Tăng vốn chóng mặt, đầu tư lan man
Theo thông tin được công bố, tháng 9/1995 Xí nghiệp Tư doanh Đức Long Gia Lai được thành lập với một ngành nghề là chế biến gỗ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Doanh nghiệp có số vốn ban đầu là 3,6 tỷ đồng và 9.700 m2 đất và một dây chuyền chế biến gỗ thủ công, bán tự động. Tháng 6/2007, thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) và sau đó lần lượt thành lập 20 công ty thành viên, mở và liên kết thành lập 13 chi nhánh, cửa hàng trong và ngoài nước hoạt đông sản xuất kinh doanh và đầu tư đa ngành nghề.
Năm 2007, DLG hoạt động có vốn điều lệ 697 tỷ đồng - tương đối lớn ở thời điểm bấy giờ. Chỉ 1 năm sau, DLG chính thức được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công nhận trở thành công ty đại chúng. Ngày 22/6/2010, DLG niêm yết 29,1 triệu cổ phiếu trên HOSE với giá chốt phiên chào sàn đạt 30.000 đồng/cp. Việc đưa cổ phiếu lên sàn có thể xem là bước ngoặt đối với DLG, bởi sau khi niêm yết, doanh nghiệp này liên tục phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Cụ thể, năm 2015, DLG tăng vốn lên 1.691 tỷ đồng, sau khi thực hiện hoán đổi thành công gần 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông của Mass Noble. Thông qua hoán đổi cổ phiếu này, DLG chính thức đầu tư lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.
Năm 2016, DLG tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 2.301 tỷ đồng, sau khi thực hiện chuyển đổi trước hạn 5 triệu trái phiếu chuyển đổi thành 50 triệu cổ phiếu, phát hành thêm gần 11 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu cho các cổ đông hiện hữu.
Cùng với việc tăng vốn liên tục, doanh nghiệp này đầu tư mở rộng sang các lĩnh vực không liên quan với mục tiêu xây dựng tập đoàn đa ngành. Trong năm 2015, DLG bất ngờ chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Công ty Chế biến gỗ Đức Long Gia Lai với vốn điều lệ 35 tỷ đồng cho CTCP Bamboo Capital (BCG). Nhiều cổ đông bất ngờ bởi kinh doanh gỗ và các sản phẩm từ gỗ trước đến này vẫn là lĩnh vực cốt lõi của DLG.
Thay vào đó, DLG mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực mới, như đầu tư hạ tầng giao thông với hình thức BOT và BT; đầu tư vào năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chăn nuôi và kinh doanh bò, trồng bắp và kinh doanh bất động sản.
Hoạt động của DLG na ná trường hợp của Hoàng Anh Gia Lai. Nhưng “số phận” cổ phiếu của DLG thậm chí còn thảm hại hơn nhiều.
Lãnh đạo “nổ”, cổ đông tuyệt vọng
Cách đây 5 năm, tại Đại hội cổ đông thường niên 2015, ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT DLG cho biết tập đoàn kiên định tập trung 4 lĩnh vực trọng điểm gồm cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, năng lượng và linh kiện điện tử. Đồng thời, DLG cũng sẽ thoái vốn ở các ngành nghề truyền thống (kinh doanh gỗ) nhằm tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực mới.
Để thêm màu sắc cho bức tranh tươi sáng này, HĐQT của DLG còn đặt ra mục tiêu kinh doanh năm 2015, với doanh thu tăng gần 150% lên 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 265 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận thực tế DLG ghi nhận được trong năm 2015 chỉ 81 tỷ đồng. Kể từ đó đến nay, lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp này giảm dần.
Điển hình như năm 2019, Công ty dự kiến doanh thu đạt 3.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng, tương ứng tăng 10% và gấp 3 lần so với năm 2018. Đây là mức kế hoạch đã được hạ một nửa hồi tháng 6/2019, còn mục tiêu ban đầu của Công ty là 4.000 tỷ đồng doanh thu và 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đến quý I/2020, DLG âm 47 tỷ đồng.
Sự nôn nóng của ban lãnh đạo thể hiện trong lĩnh vực bất động sản. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản dù cần trường vốn và có kinh nghiệm. Nhưng vốn của DLG thể hiện qua nhiều lần tăng vốn nói trên cho thấy nhiều sự nghi hoặc về thực lực của doanh nghiệp. Tuy vậy, lãnh đạo DLG vẫn đặt ra tham vọng hướng tới phân khúc căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại tại TP.HCM với vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Trên thị trường đã không ít xôn xao về Trung tâm thương mại căn hộ cao cấp Dragon Court phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM, do Vạn Gia Long làm chủ đầu tư. DLG có hàng trăm tỷ đồng giao dịch liên quan tới Vạn Gia Long. Đây là khoản góp vốn của DLG cùng Vạn Gia Long thực hiện dự án theo hợp đồng ký kết ngày 10/5/2016. Thời gian hợp tác 3 năm và lợi nhuận được phân chia theo tỷ lệ vốn đầu tư các bên. Trong khoản mục phải thu ngắn hạn của khách hàng, DLG cũng có khoản phải thu lớn khác với Vạn Gia Long.
Cuối năm 2018, UBND TP.HCM đã đề nghị giao Thanh tra thành phố chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc của dự án sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, để điều tra làm rõ trách nhiệm trước pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ.
Khi Đức Long Gia Lai thoái vốn thành công ở Đức Long Gia Lai Land, Đồng Phú Hưng và Vạn Gia Long, 4 dự án Đức Long Newland, Đức Long Golden Land, Western Park và Elysium cũng “đứng bánh”. Đức Long Golden Land đã xong phần móng nhưng chưa dự án nào tái khởi động. Ba dự án còn lại mặc dù chủ đầu tư của bốn dự án này đã huy động vốn dưới hình thức đặt cọc từ 200 đến hơn 300 triệu/căn. Khách hàng đứng ngồi không yên vì niềm tin đặt nhầm chỗ.
Kết quả cho bước đi sai lầm của DLG thể hiện qua giá cổ phiếu và sự tuyệt vọng của nhà đầu tư. Cổ phiếu DLG chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán với giá 30.000 đồng/cp. Sau khi chào sàn với định giá cao, cổ phiếu DLG rơi vào vòng luẩn quẩn và tuột dốc về dưới vùng giá chào sàn và hiện chỉ còn quanh vùng giá 1.500 đồng/cp.
Khi có dấu hiệu "vỡ nợ ngân hàng", cuối năm ngoái (2019), Chủ tịch HĐQT Bùi Pháp đã lên tiếng về những vấn đề gần đây của công ty, khẳng định mọi hoạt động của Đức Long Gia Lai và các công ty thành viên đều diễn biến thuận lợi, việc thay đổi vị trí Tổng Giám đốc là điều rất bình thường. Công ty đang làm việc với ngân hàng, chủ nợ để cơ cấu lại nợ gốc vay, giảm lãi vay nhằm đảm bảo cho công ty có đủ nguồn lực tiếp tục hoạt động.
Ngoài ra, để củng cố niềm tin với các nhà đầu tư, ông Pháp cũng đã đăng ký liên tiếp cổ phiếu và hiện hiện nay là cổ đông lớn nhất của Đức Long Gia Lai.
Việc tăng vốn nhiều lần cùng với giá cổ phiếu giảm thấp bậc nhất thị trường của DLG và những mập mờ chuyện đầu tư dự án của DLG liên quan trực tiếp đến Chủ tịch Bùi Pháp, Reatimes sẽ tiếp tục thông tin…