Aa

Kinh tế trong nước diễn biến tích cực

Thứ Tư, 25/09/2019 - 18:56

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn diễn biến phức tạp, căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại nhưng kinh tế trong nước vẫn diễn biến khả quan.

Sáng 25/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đã chủ trì phiên họp quý III/2019 nhằm tham vấn các chính sách tài chính, tiền tệ, thương mại tới Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Thành Chung

Tại cuộc họp, Ngân hàng Nhà nước và các bộ: Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư đã có các báo cáo quan trọng liên quan tới các chính sách tài chính, tiền tệ, thương mại của quốc gia trong những tháng qua và từ đầu năm tới nay, đồng thời đề xuất định hướng giải pháp điều hành các chính sách vĩ mô từ nay tới cuối năm 2019 và dự kiến cho năm 2020.

Các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao chất lượng thông tin từ các bộ, ngành và cơ bản đồng tình với nhận định mặc dù kinh tế thế giới và các nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, thị trường tài chính - tiền tệ và thương mại toàn cầu biến động phức tạp nhưng kinh tế trong nước diễn biến khả quan và đạt nhiều kết quả quan trọng trong 9 tháng đầu năm; tin tưởng cả nước sẽ hoàn thành được kế hoạch của năm 2019.

Cụ thể, tình hình xuất khẩu của các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan đều tăng trưởng âm trong 8 tháng đầu năm. Trung Quốc và Ấn Độ tăng trưởng dương lần lượt là 0,4% và 1,04% nhưng đều thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (lần lượt là 12% và 11,5%). Trong quý II/2019, GDP của nhiều nước cũng tăng chậm lại đáng kể, trong đó có cả Hoa Kỳ, Đức, Trung Quốc, Thái Lan...

Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 so với dự báo đưa ra hồi nửa đầu năm. Các ngân hàng trung ương trên thế giới có xu hướng chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ với 95 lượt hạ lãi suất.

Trong khi đó, các chuyên gia đánh giá các chỉ số trong 8 tháng đầu năm 2019 của VIệt Nam phù hợp với mục tiêu đặt ra và hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% cho cả năm. Động lực đến từ sự phục hồi của lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, tiêu dùng trong nước, giải ngân vốn FDI, một số dự án chế biến chế tạo mới (thép, chế xuất xăng dầu) bù đắp được xu hướng chậm lại của sản xuất điện thoại, linh kiện.

Lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát khi bình quân 8 tháng chỉ tăng 2,57%, là mức thấp nhất trong 3 năm qua do mức điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý thấp hơn các năm trước, giá nguyên liệu chất đốt giảm mạnh theo giá thế giới, các nhóm hàng khác không có biến động giá và lạm phát cơ bản ổn định.

Ngân sách Nhà nước bội thu ở mức cao (66.550 tỷ đồng) do chi đầu tư phát triển chậm cải thiện. Tuy nhiên, thu ngân sách đạt cao ở các khu vực quan trọng như thu nội địa, dầu thô, xuất nhập khẩu với gần 73% dự toán vào 15/9, phản ánh các hoạt động kinh tế vẫn diễn biến tích cực. Cán cân thanh toán thặng dư cao trên 10 tỷ USD.

Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh trong quý I, chững lại trong quý III nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng trên 10% so với cuối năm 2018. Trong khi đó phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh, góp phần giảm gánh nặng cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh của tín dụng ngân hàng. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới hết quý II đạt 586.000 tỷ đồng, tương đương 10,6% GDP.

Đặc biệt, các thành viên Hội đồng đánh giá cao điều hành chính sách tiền tệ đạt kết quả tích cực trong bối cảnh rủi ro gia tăng. Cụ thể, NHNN đã giảm 0,25 điểm lãi suất điều hành để giảm chi phí vay vốn của ngân hàng thương mại, tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 9-11%/năm đối với khoản vay trung và dài hạn và bảo đảm cung tiền cho nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước vẫn duy trì ổn định, diễn biến phù hợp với thay đổi của điều kiện thị trường, thanh khoản được bảo đảm, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp.

Ảnh: VGP/Thành Chung

Hội đồng cũng đánh giá Chính phủ điều hành, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá và các chính sách khác nhằm ổn định thanh khoản hệ thống, kiểm soát tiền tệ, hỗ trợ giảm 0,07-1,06% lãi suất trái phiếu Chính phủ ở các kỳ hạn 5-30 năm so với cuối năm 2018.

Đặc biệt, một số thành viên Hội đồng đánh giá chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện về năng suất lao động, năng suất yếu tố tổng hợp (TFP), hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR).

Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng đều lưu ý về năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế còn kém vì những vướng mắc về thể chế, trong đó có việc chậm trễ trong phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các vướng mắc trong đầu tư tư nhân, thực hiện các hợp đồng công - tư (PPP). Một số thành viên của Hội đồng cũng cảnh báo tới Chính phủ nếu không gỡ được các nút thắt này thì sẽ khó bảo đảm cho tăng trưởng cao hơn mà còn ảnh hưởng suy giảm tăng trưởng trong thời gian tới.

Các thành viên Hội đồng cũng cảnh báo về chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài có công nghệ hiện đại, chuỗi sản xuất toàn cầu trong 9 tháng đầu năm khi số dự án tăng 26,4% nhưng số vốn đăng ký lại giảm 22,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài các vấn đề lớn trên, các thành viên Hội đồng cũng cho rằng chủ trương phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là tất yếu và Chính phủ không nên có quy định hạn chế hoặc không đúng mức với thị trường này. Để kiểm soát được thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ cần rà soát lại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, tăng cường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm lành mạnh thị trường; gắn kết điều hành trái phiếu Chính phủ về kỳ hạn lãi suất huy động với điều hành phát hành trái phiếu doanh nghiệp và chính sách tiền tệ. Một số thành viên cũng đề nghị Chính phủ xem xét bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu thực hiện các dự án công trình quan trọng của quốc gia.

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, Chính phủ cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường, nhất là thúc đẩy hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua kênh chính ngạch; xử lý các vấn đề lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ trên cơ sở hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan tới xuất xứ Việt Nam; phối hợp tích cực với các nước, nhất là Hoa Kỳ trong khơi thông các vấn đề liên quan tới thương mại; không sử dụng công cụ giá để hỗ trợ cho xuất khẩu.

Tiếp thu kiến nghị của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đây là những khuyến cáo quan trọng cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục điều hành kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm và tạo nền tảng vững chắc cho thực hiện các nhiệm vụ của năm 2020.

Chia sẻ với các thành viên Hội đồng về thu hút FDI, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ hoàn thiện pháp luật, khắc phục các rủi ro bằng các biện pháp sàng lọc, kiểm soát đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị, đó là không thu hút, hợp tác ở các lĩnh vực đang dư thừa công suất vì chiến tranh thương mại, dự án được thẩm lậu công nghệ từ nước khác sang hay ở một số lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng, cảng biển, đường sắt... và loại trừ các dự án liên quan tới vấn đề an ninh quốc phòng.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ đẩy nhanh thực hiện Đề án kinh tế chia sẻ để gia tăng giá trị cho nền kinh tế và tăng trưởng, bảo đảm thị trường bất động sản hoạt động bình thường, thúc đẩy giải ngân đầu tư công...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top