Aa

Kỳ 1: Trả lại hình hài Chùa Cầu

Thứ Sáu, 14/08/2020 - 13:59

Hình thành từ thế kỷ 17, phát triển đến đầu thế kỷ 20, Đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới với sự đa dạng về loại hình di tích như: đình chùa, miếu, hội quán, nhà ở… đã xuống cấp, hư hại nặng nề.

Lời tòa soạn:

Diện mạo Đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới, được hình thành từ thế kỷ 17 và phát triển đến đầu thế kỷ 20 với sự đa dạng về loại hình di tích như: đình, chùa, miếu, hội quán, cầu, nhà ở - hiệu buôn, nhà thờ tộc, giếng nước, bến cảng..., thể hiện sự giao lưu tiếp biến với các nền văn hóa Việt, Hoa, Nhật và phương Tây của cộng đồng dân cư đã sinh sống và bán buôn ở thương cảng Hội An sầm uất một thời.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, tác động của thiên nhiên và đặc biệt là sự khai thác dịch vụ, du lịch theo kiểu “vắt kiệt” di sản trong những năm qua đã khiến Đô thị cổ Hội An quá tải, kiệt sức. Văn hóa ứng xử của người Hội An với sự chân tình thuần hậu ngày nào đang bị tấn công bởi những lợi ích trước mắt… GS. TS. KTS. Hoàng Đạo Kính cảnh báo: “Chúng tôi e ngại rằng, cứ đà này, kèm theo sự tác động từ bên ngoài và thời đại, di sản Hội An, chí ít là khu phố cổ, sẽ dần dà trở thành khối bất động sản được bảo tồn tươm tất, mà cộng đồng dân cư nơi đây thì đã đổi máu”.

Trên thực tế, từ sự đồng thuận của chính quyền và người dân TP. Hội An, sự giúp đỡ chí tình của các cá nhân, tổ chức quốc tế, hàng nghìn di tích có nguy cơ sụp đổ đã được tu bổ, tôn tạo, cứu nguy và gìn giữ. Tuy nhiên, công cuộc bảo tồn và phát triển Đô thị cổ Hội An sao cho không đánh mất đi những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng dân gian vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức.

Thông qua khảo sát, tìm hiểu về lịch sử bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Giữ hồn phố xưa với mong muốn độc giả sẽ có cái nhìn toàn cảnh và khách quan về vấn đề này.

Chùa Cầu - một công trình kiến trúc đặc biệt, vừa là chiếc cầu phục vụ dân sinh cũng vừa là địa điểm tín ngưỡng với quan niệm phòng chống thiên tai, lũ lụt, bảo vệ sự an toàn cho khu phố, cho cộng đồng.

LINH CẨU LƯU LẠC?

Trong thời kỳ phát triển thịnh vượng, Hội An là nơi thương nhân của nhiều nước đến buôn bán, trong đó đông nhất là người Nhật và người Hoa. Với chính sách ưu đãi của các chúa Nguyễn, người Nhật, người Hoa được lập phố riêng bên cạnh khu phố của người Việt. Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (TTQLBTDSVH Hội An), để thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán, đi lại qua dòng nước có tên Khe Ồ Ồ, người Nhật đã xây dựng cầu qua khe này. 

Chùa Cầu - Hội An
Chùa Cầu - Hội An

Dù chưa xác định chính xác niên đại, nhưng căn cứ vào dấu tích, kiến trúc, vật liệu…, các chuyên gia cho rằng cầu được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Ngoài chức năng giao thông, người Nhật còn đặt nhiều kỳ vọng vào cây cầu với hàm ý sâu xa là để… trấn yểm loài thủy quái thường gây tai họa như động đất, lũ lụt… ở tận Nhật Bản! Về sau, để yên tâm hơn trong việc trị thủy, người Việt, người Hoa dựng thêm miếu thờ Bắc Đế Trấn Vũ, nằm về phía Bắc cầu hiện nay.

