Lời toà soạn:
Gần đây, Reatimes nhận được thông tin phản ánh của người dân tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội về việc lấp sông suối để phân lô bán nền: “Nhà báo hãy về cứu người dân chúng tôi. Họ đang lấp sông, lấp suối để phân lô bán nền. Mùa lũ sắp đến, năm nay chắc chúng tôi sẽ một lần nữa trôi hết tài sản!”.
Yên Bài khoảng chục năm trở lại đây chưa lúc nào được “yên” vì những cơn “sốt" đất, "sốt" phân lô bán nền. Tình trạng quản lý đất đai không chỉ ở địa phương này mà cả các khu vực giáp ranh thuộc Ba Vì, Thạch Thất dường như đã và đang trở thành điển hình của việc buông lỏng quản lý đất đai.
Nhận thấy đây là sự việc đáng được lưu tâm, Reatimes xây dựng bài viết nhằm mục đích tìm hiểu cặn kẽ sự việc này và phản ánh tới quý độc giả những thông tin chân thực nhất.
Trân trọng mời quý vị đón đọc!
Câu chuyện bắt đầu từ sự bức xúc của gần 100 hộ dân tại cụm dân cư Hòa Thuận và vùng phụ cận thuộc thôn Quảng Phúc (xã Yên Bài, huyện Ba Vì). Theo người dân ở đây, cụm dân cư Hòa Thuận được hình thành bởi một dự án tái định cư tại chỗ của Nhà nước dành cho một công trình quốc phòng mà Trường Sỹ quan Lục quân 1 làm chủ đầu tư từ năm 2008.
Khi đó, trong quá trình xây dựng hạ tầng theo dự án, chủ đầu tư đã làm hệ thống đường sá bê tông kiên cố và nhiều công trình khác, trong đó có bờ kè một con suối cổ có tên là suối Cò, mà đến nay, khi cải tạo đường 87 kéo dài của đại lộ Thăng Long lên Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, có một cây cầu lớn bắc qua dài khoảng 60 - 70m và được đặt tên chính thức là cầu Sông Cò.
Con sông Cò bắt nguồn từ dãy núi Ba Vì hùng vĩ, nơi chiếm vị trí quan trọng không những về mặt địa lý mà còn có địa vị độc tôn trong tâm linh người Việt. Trong nhiều thế kỷ qua, không ít sách vở, công trình nghiên cứu cho rằng, nền văn hóa dân gian xứ Đoài gắn với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh liên quan đến núi Ba Vì.
Sông Cò chảy cắt ngang qua xã Yên Bài (huyện Ba Vì) và bên kia là xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) tạo nên vùng đất được ví như “nhìn sông tựa núi”. Bởi vậy, sông Cò được người dân coi như “bùa sống” cung cấp nguồn sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho hàng nghìn hộ dân. Đặc biệt, sông Cò còn có chức năng điều tiết dòng chảy vào mùa mưa lũ.
Với vai trò quan trọng như vậy, tại sao mấy năm nay, con sông này lại đang “chết” dần bởi tình trạng san lấp, lấn chiếm lòng sông để phân lô bán nền?
Đứng trên cầu Sông Cò là lập tức có thể nhìn thấy một loạt lô đất được “ai đó” san nền, kè đá, đổ đất xuống sông một cách công khai. Những lô đất 2 bên bờ sông Cò rộng hàng nghìn mét vuông, nằm lan ra tới quá giữa lòng sông. Từ đầu xã đến cuối xã đều bị san lấp, lấn sông công khai mà không hiểu tại sao chính quyền địa phương lại “không thấy”?
Sông Cò đang bị san lấn công khai, tại sao chính quyền không thấy? (Ảnh: Trần Hồ)
Việc này khiến cho lòng sông bị thu hẹp, dòng chảy bị cản trở, nên mỗi mùa mưa lũ về, người dân nơi đây phải chịu cảnh ngập lụt; tài sản, gia súc, vật nuôi… bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Hơn nữa, người dân vô cùng bức xúc khi đất lấn chiếm sông lại được công khai cấp sổ đỏ.
