Mới đây, UBND huyện Kon Plông đã đề xuất lên UBND tỉnh Kon Tum xem xét, thu hồi 5 dự án có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, với lý do chậm triển khai, thi công dự án.
Theo UBND huyện Kon Plông, các nhà đầu tư lập thủ tục pháp lý để xin dự án, nhưng lại chỉ chiếm đất, giữ chỗ, thậm chí sang nhượng lại dự án để hưởng lợi. Việc làm này gây bức xúc dư luận và khiến quỹ đất hiện có thiếu động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Được biết, UBND tỉnh Kon Tum đã thu hồi, chấm dứt các quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thông báo khảo sát lập dự án của 3 dự án ở huyện Kon Plông, gồm: Dự án khu biệt thự du lịch sinh thái Măng Đen của Công ty Cổ phần Măng Đen; Dự án trồng cây việt quất dưới tán rừng tại thôn Măng Đen, xã Đăk Long của Công ty TNHH Kon Tum Bellest; Dự án đầu tư xây dựng biệt thự sinh thái cao cấp tại khu du lịch Măng Đen của Công ty Cổ phần Măng Đen Villa.
Đáng chú ý, có những dự án được giao đất ở ngay trung tâm thị trấn Măng Đen, là đất vàng nhưng bị bỏ hoang cả chục năm qua. Dự án khu biệt thự du lịch sinh thái Măng Đen có quy mô gần 19ha tại thôn Măng Đen, xã Đăk Long, hiện cỏ mọc um tùm.
Anh Nguyễn Văn Linh (trú tại thị trấn Măng Đen) bức xúc: “Người dân hy vọng nhà đầu tư đến để làm thay đổi diện mạo Măng Đen, thu hút du lịch, phát triển kinh tế. Nhưng đợi mãi vẫn là những dự án… trên giấy. Cần thiết phải thu hồi đất cho những nhà đầu tư thực sự có năng lực”.
Huyện Kon Plông được đánh giá là vùng đất tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng việc nhà đầu tư làm ngơ với các dự án đầy tiềm năng là một sự thất thoát, lãng phí lớn về nguồn lực đất đai.
Theo trình bày của nhà đầu tư, dự án quần thể vườn hoa, khu du lịch sinh thái có 50 nhà nghỉ, cáp treo… quy mô gần 63ha ở tiểu khu 487 xã Đăk Long. Dự án được “vẽ” ra hoành tráng, nhưng sau 10 năm vẫn là một bãi đất trống, người dân đưa trâu bò vào chăn thả. Những hạng mục đơn giản được dựng lên nhưng gỉ sét, hư hỏng…
Trước tình hình trên, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu chủ tịch các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc chậm giải quyết thủ tục hành chính, thiếu tính năng động, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đối với các dự án nhà đầu tư không có năng lực để triển khai thực hiện, tỉnh Kon Tum kiên quyết thu hồi để kêu gọi nhà đầu tư khác.
Ông Lê Ngọc Tuấn cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư “chây ì”, chủ yếu do vướng mắc giữa các văn bản pháp luật, dịch bệnh Covid-19... Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chia sẻ thêm rằng nguyên nhân chủ quan vẫn là do thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện… chưa chủ động phối hợp, hỗ trợ để kịp thời tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư.