Aa

Kinh tế biển - trụ cột để Hải Phòng phát triển bền vững

Thứ Tư, 26/01/2022 - 06:14

Hải Phòng đã có hàng nghìn năm dựa vào thế biển để phát triển, mặc dù vậy, kinh tế biển của Hải Phòng mới chỉ dừng lại ở thác tiềm năng sẵn có. Do đó, Hải Phòng cần thêm chiến lược để mở lộ trình vươn ra biển lớn.

Vị thế chiến lược của Hải Phòng

Nhìn lại lịch sử, khi Hải Phòng được thành lập ngày 19/7/1888, cơ sở nền tảng để người Pháp xây dựng TP. Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế cơ bản gắn liền với cảng biển. Nên có thể nói cảng biển đã tạo ra TP. Hải Phòng, và lịch sử hơn một trăm năm đã cho thấy, cái tên thành phố Cảng được gọi như một danh xưng khác cho Hải Phòng không phải là sự ngẫu nhiên.

Là một trong 28 địa phương ven biển của Việt Nam, nằm ở vị trí trọng yếu trong vùng duyên hải Bắc Bộ, Hải Phòng có hơn 125km chiều dài bờ biển, nằm trên diện tích thềm lục địa 100.000km2, nơi có 7 con sông lớn đổ ra từ đất liền, tạo một vùng gắn liền với các khu rừng ngập mặn.

Nhắc đến tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế biển của Hải Phòng phải nói đến tổ hợp tài nguyên thiên nhiên, môi trường tự nhiên và vị thế của 4 vùng tự nhiên: Vùng biển đảo Cát Bà - Long Châu; vùng biển đảo Bạch Long Vỹ; vùng biển và cửa sông Bạch Đằng; vùng biển và cửa sông châu thổ Văn Úc - Thái Bình.

Một điểm nhấn hết sức quan trọng cần phải nhắc lại là, ngày 5/8/2003, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 32-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”. Trong đó nêu rõ: “Thành phố phải tập trung xây dựng và phát triển để Hải Phòng xứng đáng là thành phố cảng, công nghiệp hiện đại; là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, có cảng nước sâu; một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế động lực phía Bắc; một trọng điểm phát triển kinh tế biển…”.

Như vậy có thể nói, với chủ trương vĩ mô được nêu trong các Nghị quyết 09-NQ/TW về chiến lược biển, Nghị quyết 32-NQ/TW, Nghị quyết 36-NQ/TW và Nghị quyết 45-NQ/TW, cùng nhiều văn bản khác, Trung ương luôn đặt kinh tế biển là trụ cột để Hải Phòng xây dựng chiến lược phát triển kinh tế trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở đó, Hải Phòng đã xác định cụ thể 6 ngành, lĩnh vực biển trọng tâm của thành phố. Trước hết là phát triển hệ thống cảng, dịch vụ cảng và vận tải biển, phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của Việt Nam, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á; phát triển công nghiệp biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, phát triển khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải thành trung tâm kinh tế hiện đại của cả nước, là cửa chính mở ra biển, đồng thời đưa Hải Phòng trở thành trung tâm đóng mới và sửa chữa tàu biển lớn nhất Việt Nam.

Hải Phòng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. (Ảnh minh hoạ)

Đáng chú ý, năm 2020, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị về phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá, hơn một năm thực hiện Nghị quyết 45 chuyên đề của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội XII và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hải Phòng nhiệm kỳ XV, Hải Phòng đã thực sự “thay da, đổi thịt”. Quy mô nền kinh tế của Hải Phòng có giá trị gần 300.000 tỷ đồng, tương đương 12,72 tỷ USD, lớn gấp 2,3 lần quy mô kinh tế năm 2015, đưa quy mô nền kinh tế Hải Phòng chiếm 12,4% quy mô vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Hằng năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng luôn duy trì mức tăng 14,94%/năm, gấp 1,4 lần mục tiêu đề ra là tăng trưởng 10,5%/năm, gấp 2,1 lần giai đoạn 2011 - 2015 và gấp 2,2 lần mức tăng trưởng trung bình 6,78% của cả nước. Kinh tế của Hải Phòng cũng có những chuyển dịch theo hướng tích cực, khi tỷ trọng sản xuất công nghiệp, dịch vụ của Hải Phòng chiếm 95,68% quy mô nền kinh tế…

