh nhân tự nâng cao doanh trí của chính mình, từ đó gián tiếp góp phần nâng cao doanh trí của nền kinh thương. Khi doanh nhân có doanh trí thì mới có doanh khí, từ đó mới có năng lực lãnh đạo, khả năng kinh doanh, chiều sâu văn hoá, tính nhân bản và tinh thần ái quốc.

Trong môn học "Tư tưởng kinh doanh" của Trường PACE, chúng tôi có chủ đề thảo luận: Có hai cách kiếm tiền: Một là làm giàu mà bất lương, hai là thanh cao nhưng đói, chọn cách nào? Các doanh nhân, có người chọn cách một, có người chọn cách hai, có người không muốn chọn cách nào cả.

Thế là chúng tôi đã gợi ý thêm cách ba là giàu nhưng vẫn sang và cách này đã được tất cả các doanh nhân lựa chọn. Điều này cũng dễ hiểu, bởi đây là giấc mơ của con người, hầu như ai cũng đều mong ước được giàu sang.

Nhưng không phải cứ mong ước là thành hiện thực. Để đạt được mong ước đó là cả quá trình, thậm chí là rất gian nan; đặc biệt phải có niềm tin, có phương pháp, sự bền bỉ, chút may mắn. Và yếu tố cuối cùng - ngộ tính (nội lực). Đây cũng là lý do, lãnh đạo không phải là công việc dành cho tất cả mọi người.

Chính vì vậy, để doanh nhân vừa giàu vừa sang, tức vẫn làm giàu và vẫn được mọi người quý trọng thì đòi hỏi liên tục phát triển doanh trí của mình, mà muốn có doanh trí thì chỉ có con đường thực học.

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top