Aa

Kinh tế 6 tháng cuối năm kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn nhờ lực đẩy đầu tư công

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Thứ Tư, 30/08/2023 - 06:00

Theo các chuyên gia, đầu tư công là một trong những yếu tố thúc đẩy quan trọng cho lực cầu của nền kinh tế, đặc biệt là khơi thông dòng vốn liên quan tới các ngành nghề, lĩnh vực như: Bất động sản, xây dựng, VLXD...

  Nền kinh tế toàn cầu có nhiều tín hiệu khởi sắc

Tại hội thảo "Tích luỹ vị thế - Sẵn sàng bùng nổ", ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS Research đã đưa ra những góc nhìn cũng như đánh giá về diễn biến và tác động của kinh tế vĩ mô toàn cầu đối với nền kinh tế Việt Nam. 

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang có tín hiệu chậm lại, (đặc biệt với Mỹ và Châu Âu), tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã có sự khởi sắc. Theo ông Trần Hoàng Sơn, sự khởi sắc của tăng trưởng kinh tế toàn cầu đến từ hai yếu tố: 

Thứ nhất, lạm phát tại các nền kinh tế lớn đang dần hạ nhiệt và lực cầu của nền kinh tế đang dần tăng lên. 

Thứ hai, Trung Quốc đã bắt đầu mở cửa và lực cầu từ tăng trưởng kinh tế của quốc gia này cũng là một trong những điểm sáng của nền kinh tế vĩ mô toàn cầu năm 2023. 

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS Research.

Có thể thấy, trước bối cảnh lạm phát cao thời gian qua, hầu hết các ngân hàng trung ương đã thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ và những chính sách hạn chế về cung tiền, từ đó đẩy nền lãi suất toàn cầu lên cao hơn so với giai đoạn trước đây. 

“Chúng ta đã thấy rõ những cuộc đua lãi suất tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và Châu Âu để đối mặt với quá trình lạm phát cao nhất trong lịch sử. FED đã tăng lãi suất 10 lần, ECB tăng lãi suất 9 lần và chu kỳ tăng lãi suất này đang đạt đỉnh, cao nhất trong vòng 15 - 20 năm trở lại đây”, ông Trần Hoàng Sơn thông tin. 

Bên cạnh đó, theo ông Sơn, chính sách tiền tệ đang có sự phân hóa lớn giữa các ngân hàng trung ương giữa Mỹ, châu Âu với châu Á. Cụ thể, trong khi ngân hàng trung ương Mỹ, Anh và nhiều nước châu Âu tăngmạnh lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát thì các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam lại theo đuổi xu hướng nới lỏng tiền tệ để nỗ lực kích cầu kinh tế.

Do đó, diễn biến giá cả của nhiều loại mặt hàng đang giảm mạnh so với giai đoạn đạt đỉnh vào giữa năm 2022 như: Năng lượng, kim loại nặng, thực phẩm… đã kéo theo sự hạ nhiệt lạm phát toàn phần ở hầu hết các nền kinh tế. 

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tốt hơn các nền kinh tế khác trong khu vực

Đưa ra đánh giá về nền kinh tế Việt Nam, Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS Research cho rằng, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn nên khi kinh tế giới gặp vấn đề thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Và điều này được thể hiện qua kết quả GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72%.

Tuy nhiên từ tháng 7, nền kinh tế trong nước đã có dấu hiệu khởi sắc. Chỉ số sản xuất (PMI) đang có tín hiệu giảm chậm hơn và tốc độ sản xuất công nghiệp đang tăng trở lại đã phản ánh lực cầu tăng khi lạm phát giảm xuống. Cụ thể, tháng 7/2023, chỉ số PMI ở mức dưới 50 điểm trong tháng 4 tháng liên tiếp nhưng đã tăng lên tiến sát đến mốc 50 điểm. 

Bên cạnh đó, theo chuyên gia VPBankS Research, hoạt động xuất khẩu đang định hình xu hướng tăng trưởng tích cực qua từng tháng trong 3 tháng trở lại đây nhờ việc thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xúc tiến thương mại và được kỳ vọng phục hồi vào cuối năm 2023. 

Mặt khác, có thể thấy, ngoài lực cầu từ kinh tế quốc tế thì Việt Nam vẫn có lực cầu trong nước. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 4 lần giảm lãi suất sau khi chính sách tiền tệ chuyển từ thắt chặt sang linh hoạt, nới lỏng. Lãi suất liên ngân hàng đang neo ở mức thấp nhất kể từ thời điểm dịch Covid-19, áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn (quý III) vẫn có thể căng thẳngkhi Fed vẫn dự kiến còn một lần tăng lãi suất nữa. Tuy nhiên, theo Giám đốc chiến lược thị trường VPBankS, tỷ giá sẽ dần hạ nhiệt dần trong quý IV/2023 và đầu năm 2024. 

Do đó, khi đưa ra dự báo cho tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam, ông Sơn khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tốt hơn các nền kinh tế khác trong khu vực và đạt mức 5 - 5,5% trong năm 2023”.

Cũng chung góc nhìn về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia đánh giá, nền kinh tế thế giới sẽ có xu hướng đi ngang hoặc đi lên. Trong lịch sử, khi kinh tế thế giới đi ngang hoặc đi lên thì kinh tế Việt Nam đi lên rất rõ ràng vì Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh. 

“GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 5,3 - 5,5% trong năm 2023 và có thể đạt mức 6% vào năm 2024”, TS. Lê Xuân Nghĩa dự đoán.

Đầu tư công sẽ là “vốn mồi” để dắt kinh tế Việt Nam hồi phục nửa cuối năm

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trong giai đoạn cuối năm 2023, có ba động lực chính sẽ dẫn dắt kinh tế Việt Nam hồi phục. 

Đầu tiên là nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam phục hồi nhanh hơn so với mức chung của thế giới. Các tín hiệu gần đây cho thấy lượng đơn hàng của các doanh nghiệp FDI đang tăng lên, đặc biệt trong ngành điện tử và các nhà đầu tư nước ngoài không chịu ảnh hưởng bởi lãi suất, kẹt thanh khoản tín dụng của Việt Nam. Do đó, đây được xem là một động lực khá vững vàng để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. 

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia 

Thứ hai là vốn đầu tư công. Hiện nay, Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc giải ngân nguồn vốn này. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, sau khi “giải phóng” được tâm lý sợ trách nhiệm của địa phương thì đầu tư công đangđược đẩy mạnh trở lại. 

Thứ ba là cầu tiêu dùng nội địa. Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh cùng với sự gia tăng sức cầu trong mùa mua sắm cuối năm sẽ tác động tích cực lên nền kinh tế.

Trước những diễn biến được cho là khá tích cực của nền kinh tế thế giới cũng như của nền kinh tế Việt Nam, ông Trần Hoàng Sơn cũng nhìn nhận, lãi suất đã thể hiện rõ vai trò trong 6 tháng đầu năm và đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

Theo ông Sơn, đầu tư công là một trong những yếu tố thúc đẩy quan trọng cho lực cầu của nền kinh tế, đặc biệt là khơi thông dòng vốn liên quan tới các ngành nghề, lĩnh vực như: Bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng… Và hiện còn khoảng hơn 20 tỷ USD nguồn vốn đầu tư công cần được giải ngân, từ đó sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng tín dụng. 

“Có thể nói rằng, đầu tư công là “vốn mồi” để hỗ trợ cho các ngành nghề, các lĩnh vực khác trong nền kinh tế phục hồi”, ông Trần Hồng Sơn khẳng định./.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top