Aa

Kỳ 1: “Một con sói trong nghề khai thác chất xám!”

Thứ Tư, 07/03/2018 - 06:01

Khi nói chuyện, đối thoại với Nguyễn Trần Bạt, bạn phải hết sức cẩn trọng. Vào cuộc, ông cứ ngồi sờ tay lên cằm, đôi lúc nhìn chăm chăm vào người đối diện, đôi lúc cười nhếch mép (nhưng không hề biểu thị tính khinh miệt, thế mới khó cho bạn!).

LTS: Trong giới học giả, không mấy ai không biết Nguyễn Trần Bạt. Thông minh, giỏi giang, đặc biệt là “bạo mồm bạo miệng”, nói nghe sướng cái lỗ tai mà vẫn thấy gai gai người.

Ông từng tốt nghiệp kỹ sư xây dựng cầu đường Trường đại học Xây dựng, rồi lấy bằng cử nhân luật của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, rồi khởi xướng việc thành lập Văn phòng Xúc tiến các hoạt động sở hữu công nghiệp Việt Nam, rồi là người sáng lập ra Công ty Tư vấn Đầu tư và Chuyển giao Công nghệ (có tên giao dịch là InvestConsult Ltd)... Nhiều người đã coi ông là một huyền thoại tư duy vĩ mô trong lĩnh vực kinh tế tư nhân.

Nay một bản ký họa được mô tả lại qua cây bút quái kiệt của Lão Tạ (tức nhà văn Tạ Duy Anh) thì khỏi biết sẽ hấp dẫn đến mức nào...

Vài lời rào trước của tác giả:

Để một bạn đọc nào đó chưa hề quen biết Nguyễn Trần Bạt có thể hình dung chút ít về ông qua đúng một câu mô tả, nếu người được yêu cầu là tôi, thì tôi sẽ dùng câu sau đây: Một người đàn ông tầm thước, có vầng trán to, với cái miệng kiêu ngạo luôn ở tư thế sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai, về bất cứ vấn đề gì. Nếu được thêm một câu nữa, thì câu ấy sẽ là: Không ai có thể át vía được ông ta. Nhưng nếu được phép viết nhiều hơn thế, thì tôi sẽ không biết dừng lại ở đâu. Bởi vì cuộc đời ông là cả một kho chuyện, một kho những điều người khác phải tò mò, để qua đó may ra có thể hiểu về ông phần nào.

Thứ đáng tò mò nhất là ông học từ đâu những kiến thức mênh mông ấy, để chạm vào chỗ nào, vấn đề gì, dù hóc búa đến đâu cũng có thể moi ra ngay tức khắc lời giải đáp?

Trong bài viết sơ sài này, tôi không có ý định vẽ chân dung ông Nguyễn Trần Bạt, bởi điều đó thực sự cũng quá sức với khả năng và hiểu biết của tôi. May lắm tôi chỉ dám ký họa, tức là cố gắng phác thảo ông qua một vài nét, có thể cũng không phải là những nét đặc sắc nhất.

ng Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group

Ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group. Nguồn ảnh: Internet

Kỳ 1: “Một con sói trong nghề khai thác chất xám!”

Khi nói chuyện, đối thoại với Nguyễn Trần Bạt, bạn phải hết sức cẩn trọng. Vào cuộc, ông cứ ngồi sờ tay lên cằm, đôi lúc nhìn chăm chăm vào người đối diện, đôi lúc cười nhếch mép (nhưng không hề biểu thị tính khinh miệt, thế mới khó cho bạn!). Tuy bạn chưa nêu vấn đề cần trao đổi, vẫn im như thóc hoặc cười xã giao do bối rối hoặc do thiếu tự tin, và tuy chưa biết bạn là ai, thuộc đẳng cấp nào, thì ông cũng thể hiện ra mặt sự sẵn sàng tiếp kiến ở mức thân thiện (tôi ít thấy ông từ chối đối thoại bao giờ). Thế chả đáng ngại lắm sao? Nhưng đáng ngại nhất là ông cứ như đã “biết trước” vì sao bạn đến gặp ông và chuyện gì sắp diễn ra.

Mặc kệ bạn còn cân nhắc, ông bắt đầu màn diễn thuyết mang mầu sắc tiếu lâm. Người nghe không chỉ là bạn, mà còn bao gồm cả một ban giúp việc thuộc hàng tinh hoa nhất của công ty. Các vị cứ ngồi đó mà nghe, để mà học hỏi cho sáng mắt ra. Không học được thứ nọ, thì cũng được thứ kia. Ông không ngại nói thẳng ra như vậy với cấp dưới. Cũng là một cách để ông khai thác “tài nguyên” là trí tuệ của người khác một cách ít ai nghĩ ra! Bạn sẽ ba hoa, sẽ thể hiện, sẽ nặn gan ruột ra để trình bày, ok, cứ nói, cứ kể. Tốt! Chỉ có điều, không bao giờ bạn biết là bạn đang cung cấp tiền bạc cho ông đấy!

Với tôi, ông đúng là một con sói trong nghề khai thác chất xám!

Ông Bạt kể chuyện tiếu lâm cực kỳ có duyên, như bất cứ ông đồ Nghệ nào. Mà ông thì luôn có sẵn hàng kho những chuyện tiếu lâm, cả của dân gian xưa và dân gian nay, để biến cuộc làm quen thành thân quen. Nhưng khác với lối kể chuyện tiếu lâm thông thường, chuyện ông kể luôn muốn hàm ý gì đó vào bối cảnh cụ thể, như kiểu thực ra thì các cụ nói trước hết rồi, nhưng vì các cụ nói tục nên hậu thế cứ xuê xoa tiếp nhận cái phần tục, mà không thấy cái phần thanh bên trong. Không biết ông đúng đến đâu nhưng chắc chắn bạn bị thuyết phục.

