- Xin chào KTS Tạ Tiến Vĩnh! Anh có thể nói gì về yếu tố bản địa trong thiết kế của anh và Landmak Architecture?
KTS Tạ Tiến Vĩnh: Chưa bao giờ hai từ văn hóa và truyền thống lại được nói nhiều như lúc này, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, cuộc sống vật chất càng đầy đủ thì giá trị tinh thần càng lúc bị mai một, đặc biệt với những quốc gia đang phát triển, tôi nhận thấy con người đang băn khoăn về ý nghĩa cuộc sống và khó khăn định vị mình đang ở đâu.
Rất nhiều hội thảo, diễn đàn bàn về Truyền thống và Bản địa, nhưng có vẻ cũng đang rất vất vả trong quá trình hạn chế sự phá hủy nghiêm trọng bản sắc của các vùng, miền. Vì vậy tôi luôn tìm cách để phát huy bản sắc văn hóa Việt, duy trì môi trường lịch sử trong thiết kế không gian kiến trúc mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống hiện đại.
- Yếu tố truyền thống và bản địa là cần thiết, tuy nhiên trong quá trình sáng tạo chúng ta cần thay đổi những cái cũ để thiết lập một tổng thể mới và vô hình chung làm mất đi yếu tố truyền thống, anh nghĩ sao về vấn đề này? Theo anh, như thế nào là kiến trúc truyền thống?
KTS Tạ Tiến Vĩnh: Nhiều quốc gia đã lựa chọn bỏ đi những giá trị cũ của họ để đổi lấy sự phát triển và bây giờ họ đã hối tiếc. Tôi cho rằng Việt Nam vẫn còn cơ hội giữ lại nhiều giá trị văn hóa truyền thống nếu tất cả cộng đồng đều quan tâm, đặc biệt là những người làm công việc sáng tạo, truyền thông…. Tuy nhiên chúng ta phải rất tỉnh táo trong cách tách lớp các vấn đề cụ thể. Giữa phế tích và di sản, giữa truyền thống và lạc hậu, giữa vay mượn và chọn lọc…
Với tôi kiến trúc truyền thống là một khái niệm chung, trong đó bao gồm 3 hạng mục tương đối rõ ràng:
1, Kiến trúc Tôn giáo
2, Kiến trúc Cung đình.
3, Kiến trúc phục vụ Dân sinh.
Trong đó kiến trúc dân sinh (bao gồm không gian kiến trúc phục vụ cộng đồng) được người dân tự phát triển qua nhiều thế hệ. Tồn tại phù hợp với các đặc tính khí hậu, tự nhiên, lịch sử, phong tục, thói quen sống của từng khu vực, được chọn lọc theo cách tự nhiên nhất và cũng gần gũi nhất. Vì vậy tôi khai thác các cấu trúc, vật liệu, chi tiết kiến trúc truyền thống từ những ngôi làng cổ làm cảm hứng phát triển cho các thiết kế đương đại của mình.
- Anh có phải là một “nghệ sĩ” kể những câu chuyện dân gian qua những thiết kế của mình?
KTS Tạ Tiến Vĩnh: Tiếp cận với Phật giáo và Thiền định giúp tôi có thể đủ “Tĩnh” và “Quán chiếu” một cách sâu sắc hơn, hiểu về con người mình, hiểu về hiện tại, hiểu về truyền thống để có thể chắt lọc những tinh thần, ý niệm từ Dân gian nhằm tạo ra một “trải nghiệm” về cảm xúc, về không gian chứ không sao chép lại dĩ vãng hay kể chuyện lịch sử. Tôi rất thực tế trong công việc, không tự cho mình là nghệ sĩ, với tôi kiến trúc sư không phải là người kể chuyện, mà không gian do kiến trúc sư tạo ra sẽ tự kể câu chuyện của nó.
- Đưa yếu tố dân gian, bản địa vào các thiết kế hiện đại vẫn luôn là bài toán khó với đa số kiến trúc sư. Vậy anh và các cộng sự của mình đã dung hòa và cân bằng các yếu tố trên để đưa vào thiết kế của mình bằng cách nào?
KTS Tạ Tiến Vĩnh: 10 năm qua, tôi cùng các cộng sự của mình tại Landmak Architecture đã mất nhiều thời gian và năng lượng để những dự án của mình được xây dựng thành hình hài cho dù đó là những dự án siêu nhỏ. Nhưng hiện tại, chúng tôi đang có cơ hội thể hiện quan điểm thiết kế trong những dự án có quy mô lớn hơn, cộng đồng hơn. Chính vì vậy, tôi đã nghiên cứu, chuyển hóa yếu tố dân gian, bản địa để thích nghi, hòa trộn vào thiết kế hiện đại một cách cẩn trọng, từ tốn và hữu cơ nhất.
- Truyền thống, bản địa với anh là?
KTS Tạ Tiến Vĩnh: Ngày nay chúng ta “bội thực” về những khái niệm, định nghĩa về giá trị truyền thống, bản địa một cách to tát, nghiêm trọng, thì cá nhân tôi lại coi những giá trị hình thành một cách tự nhiên trong “tàng thức” của mình là món quà vô giá mà tiền nhân trao truyền và cảm hứng từ đó mang lại là bất tận.
- Đâu là công trình mang tính bước ngoặt, khiến những thiết kế của anh và Landmak Architecture không còn chỉ là những công trình trên giấy? Điểm đặc biệt và khác biệt của công trình đó với anh là gì?
KTS Tạ Tiến Vĩnh: Công trình mang tính bước ngoặt là một dự án chúng tôi đang thiết kế- một ngôi làng dành cho Thiền. Nó đặc biệt vì sẽ ảnh hưởng đến phong cách sống một cộng đồng người.Còn dự án đầu tiên chúng tôi được xây dựng là VIỆT PAVILION hoàn thành năm 2014, chấm dứt quá trình gần 6 năm chúng tôi không được chủ đầu tư chấp nhận thiết kế (là công trình duy nhất được xây dựng trong khoảng 300 dự án chúng tôi đã thiết kế tính đến thời điểm đó). Mặc dù công trình này chỉ xây dựng được khoảng 70% theo thiết kế ban đầu, nhưng tôi cảm thấy thực sự biêt ơn Chủ đầu tư và những nhà thầu xây dựng đã thực hiện dự án đó.
- Anh có thể cho biết điều dũng cảm anh đã làm để thực hiện triết lý kiến trúc của chính mình là gì?
KTS Tạ Tiến Vĩnh: Trước đây tôi cực đoan, không thỏa hiệp, không điều chỉnh thiết kế của mình mà cố gắng rất nhiều để thuyết phục chủ đầu tư. Lúc đó tôi thấy mình rất dũng cảm, tuy nhiên họ vẫn không chọn thiết kế của tôi… Còn bây giờ với tôi dũng cảm là từ chối những dự án không phù hợp với mình.
- Anh ứng dụng gạch đá ong, những cột kèo, đưa tranh Đông Hồ, sơn mài, chi tiết con tiện gỗ… vào công trình của mình dựa trên những yếu tố bản địa, bởi ngầu hứng hay còn lí do nào khác?
KTS Tạ Tiến Vĩnh: Hầu hết những chi tiết kiến trúc đó được tạo ra từ chính bàn tay những nghệ nhân làng nghề. Tôi mong muốn góp sức một phần làm sống lại những làng nghề truyền thống ở Việt Nam.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh và xin chúc anh cùng những cộng sự trong Landmak Architecture sẽ luôn thành công với quan điểm thiết kế của mình!
KTS Tạ Tiến Vĩnh: Xin cảm ơn kienviet.net!