Phố cổ Hội An là một trong hai Di sản Văn hóa Thế giới, điểm đến không thể thiếu của bạn bè quốc tế mỗi khi đến Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, trước sức ép của đô thị hóa, biến đổi khí hậu, tác động của môi trường, việc tìm hướng phát triển bền vững cho Hội An trở thành vấn đề cấp bách.
Thương hiệu trong lòng du khách quốc tế
Được xem như một bảo tàng sống về lịch sử, kiến trúc, dân cư đô thị, những năm qua, Hội An luôn là điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới.
Lượng khách du lịch đến Hội An ngày một tăng nhanh, từ gần 100 nghìn lượt khách năm 1999, đã tăng lên hơn 2,5 triệu lượt trong năm 2019. Hội An hiện có trên 600 cơ sở với hơn 10 nghìn phòng, sẵn sàng đón hơn 21 nghìn khách lưu trú/ngày.
Du lịch, dịch vụ đóng góp hơn 70% GDP của thành phố, đời sống người dân không ngừng nâng cao. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh đang tạo áp lực lên không gian phố cổ, đòi hỏi sự mở rộng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu đối với Di sản văn hóa Hội An.
Vượt qua nhiều thành phố nổi tiếng khác thủ đô Tokyo của Nhật Bản hay Rome của Italy..., thành phố cổ Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam - Việt Nam đã được tạp chí du lịch nổi tiếng hàng đầu thế giới Travel + Leisure bình chọn là điểm đến tuyệt vời nhất thế giới.
Trang tin CNN cũng đã ca ngợi Hội An là một trong những đô thị cổ đẹp nhất Đông Nam Á. CNN viết: "Được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1999, phố cổ Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất của những thương lái Pháp, Nhật Bản và Trung Quốc… Trải qua thăng trầm của lịch sử, khu phố cổ này mang những nét đẹp cổ kính, bình yên đến lạ."
Bài báo cũng liệt kê những lý do du khách nên đến với Hội An, và lý do đầu tiên là nét văn hóa, lịch sử pha trộn những ảnh hưởng từ Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha và Pháp.
Tốc độ phát triển kinh tế du lịch ở Hội An tăng nhanh, đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân được nâng cao, lượng du khách đến với Hội An ngày một nhiều, năm sau cao hơn năm trước.
Nếu năm 1999, chỉ có gần 100.000 lượt khách tham quan Hội An thì đến năm 2018, đã hơn 2,3 triệu lượt khách.
Năm 1999 mới chỉ có 17 cơ sở lưu trú đến cuối năm 2018, Hội An đã có 638 cơ sở lưu trú với 10.464 phòng (khách sạn, biệt thự du lịch, homestay). Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt gần 46 triệu đồng/năm.
Đối mặt với nguy cơ quá tải
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An cho hay, từ nhiều năm nay, Hội An đã chuẩn bị tâm thế để đón chào ngày càng nhiều du khách đến tham quan. Tuy nhiên, Hội An đang đứng trước thực tế trở nên quá tải, nhất là ở khu vực vùng lõi của Di sản.
Trong số đó, di tích Chùa Cầu là biểu tượng của phố cổ Hội An và được xây dựng cách đây hơn 400 năm. Do tác động của thời gian, Chùa Cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy vậy, mỗi ngày di tích này phải “cõng” trên mình hơn 4.000 lượt khách đến tham quan; vào ngày lễ, Tết, lượng khách tham quan Chùa Cầu còn nhiều hơn.
Qua khảo sát, hiện tại di tích Chùa Cầu đang trong tình trạng ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Các hệ dầm đỡ thân cầu mục nát, dầm thép bị mục rỉ, móng trụ bị nứt, ván sàn cầu đang bị ăn mòn nhanh chóng do có sự tác động thường xuyên liên tục của khách tham quan lên mặt cầu.
Vì vậy, một trong những giải pháp đang được Hội An thực hiện là kéo giãn lượng khách vào trung tâm phố cổ, thay vào đó là phát triển thêm các sản phẩm ở vùng ngoại ô để phục vụ khách tham quan nhưng đây cũng chưa phải là giải pháp căn cơ bền vững lâu dài.
Tại hội thảo" Quy hoạch phát triển các đô thị ven sông, ven biển và quản lý môi trường các đô thị, khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam" được tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua, Giáo sư, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nhận định từ nhận thức đúng về giá trị Di sản, giá trị lịch sử, Hội An đang đi đúng hướng phát triển đô thị theo cách riêng, theo hướng phát triển du lịch sinh thái, không phải đô thị hành chính hay đô thị công nghiệp. Đây là một giải pháp lâu dài để giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Tuy nhiên đứng trước những tác động kể cả chủ quan lẫn khách quan lên phố cổ Hội An, Giáo sư, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đề xuất đã đến lúc cần hướng đến một chiến lược phát triển lâu dài cho thành phố này.
Chiến lược đó nằm ở các chủ trương, đường lối phải được thực hiện một cách kiên trì, có tầm vóc về định hướng phát triển cho thành phố theo định hướng phát triển thành phố Hội An trong sự tiếp nối quá khứ, hiện tại, tương lai. Nếu định hướng này được thực hiện đầy đủ, xuyên suốt, Hội An hoàn toàn có cơ hội trở thành mô hình cho thành phố tương lai.
Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý, bảo tồn Di sản văn hóa Hội An - cho biết để phục vụ tốt cho việc quản lý, sửa chữa, tu bổ, sử dụng, phát huy di tích, thành phố Hội An đã kiểm kê, phân loại được 1.432 di tích, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh và 1.358 di tích nằm trong danh mục bảo vệ.
Trong số di tích được kiểm kê, phân loại, Khu phố cổ Hội An là một quần thể kiến trúc gồm nhiều ngôi nhà ở tư nhân và các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng nằm trên các tuyến phố có diện tích khoảng hơn 1,2km2 đã có đến 1.130 di tích, trong đó có chín di tích đơn lẻ được xếp hạng di tích cấp quốc gia và năm di tích cấp tỉnh.
Từ năm 1999 đến nay, có 424 công trình di tích được đầu tư và hỗ trợ tu bổ với tổng số vốn gần 153 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn Trung ương cấp gần 38 tỷ đồng, ngân sách thành phố Hội An đầu tư trên 90 tỷ đồng, phần còn lại là vốn tài trợ nước ngoài và nguồn xã hội hóa.
Ngoài ra, hàng năm có trên 200 lượt giấy phép được cấp cho các chủ di tích trong Khu phố cổ để tự tu bổ, sửa chữa nhà ở hoặc di tích với mức đầu tư từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng cho mỗi ngôi nhà hoặc di tích.
Vẫn còn nhiều thử thách, song cân bằng hài hòa giữa bảo tồn, phát triển, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những mâu thuẫn giữa phát triển đô thị với gìn giữ bản sắc văn hóa, cảnh quan sinh thái, lối sống vốn có của cư dân đô thị sẽ là chìa khóa để Hội An phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu lâu dài là xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch./.