Aa

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Cả nền kinh tế đang “bơi trong vòng xoáy khó khăn”

Thứ Năm, 10/08/2023 - 14:03

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng các doanh nghiệp nói riêng, cả nền kinh tế nói chung, đang phải “bơi trong dòng xoáy khó khăn” và đối mặt những thách thức chưa từng có.

Cả nền kinh tế “bơi trong khó khăn”

Tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy”, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới biến động.

“Chúng ta đã chịu “tác động kép”, không chỉ từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài, mà còn từ những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm qua. Đó là tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài; các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp, dự án thua lỗ, chậm tiến độ dù đang được xử lý nhưng chưa thực sự dứt điểm và hiệu quả; các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều bất cập...”, ông Phương nói.

Do đó, theo ông Phương, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm mới ước đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Điều này đặt áp lực nặng nề lên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay.

“Điều đáng quan ngại là hiện nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch COVID-19, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng…”, ông Phương nói và cho biết các thách thức lớn hiện nay là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp.

Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy” - Ảnh: Thanh Long

Thứ trưởng Phương nêu rõ, chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chào bán chứng khoán còn khó khăn… Dư nợ tín dụng đến hết tháng 6 chỉ tăng 4,28%, thấp hơn so với con số 9,44% của cùng kỳ năm 2022. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư buộc phải chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản.

“Có thể nói, các doanh nghiệp nói riêng, cả nền kinh tế nói chung, đang phải “bơi trong dòng xoáy khó khăn”. Không chỉ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà còn cả thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… đang đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có”, ông Phương nói.

Tích cực tháo gỡ vướng mắc

Tuy vậy, ông Trần Quốc Phương cho rằng điểm tích cực là xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn. Các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công… đều cho thấy điều đó.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã tiếp tục tập trung tháo gỡ các vấn đề tồn đọng, vướng mắc, nhất là về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự án đầu tư… Điều này bước đầu tạo chuyển biến tích cực, giúp khơi thông dòng tiền, nguồn lực của nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ông Phương cho rằng để thúc đẩy tăng trưởng, các biện pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng… cũng đã và đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả, dù đây là một nhiệm vụ rất nặng nề.

“Theo tính toán của chúng tôi, ngay cả khi năm nay đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thì bình quân hai năm 2024-2025, tăng trưởng GDP phải đạt 7,76%/năm, mới có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5%, cận dưới mục tiêu 5 năm 6,5-7%. Còn nếu tăng trưởng năm 2023 chỉ là 6%, thì bình quân hai năm 2024-2025 phải tăng trưởng 8%/năm”, ông Phương nói và cho rằng đây là những mức tăng trưởng rất cao và khó để đạt được nếu như không có thêm những cơ chế, chính sách đột phá.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết đã tham mưu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị về việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất - kinh doanh và đầu tư.

Chẳng hạn, các vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng; tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; giao địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan trung ương trên địa bàn, nhất là các dự án quốc lộ, cao tốc…

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương - Ảnh: BTC

Ngoài ra là việc nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); sử dụng chi thường xuyên thực hiện dự án có kinh phí dưới 15 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình hiện có…

“Đây là các vấn đề cấp thiết, cần khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, ông Phương nêu.

Năm 2023 và 2024 vẫn còn nhiều khó khăn

Theo các đại biểu, dù kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn nhưng đã có chuyển biến. Xu hướng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát vẫn hiện hữu song không còn là chủ đạo, một số nền kinh tế đã có xu hướng hạ lãi suất. Tuy vậy, trong những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Với kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 14-15%/năm, bất chấp Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa phát biểu - Ảnh: BTC

Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng ADB cho rằng, nửa cuối năm nay và năm 2024, Mỹ vẫn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất, ít nhất là chưa giảm lãi suất song kinh tế Mỹ vẫn tương đối tố, dự báo không bị suy thoái năm nay.

Trong khi đó, kinh tế châu Âu đang có dấu hiệu suy thoái. Đặc biệt, kinh tế Trung Quốc – hàng xóm của Việt Nam và cũng là động lực tăng trưởng kinh tế khu vực - không phục hồi như kỳ vọng sau khi mở cửa nền kinh tế “hậu COVID-19”. Quốc gia này đã pải chuyển hướng sang chính sách tiền tệ mở rộng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Một “vòng xoáy” nữa mới xuất hiện, theo ông Hùng sự cạnh tranh chiến lược trong mảng công nghệ bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc đang siết nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành bán dẫn trên toàn cầu trong khi Mỹ, Châu Âu cũng muốn tự chủ hơn trong chuỗi sản xuất điện tử khiến chuỗi giá trị ngành điện tử toàn cầu sẽ có biến động. Điều này sẽ tác động đến Việt Nam, vốn là một mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng điện tử toàn cầu.

“Tựu trung lại, môi trường kinh tế quốc tế đang có rất nhiều khó khăn và chúng ta phải dựa vào nội lực của mình là chính”, ông Nguyễn Bá Hùng nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top