Aa

Kỳ 2: “Bao đồng” ở xã Hòa Bắc

Thứ Sáu, 28/04/2023 - 07:24

Nếu Hòa Vang là huyện đặc thù của TP. Đà Nẵng thì Hòa Bắc được xem là xã đặc thù của huyện Hòa Vang bởi sự khác biệt về địa hình, dân cư, văn hóa... và nơi đây đang phát triển mạnh về du lịch sinh thái, trải nghiệm.

LTS: Xuyên suốt một thời gian dài, TP. Đà Nẵng triển khai các chương trình hành động “5 không”, “3 có” rồi “4 an” đã mang lại hiệu quả tích cực trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo ở các sở, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đã tạo lập niềm tin của người dân với chính quyền; các loại tội phạm được kiểm soát và kiềm chế; an sinh xã hội được đảm bảo… Thành công của các chương trình nêu trên đã góp phần xây dựng nên thương hiệu: Đà Nẵng - Thành phố đáng sống!

Ngày 1/12/2021, Công an TP. Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 1335/KH-CATP-PTM về xây dựng, thực hiện mô hình “Công an cơ sở tăng ca phục vụ Nhân dân” của lực lượng Công an xã, phường trên địa bàn thành phố. Gần dân, bám sát dân, chia sẻ, động viên, giúp đỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của người dân… Bước đầu, cách làm này đã phát huy hiệu quả, qua đó kết nối sâu đậm hơn tình cảm, trách nhiệm của người chiến sĩ Công an Nhân dân với cư dân sinh sống trên từng địa bàn.

Reatimes xin giới thiệu đến độc giả các mô hình hay của lực lượng Công an TP. Đà Nẵng để qua đó làm rõ hơn lý do vì sao Đà Nẵng được mệnh danh là: Thành phố đáng sống!

Xã Hòa Bắc có diện tích hơn 340km2, trong đó hơn 2/3 là đồi núi với sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, tiếp giáp với các tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế và đóng vai trò cửa ngõ phía Tây của TP. Đà Nẵng. Về dân cư, trên địa bàn xã Hòa Bắc có cộng đồng người Cơ Tu sinh sống lâu đời (tại 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí)...

Với những đặc điểm như trên, Hòa Bắc được xem là địa phương trọng yếu về văn hóa, an ninh chính trị, trật tự… của TP. Đà Nẵng. Do đó, đảm bảo an ninh trật tự, ổn định chính trị là những nhiệm vụ luôn được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm. Trong đó, công tác dân vận luôn được chú trọng thực hiện và đã phát huy hiệu quả với nhiều thành tích cao. 

Công an TP. Đà Nẵng thăm tặng quà cho người có uy tín tại xã Hòa Bắc năm 2021. (Ảnh: Công an TP. Đà Nẵng)
Công an TP. Đà Nẵng thăm tặng quà cho người có uy tín tại xã Hòa Bắc năm 2021. (Ảnh: Công an TP. Đà Nẵng)

Giao nộp vũ khí sát thương

Theo Trung tá Lê Văn Tư, Trưởng Công an xã Hòa Bắc, hai thôn Tà Lang và Giàn Bí là nơi sinh sống của đồng bào Cơ Tu. Trước đây còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, điển hình như sử dụng vũ khí để săn bắn, bảo vệ nương rẫy, trong khi đó ý thức về pháp luật còn nhiều hạn chế. Lực lượng Công an xã đã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ như dao, kiếm, cung, nỏ, súng...

Xác định công tác thu gom các loại vũ khí trên đóng vai trò quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, Công an xã Hòa Bắc đã chủ động tìm hiểu, nắm bắt đặc điểm về văn hóa, nếp sống của người Cơ Tu để triển khai một cách hiệu quả nhất.

Công an xã Hòa Bắc và ngày thứ 5 hàng tuần – ngày hội Nông thôn mới.
Công an xã Hòa Bắc và ngày thứ 5 hàng tuần - ngày hội Nông thôn mới.

