Việt Nam đã có một năm 2018 tăng trưởng mạnh mẽ cùng nhiều chỉ số ấn tượng. Bước sang 2019, với những thách thức cũng như cơ hội đan xen và môi trường bên ngoài suy giảm có thể tác động tới triển vọng tăng trưởng nhưng theo nhận định tại báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2019, ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020.
“Nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức cao trong năm 2018, do xuất khẩu và nhu cầu nội địa gia tăng mạnh mẽ. Tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng được giữ vững trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, và cầu nội địa được duy trì.
Động lực tăng trưởng dự kiến sẽ được tiếp tục nhờ những cải cách đang diễn ra để cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích đầu tư tư nhân”, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định.
Theo đó, tăng trưởng sẽ tiếp tục được thể hiện một cách toàn diện ở các lĩnh vực, dựa trên cơ sở tiêu dùng cá nhân mạnh mẽ; sự tiếp tục mở rộng của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, nông nghiệp; và khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua rất nhiều hiệp định thương mại tự do, gồm cả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương được phê chuẩn gần đây.
Dự kiến lạm phát ở mức bình quân 3,5% trong năm 2019 và tăng nhẹ lên 3,8% trong năm 2020.
Tuy nhiên, ADB cũng không quên cảnh báo rằng nguy cơ rủi ro vẫn còn. Bởi, những nền kinh tế lớn của thế giới - vốn là các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam - đang suy giảm. Trong khi đó, Việt Nam lại là một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất trong khu vực, với tổng kim ngạch thương mại đạt gấp đôi quy mô GDP.
"Sự chậm trễ trong tiến trình cải cách các doanh nghiệp nhà nước có thể là lực cản đối với tiềm năng tăng trưởng.", ADB nhấn mạnh.
Để đạt được kế hoạch đề ra, ADB cho rằng Việt Nam cần tăng cường hội nhập các doanh nghiệp tư nhân vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), cũng như nâng cao năng lực của các DNVVN - gồm cả kỹ năng của người lao động - là những biện pháp quan trọng để cho phép các DNVVN áp dụng tốt hơn các công nghệ mới và đạt được giá trị gia tăng cao trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Đánh giá về mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng sức khỏe nội tại, tiềm lực trong nước được củng cố sẽ là nền tảng vững chắc để nền kinh tế bứt phá trong năm 2019.
Theo vị này, để đạt được mục tiêu ấy, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất, hiệu quả hơn nữa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, giảm chi phí nhằm thúc đẩy phát triển.
Tiếp đến là tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh, trở thành động lực phát triển giai đoạn tới; đặc biệt cần có những chính sách để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, rào cản, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn lực để có cuộc chơi minh bạch, công bằng.
"Ngoài ra, phải chuẩn bị tốt cho hội nhập sâu rộng vì thương mại và đầu tư là hai lĩnh vực có nhiều dư địa, triển vọng để tận dụng các cơ hội mang lại.", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh.