Xu hướng chọn nơi ở xanh đang bùng nổ ở các thành phố lớn như Hà Nội hoặc TP.HCM, nhưng tiêu chuẩn đánh giá một dự án khu đô thị sinh thái, công trình xanh còn rất nhiều vấn đề phải bàn luận.
Để được gọi là khu đô thị xanh, nhà phát triển dự án phải đáp ứng được một số tiêu chí về giao thông, môi trường, cảnh quan, năng lượng, kiến trúc, khả năng kết nối... Reatimes đã có cuộc trao đổi với KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam xoay quanh việc phát triển đô thị nói chung, đô thị xanh, công trình xanh nói riêng.
PV: Thưa ông, thời gian qua thị trường chứng kiến sự xuất hiện của rất nhiều các khu đô thị sinh thái, chung cư xanh. Song nhìn toàn diện có thể thấy các tiêu chuẩn, quy định về xanh của Việt Nam còn chưa rõ ràng. Ông nhìn nhận như thế nào về sự chuẩn xanh này?
KTS Phạm Thanh Tùng: Hiện nay, phát triển chung cư cao tầng xanh không chỉ là xu hướng của Việt Nam mà còn cả thế giới. Người dân sống tại các chưng cư mới hiện nay cho thấy họ có điều kiện ở tốt hơn nhiều năm trước. Chúng ta nghe nhiều đến các công trình xanh, kiến trúc xanh, đô thị sinh thái mà các nhà đầu tư bất động sản đang kêu gọi và quảng bá cho các dự án của mình.
Tuy nhiên, các công trình xanh hiện nay đang có 2 vấn đề: Thứ nhất, giữa các bản vẽ bán nhà trên giấy có khác thực tế. Trong quá trình thực hiện dự án, không ít chủ đầu tư điều chỉnh khiến tỷ lệ cây xanh giảm, không gian công cộng, tiện ích cho cư dân ở đó hưởng thụ không còn nhiều. Thứ hai, các khu đô thị không có sự kết nối với giao thông công cộng, không tạo ra việc làm. Các đô thị chỉ để ngủ nghỉ mà quên mất một điều là người dân ở đó cần phải làm việc, đặc biệt là người trẻ. Do đó, người dân phải di chuyển từ đô thị này sang đô thị khác, từ ngoại thành vào thành phố làm việc dẫn đến những va đập về giao thông, về lối sống.
Chúng ta hướng đến kiến trúc xanh, những dự án tốt nhưng thực ra chưa đúng, cần có cái nhìn chiến lược hơn. Các khu đô thị không thể là những ốc đảo cô độc mà cần có sự hỗ trợ lẫn nhau, kết nối với nhau giữa khu đô thị này với khu đô thị khác.
Cùng với đó, không gian công cộng là sự hưởng thụ của cộng đồng, là sự lan toả và tạo ra sự thân thiện giữa người với người, giữa người với đô thị. Theo đó, để có sự phát triển bền vững, chúng ta phải giải quyết được 2 vấn đề đã phân tích.
PV: Như phân tích của ông, phải chăng trong quá trình phát triển bất động sản cần phải bình tĩnh hơn?
KTS Phạm Thanh Tùng: Khi ngân hàng siết chặt tín dụng, khi quỹ đất không còn nhiều, nhu cầu của con người khác hơn, các nhà đầu tư tăng giá căn hộ, thì bất động sản sẽ rơi vào một tình trạng khủng hoảng.
Tương lai, người dân có xu thế quay lại trung tâm để hưởng môi trường giáo dục, y tế tốt nhất. Bởi các đô thị mới của chúng ta thiếu về hạ tầng xã hội, ít có bệnh viện và trường học tốt nhất.
Tôi cho rằng, đã đến lúc ngoài chuyện tổng kết đánh giá bán được bao nhiêu căn hộ, xây dựng được bao nhiêu dự án thì chúng ta cần bình tĩnh xem lại sự phát triển bền vững bất động sản trên cơ sở văn hoá, môi trường. Đặc biệt, khi chúng ta bước vào kỷ nguyên số, phải hiểu rằng dùng công nghệ để môi trường sống tốt hơn chứ không phải để thay đổi hoàn toàn môi trường sống.
