PV: Chào anh, cơ duyên nào đưa anh trở thành kiến trúc sư thiết kế văn phòng xanh đầu tiên của Hà Nội Ecolife Capitol, một mô hình văn phòng rất mới ở Việt Nam?
KTS. Nguyễn Anh Tuấn: Trước dự án này, tôi từng thiết kế một căn nhà cho Tổng Giám đốc Capital House Đỗ Đức Đạt. Sau khi thuê hai đối tác khác, anh Đạt chưa ưng í và có hỏi tôi muốn tham gia thiết kế không? Tôi đã nhận lời vì đây là một dự án thú vị.
Đặc biệt, trong thời gian học kiến trúc tại Mỹ, tôi được đào tạo rất nhiều về công trình xanh, bền vững. Nước ngoài rất chú trọng tới tính bền vững, bảo vệ môi trường của công trình nên tôi muốn đưa xu thế đó vào thiết kế của mình.
PV: Là người có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế công trình xanh, anh thấy điểm thuận lợi và khó khăn gì khi thiết kế văn phòng xanh so với văn phòng truyền thống là gì?
KTS. Nguyễn Anh Tuấn: Tôi thấy có hai điểm thuận lợi. Thuận lợi lớn nhất là về tư tưởng phát triển và xây dựng văn phòng xanh. Điểm này rất quan trọng trong bất cứ công trình nào. Muốn làm văn phòng xanh, chủ đầu tư phải rất hợp tác. Họ phải thực sự muốn văn phòng của mình xanh. Không chỉ ở việt Nam mà trên thế giới, việc đạt được chứng chỉ xanh không dễ. Tất nhiên có nhiều mức độ xanh, khi làm thì bao giờ chủ đầu tư cũng muốn đạt được mức độ cao nhất có thể trong phạm vi về tài chính, thời gian, quy mô cho phép. Đó là một thử thách.
Với văn phòng xanh Ecolife Capitol, chủ đầu tư sở hữu luôn tòa nhà nên hoàn toàn có thể hỗ trợ xử lý những vấn đề về hạ tầng, ví dụ như diện tích, kỹ thuật... Trong trường hợp nếu đi thuê lại, chúng ta sẽ có thể gặp phải vấn đề hạn chế về mặt diện tích, hạ tầng của tòa nhà. Với tòa nhà này, từ khi thiết kế ban đầu, chủ đầu tư đã tích hợp nhiều yếu tố xanh. Ví dụ như tất cả kính của tòa nhà là low-e nên hỗ trợ nhiều cho việc thiết kế xanh của tôi.
Còn khó khăn khi thực hiện công trình xanh ở Việt Nam nói chung là do rất nhiều chủ đầu tư còn chưa có ý thức, chưa đánh giá cao việc xanh hóa môi trường làm việc. Đây là rào cản lớn nhất.
Nhược điểm nữa là vấn đề cung - cầu thị trường. Khi người ta không có nhu cầu thì thị trường không đáp ứng, như vậy không có nhà cung cấp khi thực hiện công trình xanh. Nhà cung cấp ở đây gồm nhiều lĩnh vực như vật liệu hoặc kiến thức. Ví dụ chúng ta chưa có tổ chức đưa ra các biểu đồ đánh giá về mức tiêu thụ năng lượng hoặc mức phần trăm có thể tái chế vật liệu cho văn phòng. Đây chỉ là một phần rất nhỏ.
Hiện Việt Nam cũng chưa có đơn vị thi công dự án xanh chuyên nghiệp, hầu hết thực hiện theo hướng dẫn của kiến trúc sư. Và kiến trúc sư cũng phải thực hiện theo hướng dẫn của những tổ chức đã nghiên cứu về công trình xanh ở Việt Nam.
PV: Kỹ thuật thiết kế văn phòng xanh có khác biệt nhiều với văn phòng truyền thống không thưa kiến trúc sư?
KTS. Nguyễn Anh Tuấn: Kỹ thuật thiết kế không khác biệt nhiều. Tuy nhiên cách áp dụng, phương án thiết kế khác khá nhiều vì tư tưởng của người làm có thể hướng tới nhiều mục tiêu khác.
Điều này tùy phong cách của người thiết kế, có những người ưu tiên thẩm mỹ, người ưu tiên công năng, người ưu tiên cá tính của người sử dụng, người ưu tiên thương hiệu.
Khi thiết kế một công trình xanh, tất cả ưu tiên đó vẫn tồn tại nhưng lúc nào cũng phải kèm theo một câu hỏi bên cạnh là những giải pháp đưa ra có xanh không? Nếu không thì liệu có cách nào để làm cho dự án xanh hơn? Đây chính là khác biệt lớn.
Với một văn phòng truyền thống, kiến trúc sư đã phải sáng tạo nhưng càng phải sáng tạo hơn trong công trình xanh. Ví dụ lúc trước kiến trúc sư có thể sử dụng phương án đưa loại vật liệu nào đó chỉ cần thỏa mãn yếu tố về thẩm mỹ nhưng với công trình xanh thì cần tính kỹ hơn.
Khi kiến trúc sư chọn một tấm kính to cho công trình thông thường chỉ cần đáp ứng về hình dạng, kích thước, chiều cao và đưa lên vị trí cuối cùng của nó là được. Nhưng khi xét yếu tố xanh thật kỹ còn phải tính tới việc miếng kính sản xuất ở đâu? Nó có xa địa điểm thực hiện công trình không? Năng lượng được sử dụng để đưa lên vị trí cuối cùng có tốn không? Tốn mức nào? Miếng kính khi đưa vào điểm cuối thì tác dụng với không gian như thế nào? Nó có làm tăng lượng năng lượng sử dụng không? Có làm nóng công trình khi sử dụng?
Đây là một việc nhỏ trong tổng thể nhưng phải cân nhắc rất kỹ. Để làm được một công trình xanh hoàn hảo là mục tiêu không bao giờ đạt được của loài người. Tuy nhiên, chúng ta đang cố gắng hết sức để ngày càng tăng mức xanh trong cuộc sống.
PV: Đúng là đánh giá một công trình xanh không chỉ là nhìn vào sản phẩm mà còn phải xem cả quy trình thi công. Theo anh cần những yếu tố gì nữa để có phát triển các công trình xanh thực sự ở nước ta?
KTS. Nguyễn Anh Tuấn: Thực tế tôi biết có những công trình từ lúc bắt đầu khởi động, bản thân quá trình làm nên công trình cũng phải suy nghĩ, tính toán rất kỹ. Nhiều văn phòng kiến trúc còn tính tới hạn chế giấy sử dụng. Thay vì in bản vẽ, họ sử dụng iPad để trao đổi để giảm sử dụng giấy. Từ những chi tiết nhỏ như thế thôi.
Thực sự, để phát triển công trình xanh, chúng ta cần sự chung tay của toàn xã hội. Đặc biệt chính phủ cần chính sách rất rõ ràng. Chúng ta cần đầu tư rất nghiêm túc về thời gian, tiền bạc, cả về hệ tư tưởng. Ví dụ như một số nước đi đầu về phát triển bền vững như Nhật, Đức, nhà dân sử dụng năng lượng mặt trời thừa, họ hoàn toàn có thể tái hòa nhập năng lượng đó vào mạng lưới điện quốc gia và được trả tiền. Khi làm việc đó, tất cả mọi người được khuyến khích để xanh hóa môi trường sống của mình. Môi trường sống ở đây rất rộng không chỉ là nhà ở mà có thể là văn phòng, trung tâm thương mại, tất cả không gian xung quanh…
Cảm ơn anh đã chia sẻ!