Aa

Kỳ 1: Vỉa hè và hành trình đến đô thị hạnh phúc

Thứ Tư, 19/09/2018 - 01:00

Nhân loại luôn hướng tới một cuộc sống tốt đẹp. Còn giấc mơ về một đô thị hạnh phúc của tôi lại bắt đầu từ cái… vỉa hè.

Tôi đến nơi làm việc bằng xe buýt. Bến xe buýt đầu tiên cách ngõ nhà tôi chừng chục mét. Đoạn vỉa hè đó rộng rãi. Không sao. Nhưng cái vỉa hè chiều ngược lại mà chiều về tôi phải đi qua thì quả là một sự điển hình của Thủ đô. Đoạn vỉa hè này nằm ngoài hàng rào của Trung tâm Triển lãm Văn hóa – Nghệ thuật mà người dân vẫn gọi theo cái tên cúng cơm của nó là Triển lãm Vân Hồ.

Khi xây dựng, người ta tận dụng đất một cách tối đa, chỉ chừa lại cái vỉa hè rộng vừa đủ dựng cái xe máy. Đã thế, khi Triển lãm có sự kiện, vỉa hè trở thành bãi gửi xe. Xe chiếm hết vỉa hè. Ngay cả ngày thường không có sự kiện, cái hàng ăn trong Triển lãm cũng dựng xe của khách kín vỉa hè. Khi mà xe máy “chễm trệ” trên vỉa hè thì tất nhiên người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường, chen chúc với dòng xe cộ chạy như mắc cửi.

Đến Giảng Võ, tôi xuống buýt thường và chuyển sang buýt nhanh BRT ở nhà chờ Núi Trúc. Muốn ra nhà chờ ở làn giữa phải băng qua đường. Ở đây có đèn đỏ đèn xanh nhưng không theo nhịp mấy giây mà người đi bộ muốn qua đường thì tự nhấn nút đèn tín hiệu, còn không thì đèn… luôn luôn xanh. Quá văn minh. Tôi nhấn nút đỏ. Chờ mãi đèn vẫn xanh. Nghĩ hay là phải ấn nút xanh để qua đường, nhưng đèn cứ xanh. Xe cộ thì đông nườm nượp và chẳng thấy giảm tốc. Đành phải liều mình giơ cả túi với mũ lên cao để tăng độ… “nhận diện thương hiệu” cho xe khỏi tông vào rồi liều mình như chẳng có băng qua đường. Nếu không, chắc phải chờ đến… giờ Tý.

Xuống xe ở nhà chờ Lương Thế Vinh, một lần nữa tôi phải băng qua một làn đường Tố Hữu để trở về đúng chỗ của mình trên vỉa hè. Tại nút giao này có đèn xanh đèn đỏ bật tắt theo nhịp. Nghĩ là an toàn. Chờ đến chiều đường Tố Hữu bật đèn đỏ mới qua cho lành. Nhưng ôtô thì dừng, còn không ít xe máy vẫn phóng vèo vèo. Lại phải giơ “bộ nhận diện thương hiệu” ra vẫy vẫy… Lên đến vỉa hè, lại phải một lần vượt chướng ngại vật băng qua đường Lương Thế Vinh thì khuôn mặt mới được phép dãn ra đôi chút.

Tôi bỗng thèm cái cảnh khi ở Nga, dù là Moscow hay Saint Petersburg, hễ thấy bóng người đi bộ sang đường, dù ở bất cứ chỗ nào, là tất cả các phương tiện giao thông đều dừng lại nhường đường.

(Thực hiện: Đức Anh)

(Thực hiện: Đức Anh)

 Dông dài như thế để nói một điều, ước mơ đầu tiên của tôi về một đô thị hạnh phúc đó là cái vỉa hè. Vỉa hè hai bên đường và “vỉa hè kéo dài” là vạch sơn cho người đi bộ sang đường.

Theo Từ điển Tiếng việt, Vỉa hè - tôi xin phép được viết hoa – là phần dọc theo hai bên đường phố, thường được lát gạch chuyên dùng, dành riêng cho người đi bộ.

Nhưng thử hỏi, đã có mấy người đi bộ được làm chủ nhân trong cái phần của mình làm chủ? Chắc là không nhiều! Vỉa hè thành nơi để xe (chủ yếu là xe máy), là lãnh địa của hàng rong, là nơi tập kết vật liệu xây dựng, là chỗ mà chỉ cần dựng lên cái phông màn bỗng chốc biến thành rạp tổ chức hiếu hỷ. Vỉa hè cũng là nơi của xe máy, thậm chí đôi khi cả ôtô phóng lên khi đường tắc. Người đi bộ buộc phải rơi vào trong cái mớ hỗn độn và hứng chịu rủi ro, tai nạn bất cứ lúc nào.