PV: Vậy giải pháp là phát triển bất động sản phải đi đôi với phát triển đô thị, thưa ông?
KTS Phạm Thanh Tùng: Từ khi thị trường bất động sản phát triển, có lẽ chưa bao giờ các nhà đầu tư có tiếng nói chung về kết nối giữa đô thị này với đô thị khác, họ mới chỉ quan tâm vấn đề lợi nhuận. Đương nhiên, doanh nghiệp đã đầu tư thì họ đề cao lợi nhuận và không thể đòi hỏi hay trách doanh nghiệp.
Vấn đề kết nối ở đây chính là cơ quan quản lý, từ chính quyền địa phương đến nhà nước. Với quyền quyết định của cơ quan quản lý trong câu chuyện quy hoạch, chỉ một 1 nét vạch là giao thông, giáo dục, bệnh viện được kết nối. Lúc này, lập tức các khu đô thị sẽ thành một cộng đồng lớn, không hề cô độc, sự phát triển đô thị sẽ tốt hơn.
Ví như theo quy hoạch, 5 đô thị vệ tinh ngoài nội thành đang phải gánh trách nhiệm hút dân số, chia sẻ gánh nặng dân số với trung tâm, nhưng khi chúng ta không làm được hệ thống kết nối, hạ tầng, chúng ta không có con người. Một đô thị di dân bằng kiểu cưỡng bức thì đô thị đó không tồn tại, không ai hưởng ứng về sinh sống.
PV: Vừa qua, UBND TP. Hà Nội ban hành kế hoạch về tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt. Điều đó có nghĩa là Hà Nội sẽ siết chặt hơn công tác quy hoạch? Ông nhận định thế nào về câu chuyện này.
KTS Phạm Thanh Tùng: Tôi cho rằng, đã đến lúc Hà Nội phải kiểm tra lại quỹ đất của quy hoạch đô thị, bởi muốn quy hoạch thế nào cũng phải có tài nguyên. Chúng ta buông lỏng quy hoạch, buông lỏng quỹ đất sẽ không có bất động sản.
Hệ luỵ của điều chỉnh quy hoạch đã nhìn thấy rõ. Điều chỉnh quy hoạch là một trong những điều luật pháp cho phép vì điều đó để phù hợp với sự phát triển kinh tế. Nhưng mục đích của điều chỉnh quy hoạch, ai có quyền điều chỉnh quy hoạch lại là câu hỏi. Tôi cho rằng, cấp nào duyệt quy hoạch, cấp đó điều chỉnh nhưng hiện nay điều chỉnh manh mún, nhiều nơi quy hoạch bị băm nát.
Mặt khác, khi duyệt quy hoạch có hội đồng nhưng điều chỉnh thì hội này lặng lẽ biến mất. Việc siết lại quy hoạch muộn còn hơn không nhưng phải trên tư duy phát triển chứ không phải siết lại để không thể phát triển. Tức là vẫn cho phép điều chỉnh quy hoạch nhưng phải quản lý chặt. Việc Hà Nội siết quy hoạch cần thận trọng, điều chỉnh cho phù hợp.
Ngoài ra, tất cả quy hoạch cần công khai. Ở nước ngoài, họ có các nhóm cử tri, có chọn lọc để tham vấn cho công tác quy hoạch bởi không phải ai cũng có thể cho ý kiến. Công khai quy hoạch là công khai quy hoạch chi tiết để mọi người có thể xem và hiểu chỗ nào là vườn hoa, trường học. Sau khi quy hoạch tốt rồi sẽ có các thiết kế đô thị để quy định về số tầng, về kiểu mẫu… Nếu chúng ta có thể thực hiện được công khai như nước ngoài thì sẽ không có những hệ luỵ xảy ra.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!