Aa

Kinh tế Việt Nam sẽ ra sao hậu đại dịch Covid-19?

Chủ Nhật, 19/04/2020 - 16:00

Suy thoái kinh tế là cái giá không thể tránh khỏi khi chống dịch, đó cũng là bài toán đánh đổi mà mọi quốc gia phải chấp nhận. Với Việt Nam, "bức tranh" kinh tế hậu Covid-19 đang dần được phát lộ.

Những kịch bản có thể xảy ra

Kinh tế Việt Nam đã và đang chịu nhiều tổn thất do đại dịch Covid-19. Tác động nghiêm trọng của Covid-19 được phản ánh rõ nét trong số liệu thống kê quý I.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, quý I kết thúc với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 3,82% - thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Các quý tiếp theo, đặc biệt là quý II này - kịch bản được dự báo khá u ám. Kiểm soát tốt dịch bệnh, giảm tình trạng lây nhiễm, điều này đồng thời khiến kinh tế suy giảm trầm trọng hơn khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh và chuỗi cung ứng, phân phối bị ngưng trệ do các biện pháp giãn cách.

Trung tâm Hà Nội vắng vẻ trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Việt Linh

Suy thoái kinh tế là cái giá không thể tránh khỏi khi chống dịch. Nó cũng là bài toán đánh đổi mà mọi quốc gia phải chấp nhận.

Nhiều kịch bản được đưa ra, tuy nhiên một ý kiến từ chuyên gia uy tín cho rằng: Sang quý II, nếu còn tiếp tục may mắn thì sẽ giữ được khoảng 1%, còn không thì sẽ âm.Để đưa ra kịch bản hồi phục kinh tế hậu Covid-19, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh đã phân tích dựa trên 2 biến số cơ bản là diễn biến dịch bệnh và năng lực ứng phó.

Theo đó, vị chuyên gia đưa ra 4 mô hình hồi phục tương ứng với các điều kiện xảy ra theo giả thiết.

Trong đó, với mô hình chữ V, ông Nguyễn Đức Hùng Linh đưa ra khả năng dịch kết thúc trong quý II, các biện pháp kích thích kinh tế mang lại hiệu quả tốt, cải cách thể chế mạnh mẽ trong năm 2020 và kinh tế thế giới hồi phục nhanh sau dịch.

Với mô hình chữ U, ông Nguyễn Đức Hùng Linh đưa ra kịch bản dịch kết thúc trong quý III, các biện pháp kích thích gần chạm ngưỡng nhưng còn tương đối hiệu quả, cải cách thể chế được thực thi ở một số khu vực, kinh tế thế giới không bị rơi vào suy thoái nhưng hồi phục chậm.

Với mô hình chữ L, đây là khi dịch kết thúc trong quý III hoặc IV. Cùng với đó, theo ông Linh: Các biện pháp kích thích không đủ hoặc không hiệu quả, các cải cách chậm thực thi hoặc không hiệu quả, có thể khủng hoảng kép (từ dịch bệnh dẫn đến khủng hoảng tài chính…), kinh tế thế giới/Việt nam bị ảnh hưởng nặng nề, phục hồi rất chậm.

Cuối cùng là mô hình chữ W, chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh đưa ra khả năng này nếu dịch kết thúc trong quý II nhưng bùng lại vào đầu năm 2021; các biện pháp kích thích và cải cách mang lại hiệu quả tốt trong năm 2020, tạo dư địa cho 2021.

Mô hình nào dễ có khả năng xảy ra ở Việt Nam?

Với các kịch bản nêu trên, ông Nguyễn Đức Hùng Linh đặt vấn đề: Mô hình nào cho Việt Nam?

“Dựa trên phân tích lịch sử, diễn biến dịch bệnh và khả năng ứng phó, xác suất xảy ra cao nhất cho kinh tế Việt Nam là mô hình chữ V”, ông Linh nhận định.

Theo đó, vị này đưa ra các lập luận để cho thấy khả năng kinh tế Việt Nam hậu dịch bệnh mô hình chữ V như xác suất dịch bệnh kết thúc trong mùa hè là tương đối cao.

Thực tế, các dịch cúm trước đây đều kết thúc vào mùa hè. Lượng người nhiễm virus ở Hà Nội/miền Bắc cũng đang cao hơn nhiều ở Sài Gòn/miền Nam.

“Chính phủ đang cho thấy quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng với các giải pháp hợp lý như chuyển 8 dự án cao tốc chuyển sang đầu tư công, các ngân hàng thương mại hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất…”, ông Linh nói.