Vì vậy, ước mơ của không ít người, trong đó có tôi, về một đô thị hạnh phúc, điều đầu tiên là sự an toàn. An toàn trong đi lại, rồi sau đó là cả an toàn trong ăn uống, hít thở.

Các nhà khoa học, các nhà quản lý đã và sẽ còn đưa ra những khái niệm, tiêu chí về một đô thị hạnh phúc. Cư dân cũng sẽ có những cảm nhận khác nhau về một đô thị hạnh phúc của riêng mình. Người giàu có cảm nhận về hạnh phúc khác với người chưa giàu. Đứa trẻ có cảm nhận về hạnh phúc khác với người nhiều tuổi… Nhưng suy cho cùng, nhiều khi Hạnh phúc chỉ là cái mà người ta muốn hướng tới và rất đỗi thông thường chứ không phải điều gì quá lớn lao. Với cá nhân tôi chẳng hạn thì đô thị hạnh phúc, trước tiên cần có cái Vỉa hè – với đúng chức năng của nó. 

Còn với người khác, đó có thể là nơi họ có cuộc sống ổn định về việc làm và thu nhập, được chăm sóc về sức khỏe và giáo dục, có môi trường trong lành… Hay cũng có người lại mơ về một nền hành chính trong sạch, đơn giản và thuận tiện; nói ngắn gọn là nhanh chóng và không bị sách nhiễu. Nhưng trong tất cả những điều ao ước đó, toát lên điểm chung nhất là con người được tôn trọng.

Có nhiều khái niệm, tiêu chí đánh giá khác nhau về một đô thị hạnh phúc, đô thị đáng sống hay đô thị thông minh, nhưng có điểm chung nhất chính là lấy con người làm trung tâm. Điều đó cũng có nghĩa, việc xây dựng, phát triển đô thị đều phải nhằm phục vụ đa số cư dân trong đó. Điều đó cũng có nghĩa, từ hạ tầng kỹ thuật đến hệ thống quản lý, từ nhu cầu vật chất đến đời sống tinh thần, từ khía cạnh công nghệ đến môi trường văn hóa…, tất cả đều nhằm đem lại cho con người một cuộc sống… hạnh phúc.

(Thực hiện: Đức Anh)

(Thực hiện: Đức Anh)

Nhưng thế nào là hạnh phúc? Từ điển Tiếng Việt định nghĩa, Hạnh phúc là trạng thái sung sướng của con người vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện. Nhưng ý nguyện của con người không phải là cái gì bất biến mà nó thay đổi theo thời gian và không gian.

Hạnh phúc, chung quy lại chính là sự cảm nhận của người dân, sự hài lòng với cuộc sống, phù hợp với điều kiện, môi trường và hoàn cảnh. Vì vậy, một mặt không thể bê nguyên xi một mô hình đô thị hạnh phúc từ nước này sang nước khác; nhưng mặt khác cũng có nghĩa, bất cứ một đô thị nào cũng có thể xây dựng thành phố hạnh phúc phù hợp với điều kiện và văn hóa của riêng mình.

Hạnh phúc không bỗng dưng từ trên trời rơi xuống. Đô thị hạnh phúc phải bắt đầu từ ý muốn của người dân và ý chí của nhà lãnh đạo. Có ý chí của nhà lãnh đạo nhưng không xuất phát từ ý muốn của người dân thì người dân cũng không cảm thấy hạnh phúc. Ngược lại, có ý muốn của người dân mà nhà lãnh đạo không quyết tâm thì lại càng không thể có đô thị hạnh phúc.

Bởi vậy, trong hai điều kiện cần và đủ để đi đến đô thị hạnh phúc thì ý chí, bản lĩnh, cái tâm, cái tầm của nhà lãnh đạo là tiên quyết.

Chắc hẳn, không thể xây dựng đô thị hạnh phúc trong một sớm một chiều. Nó đòi hỏi phải có sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và một quy trình thực sự khoa học. Đô thị hạnh phúc là một quá trình. Nhưng nói như thế không có nghĩa là đợi đầy đủ các điều kiện thì mới bắt tay vào xây dựng; mà là muốn đi đến đô thị hạnh phúc thì chúng ta phải bắt tay hành động ngay từ hôm nay, trên nền tảng của những cái còn ngổn ngang, bề bộn với trăm thứ bực mình hàng ngày này.

Chính quyền vào cuộc, người dân càng phải vào cuộc.

Và mỗi khi ngồi trên xe buýt, tôi cứ nghĩ, hành trình đi đến đô thị hạnh phúc của chúng ta, có lẽ hãy bắt đầu từ… cái vỉa hè!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top