Công tác tuyên truyền, vận động trước tiên chú trọng đến những già làng, người có uy tín trong thôn làng. Những nội dung như tàng trữ vũ khí, sử dụng vũ khí để săn bắn động vật hoang dã, để bảo vệ nương rẫy… là trái quy định của pháp luật được lực lượng công an xã giải thích chi tiết với các già làng, người có uy tín trong cộng đồng. Những người này sẽ là cầu nối, góp phần hỗ trợ công tác tuyên truyền đến đông đảo người dân, mang lại nhiều kết quả tích cực. Qua đó, công an xã đã vận động được 5 trường hợp người dân là đồng bào dân tộc thiểu số tự giác giao nộp 17 súng tự chế và 1 súng săn, 2 khẩu súng bắn đạn hoa cải.

Ngoài ra, với diện tích phần lớn là đồi núi, dân cư thưa thớt, nhiều cánh rừng nguyên sinh có nguy cơ bị lâm tặc tàn phá, đặc biệt trên địa bàn trước đây có tồn tại mỏ vàng Khe Đương, sau khi mỏ vàng chấm dứt hoạt động thì xuất hiện vàng tặc, tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Ngoài việc thực hiện công tác truy quét thì công an xã cũng chú trọng tuyên truyền đến người dân không tiếp tay, không cung cấp nhu yếu phẩm, không dẫn đường, không làm việc cho các đối tượng vàng tặc và lâm tặc. Công tác tuyên truyền, vận động thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, thiết thực với cuộc sống, phù hợp với từng độ tuổi, giới tính, thành phần, mang tính dự báo, cảnh báo về âm mưu của các thế lực thù địch, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là loại tội phạm mới để cán bộ và nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện. Từ đó, tình hình chính trị, an ninh trên địa bàn được đảm bảo, bài trừ được các luận điệu xuyên tạc, nói sai sự thật, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Thầm lặng với những việc không tên

Từ khi thực hiện Đề án 224 ngày 16/5/2019 của UBND TP. Đà Nẵng về “Điều động, bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã đối với 11 xã thuộc huyện Hòa Vang”, lực lượng công an xã Hòa Bắc đã từng bước khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.

Với đặc điểm riêng của xã Hòa Bắc, mỗi tuần, công an xã đều bố trí lực lượng đi truy quét tất cả các tiểu khu trên địa bàn. Trung tá Lê Văn Tư cho biết, công an xã kết hợp với lực lượng quân sự, kiểm lâm đi truy quét khai thác vàng, khai thác gỗ trái phép, săn bắn động vật hoang dã. Mỗi lần đi như vậy khoảng 3 ngày 2 đêm, anh em phải mang theo gạo, lương thực và nhu yếu phẩm. Vùng truy quét thường là khu vực không có sóng điện thoại, đường rừng không thể di chuyển bằng xe máy nên chỉ có thể đi bộ hàng giờ đồng hồ, những cơn mưa rừng cũng góp thêm sự khó khăn, trắc trở cho lực lượng làm nhiệm vụ. Ám ảnh của nhiều chiến sĩ đi rừng là dính phải vắt, nó hút máu đến mức no căng, để lại vết thương khó cầm máu.

Công an xã Hòa Bắc hỗ trợ nhân dân trong mùa bão lũ.
Công an xã Hòa Bắc hỗ trợ nhân dân trong mùa bão lũ.

Ở Hòa Bắc, công an xã cũng có những công việc theo mùa. Mùa mưa thì thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn trước những hiểm họa của thiên nhiên như bão, lũ. Trong cơn bão số 4 của năm 2022, lực lượng công an xã, quân sự đã phối hợp với Ban nhân dân 7 thôn vận động các hộ dân di dời ra khỏi các khu vực không đảm bảo an toàn, giúp bà con nhân dân chèn chống nhà cửa... Ngay sau đó là đến trận lũ lụt lịch sử vừa qua, lực lượng công an xã đã phối hợp với quân sự, công an huyện giúp đỡ bà con khắc phục hậu quả nặng nề sau lũ, vận động các đơn vị hảo tâm và phối hợp UBMTTQVN xã phân phát quà cứu trợ cho bà con nhân dân.

Một kỷ niệm mà Trung tá Lê Văn Tư nhớ mãi đó là trong đợt lũ lịch sự năm vừa rồi, sau khi hoàn thành công tác hỗ trợ đồng bào, công an xã không thể trở về trụ sở vì nước lũ đã dâng lên cao, đành phải đi gửi xe tại khu vực cao ráo và đến tá túc qua đêm tại một công trình đang xây dựng trên địa bàn. “Áo quần ướt sũng, phải mượn áo quần của anh em thợ xây tại công trình”, Trung tá Lê Văn Tư tâm sự.

Thời gian gần đây vào mỗi mùa nắng, với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, du lịch sinh thái phát triển đã giúp cho Hòa Bắc ngày càng nổi tiếng và thu hút nhiều du khách gần xa đến thưởng ngoạn. Tuy nhiên, có nhiều đoàn khách tự phát, chủ yếu là giới trẻ tìm đến những con suối, ven sông để cắm trại, vui chơi, ca hát… tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, mất an ninh trật tự. Với đặc điểm của vùng núi, nhiều con suối dù ban ngày đang cạn nước nhưng sau một trận mưa rào thì nước sẽ lên rất nhanh, trong khi đó những đoàn du lịch tự phát phần lớn không thông thuộc địa hình, dễ dẫn đến nhiều nguy cơ và thực tế đã xảy ra. Vì vậy, công an xã đã hàng ngày tổ chức tuần tra, nhắc nhở đảm bảo an toàn về giờ giấc, không được ở lại qua đêm,…

Cùng với đó, mô hình thứ Năm - ngày Nông thôn mới, được lực lượng công an xã kết hợp cùng với các cấp chính quyền xã Hòa Bắc đều đặn triển khai hàng tuần. Ở mô hình này, công an và chính quyền xã sẽ đến với các hộ dân để hỗ trợ dọn dẹp vườn tược, làm đường, trồng cây ven đường phục vụ phát triển du lịch địa phương, giúp nông dân gặt lúa, thu hoạch mùa màng,… Những công việc trên đã góp công, góp sức xây dựng xã nhà ngày càng phát triển, làm cho hình ảnh người công an xã tận tụy, gần dân, sát dân, thân thiện gần gũi trong mắt mỗi người dân.

Sự biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những chiến công của Công an xã Hòa Bắc.
Sự biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những chiến công của Công an xã Hòa Bắc.

Hiện nay, công an xã Hòa Bắc được các cấp ủy Đảng, UBND giao thêm nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng đó là đảm bảo an ninh nguồn nước và an ninh rừng. Sông Cu Đê được định hướng sẽ là nguồn nước cho nhà máy nước Hòa Liên hoạt động, cung cấp nước cho thành phố. Và bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê chính là bảo đảm an ninh nguồn nước cho TP. Đà Nẵng. Từ đó, nhiều vấn đề được đặt ra để bảo vệ sông Cu Đê như tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm đầu nguồn. Đặc biệt, công an xã phối hợp với nhiều lực lượng tổ chức truy quét vàng tặc, quyết dập tắt tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực mỏ vàng Khe Đương để bảo vệ nguồn nước. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng để bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh, giữ vững lá phổi xanh cho thành phố.

Theo Thượng tá Mai Chiến Thắng, Trưởng Công an huyện Hòa Vang, với những kết quả công an xã Hòa Bắc đạt được như trên đã đóng góp tích cực đến công tác giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã Hòa Bắc nói riêng và địa bàn huyện Hòa Vang nói chung.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là về dân tộc, tôn giáo, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện để đồng bào thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để lừa bịp, kích động quần chúng vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự./.

Với nhiều thành tích đạt được, công an xã Hòa Bắc trong 3 năm liền đạt danh hiệu đơn vị quyết thắng, được nhiều cấp tặng bằng khen như: Bộ Công an khen thưởng 1 cá nhân (Đồng chí Trung tá Lê Văn Tư, Trưởng Công an xã); Giám đốc Công an thành phố khen thưởng 3 tập thể và 2 cá nhân; Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khen thưởng cho 1 tập thể và 1 cá nhân; Chủ tịch UBND huyện khen thưởng 2 tập thể; Chủ tịch UBND xã khen thưởng 4 tập thể và 13 cá nhân. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top