Kỳ 1: Trần Bá Dương – Xương rồng trên cát trắng!

Kỳ 1: Trần Bá Dương – Xương rồng trên cát trắng!

Sơn Bà
Sơn Bà Congnguyenthanhyb@gmail.com
Thứ Tư, 18/08/2021 - 06:00

 

- Là người từng đứng đầu tỉnh Quảng Nam trong nhiều năm, nhất là giai đoạn khi mới chia tách tỉnh, ông có thể chia sẻ về những ý tưởng ban đầu trong việc hình thành khu kinh tế mở Chu Lai, nơi nổi tiếng từng là vùng đất mênh mông cát trắng, khí hậu khắc nghiệt, quanh năm khô cằn, chỉ toàn nắng và gió?

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Đó là sự nổi tiếng về mặt tự nhiên, còn ít người biết rằng, gần 25 năm trước, khi vừa mới tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thì ngân sách thu được của Quảng Nam chỉ 130 tỷ đồng, bằng 1/12 so với Đà Nẵng.

Những hạ tầng xã hội, trụ sở khang trang, cơ sở kinh tế lớn đều nằm trên địa bàn Đà Nẵng. Các doanh nghiệp Nhà nước ở lại Đà Nẵng chiếm 99%, còn Quảng Nam chỉ có 1%. Mà 1% của Quảng Nam là doanh nghiệp thủy lợi, sở dĩ phải ở lại vì thủy lợi chủ yếu tưới nước cho nông nghiệp ở Quảng Nam.

Lúc đó, Quảng Nam có một doanh nghiệp xây dựng và một doanh nghiệp xây lắp điện vừa lập mới, không có vốn. Cả tỉnh nằm trong thế khó đủ đường và có hai nơi khó nhất, đó là vùng cát ven biển và miền núi phía Tây.

Bấy giờ, câu hỏi đặt ra cho chúng tôi là làm thế nào để phát triển được khi không có vốn, không có công nghệ, không có kỹ thuật, càng không có nguồn lao động chất lượng.

Nhìn tới, nhìn lui, Quảng Nam có gì ngoài những bãi cát trắng mênh mông?

Khi họp bàn, lãnh đạo tỉnh thống nhất định hình lợi thế của Quảng Nam là vị trí trung độ, có cảng biển và sân bay ở hai đầu, hệ thống giao thông xuyên Việt đều đi qua, đất trống còn nhiều, cho nên phải mở cửa và thu hút đầu tư. Mở cửa sẽ có vốn, có công nghệ và có cả con người. Và chúng tôi quan niệm, bất kể ai có thể đầu tư thì Quảng Nam tìm mọi cách thu hút.

Về khu kinh tế mở Chua Lai, thuở ban đầu tỉnh có ý tưởng thành lập Đặc khu kinh tế Chu Lai. Tôi và một số anh em nữa được phân công để chuẩn bị đề án. Lúc đó, cả nước có 17 đề án do các địa phương đề nghị, Chính phủ và Bộ Chính trị quyết định chỉ chọn một đề án để làm trước. Sau khi nghe các địa phương báo cáo, bảo vệ, cuối cùng Chính phủ nhất trí chọn đề án của Quảng Nam.

Đặc khu kinh tế là phải có hành chính riêng. Nhưng đối với Khu kinh tế Chu Lai thì chúng tôi không đề nghị lập khu hành chính riêng, vì như thế sẽ mất đi ý nghĩa xã hội đối với tỉnh Quảng Nam, nên đổi thành Khu kinh tế mở Chu Lai. “Mở” được hiểu là mở tư duy, mở tấm lòng, đặc biệt là mở cơ chế khuyến khích đầu tư, làm thủ tục hành chính nhanh gọn và cả văn hóa ứng xử cũng mở.

Trọng tâm trong đường hướng phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai là phải có vài khu công nghiệp lớn, khu thương mại tự do, một sân bay, một số khu du lịch... Nhưng địa phương không có tiền nên không thể tự làm được mà cần sự đầu tư của doanh nghiệp từ các nơi đến. Vậy doanh nghiệp nào sẽ là đầu đàn của Khu kinh tế mở Chu Lai? Đó là những câu hỏi rất lớn mà chúng tôi phải tìm lời giải.

 

- Thưa ông, cơ duyên nào đã đưa Trường Hải và doanh nhân Trần Bá Dương đến Chu Lai?