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu quốc hội khoá XV, Đoàn đại biểu quốc hội TP. Hải Phòng cũng chia sẻ: “Thời gian vừa qua, TP. Hải Phòng cũng chứng minh là một trong những hình mẫu về phát triển với sự tăng trưởng rất cao và sự thay đổi về diện mạo thành phố cũng dễ nhận thấy. Đây là một động lực rất quan trọng và là tiền đề để Hải Phòng tiếp tục thực hiện những chủ trương, đường lối của mình, cũng như Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về việc xây dựng Hải Phòng trở thành một hình mẫu, một trong những địa phương “đi sớm nhất” từ nay đến năm 2030 về công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Với lợi thế về mặt địa lý, Hải Phòng có vị thế về địa chính trị, chiến lược, kinh tế và quốc phòng. Hải Phòng phát triển không chỉ cho Hải Phòng, mà cho cả đất nước, trở thành một cánh tay nối dài của Thủ đô Hà Nội. Đồng thời là cửa ngõ duy nhất mà từ gần 300 năm trước người Pháp đã xác định cho cả vùng miền Bắc Việt Nam”.

Bất động sản Hải Phòng giữ vững phong độ trong đại dịch

Thời gian qua, Hải Phòng đã không ngừng đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ với các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, đường biển và đường hàng không. Cụ thể, có 46 cây cầu được xây dựng, 118 tuyến đường nội đô được trải nhựa phẳng phiu, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được hình thành đã tạo đà cho sự phát triển bất động sản nói riêng và kinh tế vùng nói chung.

Đặc biệt, việc khởi động cảng container quốc tế tại Lạch Huyện, đón tàu có tải trọng đến 16 vạn tấn đã mở ra các tuyến vận tải biển trực tiếp xuyên Thái Bình Dương tới Canada và bờ Tây nước Mỹ. Sân bay Cát Bi được đầu tư xây dựng, nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế cấp 4E đã bảo đảm khai thác được nhiều đường bay quốc tế và trong nước.

Cùng với đó, thông tin quy hoạch (thông tin điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050) được công bố đã chắp cánh cho sức hút của bất động sản Hải Phòng.

Theo ghi nhận từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến kéo dài, bất động sản Hải Phòng vẫn có điểm sáng và bứt tốc trở thành khu vực dẫn dắt thị trường duyên hải Bắc Bộ.

Bất động sản Hải Phòng có nhiều điểm sáng trong bối cảnh dịch bênh (Ảnh minh hoạ)

Lý giải nguyên nhân, ông Tô Hùng, Tổng Giám đốc Cộng đồng bất động sản Recbook, thành viên tổ công tác nghiên cứu thị trường của VARS tại Hải Phòng cho rằng: “Do Hải Phòng có vị trí kết nối đặc biệt của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung, có cảng hàng không quốc tế Cát Bi và cảng nước sâu quốc tế Lạch Huyện đã tạo điều kiện rất lớn cho sự phát triển bất động sản.

Ngoài ra, Hải Phòng đang mạnh mẽ triển khai các dự án hạ tầng giao thông đồng bộ, xây dựng nhiều cầu tại các nút giao thông quan trọng cùng quyết tâm hoàn thành đề xuất xây dựng 67 công viên và vườn hoa trên toàn thành phố, kết hợp với việc kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, khiến thị trường bất động sản tại đây nói chung và riêng trong quý III/2021 là rất tốt, thậm chí rất sôi động”.

Theo đó, phân khúc đầu tiên để quốc tế và cả nước nước biết đến Hải Phòng chính là phân khúc bất động sản công nghiệp. Các khu công nghiệp ở Hải Phòng có hạ tầng đồng bộ, thuận tiện giao thông nên được nhiều nhà đầu tư lựa chọn đặt cơ sở sản xuất. Tính đến nửa đầu năm 2021, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại Hải Phòng là 73%; giá thuê đạt mức 101USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 3,2% so với năm 2019, cao hơn Hưng Yên (83USD/m2) và Hải Dương (79USD/m2).

Do vậy, nhiều khu công nghiệp có chất lượng tốt ở Hải Phòng như DEEP C, Tràng Duệ, Nam Đình Vũ, Nam Cầu Kiền... vẫn đón những dự án mới, dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. 

Ngoài ra, để sẵn sàng cho việc đón các dòng vốn mới, Hải Phòng đang phát triển thêm 15 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.200ha. Về định hướng phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, từ lâu Hải Phòng đã ý thức việc phát triển bền vững theo hướng khu công nghiệp sinh thái, quyết định lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Riêng phân khúc căn hộ chung cư cao cấp, đây là phân khúc chủ đạo dẫn dắt thị trường căn hộ cũng như gây bất ngờ về khả năng hấp thụ. Điển hình là dự án căn hộ cao cấp The Legend của BRG 65 triệu đồng/m2 quy mô 202 căn cũng dã bán hết 80%. Hay việc mở bán dự án căn hộ cao cấp Hoàng Huy Commerce với quy mô 3 toà 2.500 căn mà chủ đầu tư đã bán gần 1.300 căn với mức giá trung bình 37 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, dự án Hoàng Huy Grand Tower mở bán trước đó quy mô 1 tòa 37 tầng với 821 căn hộ đã bán hết gần 700 căn với mức giá trung bình 28 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, phân khúc gây sốt tại Hải Phòng chính là nhà ở thấp tầng, đặc biệt là các khu dự án tổ hợp cao cấp như Vinhomes hay Hoàng Huy. Việc không có dự án thấp tầng mới cũng như nhu cầu thực trên thị trường về phân khúc cao cấp này cùng tiềm lực về kinh tế của khách hàng tại Hải Phòng tốt đã đẩy phân khúc này trở nên sốt, giá thậm chí giá tăng tới 15 - 20% so với đầu năm 2021. Phân khúc nhà mặt phố hay nhà ở thấp tầng thổ cư thì giá cả không biến động, giao dịch bình thường.

Đối với phân khúc đất nền, do tăng trưởng mạnh cuối năm 2020 và đầu năm 2021 nên trong quý III/2021, phân khúc này diễn biến bình thường, có giao dịch diễn ra nhưng không còn sôi động, ngoại trừ các khu có triển khai hạ tầng giao thông, công viên vườn hoa hay các huyện có chủ trương lên thành phố như Thủy Nguyên, An Dương hay Dương Kinh.

Cuối cùng là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Qua khảo sát và thực tế từ trước tới nay, khách hàng tại Hải Phòng quan tâm và đầu tư phân khúc này trên cả nước nói chung rất nhiều; thời gian vừa qua, một số dự án nghỉ dưỡng được bán tại thị trường Hải Phòng cũng thanh khoản rất tốt như Sun Marina Hạ Long hay Vinpearl Phú Quốc.

Hơn nữa, Hải Phòng đã ngày càng chứng minh sức hấp dẫn khi thu hút nhiều doanh nghiệp lớn liên tục đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng với những tên tuổi như: Vingroup, Tập đoàn Nam Long, Tập đoàn BRG, Tập đoàn Fujita, Tập đoàn Takara Leben… đã làm thay đổi diện mạo của thành phố Cảng.

Chính những diễn biến gần như “miễn nhiễm” với dịch bệnh trong thời gian qua của thành phố cảng, khiến Hải Phòng giữ vai trò chủ đạo trong việc dẫn dắt thị trường bất động sản duyên hải Bắc Bộ. Đồng thời hứa hẹn trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ giữ vững phong độ và tiếp tục phát triển.

Hải Phòng đã ngày càng chứng minh sức hấp dẫn khi thu hút nhiều doanh nghiệp lớn về làm dự án khu đô thị (Ảnh minh hoạ)

Chiến lược kích hoạt đô thị biển Hải Phòng

Trong phát triển kinh tế biển của Hải Phòng, đặc biệt là du lịch và bất động sản đô thị biển sẽ không thể tách rời bài toán quy hoạch và định hướng phát triển. Theo đó, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, người có hơn 45 năm nghiên cứu về đô thị biển, cũng như có hơn 30 năm sinh sống và làm việc tại Hải Phòng cho rằng, bên cạnh việc khai thác hiệu quả các “lợi thế tĩnh”, Hải Phòng cần chú trọng tạo ra các “lợi thế động” để khắc phục các “yếu thế” và để biến lợi thế thành lợi ích.

