Rủi ro chồng lấn rủi ro
Sáng 5/9/2019, nhà máy Nhà máy nước mặt Sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne - Dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc đã khánh thành giai đoạn 1. Trong giai đoạn này, dự án có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng (225 triệu Đô la Mỹ), bao gồm 2 hợp phần chính, gồm: Công trình thu - trạm bơm nước thô, nhà máy nước, tuyến ống truyền dẫn nước sạch dài 81 km. Dự án dùng nguồn nước mặt của sông Đuống.
Điều đáng nói, dự án nhà máy nước mặt sông Đuống đã sử dụng ống của Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc). Đây là doanh nghiệp từ năm 2016 đã trúng thầu cung cấp ống nước cho đường ống nước sông Đà, nhưng sau đó gặp phải phản ứng lo ngại về chất lượng, khiến Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo dừng ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc này.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, chỉ vài tháng sau chỉ đạo của Thủ tướng tại gói thầu cung cấp ống nước cho sông Đà, hợp đồng cung cấp ống cho dự án nhà máy nước mặt sông Đuống đã được ký với chính nhà thầu Trung Quốc Xinxing.
Trong khi đó, khoảng 4h sáng ngày 3/6/2019, xe container mang biển kiểm soát 15C - 044.77 đã sập hố, đè vỡ đường ống nước DN400 của nhà máy nước mặt sông Đuống đoạn chân cầu vượt Phú Thụy (Gia Lâm, Hà Nội).
Theo thanh tra Giao thông huyện Gia Lâm, vị trí này đã bị sụt lún, với diện tích khoảng 20m2. Do sự cố này mà một số khu vực thuộc 3 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa (Hà Nội) chịu ảnh hưởng nước yếu trong vài ngày.
Sự cố này khiến dư luận một lần nữa phải chú ý tới chất lượng ống và chất lượng thi công của các dự án nước sạch tại Hà Nội và khiến họ đặt ra câu hỏi liệu chất lượng ống có đảm bảo như chủ đầu tư đã cam kết?
Không chỉ liên quan tới chất lượng đường ống nước, một vấn đề quan trọng hơn cũng được dư luận chú ý đó là nguồn nước sản xuất. Dự án dùng nguồn nước mặt của sông Đuống để sản xuất nước sạch cung cấp cho người dân Thủ đô. Sông Đuống bắt nguồn từ sông Hồng, đi qua các khu vực có nhiều nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt, với nhiều nhà máy và khu công nghiệp tại thượng nguồn.
Ban Quản lý quy hoạch lưu vực sông Hồng - Thái Bình thuộc Tổng cục Thủy Lợi, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các báo cáo cảnh báo, nguồn nước sông Hồng chịu tác động bởi sự phát triển dân sinh kinh tế và xã hội ở thượng lưu trong đó nước thải sinh hoạt và sản xuất từ Trung Quốc chảy về và từ các khu công nghiệp đô thị lớn ở miền Bắc (Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội...) ngày một tăng lên làm cho chất lượng nước sông Hồng ngày càng xấu đi theo không gian và thời gian.
Theo số liệu khảo sát sơ bộ một vài năm gần đây cho thấy, chất lượng nước sông Hồng đã và đang bị ô nhiễm do ảnh hưởng của nước thải công nghiệp, quá trình đô thị hoá và việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không theo quy định, nạn phá rừng, khai thác khoáng sản... ở một số vùng trọng điểm trong khu vực.
Bằng chứng là chiều 31/3/2019, cá trên sông Hồng đoạn cầu Cốc Lếu, TP.Lào Cai (nối với Trung Quốc) đã chết hàng loạt, nghi do ô nhiễm nguồn nước. Gần 5 năm trước, vào tháng 8/2016, UBND tỉnh Lào Cai đã phải báo cáo Chính phủ về thực tế nước sông Hồng từ biên giới phía Trung Quốc đổ qua Lào Cai về xuôi ngày càng ô nhiễm.
Còn trong “Đánh giá chất lượng nước của 5 con sông lớn chảy qua tỉnh Phú Thọ năm 2018” của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, khi tiến hành thực hiện quan trắc 112 mẫu/28 vị trí trên sông Hồng, kết quả 112/112 mẫu có thông số TSS vượt GHCP (giới hạn cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt) từ 1,2 ÷ 5,57 lần. Con số vượt giới hạn cho phép này lớn hơn sông Lô, sông Đà, sông Chảy và chỉ kém chỉ số so với sông Bứa.
Như vậy, những cảnh báo về một sông Hồng ô nhiễm được nêu ra trong rất nhiều báo cáo của các cơ quan ban ngành liên quan tới môi trường, thủy lợi, tức là trước cả khi dự án nhà máy nước mặt sông Đuống - một nhánh của sông Hồng được phê duyệt nhưng nhà máy này vẫn được xây dựng và sử dụng nguồn nước mặt “nguyên liệu” có nguy cơ ô nhiễm rất cao, để sản xuất ra “nước sạch”.
Mặc dù các chuyên gia về lĩnh vực nước sạch đều xác nhận việc xử lý nguồn ô nhiễm từ nước mặt của hầu hết các dòng sông hiện đều có thể sử dụng công nghệ để giải quyết nhưng nguồn nước càng phức tạp, càng ô nhiễm, thì số tiền phải bỏ ra để xử lý ra nước sạch lại càng lớn. Tất nhiên, kéo theo điều này sẽ làm tăng giá thành mua nước của dân.
Phải chăng đây chính là một trong những lý do dẫn tới giá bán nước sinh hoạt tại giai đoạn 1 của dự án này là 10.264đ/m3, đắt gấp đôi giá của nhà máy nước sông Đà?
