Aa

Kỳ 1: Bên bờ vực phá sản

Thứ Sáu, 23/03/2018 - 03:57

Nếu nhắc đến những thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam kể từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới năm 1986, chắc chắn nhiều người sẽ nhắc đến một thương hiệu gần gũi và bình dị với hàng triệu gia đình, đó là kem đánh răng Dạ Lan.

Bởi đã có lúc, kem đánh răng Dạ Lan chiếm tới 70% thị phần của cả nước, một con số mà cho đến nay, vẫn là mơ ước của nhiều thương hiệu hàng đầu.

Mà cũng không phải ngẫu nhiên, khi muốn bước chân vào thị trường Việt Nam, hãng sản xuất kem đánh răng số 1 của nước Mỹ, một đất nước đầy tự tin và lòng cao ngạo trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm, đã chọn thương hiệu Dạ Lan làm “môn đăng hộ đối” trong chiến lược phát triển của mình.

Thời ấy, nếu ai chứng kiến quá trình phát triển của thương hiệu kem đánh răng mang tên Dạ Lan thời đó đều có thể đánh giá, đây là một trong những huyền thoại của thương hiệu Việt. Bởi lẽ khi ấy, nhắc đến kem đánh răng là ai cũng nghĩ ngay đến Dạ Lan, tựa như nhắc đến xe máy là nghĩ ngay đến Honda vậy.

Đã mấy ai biết rằng, “huyền thoại” ấy đã có những bước thăng trầm khó bề tưởng tượng, những bài học ngàn lần nuối tiếc, những hạnh phúc vô bờ bến... của “người cha đẻ” ra thương hiệu Dạ Lan, đó là doanh nhân Trịnh Thành Nhơn.

Kem đánh răng Dạ Lan được quảng cáo rầm rộ vào những năm đầu 1990.

Kem đánh răng Dạ Lan được quảng cáo vào những năm đầu 1990.

Kỳ 1: Bên bờ vực phá sản

Ông Trịnh Thành Nhơn kể: “Năm 1975, giải phóng miền Nam, các trường học phải tạm đóng cửa, sinh viên, học sinh tham gia phong trào cùng chính quyền cách mạng. Tôi không phải là ngoại lệ. Ở những năm đó đang là sinh viên năm 3 ngành sư phạm Đại học Vạn Hạnh, tôi ước mơ trở thành một nhà giáo.

Gia đình tôi có tiệm bán sỉ trong chợ Bình Tây – một chợ lớn toàn khu vực phía Nam diễn ra mọi hoạt động kinh doanh mua bán sỉ lẻ. Tôi sinh ra và lớn lên ở khu vực này. Thời điểm đó, hàng hóa khan hiếm, gia đình tôi bán xà phòng. Ba tôi nói: “Tối ngày đi theo cách mạng hoài, không làm gì hết, lấy tiền đâu mà xài? Con đến xếp hàng ở Hãng xà phòng thơm PPP, mua xà phòng về mà bán”.

Khi đó tôi tham gia cách mạng, mang bộ bà ba đen, đeo khăn rằn. Chủ Hãng người Hoa thấy vậy nên ngại, gọi tôi đến bán trước 1 thùng để tôi đi về.

Bán thùng xà phòng này tiền lời đủ nuôi sống một gia đình, chi tiêu sinh hoạt trong một tuần lễ. Ngày nào tôi cũng ra đó, được ưu tiên mua trước 1 thùng.

Rồi tôi nghĩ, nếu mình có một xưởng xà bông sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Nung nấu ý định. Để làm ra cái này phải có kỹ thuật.

Hàng ngày tôi quanh quẩn, dò la và được biết người kỹ thuật chính. Tiếp cận, kết nối để người này về làm cho mình nhưng bị từ chối do nhìn bề ngoài của tôi giống người của cách mạng.

Sau một thời gian tác động cũng được nhận lời. Ban ngày làm ở xưởng, tối về phụ tôi.

Khi ấy tôi có bao nhiêu vốn? Ngoài có cái xe đạp thì không có mấy đồng.

Hai anh em bàn nhau sẽ làm nhỏ trước. Anh này liệt kê nguyên liệu và các thứ liên quan... Thời điểm đó cần vốn khoảng 1.500 đồng, huy động từ gia đình, bạn bè, được 3.000 đồng. Đó là vào thời điểm 1976.