Cùng với đó, ông Linh cho rằng năng lực kích thích kinh tế mạnh mẽ của Mỹ, các nước Tây Âu và Trung Quốc sẽ giúp kinh tế thế giới hồi phục nhanh sau dịch.

Với mô hình chữ V, theo ông Linh: Kinh tế Việt Nam và thế giới sẽ xuống đáy trong quý 2 với mức suy giảm cực lớn, có lẽ là lớn nhất lịch sử vì độ cộng hưởng toàn cầu.

Khi dịch bệnh được kiểm soát trong mùa hè và các biện pháp kích thích kinh tế mang lại hiệu quả, tăng trưởng sẽ hồi phục trong quý III và nhanh hơn trong quý IV.

Sang nửa đầu năm 2021, tăng trưởng sẽ rất cao do nền thấp cùng kỳ 2020. Từ nửa cuối 2021, tăng trưởng sẽ trở lại quỹ đạo ổn định.

Nếu các biện pháp kích thích và cải cách trong năm 2020 thực sự hiệu quả thì tăng trưởng từ 2022 trở đi sẽ ngày một khả quan.

Giai đoạn 2018 - 2019 tăng trưởng đạt 7%, hy vọng năm 2022 có thể trên 7,5% và tăng dần các năm sau đó.

“Dù xác xuất mô hình V là cao nhất nhưng không nổi trội so với các mô hình khác, có thể đặt xác suất 35 - 25 - 25 - 15 cho mô hình V, U, L và W”, ông Linh nói

Thậm chí theo ông Linh, một kịch bản khác có thể xảy hậu dịch Covid-19, đó là: “Sự hồi phục thậm chí không hoàn toàn giống mô hình nào trong 4 mô hình này do dịch bệnh rất khó nói trước và sức khỏe hệ thống ngân hàng thế giới cũng chưa được đánh giá cụ thể”.

“Ngay cả khi dịch kết thúc đúng dự báo thì những nhân tố khác như bầu cử, tranh chấp thương mại, thay đổi chiến lược đầu tư FDI… cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục”, ông Linh cho biết.

Cần nhiều thời gian để hồi phục lại kinh tế

Lập ra các kịch bản nền kinh tế hồi phục như thế nào sau đại dịch được giới chuyên quan tâm. Mới đây, nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cũng đã đưa ra 3 kịch bản cho nền kinh tế khi dịch bệnh được kiểm soát.

Theo chuyên gia đến từ viện này, Việt Nam có khả năng vượt qua đại dịch sớm hơn các quốc gia khác, do các biện pháp quyết liệt đã được thực hiện từ khi dịch mới bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên chúng ta sẽ cần nhiều thời gian để khôi phục lại hoạt động của cả nền kinh tế.

Với giả định rằng dịch bệnh sẽ không bùng phát mạnh ở Việt Nam, nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam.

Kịch bản 1 (Lạc quan): Dịch Covid-19 tại Việt Nam được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Tác động xấu nhất của dịch Covid-19 đến nền kinh tế sẽ rơi vào quý II và tăng trưởng bắt đầu trở lại từ quý 3.

Với kịch bản này, tăng trưởng GDP năm 2020 ước tính vào khoảng 4,2%, trong đó ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng khoảng 1%, công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 6,8% và dịch vụ chỉ tăng trưởng khoảng 3%.

Kịch bản 2 (Trung tính): Theo kịch bản này, mức ảnh hưởng tới các nhóm ngành sẽ tệ hơn so với kịch bản 1 ở tất cả các quý trong năm, với xu hướng chung là suy giảm ở quý II, bắt đầu có dấu hiệu hồi phục ở quý III và lấy lại động lực tăng trưởng ở quý IV.

Với kịch bản này, tăng trưởng GDP cả năm ước tính đạt mức 1,5%, trong đó nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản giảm 0,3%, công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 4,2% và dịch vụ giảm 0,9%.

Kịch bản 3 (Bi quan): Với kịch bản này, chuyên gia giữ ước tính tăng trưởng từng ngành ở quý II tương tự như kịch bản 2, nhưng ở quý III và quý IV sẽ có sự khác biệt, do việc đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian dài có thể quá sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp.

Tác động xấu của dịch bệnh kéo dài đến tận quý IV và chỉ bắt đầu hồi phục vào cuối quý IV.

Ở kịch bản này, GDP cả năm 2020 ước tính suy giảm 1%, một điều chưa từng có tiền lệ, kể cả ở khủng hoảng năm 2008.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top