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Ngay từ đầu, dù khó khăn như vậy nhưng chúng tôi quan niệm, nhất định phải tìm được doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, làm đầu tàu cho khu kinh tế. Mà phải là doanh nghiệp tư nhân.

Bởi Quảng Nam lúc bấy giờ không có doanh nghiệp tại chỗ đủ mạnh, nên phải tìm và chung sức vun đắp cho doanh nghiệp về để làm đầu tàu cho khu kinh tế. Mà hồi đó thực ra cũng chưa biết doanh nghiệp nào có thể làm đầu tàu, cũng có những doanh nghiệp đến bảo để làm đầu tàu, nhưng chúng tôi không tin vì khi hỏi cách làm ra sao thì thấy trả lời lúng ta lúng túng.

Trong quá trình tìm kiếm, tôi gặp ông Trần Bá Dương lần đầu tiên ở Tam Kỳ. Ông Dương lúc bấy giờ nghe có khu kinh tế mở, nên cũng đến tìm hiểu xem sao.

Sau đó, ông Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay là Chủ tịch nước) chủ trì buổi tiếp ông Dương tại trụ sở UBND tỉnh. Tôi là Bí thư chỉ đến dự. Khi đó, tôi mới ốm dậy, mới ra viện giống như ngày hôm nay vậy, nên không nói được nhiều, vì sức khoẻ không cho phép. Đến cuối buổi, trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ thì ông Nguyễn Xuân Phúc mời tôi có ý kiến.

Lúc đó, thật tự nhiên và vô tư, tôi nói: “Tôi có linh cảm là đối tác này, chương trình này sẽ thành công”.

 

Tôi nghe ông Dương nói, cách ông Dương trình bày, nhìn tướng mạo của ông ấy, tôi có niềm tin. Không chỉ có linh cảm, mà cũng có cơ sở để tôi tin ông Dương sẽ thành công, đó chính là yếu tố con người. Tôi thấy ông Dương là người có tâm huyết và có trình độ. Sau này, qua thực tiễn nhiều năm làm việc, tôi còn thấy ở ông Dương là một người có năng lực, ý chí và có cái tình.

- Nếu chỉ có cuộc gặp đó thì có lẽ ông Trần Bá Dương cũng chưa sẵn sàng đầu tư vào Chu Lai?

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Sau lần gặp gỡ đó, tôi và một số lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã trực tiếp đi vào Đồng Nai để quan sát cơ sở thực tế của ông Dương. Đó không phải là một cơ sở to, nhưng ở Quảng Nam thì chưa có. Đặc biệt, tôi nghe cách ông Dương nói, và khi tôi phản biện rồi nghe ông Dương trả lời thì tôi tin. Chứ thực ra lúc đó, ông Trần Bá Dương nói có bao nhiêu vốn thì tôi đâu có thể kiểm chứng. Tôi chỉ tin con người ông Dương.

Và khi bắt đầu thực hiện, ông Nguyễn Ngọc Quang (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, lúc đó là Bí thư huyện Núi Thành) đã tập trung giải tỏa ngay 20ha mặt bằng cho Trường Hải và đến giờ này, sau gần 20 năm, ông Trần Bá Dương đã làm được kết quả như thế là rất tốt, rất đáng phấn khởi và tự hào. Bởi vì, kết quả đó đạt được trong điều kiện rất khó khăn, kể cả về cơ chế chính sách.

- Bản thân ông hay lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lúc đó có gặp phải trở ngại gì khi đồng hành cùng doanh nghiệp không?

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Ở Việt Nam mình, nhiều người cứ ngại khi nói đến doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Thời bấy giờ, chúng tôi không ngại ngần gì khi tiếp xúc với doanh nghiệp, mọi chuyện đều rất vô tư, vì mục tiêu chung của tỉnh.

Nhìn chung, bản thân tôi hay như ông Nguyễn Xuân Phúc lúc đầu cũng đều rất thân tình và đồng hành cùng doanh nghiệp, không có rào cản gì hết.

Đương nhiên, là người đứng đầu địa phương cũng phải chịu trách nhiệm, phải dám đương đầu. Thời điểm ban đầu, cũng có những ý kiến lo sợ Chu Lai không thành công. Bởi nhiều người thấy mục tiêu có vẻ xa xôi, viễn tưởng quá. Một vùng đất cát trắng bạc màu mà giờ muốn làm một loạt nhà máy, đâu có đơn giản.

- Chắc hẳn cũng sẽ có những ý kiến phản đối, đúng không thưa ông?

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Về mục tiêu lâu dài thì người ta không phản đối, nhưng ý định ban đầu thì nhiều người không tin là có thể làm được. Niềm tin ban đầu chưa có nhưng dần dần, họ nhận ra được sự hợp lý. Thực tiễn đã chứng minh là có thể làm được.

 

Và ông Trần Bá Dương chính là dẫn chứng thực tế giúp cho chúng tôi chứng minh được điều đó. Khi họ thấy doanh nghiệp của ông Dương phát triển thì niềm tin dần hình thành, các rào cản và trở ngại dần dần được gỡ bỏ. Ông Trần Bá Dương không chỉ tạo dựng được niềm tin đối với chính quyền và người dân Quảng Nam, mà còn giúp chính quyền Quảng Nam tự tin hơn vào hành động của mình.

- Sau hơn hai mươi năm nhìn lại, ông thấy Thaco Trường Hải có vai trò ra sao đối với Khu kinh tế mở Chu Lai?

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Hiện nay, Khu kinh tế mở Chu Lai đóng góp 70% ngân sách cho tỉnh Quảng Nam, trong số đó chủ yếu là của Trường Hải. Tôi được biết chỉ riêng trong 5 năm qua (2016 – 2020), Trường Hải đã đóng góp cho ngân sách Quảng Nam hơn 43.000 tỷ đồng.

Khu kinh tế mở và nhất là Trường Hải đã giải quyết được việc làm cho nguồn lao động đáng kể của địa phương. Quan trọng hơn nữa, nói rộng ra, là nó đã tác động mạnh mẽ vào tư duy của lãnh đạo và nhân dân theo hướng của tư duy công nghiệp. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng.

 

Sự phát triển của Thaco Trường Hải đã tác động thúc đẩy, kéo theo sự phát triển của các dự án khác, cũng như các lĩnh vực của đời sống xã hội ở khu vực Chu Lai. Với những đóng góp thực tế cho Quảng Nam, Trường Hải đã trở thành doanh nghiệp đầu tàu của Khu kinh tế mở Chu Lai.

Tôi tin Trường Hải sẽ còn tiếp tục phát triển nhiều hơn nữa. 20 năm tới là giai đoạn đẩy mạnh mở cửa hội nhập, Trường Hải phải và sẽ nâng cao công nghệ, xuất khẩu sản phẩm để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại Quảng Nam, từ Chu Lai ra đến Hội An, toàn bộ phía Đông này sẽ là khu vực phát triển mạnh, tạo bước đi đột biến. Đó không phải là linh cảm, không chỉ là dự báo theo cảm tính và mong muốn chủ quan, mà là câu chuyện có đầy đủ cơ sở khoa học.

- Hơn hai mươi năm trước, nhiều người dân Quảng Nam không thể tưởng tượng được có một ngày vùng cát nghèo khó quê mình lại đổi thay đến thế. Có lẽ, “ly nông nhưng không ly hương” là điều mà bao thế hệ người nông dân ấp ủ đã trở thành hiện thực. Được biết trong tổng số 9.300 nhân sự đang làm việc tại Thaco Chu Lai, có đến hơn 8.300 cán bộ, nhân viên là người Quảng Nam và trong số đó, có hơn 6.000 người đang sống tại Núi Thành. Có những gia đình 9 thành viên thì có đến 7 người làm việc tại Thaco được hơn 10 năm, cuộc sống khấm khá. Lương công nhân cũng trên dưới 10 triệu đồng/ tháng. Có đến 200 cặp vợ chồng cùng làm việc đồng thời một lúc tại Thaco Chu Lai.

Khi mới tách tỉnh, Quảng Nam có xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo đứng thứ hai cả nước chỉ sau Bắc Kạn. Trong kỳ tích thoát nghèo của tỉnh, có sự đóng góp rất quan trọng của các doanh nghiệp nói chung và của Thaco nói riêng?

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Chắc chắn là có sự đóng góp rất quan trọng của các doanh nghiệp, nhất là Thaco Trường Hải. Hàng vạn công nhân có việc làm và thu nhập ổn định. Ngân sách địa phương tăng lên hàng trăm lần so với khi mới tách tỉnh. Từ chỗ phần lớn ngân sách phải do Chính phủ và Quốc hội cấp về để cân đối, nay Qnảng Nam đã tự cân đối được và còn đóng góp về ngân sách Trung ương một tỉ lệ nhất định. Đó là chưa nói những khoản mà các doanh nghiệp hỗ trợ giúp đỡ các đối tượng xã hội.

- Thưa ông, vai trò của doanh nhân Trần Bá Dương được thể hiện ra sao đối với sự phát triển đó?

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Thực ra, người đầu tiên vào Khu kinh tế mở Chu Lai chính là ông Trần Bá Dương, chứ không phải tỉnh thành lập xong rồi sau ông ấy mới đến. Vậy nên, ông Trần Bá Dương vừa là con chim mồi, vừa là chim đại bàng đi tiên phong, kích thích, lôi kéo các doanh nghiệp khác cùng vào hợp tác làm ăn.

 

Như vậy, ông Trần Bá Dương đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự thành công của Chu Lai. Không có sự xuất hiện của doanh nhân này thì Chu Lai không có được kết quả như ngày nay.

Khu kinh tế mở đó, tôi nghĩ đã thành công, mặc dù so với mong ước ban đầu thì mới chỉ đạt được được một phần, nhưng so với các khu khác thì vượt trội.

Phần chưa đạt được không phải do bản thân khu kinh tế đó, mà là do chính sách từ trên không nhất quán, có nhiều trở ngại, dễ dàng thay đổi khiến doanh nghiệp không lường trước được.Có lần, tôi đã nói điều đó với lãnh đạo Chính phủ. Và nhìn chung, không ai bác bỏ được ý kiến đó, nhưng dần dần cũng bị lơ đi, bởi có nhiều lý do nên tôi không muốn bàn nhiều đến chuyện này.

Lúc đầu, chúng tôi đề xuất cho thực hiện các cơ chế đầu tư có thời hạn 20 năm. Đây được coi là những cơ chế vượt trội, chưa từng có và có tính khuyến khích cao. Thời bấy giờ đưa ra cơ chế chính sách ưu đãi có thời hạn lên đến 20 năm thì hiếm lắm. Nhưng sau đó, được có hơn 1 năm thì Chính phủ cho tới hơn 10 khu kinh tế khác có sự khuyến khích còn hơn cả Chu Lai. Khi đó, Chu Lai phải gồng mình lên đề nghị cho công bằng. Tức là, vô hình chung đã đánh mất đi nguyên tắc vượt trội và mất luôn sự ổn định 20 năm của chính sách.

Hay như vấn đề kêu gọi đối tác vào làm sân bay trung chuyển thì có cơ chế nhưng cơ chế lại không mở, không vận động được. Vấn đề sân bay trung chuyển không phải là câu chuyện Nhà nước bỏ tiền đi xây hạ tầng, đi đền bù giải toả… Nhà nước có thể tạo ra được sân bay, nhưng sân bay đó có trở thành sân bay trung chuyển hay không thì lại là chuyển khác.

Để trở thành sân bay trung chuyển thì làm sân bay phải có cơ chế giống như liên hiệp nhà máy. Nhà đầu tư bỏ tiền ra làm thì phải có quyền quản lý và vận hành sân bay, còn Nhà nước chỉ quản lý không lưu, quản lý hải quan và an ninh cửa khẩu...

Dẫn chứng như vậy để thấy, có nhiều vấn đề về cơ chế mà ở trên không theo đến cùng.

 

- Áp lực thay đổi từ ông Trần Bá Dương đối với chính quyền có lớn hay không, thưa ông?

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ ông Trần Bá Dương không cố tình tạo áp lực. Nhưng qua thực tiễn của ông, anh em lãnh đạo tỉnh và cán bộ địa phương tự nhận biết được vai trò, vị trí của doanh nghiệp và chương trình đầu tư, rồi hoạt động của các nhà máy ở đó rất quan trọng đối với sự phát triển của Quảng Nam. Đó là quá trình tự nhận thức được qua thực tiễn. Bây giờ, chính quyền phải lo để giải quyết việc này, việc khác. Và nếu ai không nhận thức được điều đó mà bỏ bê, gây trở ngại cho sự phát triển này thì đó là sự dốt nát, sự dại dột.

Còn về phía ông Dương hay Thaco, tôi cho rằng họ hoàn toàn không cố tình gây áp lực gì cho chính quyền tỉnh Quảng Nam. Thay vào đó, là sự thúc đẩy công tác quản lý, điều hành và đồng hành của chính quyền trở nên hiệu lực, hiệu quả và thân thiện hơn.

- Vai trò đồng hành của Chính quyền có ý nghĩa như thế nào đối với sự thành công của Thaco như ngày hôm nay?

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ việc đồng hành của chính quyền quan trọng lắm. Bao nhiêu khó khăn phải đối mặt mà không có chính quyền thì doanh nghiệp không thể tự “bơi sang bờ” được.

Trong điều kiện khó khăn lúc ban đầu, chính quyền là cái phao để người ta có thể dựa vào mà đi qua sông. Giai đoạn sau khi có thị trường, có điện, có nước, có mặt bằng rồi thì câu chuyện sẽ khác.

Lúc ban đầu, giải phóng đền bù, giao thông liên vùng, kéo điện từ nơi này đến nơi khác… đều cần đến vai trò của chính quyền.

- Ông cho rằng, doanh nhân Trần Bá Dương đã tác động mạnh mẽ vào tư duy của lãnh đạo tỉnh và nhân dân theo hướng của tư duy công nghiệp. Ông có thể lý giải rõ hơn nhận định này?

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Tư duy của Quảng Nam trước đây, qua rất nhiều thế hệ, chủ yếu là tư duy tập trung cho sản xuất nông nghiệp, nhất là tự túc lương thực, cũng chủ yếu là độc canh, phi nông bất ổn, lương túc binh cường, trước tiên phải lo phòng thủ, chống đói, tất nhiên cũng có phần đáng kể vì lý do khách quan. Còn nói đến công nghiệp thì thấy nó xa vời, khó khả thi, chưa dám và chưa đủ sức xông vào giải quyết.

Bây giờ tư duy đã khác, muốn chống nghèo, chống đói phải làm công nghiệp và dịch vụ, phải chuyển từ một tỉnh chủ yếu là nông nghiệp tự cấp tự túc sang một tỉnh dịch vụ và công nghiệp.

Đã có các nghị quyết về việc này. Hội An với du lịch dịch vụ và Chu Lai với công nghiệp ô tô đã chứng tỏ có thể phát triển được, làm giàu được, chứ không phải như ngày trước muốn làm giàu thì phải tạo nhiều ruộng đất.

Công nghiệp của ông Trần Bá Dương cũng làm cho người ta ý thức hơn về tính kỷ luật, quy chuẩn, tác phong làm việc khẩn trương, quyết liệt chứ không phải cứ đủng đỉnh theo mùa vụ…

- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhận định: “Thaco là một minh chứng cho thấy phải đặt niềm tin vào khát vọng của doanh nghiệp, đừng thấy lúc đầu họ nhỏ bé mà nghĩ không làm được chuyện lớn”. Ông nghĩ sao về nhận định này?

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Nhận định đó đúng, tất nhiên không phải tất cả mọi trường hợp, mà trước nhất phải là những doanh nghiệp như Trường Hải Thaco. Lúc đầu chưa to mạnh như bây giờ, nhưng có những người như ông Trần Bá Dương mới làm nên chuyện được. Khi đã có con người là cái vốn lớn nhất, to nhất, thì phải nhìn vào cái vốn ấy để đặt niềm tin, chứ không nhất thiết phải to nhỏ bề ngoài.

- Nhưng tại sao Quảng Nam đã đón được "sếu đầu đàn" mà chưa có cả đàn sếu bay theo?

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Đó là điều đáng tiếc. Thực ra thì cũng có lúc đã có nhiều dấu hiệu các tập đoàn lớn muốn vào. Nhưng sau đó thì chựng lại, những năm gần đây đã chựng lại rõ ràng, mọi việc không sôi nổi khẩn trương như giai đoạn trước. Có nhiều lý do… Chắc cũng có phần do Covid-19, nhưng Covid chỉ mới đây thôi.

Có người bảo do chuyện kiểm tra, thanh tra và báo chí nữa, có người lại bảo do cán bộ và công tác cán bộ… Có lẽ việc này thì tập thể lãnh đạo và cán bộ đương chức của Quảng Nam sẽ rõ hơn. Chúng tôi đã nghỉ hưu rồi, sợ không đầy đủ thông tin. Nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan.

- Hiện nay, Thaco đang bước vào giai đoạn đầu tư thứ tư, chuyển sang hoạt động theo mô hình kinh doanh đa ngành. Việc một tập đoàn định hướng phát triển công nghiệp ô tô "rẽ ngang" sang làm nông nghiệp, thương mại, logistics đã làm dấy lên nghi ngại của dư luận về mục tiêu kinh doanh cốt lõi. Ông nghĩ sao về định hướng này của doanh nhân Trần Bá Dương, nhất là việc đầu tư mạnh mẽ vào mảng nông nghiệp?

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Tôi chưa được nghiên cứu về kế hoạch sắp tới của Thaco nên khó bình luận, càng không thể vội nói là đúng hay sai. Nhưng tôi nghĩ ông Dương là con người vừa mạnh mẽ vừa cẩn trọng. Tôi chưa biết ông nghĩ gì. Còn việc nói ông ấy không nên chuyển sang làm thêm ở các mảng khác chỉ vì ông ấy đang làm công nghiệp ô tô thì tôi nghĩ không có cơ sở khoa học nào để nói như vậy.

- Qua tiếp xúc và quá trình làm việc trực tiếp, ông cảm nhận được điều gì từ con người Trần Bá Dương?

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Ông Trần Bá Dương là sự kết hợp của một doanh nhân vừa có sự hiểu biết về kỹ thuật, vừa có trình độ và khả năng quản lý. Càng tiếp xúc, tôi càng thấy ông ấy là con người vừa chắc chắn, lại vừa nhanh nhẹn; vừa chiến thuật cụ thể, lại vừa nhanh nhạy với những vấn đề chiến lược, có tầm nhìn xa.

Nói ông ấy vừa là con người hành động cụ thể, nhưng lại tiếp cận nhanh với những vấn đề chiến lược, bởi nếu như không có tư duy chiến lược thì ông Dương không ra Quảng Nam. Bởi nếu không, ông ấy vẫn ở Đồng Nai, nơi có thị trường tại chỗ tốt hơn, không cần phải tốn công và chi phí vận chuyển xa.

Ở Chu Lai lúc bấy giờ điện nước không có, nhưng tại sao ông ấy vẫn quyết ra? Bởi vì lãnh đạo địa phương tích cực, có chính sách khuyến khích và đồng hành với doanh nghiệp. Nhưng vấn đề chính mà ông ấy thành công là bởi có tầm nhìn chiến lược. Cho nên, cuộc di chuyển ấy không phải là đánh liều đâu. Phải quyết tâm lắm cộng với tầm nhìn rất chiến lược thì ông Trần Bá Dương mới thành công được như vậy.

- Là người gắn bó, đồng hành với Thaco ngay từ những ngày đầu, ông đánh giá thế nào về giá trị văn hóa của Trần Bá Dương và tập đoàn Thaco?

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Thứ nhất, ông Trần Bá Dương và tập đoàn Thaco rất quan tâm tới chuyện giữ chất lượng, giữ chữ tín.

Con người bây giờ trong xã hội giả dối nhiều quá, ngay cả trong trường học, trong cơ sở văn hóa, trong các doanh nghiệp, doanh nhân… Trong tổ chức và ngoài xã hội, rất cần xây dựng tính trung thực cho mỗi thành viên. Đó là tính cách quan trọng nhất của con người, luôn cần thiết cho cuộc sống và trong công việc, nó tạo ra chính mình với những giá trị thực.

Tôi cho rằng, ông Trần Bá Dương đã làm tốt điều đó và chính sự trung thực trong cách làm, cách quan hệ đã giữ được chữ tín, tạo ra được giá trị thương hiệu cho Tập đoàn Thaco.

Thứ hai, tôi nhận thấy họ có / là một tập thể đoàn kết, luôn giữ được mối quan hệ tử tế, đàng hoàng với bên ngoài. Ngay từ khi thành lập Thaco, ông Trần Bá Dương đã đặc biệt quan tâm tới những mối quan hệ với thị trường bên ngoài, kể cả những quan hệ thân thiện đúng mực để tạo điều kiện về mặt thủ tục hành chính.