Bán lẻ rẻ hơn bán buôn
Nếu so sánh tính hiệu quả của dự án nước mặt sông Đuống với dự án nước Sông Đà đã được thực hiện trước đó, chúng ta sẽ thấy sự chênh lệch rất cao giữa hai dự án này. Dự án nước sông Đà hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác ngày 19/8/2008. Dự án có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng, công suất nhà máy xử lý nước là 300.000m3/ngày, tuyến ống truyền tải nước sạch ống composite cốt sợi thủy tinh dài 46km, đường kính ống từ 1.500 - 1.800mm. Tính bình quân, Dự án nước sông Đà có suất đầu tư xấp xỉ 4,83 triệu đồng/m3 nước. Giá bán nước của dự án này là 5069,76 đồng/m3.
Tại Dự án nước mặt sông Đuống, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, công suất 300.000m3 nước/ngày đêm trên diện tích gần 65ha, tuyến ống truyền dẫn nước sạch dài 81km, sử dụng ống truyền tải và cấp 1 là ống HDPE và ống gang có đường kính từ 800 - 1.600mm. Dự án cung cấp nước cho các huyện Gia Lâm, quận Long Biên, huyện Sóc Sơn, huyện Đông Anh, quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.
Bình quân, nhà máy nước sông Đuống có suất đầu tư trên 16,6 triệu đồng/m3. Giá bán nước sinh hoạt tại giai đoạn 1 của dự án này là 10.264đ/m3, lộ trình tăng giá bán nước là 7%/năm (14 năm). Dự án có thể đầu tư thêm hàng chục nghìn tỷ đồng nâng cao công suất cấp nước trong giai đoạn sau.
Việc so sánh các chỉ số đầu tư hai dự án được xây dựng trong hai thời điểm cách nhau khá xa (tới khoảng 10 năm) sẽ là khập khiễng. Tuy nhiên, mức chênh lệch rất lớn giữa hai dự án nước sạch, đặc biệt khi công suất giai đoạn 1 nhà máy nước mặt sông Đuống chỉ bằng một nửa, nhưng tổng đầu tư lại gấp hơn 3 lần dự án nước sông Đà.
Sự vô lý này đã được vị đại diện chủ đầu tư giải thích với báo chí những ngày vừa qua là do “nhà máy sử dụng công nghệ Châu Âu, cho nước uống tại vòi nên có giá đắt đỏ hơn so với các nhà máy nước ngầm. Bản thân dự án này ra đời còn đảm bảo được an ninh nước trong vùng. Cũng như đây chỉ là giá tạm tính để vay vốn ngân hàng?”.
Chưa kể, vị này còn cố gắng nói theo hướng nhân văn, bảo vệ người dân mặc dù đã bán giá cao nhưng doanh nghiệp vẫn phải gồng mình chịu lỗ và “chúng tôi vẫn đang chịu đựng được”.
Giải thích như vậy, nhưng thực tế rất khó có thể hiểu được là tại sao ở Hà Nội đang diễn ra việc cùng là đơn vị cung cấp nước sạch cho Thủ đô, nhưng hiện tại giá bán nước của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cho thành phố lại chỉ có giá bằng một nửa (hiện Viwasupco đang cung cấp nước sạch cho các đơn vị là Công ty cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty cổ phần Viwaco, Thanh Hà và Hà Đông)?
Tại báo cáo về hoạt động cấp nước bán buôn trên địa bàn TP. Hà Nội, Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà cũng cho biết, hiện tại công ty này đang tiến hành cung cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3. Chỉ cần với giá bán này, hai đơn vị mua lại nước của Công ty nước sạch sông Đà là Viwaco và Hà đông vẫn đang hoạt động ổn định và có lãi. Hiện tại ngân sách nhà nước không phải thực hiện bù giá cho các đơn vị này.
Chính Viwasupco đã khuyến cáo với cơ quan chức năng, nếu mua nước giá cao hơn, có thể dẫn tới việc hao tổn ngân sách do trợ giá nước. Đương nhiên ai cũng biết, như vậy giá nước đến với người dân sẽ cao hơn. Và ngân sách thành phố cũng sẽ hao tổn thêm phần nào bởi bù giá.
Vậy vì sao Hà Nội buộc phải chấp nhận sử dụng nguồn nước mặt sông Đuống để sản xuất nước sạch với giá cao? Thực tế, để đáp ứng nhu cầu về nước của khu vực đang phát triển phía Đông và phía Nam Hà Nội, từ nhiều năm trước, đã có 3 dự án nhà máy nước sạch cho thành phố được quy hoạch. Nhưng bởi nhiều lý do, nhiều dự án vẫn "dậm chân tại chỗ". Duy có dự án nhà máy nước mặt Sông Đuống đã nhanh chóng được triển khai, và đang được khẩn trương thúc đẩy để biến thành... đại dự án nước sạch, với những đường ống thu nước ngày càng xa, kéo vốn đầu tư thêm lớn.
Đối lập với sự nhanh triển khai và mở rộng của nhà máy nước mặt sông Đuống (giá nước cao), là sự chậm hoàn thành tuyến ống thứ 2 của dự án nước sông Đà. Cần lưu ý, nguồn nước sông Đà được đánh giá có độ ô nhiễm không cao bằng các nguồn nước khác. Đồng nghĩa với việc chi phí đầu tư, xử lý nước sạch sẽ thấp hơn.
Vậy thì vì sao Hà Nội lại cứ phải chọn chỗ đắt mà làm nhà máy nước? Ai được lợi, ai bị thiệt hại trong đại dự án có tổng mức đầu tư kỉ lục này?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc...