Công nghiệp, xuất khẩu tăng mạnh
Trước tiên phải kể đến sự tăng trưởng của sản xuất công nghiệp. Trong tháng 1/2021, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, tăng 22,2% so với tháng 1/2020, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm ngoài, điển hình: Linh kiện điện thoại tăng 71,5%; thép cán tăng 63,4%; sắt, thép thô tăng 38,8%; ô tô tăng 38,2%; xi măng tăng 35,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 35,6%; sữa bột tăng 31,1%... Tháng 1/2021 là thời điểm trước Tết Nguyên đán nên hoạt động thương mại trong nước, vận tải và du lịch tăng so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2021 ước tính đạt 479.900 tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,7% (cùng kỳ năm 2020 tăng 8%).
Ở khía cạnh khác, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,06% so với tháng trước; giải ngân đầu tư công tăng 24,5%. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/1/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,02 tỷ USD, bằng 37,8% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, trong tháng 1/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng, vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước và tăng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động. Tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp vào nền kinh tế trong tháng 1/2021 là 395.100 tỷ đồng, tăng 10,5% so với tháng 1/2020. Nếu tính cả 240.000 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 4.015 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2021 là 395.100 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2021, tăng tới 50,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 27,7 tỷ USD.
Những thách thức mới
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, số liệu kinh tế của tháng 1 khả quan. Tuy vậy, dự báo nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, trong tháng 1, lạm phát chỉ tăng 0,06% so với tháng 12/2020 và giảm 0,97% so với cùng kỳ năm trước cho thấy ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sức mua chưa hồi phục hoàn toàn. Sự tăng trở lại của các doanh nghiệp đăng ký mới cho thấy sự lạc quan và cơ hội đầu tư mới của doanh nghiệp năm 2021 đã được mở ra nhưng số doanh nghiệp dừng hoạt động và phá sản vẫn lớn. Do vậy, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì và nhanh chóng. Trong đó, ưu tiên các chính sách hỗ trợ tài chính, công nghệ, thuế... cho các tập đoàn lớn có dự án phối hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để hình thành chuỗi giá trị nội địa hay quốc tế. Đồng thời tiếp tục đặt trọng tâm hoạt động đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển trong doanh nghiệp vì đây là hai yếu tố quan trọng để các quốc gia xây dựng năng lực cạnh tranh trong dài hạn.
Làn sóng dịch Covid-19 xuất hiện trở lại thêm một lần nữa đặt nền kinh tế vào những khó khăn mới cũng khiến nền kinh tế hao tổn thêm các nguồn lực cho phòng chống dịch. Trong khi đó, giá dầu thô biến động mạnh, giá thịt lợn còn cao. Sản xuất - kinh doanh nhiều ngành, lĩnh vực rất khó khăn; khu vực dịch vụ chịu tác động lớn, nhất là hàng không, du lịch…
Tuy vậy, vẫn có những yếu tố hỗ trợ nền kinh tế. Trong tháng 2 - tháng Tết Nguyên đán Tân Sửu nên sức mua có thể sẽ vẫn tăng mạnh giúp tổng cầu tăng lên. Ngoài ra, xuất khẩu nổi lên thành điểm sáng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong tháng 1, có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 12/2020 đạt 27,905 tỷ USD. Ước tính tháng 1/2021 xuất siêu 1,3 tỷ USD. Đầu tư công được kỳ vọng tạo ra sự thay đổi nhanh, là động lực tăng trưởng, tạo việc làm, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế…
Chiến lược chống dịch hiệu quả đi liền với khơi thông các nguồn lực mới cho tăng trưởng đang được Chính phủ tập trung chỉ đạo. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu cho rằng, với kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh và chính sách điều hành của Chính phủ có độ linh hoạt cao, cùng với quyết liệt phòng chống dịch sẽ tạo mọi thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, không để đứt gãy nền kinh tế - xã hội. Chính phủ và các bộ, ban, ngành cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội mà các Hiệp định Thương mại tự do mang lại; phát triển các mô hình kinh tế mới, phát triển kinh tế số và thương mại điện tử…
Chính phủ cần có gói hỗ trợ thứ 2 hướng đến mục tiêu phục hồi và tăng trưởng
Trước tình hình vẫn còn khó khăn, theo tôi, trong thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương xây dựng gói hỗ trợ lần 2 - hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhằm giảm thiểu tình trạng phá sản, giải thể doanh nghiệp, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch.
Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm