Aa

Kỳ 1: Từ gia tài người lính

Thứ Năm, 18/01/2018 - 15:05

Những người lính như Lê Thanh Thản không chỉ sống cho mình, ông còn sống hộ cho bao đồng đội đã hy sinh để vắt óc, căng tim làm việc cật lực dâng hiến cho cuộc sống dẫu còn biết bao bất trắc trong thời buổi kinh tế thị trường khắc nghiệt này.

LTS: Trong lĩnh vực bất động sản, không mấy ai không được nghe danh tính Lê Thanh Thản ít nhất một lần, người đi tiên phong trong lĩnh vực nhà ở đại chúng, người đã đem niềm vui an cư đến cho hàng chục ngàn gia đình, người tạo dựng thành công hình ảnh “đại gia” đến gần gũi với bao dân thường, người đem lại việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trên khắp cả nước... Cho dù vậy, cuộc đời ông cũng trải qua biết bao thăng trầm, đầy ắp tâm tư. Nhân dịp chuẩn bị đón Xuân Mậu Tuất, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) trân trọng giới thiệu bài viết dài kỳ của nhà văn Nguyễn Hồng Thái về “người Nghệ đặc biệt” này.

Hơn 250 ngàn người lao động đang làm việc trong nước và nước ngoài; đã từng xây dựng khoảng 1,5 triệu mét vuông nhà ở bán cho người dân; mỗi năm nộp thuế cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng;… đó là nét khái quát nhất về Tập đoàn Mường Thanh của “đại gia” Lê Thanh Thản, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mường Thanh. Có lần nói chuyện thân tình với ông, tôi bức xúc khi một số tờ báo gọi ông là “đại gia điếu cày”, ông rít một điếu thuốc lào nhả khói che khuất mặt tôi và nói đặc sệt chất Nghệ: “Can chi chú, bác hút thuốc lào thật mà…”. Tôi hiểu ông này không cần màu mè. Chưa chắc đã hay trong thời buổi 4.0 này…

Ông Lê Thanh Thản sinh năm 1949 tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Họ Lê của ông được biết là cùng dòng họ với Lê Lợi (1385-1433) người dấy cờ khởi nghĩa chống giặc Minh giải phóng đất nước, lên ngôi vua (1428, tức Lê Thái Tổ). Bố ông từng là chủ nhiệm hợp tác xã suốt những năm bao cấp, tức là cũng chẳng phải dòng giống con ông cháu cha gì để anh Thản sau này mà ỷ thế. Chứng cứ là năm 1971, Lê Thanh Thản xung phong đi bộ đội tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, ở cùng sư đoàn 324, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị với người đồng đội là Trung đoàn trưởng, sau này là Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Ông Lê Thanh Thản

Ông Lê Thanh Thản (Ảnh: Dân Việt) 

Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, người lính Lê Thanh Thản trở về quê, mẹ ông thấy ông về tưởng như là “hồn ma” vì mấy năm đi bộ đội dường như ông bặt vô âm tín. Sau chiến tranh, Diễn Lâm nói riêng, Diễn Châu và cả Nghệ Tĩnh nói chung có thể nói là vui và đói, đa số các nhà trong xóm ông Thản bị thiếu đói trầm trọng. Anh Thản vừa giúp gia đình cày cuốc, tăng gia sản xuất, vừa tham gia công tác đoàn tại xã Diễn Lâm, từ bí thư chi đoàn lên tới bí thư đoàn xã.

Xã Diễn Lâm đến bây giờ vẫn được xác định là một xã miền núi, nơi bà con địa phương vẫn nhắc đến hòn Trơ, truông Vên, cầu Cát - một thuở “thâm sơn cùng cốc”, có hổ đến trú ngụ. Xã nằm trên trục đường 48 do thực dân Pháp xây dựng từ huyện đồng bằng Diễn Châu lên vùng Phủ Quỳ, phía Tây xứ Nghệ, vùng đất bazan đỏ thắm nuôi sống cà phê, cam quýt, mít, lạc, đá quý và bạt ngàn rừng nguyên thủy.