Anh Bùi Khắc Khải, cụm dân cư Hòa Thuận, bức xúc: “Hiện nay có gần chục hộ dân đang san lấp, lấn chiếm sông Cò để sau này phân lô bán nền. Người dân ai cũng bức xúc, nhiều khu vực lòng sông bị san lấp 30 - 40m, một số lô đất có diện tích lên đến khoảng 4.000m2. Đặc biệt, chúng tôi không thể ngờ là một số lô đất giữa lòng sông vẫn cấp được sổ đỏ, việc này nghe thật vô lý nhưng đang xảy ra thật ở địa phương. Ai lại cấp sổ đỏ giữa lòng sông bao giờ? Chính quyền địa phương đang coi thường pháp luật, buông lỏng quản lý đất đai”.
Khu vực "nghi" là được cấp sổ đỏ. (Ảnh: Ngọc Tiến)
Vì cuộc sống lâu dài của bà con, Nhà nước đã kè suối thành sông rộng 40 - 50m để thuận lợi cho việc thoát lũ, nhưng hiện đang xuất hiện một “lợi ích nhóm” nào đó đã lấp sông thành suối chỉ còn khoảng10 - 15m!
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 3 huyện khả năng xảy ra lũ quét, lũ rừng ngang, trong đó có huyện Ba Vì. Trong 30 xã và một thị trấn của huyện Ba Vì thì chỉ có 7 xã là thường xuyên bị lũ gây hiểm họa, trong đó có xã Yên Bài.
Còn theo các nhà khoa học, lũ quét là hiện tượng di chuyển của một khối nước khổng lồ từ cao xuống thấp với tốc độ ngày càng tăng cũng như sức tàn phá ngày càng lớn. Khi đường thoát nước của lũ quét bị chặn (do đê hay các công trình lớn dù nó không bít hết dòng chảy), khối lượng nước khổng lồ với tốc độ cao bị dội ngược lại thành một vòng trước khi có thể chảy tiếp cũng làm cho mực nước dâng nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Do khối lượng nước bị dội lại sẽ va vào khối lượng nước đang đổ về gây ra nhiều xoáy nước nhấn chìm mọi thứ.
Người dân ở cụm dân cư Hòa Thuận cho biết, trước đây dù mưa to, lũ lớn tới đâu nước cũng lướt qua rồi rút rất nhanh đổ ra phía hạ nguồn. Nay, lòng sông bị chặn dòng để san lấp phân lô, đã làm đảo lộn cuộc sống, sản xuất của người dân quanh vùng.
Sống ngay cạnh bờ sông, gia đình chị Nguyễn Thị Thuyết định cư ở cụm dân cư Hòa Thuận hơn chục năm nay cho biết, gia đình chị sống nhờ vào mấy sào ruộng, mấy đàn gà, đàn vịt thả vườn để nuôi con ăn học. Thế nhưng, mỗi lần mưa lũ tràn về, chị lại tất bật “tay xách nách mang” dẫn 2 đứa con và bà mẹ già đi chạy lũ.
Chúng tôi đến nhà chị Thuyết, ngôi nhà cấp 4 nằm thụt sâu trong ngõ, trơ trọi gạch, mái nhà chỉ còn xà ngang…
Gặp chúng tôi, chị Thuyết nghẹn ngào giãi bày về cuộc sống mùa mưa lũ phải sống thấp thỏm bên miệng hà bá. Được biết, gia đình chị thuộc diện những gia đình nghèo của thôn, một mình chị phải nuôi 2 đứa con, đứa nhỏ nhất mới 5 tuổi và bà mẹ già năm nay trên 80 tuổi. Ngoài công việc chính làm nông, trong thời gian nông nhàn chị phải đi làm thuê từ dọn nhà, giúp việc, phụ hồ… để có tiền trang trải cho cuộc sống. Hễ cứ mưa lũ về, bao công sức tích cóp của chị cũng bị lũ cuốn trôi, khiến chị nghèo lại hoàn nghèo.
Trên khuôn mặt rám nắng, hốc hác hiện lên nỗi buồn của một người phụ nữ tần tảo, lam lũ mưu sinh, nay lại mất sạch vì mưa lũ.
“Năm nào lũ tràn về, nước ngập gần tới mái nhà, tài sản lẫn vật nuôi gia đình tôi trôi đi hết. Nên gia đình tôi năm nào cũng thiếu thốn, dù cố đi vay mượn, nhưng người ta không cho vay, vì sợ nhà nghèo không trả được. Nhiều lúc tôi thấy tủi thân, một mình nuôi 2 đứa con và bà mẹ già nên kinh tế cũng không khá được. Hoàn cảnh tôi như thế này, nhưng không được hộ nghèo, thiệt thòi nhiều thứ lắm. Giờ tôi chỉ muốn chuyển đến nơi cao ráo để tập trung làm ăn, nuôi con trưởng thành thôi”, chị Thuyết vừa nói, vừa rưng rưng nước mắt.
