Aa

Kon Tum: Điểm sáng thu hút đầu tư từ 2 vùng kinh tế động lực

Thứ Bảy, 02/10/2021 - 13:30

Tỉnh ủy Kon Tum xác định TP. Kon Tum và huyện Kon Plông là vùng kinh tế động lực của tỉnh; xây dựng hai địa phương này thành trung tâm kinh tế, giữ vai trò nòng cốt, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.

Mới đây, Tỉnh ủy Kon Tum vừa ban hành Nghị quyết về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

TP. Kon Tum phấn đấu được công nhận đô thị loại II trước năm 2025

Vùng kinh tế động lực trọng điểm của Kon Tum

Theo đó, Tỉnh ủy Kon Tum đã thống nhất xác định TP. Kon Tum và huyện Kon Plông là vùng kinh tế động lực của tỉnh và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là xây dựng TP. Kon Tum và huyện Kon Plông trở thành trung tâm kinh tế, giữ vai trò nòng cốt, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh. Đối với TP. Kon Tum, mục tiêu đến năm 2025 sẽ sớm được công nhận đô thị loại II, có sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp - thương mại - dịch vụ và hạ tầng đô thị; tiến đến đạt đô thị loại I và trở thành đô thị xanh, hiện đại, thông minh vào năm 2030.

Đối với huyện Kon Plông, địa phương phấn đấu trở thành vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm của tỉnh vào năm 2025. Xây dựng Trung tâm huyện lỵ Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành điểm du lịch đa dạng, phong phú về loại hình với thương hiệu riêng, hạ tầng hiện đại, chất lượng phục vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2025; xây dựng trung tâm du lịch - hội nghị - nghỉ dưỡng mang tầm quốc gia, đậm bản sắc văn hóa dân tộc và trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của khu vực Tây Nguyên vào năm 2030.

Vùng kinh tế huyện Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen

Trao đổi với PV Reatimes, đại diện UBND huyện Kon Plông cho rằng, việc huyện Kon Plông được xác định là một trong hai vùng kinh tế động lực của tỉnh là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy những nỗ lực của huyện nhà trong việc phấn đấu phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát huy các tiềm năng của địa phương… UBND huyện đang xây dựng các kế hoạch cụ thể hướng đến mục tiêu huyện Kon Plông sẽ trở thành trung tâm kinh tế của tỉnh và “về đích” trước năm 2025. Cùng với mục tiêu đưa ra, Nghị quyết cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chung về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng và thị trường bất động sản; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lợi thế vùng gắn với liên kết các vùng kinh tế động lực; cơ chế, chính sách hỗ trợ, liên kết; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cho hay, để triển khai Nghị quyết, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh Kon Tum, lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum xây dựng Đề án phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, làm rõ khả năng huy động và phân bổ các nguồn lực trình HĐND tỉnh thông qua, làm cơ sở để triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương vùng kinh tế động lực để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả.

Thu hút đầu tư vào công nghiệp và du lịch

Có thể thấy, hướng phát triển của 2 vùng kinh tế động lực này nằm ở lĩnh vực công nghiệp và du lịch, cụ thể: TP. Kon Tum gắn với các khu công nghiệp, điển hình là Khu công nghiệp Hòa Bình và Vùng kinh tế huyện Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen.

Được mệnh danh là “Đà Lạt thứ 2” với không khí trong lành cùng cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, Măng Đen (huyện Kon Plông) đã thu hút đông đảo du khách tham quan khi đến với Kon Tum

Về lĩnh vực công nghiệp, việc đẩy mạnh đầu tư phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn đã và đang được TP. Kon Tum đặc biệt quan tâm. Nhóm lĩnh vực đột phá hàng đầu được Kon Tum xác định đó là: Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; từ đó thu hút, đầu tư xây dựng các khu đô thị mới kết hợp với dịch vụ, trung tâm thương mại và các cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ… Đẩy mạnh khai thác quỹ đất để phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp là một trong những giải pháp được chú trọng để khai thác có hiệu quả các nguồn lực của địa phương.

Điển hình là Khu công nghiệp Hòa Bình tại TP. Kon Tum có diện tích 70ha, quy mô dân số khoảng 1.600 người, cách TP. Kon Tum khoảng hơn 3km về phía Bắc, có vị trí tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh, đường trục chính của khu công nghiệp đi vào khu sân bay Kon Tum, là cửa ngõ khu công nghiệp phía Bắc của tỉnh Kon Tum. Theo đó, Khu công nghiệp Hòa Bình được quy hoạch phát triển gắn với phát triển dân cư, mở rộng không gian đô thị phía Bắc TP. Kon Tum. Nhìn một cách tổng quan, việc xác định mô hình phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trên địa bàn cũng đúng với mục tiêu phát triển khu công nghiệp của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hoạt động của khu công nghiệp, gắn kết giữa phát triển khu công nghiệp với quá trình đô thị hóa tại các địa phương.

Ngoài ra, ngày 28/9/2021, Ban quản lý Khu kinh tế đã tiến hành bàn giao Cụm công nghiệp Đăk La cho UBND huyện Đắk Hà quản lý. Cụm công nghiệp Đăk La với quy mô 73,78ha, đã thành lập giai đoạn 1: 50ha, cách TP. Kon Tum khoảng 10km, có vị trí thuận lợi để thu hút nhà đầu tư. Ban quản lý Khu kinh tế đã đầu tư hoàn thiện một số tuyến đường giao thông tại cụm công nghiệp với tổng chiều dài khoảng 2,4km, nhà máy xử lý nước thải tập trung, quy mô 500m3/ngày đêm, hệ thống điện phục vụ sản xuất. Đối với vùng kinh tế huyện Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, với quan điểm của UBND tỉnh là tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo các yêu cầu phát triển bền vững, tỉnh đã và đang cải thiện môi trường đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân trong ngành du lịch. Cùng với đó, tỉnh ban hành nhiều văn bản, kế hoạch cụ thể, xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch - nghĩ dưỡng của tỉnh Kon Tum.

Trong danh mục các dự án thu hút đầu tư vào du lịch tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh ưu tiên xúc tiến thu hút đầu tư các dự án vào khu vực có tiềm năng phát triển du lịch như: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y - huyện Ngọc Hồi, thị trấn Măng Đen - huyện Kon Plông... Qua đó, tỉnh ưu tiên phát triển ngành du lịch - dịch vụ, như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch trải nghiệm và khám phá; khu du lịch thể thao, vui chơi, giải trí…, hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã quan tâm, ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển du lịch cho 2 vùng kinh tế động lực này như: Dự án Đầu tư xây dựng tổ hợp khách sạn - khu thương mại - dịch vụ - vui chơi giải trí hiện đại, đa chức năng cao cấp 5 sao tại phường Quyết Thắng, TP. Kon Tum; dự án khai thác du lịch dịch vụ chất lượng cao phía Tây Bắc đô thị Kon Plông; dự án khu thương mại, dịch vụ và nhà ở phía Nam hồ Toong Đam, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông…

Ngoài ra, về phần cơ sở hạ tầng tỉnh Kon Tum đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng đường cao tốc Cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Ngọc Hồi - Pleiku. Cùng với hai tỉnh Gia Lai và Bình Định đề xuất làm đường cao tốc Pleiku - Quy Nhơn; phối hợp với các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi để mở rộng các tuyến giao thông kết nối liên vùng như Quốc lộ 40, Quốc lộ 24. Song song với đó, Kon Tum đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào giao thông cầu đường nhằm gia tăng kết nối liên vùng và nội tỉnh. Điển hình như xây dựng thêm 3 cây cầu mới bắc qua sông Đăk Bla; nâng cấp 2 tuyến đường huyết mạch là Quốc lộ 24 và đường Hồ Chí Minh; đề xuất xây dựng tuyến cao tốc Gia Lai - Kon Tum - Bình Định. Việc mở rộng này hướng đến sự phát triển cho TP. Kon Tum và huyện Kon Plông khi tăng cường giao lưu và phát triển kinh tế - xã hội.

Phối cảnh dự án khu đô thị FLC Legacy Kontum nằm ngay tại TP. Kon Tum

Theo mục tiêu quy hoạch của tỉnh Kon Tum định hướng đến năm 2025 là toàn tỉnh sẽ có 21 khu đô thị, dân số đô thị đạt trên nửa triệu người và tỷ lệ đô thị hóa đạt mức khoảng 76,5%. Để thực hiện được mục tiêu này, bên cạnh việc đẩy nhanh phát triển kinh tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tỉnh Kon Tum sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các dự án trái phép, công khai, công bố thông tin và tiến độ thực hiện của các dự án để đảm bảo các hoạt động trên thị trường bất động sản diễn ra minh bạch, an toàn đối với nhiều nhà đầu tư mới. Bên cạnh đó, tất cả các đô thị tại Kon Tum cũng được định hướng phát triển theo ba chức năng chính là du lịch, thương mại dịch vụ và công nghiệp.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tập trung phát triển các đô thị mới theo tuyến biên giới và các trục giao thông chính để tạo chuỗi đô thị liên kết trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn nhiều đồ án quy hoạch trọng điểm khác như sân bay Kon Tum; Khu trung tâm thương mại, Cửa khẩu quốc tế Bờ Y; Khu công nghiệp Hòa Bình…

Chính những yếu tố này đã mở ra nhiều cơ hội đầu tư bất động sản tiềm năng vào Kon Tum, với lợi thế là nơi đây đã có sự hiện diện của các dự án đến từ những tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, FLC, Tập đoàn TH… Bên cạnh đó, những điểm sáng trong thu hút đầu tư từ 2 vùng kinh tế động lực là tiền đề giúp thị trường bất động sản Kon Tum tiếp đà phát triển sôi động trong thời gian tới với tiềm năng đã hiện hữu cùng thế mạnh về quỹ đất rộng lớn./.                                                                                                     

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top