Aa

Kỳ 1: Thanh tra, xử lý các dự án “chậm tiến độ”, dự án “xí phần”

Thứ Hai, 23/05/2022 - 06:15

Chính quyền Quảng Nam quyết tâm đưa thị trường bất động sản phát triển theo hướng lành mạnh và bền vững, tiến tới loại bỏ các chủ đầu tư chuyên “xí phần” dự án, chủ đầu tư yếu năng lực, chuyển nhượng dự án...

LTS:

Quảng Nam là tỉnh phát triển khá trong khu vực với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,04%, xếp vị thứ 31/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 2/5 tỉnh, thành phố trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hiện nay, địa phương này đang là một trong những điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Nhiều năm trở lại, thị trường bất động sản Quảng Nam phát triển nhanh, là cầu nối góp phần thúc đẩy phát triển cho nhiều thị trường khác. Bất động sản công nghiệp, du lịch, đô thị, khu dân cư,… trực tiếp tạo ra những bước đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương này. Ngoài lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên thì công tác cải cách thủ tục hành chính có chuyển biến tích cực; các cấp, các ngành chủ động, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết nhanh chóng, kịp thời các thủ tục hành chính về đầu tư, giải phóng mặt bằng, cấp phép, giao đất và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc… là điểm cộng để ngày càng nhiều nhà đầu tư tìm đến với Quảng Nam.

Song song với thu hút đầu tư thì công tác quản lý việc thực hiện các dự án trên địa bàn luôn được chính quyền tỉnh Quảng Nam chú trọng. Nhiều chính sách, cơ chế được ban hành nhằm đưa thị trường bất động sản phát triển theo hướng lành mạnh và bền vững, tiến tới loại bỏ các chủ đầu tư chuyên “xí phần” dự án, chủ đầu tư yếu năng lực…  

Reatimes xin giới thiệu đến bạn đọc loạt bài về các dự án bị thanh tra và các “dự án treo” nhiều năm qua tại Quảng Nam.

Một dự án "xí phần" bỏ hoang đất tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, TX. Điện Bàn, Quảng Nam

Rà soát các dự án treo, dự án chậm tiến độ

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu rà soát các dự án treo, dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành tổng rà soát các dự án treo, dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh (kể cả các khu, cụm công nghiệp) tính đến thời điểm 30/4/2022 và phân loại, đề xuất hướng xử lý các dự án (nếu có). Dự thảo báo cáo của UBND tỉnh trước ngày 1/7/2022 để tổ chức họp góp ý hoàn chỉnh tham mưu Ban cán sự đảng UBND tỉnh ký trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy đảm bảo trước ngày 30/7/2022.

Trước đó, đã nhiều lần Quảng Nam yêu cầu thanh tra, rà soát đối với các dự án trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh thanh tra đất đai đối với 26 dự án có dấu hiệu chậm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn tỉnh (theo Công văn số 5706/UBND-KTN ngày 27/8/2021). Thời gian thực hiện thanh tra từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/6/2022.

Quảng Nam sẽ rà soát các dự án treo, dự án chậm tiến độ trong thời gian tới

Tính đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xử lý kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của một số dự án như dự án Khu du lịch Trung Kỳ Viêm Đông tại Bãi tắm Viêm Đông (P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn); dự án đầu tư Khu công viên chuyên đề vui chơi giải trí Cổ Cò (P. Điện Dương, TX. Điện Bàn); Dự án khu du lịch sinh thái ven biển 5 sao Hội An – Holiday (P. Cẩm An, TP. Hội An); Dự án khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang (H. Đông Giang)...

Thanh kiểm tra để thanh lọc và tạo sự phát triển chung

Có thể kể đến nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiều dự án bị “treo”, chậm tiến độ thường gặp như khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, chờ điều chỉnh chủ trương đầu tư, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp được ưu ái “xí phần” dự án dù không đủ năng lực thực hiện nhưng vẫn tìm cách đề xuất dự án và được giao đất, cho thuê đất rồi giữ đất chờ giá trị tăng lên để chuyển nhượng dự án lại cho một doanh nghiệp khác nhằm hưởng chênh lệch.

Dự án Khu du lịch Trung Kỳ Viêm Đông tại Bãi tắm Viêm Đông (P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn)

Các dự án “treo” sẽ gây ra sự lãng phí đối với nguồn tài nguyên đất. Khi dự án không được triển khai, hiệu suất sử dụng đất rất thấp, xấp xỉ bằng 0 (có nghĩa là đất đai không có đóng góp gì cho nền kinh tế). Ngoài ra, các dự án “treo” sẽ làm mất đi cơ hội của nhiều doanh nghiệp có tiềm năng thực sự, nguy cơ tạo nên môi trường đầu tư kém và kéo theo môi trường kinh doanh kém, làm mất giá trị trong thu hút đầu tư của địa phương.

Theo đó, những kế hoạch thanh tra, kiểm tra sẽ là cơ hội thanh lọc, loại bỏ những tồn tại của thị trường, giúp chỉ ra được những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các dự án để chính quyền cùng doanh nghiệp tìm cách tháo gỡ, có những quyết sách phù hợp với từng giai đoạn, tình hình của mỗi dự án (như gia hạn tiến độ thực hiện, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng…). Cùng với đó, những dự án “treo” sẽ bị điểm tên, có các biện pháp xử lý như thu hồi để không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế địa phương.

Thị trường bất động sản có sức lan tỏa lớn đến nhiều ngành kinh tế

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 1/7/2014 đến ngày 30/12/2021, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 62 đơn vị, tổ chức (theo thống kê chưa đầy đủ) có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đã thực hiện thu hồi diện tích đất 13.619.684m² do vi phạm pháp luật. Một số đơn vị sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê đất không đúng đối tượng, chuyển mục đích khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đã bị xử lý và buộc phải thực hiện đúng quy định. Đến hết năm 2021, có 18 đơn vị đã khắc phục sai phạm có liên quan.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn còn 11 đơn vị, tổ chức sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai. Dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; các dự án được gia hạn; các dự án chậm tiến độ sử dụng đất vì lý do bất khả kháng./.

Theo số liệu nghiên cứu từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đóng góp của thị trường bất động sản trong GDP giai đoạn 2019 – 2021 khoảng 14%. Thị trường bất động sản có khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành quan trọng khác của nền kinh tế và trở thành nhịp cầu nối cho các thị trường khác, góp phần phát triển đồng bộ các loại thị trường. Khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của ngành bất động sản tăng 1.000 tỷ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại là 772 tỷ đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm là 191 tỷ đồng.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top