Bên trong Chùa Cầu, ở phía Tây có đặt tượng thờ hai Thần Hầu (khỉ) và phía Đông đặt tượng thờ hai Linh Cẩu (chó). Hai cặp Thần Hầu và Linh Cẩu được chế tác bằng gỗ, quay mặt vào nhau, hình dáng cao to như nhau và có màu nâu đen (nhiều người lầm tưởng tượng Thần Hầu và Linh Cẩu làm bằng đá), ngồi canh gác Chùa Cầu theo tư thế nhổm lên. Người dân Hội An cho rằng, đặt tượng Linh Cẩu và Thần Hầu ở Chùa Cầu nhằm diệt trừ tà ma, trấn yểm thủy quái… 

Du khách tham quan phố cổ Hội An trước ngày phố cổ đóng cửa do Covid-19
Du khách tham quan phố cổ Hội An trước ngày phố cổ đóng cửa do Covid-19

Theo ông Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó Giám đốc TTQLBTDSVH Hội An, trước năm 1975, một tốp lính Hàn Quốc đi ngang qua Chùa Cầu, thấy cặp Linh Cẩu quá đẹp, nhóm này bèn tiện tay… đánh cắp! 

“Một số bô lão ở phố cổ kể rằng, tốp lính Hàn này mang cặp Linh Cẩu đi khỏi Chùa Cầu, bỗng như có ai mách bảo người dân trong vùng biết chuyện, liền kéo nhau chặn đường, yêu cầu trả lại tượng. Ban đầu tốp lính này hùng hổ, giương súng đòi bắn hết. Nhưng trước sự quyết liệt, khôn khéo của người dân, cuối cùng họ cũng nhượng bộ. Thật oái ăm, họ chỉ trả lại… đúng một con, còn một con mang đi mất”, ông Nguyễn Đức Minh kể lại chuyện mất một tượng Linh Cẩu ở Chùa Cầu rồi tiếc rẻ: “Không biết bây giờ một Linh Cẩu của Chùa Cầu lưu lạc ở phương trời nào?”.

Tượng Linh cẩu ở Chùa Cầu
Tượng Linh Cẩu ở Chùa Cầu

Đòi lại một tượng Linh Cẩu, người dân mang về cất kỹ. Đến năm 1986, khi Chùa Cầu được trùng tu, người dân giao lại cho chính quyền Hội An. Lúc này, GS. TS. KTS. Hoàng Đạo Kính và chính quyền Hội An quyết định tìm thợ có tay nghề, mua gỗ tốt đẽo lại hai tượng Linh Cẩu. 

“Hồi đó, nhóm thợ ngoài miền Bắc được Xưởng tu bổ di tích T.Ư (thuộc Bộ Văn hóa) đưa vào. Nhóm này hì hục làm cả tuần mới xong. Mà hay thiệt, tượng gốc và phiên bản Linh Cẩu mới đều giống y chang, rất khó phân biệt được đâu là Linh Cẩu gốc có niên đại hàng trăm năm và Linh Cẩu được làm mới vào năm 1986. Khi Chùa Cầu hoàn thành trùng tu, hai Linh Cẩu được đưa ra bệ thờ như hiện nay”, ông Nguyễn Chí Trung, nguyên Giám đốc TTQLBTDSVH Hội An cho hay.

TRẢ LẠI DÁNG HÌNH CẦU CŨ

Từ khi xây dựng đến nay, trải qua hàng trăm năm tồn tại, Chùa Cầu đã được cộng đồng dân cư Hội An gìn giữ và bảo tồn. Theo TTQLBTDSVH Hội An, Chùa Cầu đã trải qua 7 lần trùng tu. Đó là vào năm Quý Mùi - 1763, năm Đinh Sửu - 1817, năm Ất Hợi - 1875, xã Minh Hương cùng với người dân và thương buôn tham gia tu bổ Chùa Cầu. Các sự kiện này đều được khắc ghi chi tiết trên xà cò. Riêng năm Đinh Sửu - 1817, ngoài văn khắc trên xà cò, còn lập bia đá đề Bài ký trùng tu Lai Viễn Kiều, do đốc học Quảng Nam Đinh Tường soạn, đặt ở phía Đông Chùa Cầu. Vào thời Pháp thuộc, năm Ất Mão - 1915, Chùa Cầu lại thêm một lần tu bổ. 

Mãi đến năm 1962, chính quyền tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ đã cho tu bổ nhằm thay thế và gia cố những cấu kiện bị mục nát… Sau năm 1975, Chùa Cầu đã hai lần được trùng tu vào năm 1986 và năm 1996.

Khoi cong trung tu Chua Cau nam 1986
Khởi công trùng tu Chùa Cầu năm 1986. Ảnh: TTQLBTDIVH Hội An

Lần tu bổ năm 1986 được xem là đợt trùng tu lớn nhằm phục hồi nguyên trạng hình hài Chùa Cầu với phần sàn cầu cong như hiện nay. Việc này do Xưởng tu bổ di tích T.Ư phối hợp với UBND thị xã Hội An (nay là TP. Hội An) thực hiện, gồm trùng tu phần mái và phục hồi sàn cầu. Theo ông Nguyễn Chí Trung, đây là công trình trùng tu di tích đầu tiên ở Hội An sau 1975, hoàn thành trùng tu vào tháng 10/1986. 