Trên con đường thực dân ấy, xã ông Thản có từ thuở nào xa lắm lập nên một cái chợ bám sát đường 48, gọi là chợ Tảo. Ngày ấy, dăm bảy xã mới có một cái chợ quê, nơi manh nha “cơ chế thị trưởng”, nhưng vô cùng độc quý với hàng ngàn bà con nơi đây. Nào nấm hương, tre pheo, giang, mây, củi rừng, khoai sắn, thú rừng tụ hội về đây giao lưu với muối trắng, cá biển và lợn, gà từ các xã vùng biển Diễn Châu lên. Chợ Tảo cứ thế dập dìu nuôi sống hàng vạn hộ dân thuở chiến tranh và những năm sau giải phóng, và tồn tại cho đến ngày nay vẫn nhộn nhịp bán mua ngay cả khi nước nhà và cả thế giới bước vào cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, hay còn gọi là cuộc cách mạng 4.0.

Mới đây, tôi có gặp ông Thản, ngồi uống rượu, ông hỏi : “4.0 là chi hở chú?”, tôi vận dụng đủ sách vở, mạng internet giải thích mãi, mấy phút sau ông Thản gật gù, mỉm cười bảo: “Anh hiểu rồi, như thế là 4 chấm Có, chứ sao gọi là 4 chấm không?”. Tất cả chúng tôi đều cười, ừ nhỉ… có chứ nhỉ?  

Sau khi từ chiến trường về, anh Thản là vốn quý, được bầu là Bí thư đoàn xã cũng là điều dễ hiểu. Đến bây giờ thì ông Thản vẫn rất thích được ngồi với số anh em cán bộ đoàn xã Diễn Lâm ngày ấy. Tôi còn nhớ vào ngày 28/7/2017, ông đã mời một số anh em cán bộ đoàn cùng thời với ông từ xã nhà Diễn Lâm ra, từ Lai Châu về khách sạn Mường Thanh 4 sao tại khu Linh Đàm, Hà Nội chỉ là để vui với nhau. Người giàu có và nổi tiếng như ông Thản nhưng số bạn cũ ở quê ra dù đi dép lê, mặc áo không là, tóc rối không thèm chải vẫn không có gì là mặc cảm, vui đùa tíu tít, vẫn xưng hô là “tau”, “mi” và nói đặc sệt tiếng Nghệ, thỉnh thoảng còn bá vai nhau, vỗ vỗ cười như nắc nẻ khi nhắc về một cô bạn gái ngày ấy.

Ảnh: Trần Kháng

Ảnh: Trần Kháng

Có lần tôi về quê, anh Thản cũng về, gọi tôi lên khu khách sạn Mường Thanh 5 sao ông vừa mới xây xong ở xã Diễn Lâm, lại vừa xây khu sinh thái nuôi động vật quý hiếm, lại vừa xây chùa và đang xây dựng sân golf ở đây. Trong bữa cơm trưa ăn với canh cua và cá đồng kho khế, rau sạch trồng ven rừng, tôi lại gặp bạn cũ của ông ngày ấy, chuyện trò rôm rả. Thế mới biết ông Thản rất yêu bạn cũ…, nhưng suy cho cùng, tuổi “xưa nay hiếm” mà về quê không có bạn cũ thì coi như mất chân đế, cô đơn biết chừng nào. Bạn cũ không phải thấy ông Thản giàu sang mà tìm đến đâu! Nếu không tử tế, thành tâm với nhau, họ thà nhịn rượu chứ không bao giờ thấy bạn sang bắt quàng làm họ mà đến với “đại gia” như Lê Thanh Thản.

Trở lại chuyện cũ. Xã Diễn Lâm là xã miền núi, nhưng phong trào đoàn hồi đó dưới sự lãnh đạo của anh Lê Thanh Thản đã phát triển rất mạnh, đóng góp tích cực cho xã nhà, lại là tổng đội trưởng Thanh niên xung phong ở huyện Diễn Châu, anh Thản vì thế lọt vào “mắt xanh” của Lãnh đạo huyện nhà. Có lẽ vì thế, anh Thản được Lãnh đạo điều về huyện học tại trường Đảng Trần Phú với hướng đào tạo những “hạt giống đỏ” cho địa phương. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp trường này, năm 1978, ông được giới thiệu để Trung ương phân công chi viện cho tỉnh Lai Châu, một tỉnh miền núi phía Bắc đang gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Vậy là sau đời lính, tưởng được ở gần quê chăm sóc mẹ già, ông lại tạm biệt mẹ đi xa không khác gì tái ngũ. Có lần tâm sự cùng chúng tôi, ông bảo: “Cứ có lệnh là đi thôi, nào có biết tương lai ngày mai là thế nào”.