Bộp một phát, ông trở nên trịnh trọng, hàn lâm nhìn bạn bằng con mắt phải khép bớt lại (giờ mới là lúc ông ước lượng xem bạn là ai) và câu chuyện bắt đầu. Cũng là bắt đầu của quá trình bạn bị cuốn theo người đối thoại, mặc dù có vẻ bạn mới là người dẫn dắt câu chuyện. Câu hỏi của bạn, nếu nói ra một cách ngắc ngứ vì chưa tìm được từ đích đáng, thì ông Bạt sẽ nhắc bạn. Và nó luôn đúng ý bạn muốn. Kết thúc cuộc trao đổi, bạn bị rơi vào trạng thái hoang mang rằng không biết mình có quá vớ vẩn không? Mình có quá non nớt trong khi đặt vấn đề? Ông Bạt có cười mình không? Và câu hỏi cuối cùng bao giờ cũng là: Lão ta moi ở đâu ra ngần ấy thứ một cách dễ dàng thế nhỉ?

Tôi chỉ có thể giúp bạn thỏa mãn phần nào câu hỏi cuối cùng.

Ít ai biết ông Chủ tịch một công ty nổi tiếng và giầu có này từng có thời lang thang đi bán nước chè ở ga Hàng Cỏ lúc gia đình ông, vì bế tắc chính trị do nguồn gốc địa chủ, phải bỏ quê quán, bỏ lại toàn bộ gia sản kếch sù ở nơi chôn nhau cắt rốn, để ra Hà Nội kinh kỳ nhưng cũng hoàn toàn xa lạ.

Từng là ông tú, từng vào Đảng từ những năm 1940, bố của ông cũng từng phải đi bán thuốc lá dạo để lấy tiền nuôi con. Nhưng như sau này ông Nguyễn Trần Bạt kể lại, thì đấy lại là những năm tháng cho ông rất nhiều thứ. Từ cậu ấm sống trong nhung lụa, ông bị thời cuộc “giáng xuống” thẳng thừng thành thằng bé nghèo khổ và phải lao động thật sự. Lao động và “gia nhập” cuộc đời sớm đã cho ông trí khôn, rèn ông tính tự lập, tự tìm cách bươn chải vượt qua cảnh ngộ. Nhưng điều quý giá nữa là nó cho ông thấy nỗi tủi cực của sự nghèo hèn. Đã nghèo hèn thì khó mà nghĩ tiếp đến những thứ cao xa khác. Nguyễn Trần Bạt sẽ còn suy nghĩ triền miên về thực trạng này để biến nó thành động lực khiến ông tìm cách phải trở nên giầu có.

Nhưng tận sâu trong tố chất làm nên một con người thông minh ở ông, là cái gen trội được thừa hưởng từ dòng giống. Cả bên nội, bên ngoại của ông đều thuộc hàng “danh gia vọng tộc” của vùng đất Hưng Nguyên trước năm 1945. Theo như ông kể, thì vào năm 1953, khi chính quyền phát động giảm tô, ông đang là cậu ấm 7 tuổi, có tới ba người phục vụ. Một người làm gia sư, một thiếu niên giúp việc chuyên đưa cậu ấm Bạt đi chơi, và một bà vú lo chuyện ăn uống.

Nhưng, như đã kể, thời vàng son của ông và gia đình chỉ được đến thế, đã vĩnh viễn chấm dứt từ lúc ông 9 tuổi. Gia tài lớn nhất mà ông còn may mắn được thừa hưởng, chính là tủ sách của bố, từng đỗ tú tài vào lúc lối học cử tử mạt vận. Suốt thời bé và cả sau này, khi phải chật vật kiếm sống, ông vẫn luôn tắm mình trong kho tàng kiến thức mênh mông. Ông đọc hầu như tất cả những cuốn sách nổi tiếng của đông tây, kim cổ mà cụ thân sinh để lại.

Thói quen đọc sách đó theo ông đến tận khi về già.

Ngay cả giờ đây, khi đã vào tuổi thất thập, hàng ngày ông vẫn đọc đến 3 giờ sáng. Ngoài đọc sách, ông cũng không bỏ sót bất cứ một thông tin quan trọng, một sự kiện thời sự nào trên các loại phương tiện truyền thông. Chính khả năng đọc, khả năng tích lũy kiến thức, khả năng nắm bắt thông tin, khả năng tương tác với đời sống, đã cho ông một khả năng tuyệt vời mà ít người có, đó là ngay lập tức ông có thể gọi ra một cách chính xác tên của bất cứ hiện tượng hay bản chất của bất kỳ sự việc nào, khiến người khác có thể hiểu được một cách sáng rõ ngay lập tức.

Vì thế, khi diễn thuyết, trao đổi hay đối thoại, ông đều khiến người khác bị cuốn hút. Đó là một phần lý do sách của ông, ngay cả khi bàn về chủ đề chính trị, ngay cả khi độ dày lên tới hàng ngàn trang, đọc mờ cả mắt, nhức cả đầu nhưng cũng vẫn bị săn lùng đủ để các cơ sở kinh doanh sách in lậu tung tóe.

Mời quý độc giả đón đọc kỳ 2 loạt bài "Ký hoạ Nguyễn Trần Bạt" trên reatimes.vn!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top