Mỗi ngày chạng vạng 7h tối, ông ấy đến làm xà phòng, mỗi lần được một mẻ, đổ ra khuôn, sáng mai đông lại thì cắt thành miếng bán. Ngày nào cũng bán hết. Lợi nhuận mỗi ngày 1 – 2 cây vàng.

Là người Hoa nên rất giấu nghề. Nhưng tôi muốn học nghề nên ghi chép nhật ký đầy đủ. Dần dần cũng học được. Khối lượng xà phòng tăng dần, có ngày lên tới 5.000 kg. Giai đoạn đầu cho các tiểu thương mang đi bán tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc.

Sau 1979, cải tạo tư sản thương nghiệp, không còn tiểu thương, tôi bán cho các HTX tiêu thụ hoặc các công ty công nghệ phẩm Nhà nước. Đến những năm 1987, 1988, chính sách Nhà nước mở cửa cho các tiểu thương được tự do mua bán, các công ty công nghệ phẩm của Nhà nước không còn thế mạnh, bán xà bông vào trong đó khó khăn.

Một lần ra bán hàng ở Miền Trung, Giám đốc Công ty công nghệ phẩm tỉnh Nghĩa Bình (Bình Định, Quảng Ngãi) bảo tôi trong kho còn mấy trăm ngàn hộp kem đánh răng bị chảy nước, nhờ giúp. Và mong muốn có nguồn cung cấp kem đánh răng chất lượng cao hơn.

Tôi định mua lại rồi bán đi ...

Sau đó, tôi đến gõ cửa nhà máy đánh răng Như Ngọc, Rado, … nhưng không ai giúp mình gia công. Đành bỏ, nhưng ý định sản xuất kem đánh răng cho Công ty công nghệ phẩm Nghĩa Bình vẫn nung nấu.

Một người bạn giúp tôi làm quen với ông Lưu Trung Nghĩa, Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty kem đánh răng P/S (thời đó).

Tôi tìm đến nhà ông Nghĩa tại một ngôi biệt thự. Tôi đi xe đạp, tuy ngại nhưng vẫn mạnh dạn bấm chuông, trình bày mong muốn, không ngờ sau một buổi chiều nói chuyện, ông Nghĩa đồng ý giúp.

Chừng 4h chiều mỗi ngày, khi đã nghỉ ở P/S thì ông Nghĩa đến nhà tôi, sau đó hai anh em trực tiếp sản xuất. Một tháng sau, công việc hoàn thành, giao sản phẩm cho công ty Nghĩa Bình, lại học được nghề làm kem đánh răng.

Có công nghệ, máy móc, tôi quyết định tiếp tục bán kem đánh răng, đặt tên Sonhai, tức là tên của hai đứa con trai đầu và thứ hai Sơn và Hải, nhưng khó bán. Hàng ngày, bà xã chở xe đạp đi bán. Tôi đi từ Nam ra Đà Nẵng ký gửi cho các HTX. Khó nhất là, thời điểm đó là thời điểm vàng lên giá, trong khi mình bán ký gửi, có khi bán cả tháng trời mới lấy được tiền, đến lúc lấy được tiền thì lỗ. Tôi phải cầm cố, thế chấp nhà cửa cho hoạt động kinh doanh.

Lúc đó tôi nghĩ, có lẽ cái tên Sonhai người tiêu dùng không thích.

Buồn buồn, tôi đạp xe quanh xóm, thấy giới thiệu chương trình ca nhạc Dạ Lan. Từ trước giải phóng, chương trình ca nhạc này đã có tiếng, ai cũng biết.

Mừng như bắt được vàng, tôi lấy tên Dạ Lan cho dễ nhớ. Nhưng rồi mất tiền quảng cáo, rồi đưa kem Dạ Lan ra bán mà cũng không được. Rồi kèm thêm bàn chải cũng bán không được.

Khi ấy, cả gia đình bước vào cùng cực, tài sản bị thế chấp, vốn liếng sạch bách...."

Mời quý độc giả đón đọc kỳ 2 loạt bài "Thương hiệu Dạ Lan – Sai lầm và trăn trở!" trên reatimes.vn!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top