Chùa Cầu từng được đặt tên Cầu Hội An

Đại Nam nhất thống chí ghi rằng: “Năm Kỷ Hợi - 1719, Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế (tức chúa Nguyễn Phúc Chu) đi tuần du phương Nam, xa giá đến phố Hội An, thấy phía Tây phố có cầu, thuyền buôn tụ họp, bèn cho tên là Lai Viễn Kiều và viết chữ khắc biển vàng ban cho, nay vẫn còn”. 

Theo khảo cứu của TTQLBTDSVH Hội An, trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá Công Đạo vẽ và chú thích vào năm Bính Dần - 1686, lần đầu tiên hình vẽ về di tích Chùa Cầu được thể hiện trên bản đồ với dòng chú thích: Hội An kiều (cầu Hội An). 

Ngoài ra, trong tập Những người bạn cố đô Huế (xuất bản năm 1920) có ghi lại câu chuyện diễn ra khoảng 1673 - 1683 của giáo sĩ Bénigne Vachet, cũng có nhắc đến tên cầu Faifo (cầu Hội An). 

Năm 1695, trong cuốn Hải ngoại ký sự, khi nói về Chùa Cầu, thiền sư Thích Đại Sán gọi tên là cầu Nhật Bản. Còn căn cứ vào cây cầu có mái ngói, người Việt đặt tên dân dã, gọn ghẽ là cầu Ngói. Tên Chùa Cầu có thể được đặt sau khi miếu thờ Bắc Đế Trấn Vũ hoàn thành.

“Thời thuộc Pháp, để thuận tiện việc đi lại qua cầu, người ta đã cắt sàn gỗ, bắc dầm sắt thay thế. Sau đó, hạ sàn cầu xuống cho bằng phẳng. Lúc bấy giờ, sàn cầu không có độ cong lên hạ xuống uyển chuyển, thơ mộng như bây giờ mà nó bằng phẳng nối thẳng đường Trần Phú với đường Nguyễn Thái Học”, ông Nguyễn Chí Trung nói về hiện trạng cũng như việc trùng tu Chùa Cầu và cho biết thêm: “Trước khi tiến hành hạ giải, phục hồi sàn cầu đã tổ chức hội thảo để lấy ý kiến các nhân chứng là những vị cao niên đã từng qua lại trên cây cầu này. Qua dấu vết kiến trúc và ý kiến của các nhân chứng đều cho thấy rằng hình dáng Lai Viễn Kiều - Chùa Cầu có sàn cong chứ không thẳng”. Vì vậy, GS. TS. KTS. Hoàng Đạo Kính và UBND thị xã Hội An đã quyết định trùng tu theo hướng phục hồi nguyên trạng hình dáng thơ mộng của Chùa Cầu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư TP. Hội An bật mí, lần trùng tu phần hạ bộ (phần mố cầu và dầm tường) năm 1996 là… hết sức liều lĩnh và đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn run! 

Ông Nguyễn Sự cho biết, do mưa lũ lớn liên tục nhiều năm, nước chảy xiết, trụ cầu phía Tây Chùa Cầu và dầm tường phía Bắc bị hư hỏng nặng, nếu không tu bổ kịp thời, Chùa Cầu có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. 

Chùa Cầu hiện tại đang phát sinh nhiều vấn đề do
Chùa Cầu hiện tại đang phát sinh nhiều vấn đề do "tuổi tác"

“Chính quyền Hội An tổ chức họp với đơn vị tư vấn, thi công đúng một ngày để đưa ra phương án sửa chữa. Hồi đó, nhìn mấy ông bên thi công đưa kích thủy lực đến nâng phần cầu lên để gia cố mố cầu mà run. May, mọi việc đều êm thuận. Trải qua biết bao trận bão lũ, Chùa Cầu vẫn trụ được đến ngày hôm nay”, ông Nguyễn Sự nói và cho hay, hiện tại Chùa Cầu đang xuống cấp nghiêm trọng, nhất là phần hệ dầm - sàn, kết cấu kiến trúc gỗ và hệ mái, nên sớm phê duyệt kế hoạch, phương án và bố trí kinh phí trùng tu khẩn cấp.

(Còn nữa...)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top