Cụ thể: Cần tiếp tục tạo cơ chế mở và môi trường đầu tư thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội biển; bảo toàn được nguồn vốn tự nhiên và văn hóa vốn có của thành phố để phát huy lợi thế tĩnh; bảo vệ môi trường biển và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương; giảm phát thải và xử lý chất thải trên các khu vực đô thị, hải đảo và cảng; phát huy đầy đủ, có hiệu quả các nguồn lực bên trong, tranh thủ và thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài để xây dựng một nền kinh tế biển xanh.

Trên cơ sở các đặc trưng phân hóa lãnh thổ, có thể nhận thấy Hải Phòng hiện diện 7 “mảng” (đơn vị) không gian chủ yếu, trong đó có không gian đô thị Hải Phòng, không gian ven biển, không gian biển - đảo Cát Bà - Long Châu và không gian biển – đảo Bạch Long Vỹ. Mỗi đơn vị không gian và các hệ thống tài nguyên trong đó có tiềm năng và lợi thế khác nhau, nhưng có 3 thuộc tính cần phải tính đến khi hoạch định chiến lược phát triển (khai thác, sử dụng, quản lý) trong dài hạn của thành phố là: Tính trội, tính đa dụng (multi-use) và tính liên kết (connectivity); và khi tiếp cận, hệ thống dựa vào hệ sinh thái cần phải được áp dụng trong quá trình tiến hành quy hoạch không gian biển.

Mảng không gian biển - đảo Cát Bà - Long Châu

Trong mảng không gian này có sự hiện diện độc đáo của cụm quần đảo đá vôi Cát Bà - Long Châu - Đầu Bê quy mô lớn, chứa đựng các giá trị toàn cầu và quốc gia. Đây là các hệ tự nhiên đa dụng, có tính trội khác với các mảng không gian còn lại của Hải Phòng, và là một bộ phận của chỉnh thể quần thể đảo đá vôi Hạ Long - Cát Bà với trên 2 nghìn đảo đá vôi lớn, nhỏ phân bố tập trung ở vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long, Cát Bà, vịnh Lan Hạ, Đầu Bê và Long Châu.

Khi khai thác, sử dụng cần lưu ý đến tính liên kết mặc dù trên thực tế chỉnh thể này đã bị phân cắt bởi hai chủ thể hành chính là tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng. Các tính chất vốn có nói trên của mảng không gian biển - đảo Cát Bà - Long Châu là tiền đề rất quan trọng để phát triển các ngành kinh tế xanh dựa vào bảo tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Bên cạnh hai ngành kinh tế đang phát triển hiện nay là nghề cá và du lịch, cần chú ý đầu tư phát triển nghề cá giải trí (đánh cá giải trí, câu cá giải trí, cá cảnh san hô); đa dạng hóa các loại hình du lịch như du lịch lặn, du thuyền, tổ chức tuyến leo núi (thậm chí du lịch mạo hiểm); phát huy và tôn tạo các giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và khảo cổ học tương xứng; đồng thời tăng cường các dịch vụ chất lượng cao phục vụ du lịch, nghề cá, giao thương.

Tạo dựng thêm “thương hiệu” cho mảng không gian biển - đảo Cát Bà - Long Châu qua việc: Tiếp tục đề nghị Chính phủ trình UNESCO công nhận mở rộng di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long với tên gọi mới “Di sản Thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long - Cát Bà”, bao gồm quần thể đá vôi vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà, quần đảo đá vôi Long Châu, quần đảo đá vôi Đầu Bê; thiết lập mới “Công viên Địa chất toàn cầu” trong phạm vi quần thể đảo đá vôi nói trên; quản lý và sử dụng hiệu quả các giá trị bảo tồn đã được quốc tế, quốc gia vinh danh, như: Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, Khu bảo tồn biển Cát Bà; xây dựng Bảo tàng Cát Bà, bao gồm cả tự nhiên và văn hóa, lịch sử; xây dựng một Khu thủy cung biển; xây dựng Khu tưởng niệm nơi Bác Hồ về thăm bà con ngư dân Cát Bà năm 1959 với một thông điệp biển đảo: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ!”.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi

Dải ven biển và hệ thống cảng - khu kinh tế ven biển

Dải ven biển Hải Phòng có nhiều lợi thế nhưng cũng chịu nhiều tác động trực tiếp từ các hoạt động phát triển của thành phố và có một trong 5 cụm khu kinh tế ven biển (Đình Vũ - Cát Hải) được Chính phủ ưu tiên đầu tư đến năm 2020. Vấn đề sử dụng hợp lý dải ven biển Hải Phòng (khu vực phía Bắc Đồ Sơn) cho mục đích phát triển cảng phụ thuộc rất nhiều vào khả năng bảo toàn cấu trúc và chức năng ưu việt của một vùng cửa sông hình phễu Bạch Đằng mà cửa Nam Triệu đóng vai trò quyết định.

Tuy nhiên năm 1981, đập Đình Vũ (phía dưới kênh Đình Vũ) được xây đắp đã gây bồi lấp cửa sông Cấm - một trong những cửa luồng chính vào cảng Hải Phòng xưa, gây sa bồi nghiêm trọng đối với vùng cửa Nam Triệu (độ sâu hiện chỉ còn 2,7m). Luồng chính vào cảng Hải Phòng hiện nay làm thay đổi toàn cảnh bức tranh phân bố phù sa trong diện rộng của vùng cửa sông hình phễu Bạch Đằng (từ Bắc Đồ Sơn đến Lạch Huyện). Điều này gây khó khăn cho tàu thuyền qua lại, đặc biệt là tàu trọng tải lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò cảng chính nằm sâu trong thành phố.

Để giải quyết nhu cầu thực tế về cảng nước sâu, đồng thời vẫn bảo tồn được cấu trúc vốn có của các vùng cửa sông, cần phải chú ý đến hướng động lực chủ đạo của dòng thủy triều và mức độ cố kết “yếu” của các cồn, bờ cát ven sông để phát huy được khả năng tự làm sạch luồng và tránh làm “trụt cát” hai bờ gây lấp luồng trong quá trình khai thác, sử dụng.

Ngoài ra, để bảo đảm cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện tương lai không gây ra các tác động môi trường đến các khu biển, đảo lân cận được đánh giá là giàu giá trị bảo tồn, cần tiến hành lập hồ sơ trình Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) công nhận vùng nước của cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và biển phía ngoài thành Khu vực biển đặc biệt nhạy cảm (PSSA) để được hưởng chế độ quản lý nghiêm ngặt hơn theo Công ước MARPOL.

Dải ven biển và phát triển đô thị

Không gian đô thị Hải Phòng có một hướng mở rộng về phía biển - quận Đồ Sơn. Do đó, ngoài các tuyến đường trục nối với trung tâm thành phố, cần chú ý xây dựng tuyến đường ven biển hiện đại trên cơ sở bảo đảm các không gian công cộng ven biển. Đồng thời, để ứng phó với thiên tai và nước biển dâng, nên tạo hành lang an toàn giữa đất và biển (thường là đới gian triều) cho phát triển dài hạn, không quy hoạch xây dựng các khu dân cư, các khu kinh tế và công nghiệp sát bờ biển với mật độ cao.

“Đô thị Hải Phòng nằm ở vùng đất ven biển có nhiều sông, lạch uốn khúc mạnh trước khi đổ ra biển, trong quá trình quy hoạch phát triển đô thị cần tận dụng tính trội này. Hệ thống sông, lạch sẽ không chỉ làm đẹp cho đô thị Hải Phòng mà còn tạo ra yếu tố tiểu khí hậu. Cùng với đó, những cây cầu đẹp sẽ trở thành nét tô điểm cho kiến trúc đô thị ven biển, hình thành những công trình văn hóa và là điểm đến của du khách. Hình mẫu quy hoạch của thành phố Saint-Petersburg (Liên bang Nga) và những cây cầu làm thay đổi bộ mặt của đô thị Đà Nẵng ở nước ta là những kinh nghiệm thực tế rất đáng học tập và ứng dụng tại Hải Phòng”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top