Aa

Kinh tế đang phục hồi, có nên tiếp tục giảm lãi suất điều hành?

Thứ Tư, 18/10/2023 - 05:50

Các chuyên gia quốc tế đánh giá việc nới lỏng chính sách tiền tệ đóng vai trò rất quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế trong nửa đầu năm nay nhưng hiện không còn nhiều dư địa để tiếp tục nới lỏng.

Các chuyên gia cho rằng hiện dư địa chính sách tiền tệ đã “cạn” và khả năng Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất điều hành là không còn. Bởi khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành sẽ không hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng mà lại gây căng thẳng về tỷ giá.

Kỳ vọng tín dụng sẽ tăng tốc

Trên thực tế, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng có tăng nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2022. Theo các chuyên gia, nguyên nhân đến từ nền kinh tế gặp khó, tác động của nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết hồi đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước tính toán mức giảm lãi suất cho vay khoảng 1% trong năm nay đã là tích cực nhưng với những thông điệp mạnh mẽ đưa ra từ Chính phủ, sau 9 tháng nhìn lại chính sách tiền tệ đã được nới lỏng. Hiện nay, lãi suất bình quân đối với những khoản cho vay ngắn hạn là 5,5 - 7%/năm; cho vay trung, dài hạn từ 8,5 - 10%/năm (với các khoản cho vay mới), giảm từ 1 - 2%.

“Lãi suất của những khoản dư nợ trước đây chưa đến kỳ trả nợ và trả lãi thì có độ trễ. Do huy động của các ngân hàng thương mại trước đây ở mức rất cao, thậm chí từ 10 - 12%, nên độ trễ theo tính toán khoảng từ 9 - 12%", Phó Thống đốc cho biết.

Có thể thấy là tăng trưởng tín dụng của năm nay gặp rất nhiều khó khăn nhưng cùng với các hiệu ứng "điểm rơi" chính sách tiền tệ, cộng hưởng nhu cầu xuất khẩu phục hồi, tiêu dùng nội địa tăng nhờ các chính sách hỗ trợ thuế VAT, phí và giảm phí... tạo cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, có nhu cầu vay vốn cao hơn.

Vì vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng từ nay đến cuối năm tín dụng cũng sẽ có khả năng tăng lên.

Liên quan đến vấn đề tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, Phó Thống đốc khẳng định việc mở rộng tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước đặt ra ngay từ đầu năm với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Bởi nếu không đẩy mạnh tăng cường nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp khó khăn, đóng cửa, giải thể, làm sao có sức mạnh khôi phục được nền kinh tế sau 2 năm đại dịch cộng với tác động kép từ tình hình thế giới và trong nước.

Ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm để tăng trưởng tín dụng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vì vậy, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm như tạo thanh khoản và dư địa cho ngân hàng.

“Không có chuyện thiếu room tín dụng, ngân hàng thoải mái trong nguồn lực cho vay. Ngân hàng Nhà nước cũng tạo nguồn lực giá rẻ cho ngân hàng thương mại hạ lãi suất. Một tháng gần đây, các ngân hàng đã đua nhau hạ lãi suất”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Dư địa giảm lãi suất ngày càng hẹp

Có thể thấy là nhà điều hành không đề cập đến câu chuyện tăng hay hạ lãi suất. Tất nhiên, đây cũng là điều mà thị trường thường phải thông qua các động thái để đoán định thay cho theo một lộ trình với các dự báo xa. Bởi lẽ việc điều hành lãi suất của Việt Nam, theo nhiều chuyên gia, phụ thuộc quá nhiều biến số và phải có sự linh hoạt nhất định, cân đối giữa các mục tiêu.

Từ góc nhìn bên ngoài, một số định chế tài chính hàng đầu đã đưa các dự báo về lãi suất điều hành của Việt Nam.