Tôi cảm nhận được sự hài hòa trong cách ứng xử của Tập đoàn. Giữ được điều đó không hề đơn giản, nhất là trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

Điều quan trọng nhất trong văn hóa ứng xử với cộng đồng là tình người, lòng nhân ái.

Đó là giá trị xã hội quan trọng mà Trần Bá Dương đã và đang xây dựng. Xã hội ngày nay cái ác và cái xấu không phải là ít nên càng cần chăm lo xây dựng lòng nhân ái.

Văn hóa cộng đồng là đặc trưng lớn của văn hóa Việt Nam.

Trong văn hóa cộng đồng ấy, cái lõi quan trọng nhất là tình làng, nghĩa xóm, là yêu thương đồng bào, nòi giống.

Có những lúc nước mất nhưng làng không mất, sau đó các làng cùng liên kết lại với nhau lấy lại được nước.

Trong văn hóa ứng xử, còn có việc ứng xử với môi trường, thực chất cũng là ứng xử với con người, với cộng đồng, với thị trường, vì thị trường là nơi tồn tại của doanh nghiệp.

Chúng ta đều biết văn hóa là cuộc sống, là cách sống của con người. Sống với tư cách con người thì bao giờ cũng là sống cùng. Cách quan hệ của một doanh nghiệp có hợp tình, hợp lý hay không, hay nói cách khác là có văn hoá hay không trước hết xuất phát từ phẩm giá trung thực như tôi đã nói ở trên.

Nếu không có tính trung thực thì con người sẽ trở nên giả dối và đáng sợ. Khi đó, chỉ nhăm nhăm cảnh giác và đối phó nhau, còn đâu ý nghĩa hạnh phúc. Tôi tin Trường Hải là một tập thể rất văn hóa. Khi luôn giữ được điều đó, Trường Hải sẽ đẹp vô cùng, hơn mọi sự giàu có về kinh tế, mặc dù sự giàu có vật chất vẫn luôn và rất cần.

Thứ ba, Trần Bá Dương là con người toát ra sự tự tin, mạnh mẽ, chững chạc và từng trải. Ông ấy đã xây dựng một tập thể gắn kết về mục tiêu, cùng nhau phấn đấu cho thương hiệu, cùng nhau phấn đấu để giữ chữ tín. Thaco luôn đổi mới để phát triển, sáng tạo liên tục, từ lãnh đạo đến công nhân, nhằm tạo ra một đội ngũ tâm huyết, có sức sống mãnh liệt, bền bỉ, khao khát vươn tới. Muốn thành công, phải có sáng tạo.

Muốn sáng tạo phải có tư duy độc lập và đam mê công việc. Biết phản biện, luôn phản biện với chính mình với những cái đang có. Phản biện để sáng tạo, tìm ra cái mới. Sáng tạo giúp Trường Hải tạo ra những sản phẩm ô tô có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế – cái không gì thay thế được đối với một tập đoàn sản xuất ô tô. Chữ tín vẫn luôn luôn là cái quý giá bậc nhất của một doanh nghiệp. Chất lượng tạo nên giá trị sản phẩm và tạo nên chữ tín của doanh nghiệp.

Tất nhiên ở Thaco, không chỉ có văn hóa phi vật chất mà tập đoàn này còn có mức trả lương khá cao so với các công ty khác xung quanh đó. Mức lương tương đối cao và ổn định là điều kiện quan trọng để công nhân gắn bó và cống hiến hết mình cho Tập đoàn.

Khi đến trụ sở Tập đoàn Thaco, tôi thấy có biểu tượng về cây xương rồng. Đây là loại cây có sức sống mãnh liệt, trên vùng cát trắng vô cùng khắc nghiệt mà nhiều cây khác không sống được thì xương rồng vẫn phát triển, vẫn ra hoa. Vì vậy, nó giống như biểu tượng của sự bất tử, vượt qua khó khăn. Thaco chọn cây xương rồng để làm biểu tượng là rất ý nghĩa. Tôi nghĩ, cũng không quá khi nói rằng, đó cũng là hình ảnh của Trần Bá Dương và Tập đoàn Thaco. Một loài cây khiêm nhường nhưng có sức sống ghê gớm, sức chịu đựng gian khổ từ năm này qua năm khác.

 

- Theo nhận định của ông, động lực lớn nhất biến Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco từ một người thợ cơ khí đến giấc mơ sản xuất ô tô cho mọi người dân là gì?