Có lệnh là đi, ông Thản nhắc tôi nhớ về bài thơ của Tố Hữu:                                     

Bảy mốt đến nghiêm trang như người lính

Có lệnh là đi tư thế sẵn sàng

…Trung ương họp những ngày rét giá

Con én về bên cửa sổ nhìn sang

Đúng năm này, ông Thản đi bộ đội. Sau này, ký ức về chiến trường không bao giờ phai nhạt trong ông. Hôm tâm sự với một số nhà báo, ông cao hứng đọc một bài thơ. Chúng tôi và số nhân viên của ông bất ngờ quá, không dám giục. Ông im lặng một lúc không nói tên bài thơ là gì: “Bác đọc bài này thì các chú hiểu bác, yêu bác hơn cả người yêu các chú”:

Căn hầm nhỏ đọng đầy kỷ niệm

Biết không em, anh nghĩ về quá khứ

Của đời ta làm lính xa nhà

Cọng rau rừng nhạt muối vơi cơm

Và mùa đông về rét ngọt làn da

Không chăn đắp truyền nhau hơi ấm

Nằm ôm nhau cho ngày tháng xoay vần

Anh nhớ lắm những ngày chốt điểm

Thiếu đủ điều chỉ dư lửa chiến tranh

Thèm khói thuốc anh bò ra đất chết

Nhặt từ đâu những lá rau rừng

Cũng đốt lên phì phèo nhả khói…

Ta đã sống những ngày ta làm lính

Đau thương nhiều hơn cả thời gian

…Để mai đây trên ruộng đồng nắng ấm

Càng yêu thêm huyền thoại làm người.

Sống gian khổ, chiến đấu hy sinh, nhưng còn sống lành lặn trở về với quê hương trong khi bao bạn bè nằm lại với đất đai tuyến lửa, nên Lê Thanh Thản phải răn mình như câu cuối của bài thơ “càng yêu thêm huyền thoại làm người”. Những người lính như Lê Thanh Thản không chỉ sống cho mình, ông còn sống hộ cho bao đồng đội đã hy sinh để vắt óc, căng tim làm việc cật lực dâng hiến cho cuộc sống dẫu còn biết bao bất trắc trong thời buổi kinh tế thị trường khắc nghiệt này. Có thể ông còn làm nhiều bài thơ khác nữa, nhưng không hiểu sao, bài này ông đọc nhiều lần dẫu biết chúng tôi đã từng nghe. Bài thơ không màu mè, như dáng hình con người ông, bài thơ nhớ về thời lính chiến bảo vệ Tổ quốc, sẽ còn khắc khoải không bao giờ ngủ yên trong trái tim ông. Hèn chi trong nhiều dịp khánh thành khách sạn Mường Thanh, ông đã mời nhiều bạn lính tề tựu bên bàn tiệc cùng nâng chén rượu táo mèo mà cười hể hả. Có ai biết lúc đó ông đang hạnh phúc hay không?

Gia tài người lính với Lê Thanh Thản trước khi lên tỉnh Lai Châu cũng chỉ có bài thơ này thôi. Ông làm gì khi từ Nghệ An theo Đảng phân công lên tỉnh miền núi xa lắc, chắc hẳn không thể quen thuộc bằng cái chợ Tảo quê ông? Có lần, tôi về nhà ông, tranh thủ đi dạo một vòng quanh xóm, nhìn ra cánh đồng lúa xa kia về phía Đông, nơi có con đường 1A, tuyến đường sắt chạy suốt Bắc Nam; lại nhìn về phía Tây thấy những dãy núi cao thấp như mẹ con ôm nhau ngủ giữa bạt ngàn cây rừng xanh lá…; thế núi hình sông thế này, phong thủy thế kia hẳn dễ sinh ra những người tài như Lê Thanh Thản cũng là đúng đạo trời!

Mời quý độc giả đón đọc kỳ 2 loạt bài "Doanh nhân Lê Thanh Thản - một người Nghệ đặc biệt" trên www.reatimes.vn!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top