Aa

Kinh tế sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực

Thứ Bảy, 16/02/2019 - 03:01

Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực do có nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng như: Tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, thị trường lao động ngày một năng động hơn cùng các cơ hội mới khi Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại có hiệu lực...

Không có nhiều biến động trong tháng đầu năm

Trong tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế được đánh giá có dấu hiệu tích cực trên cả 3 khu vực sản xuất nông, lâm, thủy sản; sản xuất công nghiệp và khu vực dịch vụ.

Theo đó, sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa đông xuân và gieo trồng cây hoa màu trên cả nước. Sản xuất lâm nghiệp tập trung chủ yếu vào chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng và chuẩn bị cho Tết trồng cây xuân Kỷ Hợi.

Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá, nhờ động lực từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo. 

Và khu vực dịch vụ tăng trưởng ổn định do vào thời điểm giáp Tết Nguyên Đán nên các hoạt động bán buôn, bán lẻ; dịch vụ lưu trú, ăn uống sôi động do xu hướng gia tăng mua sắm và du lịch.

Báo cáo của NCIF cho hay, chỉ số giá tiêu dùng của tháng 1/2019 tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước và tăng 2,56% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư công được đẩy nhanh tốc độ thực hiện và giải ngân ngay từ những tháng đầu năm, đồng thời công tác quản lý, giám sát cũng được tăng cường.

Theo đó, trong tháng 1, hoạt động đầu tư chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước, hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành của năm 2018. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 1 ước đạt 18,03 nghìn tỷ đồng, bằng 5,56% kế hoạch năm và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018.

 tăng trưởng kinh tế được đánh giá có dấu hiệu tích cực trên cả 3 khu vực sản xuất nông, lâm, thủy sản; sản xuất công nghiệp và khu vực dịch vụ.

Tăng trưởng kinh tế được đánh giá có dấu hiệu tích cực trên cả 3 khu vực sản xuất nông, lâm, thủy sản; sản xuất công nghiệp và khu vực dịch vụ.

Nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Dự báo về tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, NCIF cho rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực do có nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng như: Tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư; thị trường lao động ngày càng năng động hơn, người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn công việc khi Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác có hiệu lực.

Đồng thời, cơ hội cũng sẽ mở ra khi một số doanh nghiệp nước ngoài có thể chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam để tránh ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, đại diện NCIF cũng bày tỏ sự lo ngại: "Kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức ảnh hưởng tới tăng trưởng, hoạt động thương mại và đầu tư.

Nhìn từ bên ngoài, Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do những bất ổn địa chính trị. Xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch có thể làm xuất khẩu và thu hút vốn FDI của Việt Nam chậm lại, và gián tiếp tác động tới tăng trưởng việc làm mới. Giá dầu và giá các mặt hàng phi nhiên liệu thế giới được dự báo tăng nhẹ trong năm 2019".

Cụ thể, xét các yếu tố nội tại nền kinh tế, tình hình thu ngân sách 15 ngày đầu tháng 1/2019 vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt đối với các khoản thu từ DNNN và DN FDI.

Những khó khăn nội tại của nền kinh tế, trong đó những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp trong nước vẫn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thu ngân sách năm 2019.

Theo đó, số doanh nghiệp ngừng hoạt động có thể tăng cao do sức ép cạnh tranh từ việc mở cửa thị trường và điều kiện ngặt nghèo về lao động, về xuất xứ nguyên liệu trong khuôn khổ CPTPP, sẽ làm giảm bớt nhu cầu việc làm.

Thêm vào đó nhiều rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa được gỡ bỏ. Ví dụ như “chi phí không chính thức”, “tính năng động của chính quyền”, “tiếp cận đất đai” và “cạnh tranh bình đẳng”. Trong khi ấy, tái cơ cấu kinh tế còn chậm, nền tảng kinh tế vĩ mô và một số cân đối lớn chưa vững chắc, nợ công cao, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn.

Dự báo về tình hình tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, về trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam dự kiến đi theo xu hướng toàn cầu - giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019 và 2020, lạm phát vẫn được duy trì thấp ở mức 4% do chính sách tiền tệ sẽ được thắt chặt.

“Cho dù bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức, Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng vững, song song với lạm phát ở mức vừa phải và tỷ giá tương đối ổn định." ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho hay.

Theo vị này, các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng lợi thế trong lúc động lực tăng trưởng còn đang thuận lợi để đẩy mạnh cải cách cơ cấu nhằm tăng cường đầu tư và tăng trưởng dựa trên khu vực tư nhân, song song với cải thiện hiệu suất đầu tư công.

Trong khi ấy, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam lại đề xuất: “Tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, căng thẳng thương mại đang diễn ra và rủi ro tài chính tăng cao đang che mờ triển vọng toàn cầu. Là một nền kinh tế mở, Việt Nam cần duy trì chính sách tiền tệ có khả năng ứng phó, tỷ giá linh hoạt và bội chi ngân sách thấp để nâng cao khả năng chống chịu những cú sốc có thể diễn ra.”

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top