Theo đó, dù Ngân hàng UOB vẫn thấy triển vọng cắt giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản (xuống 3,5%) nhưng thời gian thực hiện có thể được chuyển sang quý 4 và quyết định này có thể vẫn cần cân nhắc khi Ngân hàng Trung ương sẽ xem xét cân đối cả rủi ro tăng trưởng và lạm phát. Tỷ lệ lạm phát đã tăng cao hơn trong những tháng gần đây và rủi ro là áp lực tăng giá tiêu dùng có thể gia tăng trong thời gian tới do giá thực phẩm và năng lượng đã tăng gần đây khi các nhà sản xuất dầu chủ chốt cắt giảm sản lượng, xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine cũng những thay đổi về khí hậu/thời tiết.

"Chúng tôi giữ nguyên dự báo lạm phát CPI của Việt Nam ở mức 3,9% cho năm 2023, số liệu mới nhất là 3,7% cho tháng Chín, cao hơn nhiều so với mức thấp nhất của năm nay là 2% (tháng 6 năm 2023) và đang tiến gần hơn đến mục tiêu chính thức là 4,5%", UOB cho hay và nhấn mạnh việc tiếp tục cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong quý 4 vẫn bị chi phối bởi các yếu tố chưa chắc chắn.

Còn các chuyên gia Ngân hàng HSBC đã loại bỏ dự đoán trước đó về đợt cắt giảm lãi suất điều hành cuối cùng 0,5% do áp lực từ tỷ giá và lạm phát.

Theo HSBC trong khi lạm phát tháng Chín được kiềm chế ở mức 3,7%, dưới mức trần 4,5%, lạm phát liên tục nhích lên làm dấy lên mối lo ngại. Một mặt, giá thực phẩm đã tăng khoảng 3% so với tháng trước trong hai tháng liên tiếp, đẩy lạm phát so với cùng kỳ năm trước vượt quá 10%.

"Chúng tôi đã điều chỉnh dự báo lạm phát hàng quý và nâng nhẹ dự báo lạm phát bình quân lên 3,4% (trước đó 3,2%) cho năm 2023. Vì vậy, chúng tôi không còn kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Theo quan điểm của chúng tôi, các điều kiện trước đây đảm bảo cho việc cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nữa đã không còn, quá trình phục hồi đang diễn ra trong khi lạm phát và áp lực ngoại tệ đang gia tăng", chuyên gia HSBC nhấn mạnh.

HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% cho đến cuối năm 2024, trừ khi có các cú sốc từ bên ngoài.

Các tổ chức nước ngoài đánh giá kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chuyên gia Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ đóng vai trò rất quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế trong nửa đầu năm nay nhưng hiện không còn nhiều dư địa để tiếp tục nới lỏng. Lãi suất liên ngân hàng của Việt Nam hiện đã gần bằng 0%, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển. Nếu tiếp tục hạ lãi suất điều hành sẽ gây ra tác động đáng kể với tỷ giá.

Theo ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Tecombank, vấn đề lãi suất cũng như tín dụng của ngân hàng không phải vấn đề cốt yếu đối với doanh nghiệp, mà đánh giá rủi ro về môi trường kinh doanh mới là điều quan trọng để doanh nghiệp đưa ra quyết sách đầu tư, mở rộng kinh doanh. Trước thực tế đó, cần hỗ trợ từ chính sách khác như tài khoá thuế, đầu tư công… sẽ là những động cơ song hành với chính sách tín dụng hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng, để kích thích kinh tế thì phải tập trung về phía cầu, tức là từ chính sách tài khoá. Thời gian qua, nhiều giải pháp kích cầu đã được đưa ra như thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tuy nhiên điều này là khá khó vì mấu chốt nằm ở cơ chế giải ngân. 

Vì vậy, để có hiệu quả kích thích nhanh hơn, ông Huân kiến nghị nên tập trung chính sách kích cầu ở khu vực tư nhân. Đơn cử việc giảm thuế VAT bởi hiện loại thuế này mới giảm 2% và chưa có nhiều tác động kích cầu, chưa tạo động lực cho người dân chi tiêu, mua sắm. Thực tế, một số nước đã áp dụng chính sách giảm 50 - 100% thuế VAT. Ngoài ra, ông Huân cũng cho rằng giải pháp giảm thuế thu nhập cá nhân trong năm nay cũng cần cân nhắc.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top