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ động lực chính ở đây chắc là do ông ấy muốn làm thành công những gì mình yêu thích và xét thấy có thể. Còn tất nhiên cũng không loại trừ ý định kinh doanh của một doanh nhân có năng lực.

- Việc biến một vùng đất gió Lào cát trắng trở thành nơi dẫn đầu của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, khởi nghiệp và thành công trong lĩnh vực khó như công nghiệp ô tô – lĩnh vực vô cùng non trẻ của Việt Nam và cạnh tranh khốc liệt, có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Ý nghĩa thật to lớn. Và hay. Như chúng ta đã nói từ đầu đến giờ. Và thêm nữa là trực tiếp góp phần khẳng định Việt Nam hoàn toàn có khả năng thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, điều còn lại là nhanh hay chậm mà thôi.

- Nhiều người cho rằng, để thành công, ông Trần Bá Dương đã thu phục được một đội ngũ có trình độ và đạo đức. Ông ấy thì luôn quan niệm, ngoài sự yêu thương được lượng hóa, do nền kinh tế Việt Nam thoát thai từ bao cấp, xuất phát điểm nền kinh tế thấp nên cần phải giúp cho nhân sự ở đức tính, thái độ làm việc tích cực, bao gồm sự tận tâm, trung thực, liêm chính. Điều này cũng rất đúng với nhận định của ông về văn hóa của Trần Bá Dương và Thaco.

Thưa ông, sâu hơn nữa, có phải Trần Bá Dương còn đang muốn chứng minh đây là xu thế của thời đại, giúp đội ngũ nhân sự hiểu rằng, đây là điều cần phải có, hình thành môi trường văn hóa để phát triển, tạo ra giá trị nhân sinh. Bởi ngay trong gia đình cũng thế, yêu thương không có nghĩa là chiều con bằng mọi giá. Cùng với tình thương, phải có phương pháp quản lý để con cái phát triển và thành đạt?

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Ông Trần Bá Dương muốn điều gì thì tôi đâu có biết (cười). Mà ông ấy cũng đã nói rồi – như anh biết rồi đó. Đó là những điều tuyệt vời của một doanh nhân!

 

- Theo quan sát của tôi thì ông Dương thành công khởi đầu từ một người thợ, một người thợ được học đại học đàng hoàng. Ông ấy luôn tạo ra tâm thế trước mỗi khó khăn. Tâm tức là cái bên trong, thế là chuẩn bị cái gì để làm. Nếu đủ hết các nguồn lực mà không có tâm cũng sẽ thất bại. Ông ấy có triết lý khởi nghiệp thật đơn giản: Hãy làm đúng, làm thật ngay từ đầu, có tâm trước, sống với nghề, làm từ nhỏ tới lớn với sự nỗ lực, kiên trì tích lũy từng bước một để bước vào đời…

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Tôi cho đó là triết lý tốt. Làm thế sẽ thành công. Và Thaco Trường Hải cũng đã thành công trên thực tế, chứng minh bằng thực tế.

- Câu hỏi cuối cùng, điều gì khiến ông ấn tượng nhất về Trần Bá Dương và tập đoàn Thaco?

TS. Vũ Ngọc Hoàng: Tôi thấy họ làm việc vừa có sự mạnh dạn, quả quyết nhưng lại có cách làm khả thi. Chỉ nói ý tưởng nhưng rồi nhà máy cứ thế mọc lên. Ô tô giờ xếp hàng thay xương rồng. Những khu dân cư cũng khá lên xung quanh khu vực những nhà máy, công trường. Chứ còn nhiều nơi khác, mãi không thấy xây được nhà máy, người dân vẫn nghèo khổ.

 

Riêng dự án của ông Trần Bá Dương, sự thật là bàn tính với nhau không nhiều, nhưng sau đó, ông ấy chủ động, làm đầy kiên quyết, mạnh mẽ, nhưng khả thi, hiệu quả.

Tôi cho rằng, đó là một điều may mắn đối với Quảng Nam.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này. Kính chúc ông nhiều sức khoẻ và tiếp tục đóng góp thêm nhiều ý kiến tâm huyết và trí tuệ cho đất nước!

Kỳ 2: Trần Bá Dương hóa giải “lời nguyền” làm công nghiệp

Nguyễn Thành Công
18/08/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top