Cũng theo chị Thuyết, trước đây, sông Cò không bị ai xây dựng lấn chiếm, nước lũ về chỉ lướt qua. Hiên tại, lòng sông bị đổ đất đá, bê tông lấn chiếm phân lô nên nước bị dồn ứ lại, gây cảnh ngập lụt. Người dân đã nhiều lần kêu cứu, nhưng chính quyền vẫn không xử lý tình trạng chặn dòng, lấp sông.
Tương tự như gia đình chị Thuyết, gia đình ông Nguyễn Văn Lợi cho hay: Khu vực này thuộc cụm tái định cư thuộc Trường Sỹ quan Lục quân 1. Do hai bên bờ sông hay sạt lở, Trường Sỹ quan Lục Quân 1 cho kè đá 2 bên. Trước đó, mưa lũ to đến mức nào cũng không bao giờ thiệt hại nhà cửa, chỉ lướt qua vườn nhà rồi nước rút. Song những năm gần đây, tình trạng lấn chiếm sông diễn ra công khai, bát nháo khiến người dân chịu cảnh ngập lụt thường xuyên.
Ông Lợi ngán ngẩm: “13 năm nay, người dân chúng tôi phải sống nơm nớp, lo sợ khi lũ tràn về. Vào mùa mưa, lũ quét qua đây ngập lụt trắng cả một vùng. Người ta nói “an cư mới lập nghiệp” nhưng chúng tôi xây dựng các công trình xong lại bị mưa lũ tàn phá. Những năm gia đình tôi chưa tôn thêm đất, nhà cấp 4 ngập tới cửa, tới bàn thờ… gia đình chỉ biết dắt nhau chạy lũ thôi. Nhà tôi phải cho các cháu nhỏ lên thuyền, chở đi đến nơi có nhà sàn, nhà cao tầng tránh lũ. Tài sản trong nhà, vật nuôi, cây trồng… tích cóp, gây dựng một năm không còn gì, cuốn trôi theo dòng nước lũ. Nước rút, chúng tôi thậm chí bắt cá trong buồng. Nên sau lũ, dân lại trắng tay, muốn làm lại từ đầu thì hết sạch vốn”.
Theo người dân, mỗi lần mưa lũ đến, may mắn có Trường Sỹ quan Lục quân 1 điều xe lội nước chở dân đi sơ tán. Sau lũ, các chiến sỹ Lục quân 1 lại đến dọn dẹp, hỗ trợ tái thiết sản xuất, xây dựng công trình lại cho người dân…
Trong khi đó, dù nhiều lần có đơn thư cầu cứu đến chính quyền địa phương nhằm dẹp tình trạng lấn chiếm lòng sông, nhưng địa phương vẫn không kiên quyết xử lý sai phạm. Người dân nghi ngờ, có sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương mới xảy ra tình trạng các cá nhân san lấp sông Cò một cách công khai này?
Ông Nguyễn Văn Lợi nói với ánh mắt dữ dội: “Nhiều năm nay, người dân chúng tôi vô cùng bức xúc, dù gửi đơn thư cầu cứu rất nhiều lần nhưng chính quyền địa phương thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai, để cho sai phạm kéo dài. Các công trình sai phạm chính quyền địa phương chưa một lần kiểm tra. Chỉ khi mưa lũ đi qua, chính quyền mới cho người kiểm đếm thiệt hại. Chúng tôi sẵn sàng chuyển đi nơi khác, một lòng hưởng ứng nếu Nhà nước thu hồi đất để phục vụ lợi ích cộng đồng, xã hội. Nhưng với cách làm việc của cán bộ địa phương, coi thường tính mạng người dân thì không thể chập nhận được. Họ chỉ hứa suông cho qua chuyện, dân chúng tôi chờ mãi đến nay không thấy giải quyết gì”.
Câu chuyện về cuộc sống vất vả của những người dân thôn Hòa Thuận khó có lời nào tả hết. Vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương như thế nào, và tiếp nữa là ý kiến chủ dự án tái định cư đến đâu..., Reatimes sẽ tiếp tục thông tin!/.