Kỳ 2: Bình Định phát triển khu, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ và bền vững

Kỳ 2: Bình Định phát triển khu, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ và bền vững

Thứ Hai, 25/12/2023 - 06:00

Những năm gần đây, tỉnh Bình Định kiên định với chiến lược phát triển bền vững, đẩy nhanh việc điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp theo hướng chuyên biệt, thông minh, đồng bộ và hiện đại.

***

LTS: Hội tụ đầy đủ các yếu tố về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thuận lợi, môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội ổn định, tầm nhìn quy hoạch, đặc biệt là hạ tầng khu công nghiệp tương đối hoàn thiện…, Bình Định đang từng bước vươn lên trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững, đặc biệt là công nghiệp. Sức hút của Bình Định trong lĩnh vực này đối với các nhà đầu tư không ngừng được nâng cao.

Để hiểu rõ hơn về cơ chế, chính sách và sự hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư của tỉnh Bình Định, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) khởi đăng loạt bài về phát triển công nghiệp tạo đà cho lĩnh vực bất động sản công nghiệp Bình Định bứt phá. 

Thông tin từ chính quyền tỉnh Bình Định cho biết, trong thời gian tới sẽ củng cố toàn bộ khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để đi vào hoạt động chuyên nghiệp, bài bản, đúng quy định nhằm tạo đà hấp dẫn nhà đầu tư…

Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Củng cố đồng bộ và hiện đại

PV: Bình Định đang từng bước vươn lên trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững, đặc biệt là công nghiệp. Thưa ông, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu khu công nghiệp đã đi vào hoạt động?

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng: Thời gian qua, Bình Định đã tập trung phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp có trọng tâm, trọng điểm dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, của từng vùng, từng địa phương.

Đặc biệt, chúng tôi đã tận dụng tối đa các cơ chế, chính sách ưu đãi mà tỉnh Bình Định đang được hưởng để thu hút hiệu quả, có chọn lọc các dự án vào các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN).

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 7 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích hơn 2.850ha (Phú Tài - 339,9ha, Long Mỹ - 117,7ha, Nhơn Hòa - 282ha, Nhơn Hội A - 394,1ha, Nhơn Hội B - 451,9ha, Hòa Hội - 266,1ha, Becamex - 1.000ha); trong đó, có 3 KCN trong KKT Nhơn Hội; 2 KCN Phú Tài, Long Mỹ đã lấp đầy.

Còn đối với các CCN đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 430 dự án đăng ký đầu tư với diện tích 740,7ha, bình quân 1,7ha/dự án (so cả nước 1,3ha/dự án), chủ yếu là các ngành nghề thế mạnh của tỉnh; trong đó, có 303 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 109 dự án đang triển khai và 18 dự án đang tạm ngừng hoạt động. Tổng vốn đầu tư của các dự án trong các CCN là 15.690,8 tỷ đồng, vốn thực hiện 7.962,8 tỷ đồng, đạt 50,7% với suất đầu tư bình quân 36,5 tỷ đồng/dự án (so cả nước 23,5 tỷ đồng/dự án)... phù hợp với mục tiêu đầu tư xây dựng CCN.

Kỳ 2: Bình Định phát triển khu, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ và bền vững- Ảnh 2.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 07 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích hơn 2.850ha. (Ảnh: Nguyễn Lạc)

PV: Thưa ông, khi các KCN, CCN phát triển nhanh như vậy, hạ tầng KCN được các chủ đầu tư kinh doanh tập trung nguồn lực phát triển ra sao?

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng: Việc phát triển hạ tầng các KCN không chỉ trở thành “thỏi nam châm” thu hút vốn đầu tư, mà còn tác động lan tỏa để thu hút thêm đầu tư kết nối các dịch vụ tiện ích, tạo nguồn thu cho ngân sách để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng của địa phương. Vì thế thời gian qua, các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN cũng đã tập trung nguồn lực, cơ bản hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật (HTKT), đảm bảo các điều kiện thu hút dự án đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN. 

Đặc biệt, KCN Becamex được đầu tư rất bài bản, hệ thống HTKT, hạ tầng xã hội đồng bộ, vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, vừa đáp ứng nhu cầu an sinh, lưu trú cho chuyên gia, lao động làm việc tại chỗ. Việc thu hút các dự án đầu tư đảm bảo phù hợp với ngành nghề được quy hoạch, suất vốn đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt và các quy định của pháp luật về đầu tư.

Hiện nay, tỉnh có 310 dự án/216 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 22.000 lao động; tốc độ tăng trưởng về doanh thu, kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 12%/năm, thu ngân sách xấp xỉ 1.000 tỷ đồng/năm.

Kỳ 2: Bình Định phát triển khu, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ và bền vững- Ảnh 3.
 Hạ tầng tại các KCN, CCN được tỉnh Bình Định chú trọng thu hút đầu tư phát triển và từng bước đồng bộ, hiện đại. (Ảnh: Nguyễn Lạc)

PV: Vậy thời gian tới, mục tiêu của tỉnh về phát triển, củng cố các khu, CCN là gì để thích ứng với bối cảnh mới, thưa ông?

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng: Để bứt phá, đón bắt cơ hội đầu tư mới, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu trong quý I/2024, KCN Hòa Hội phải hoàn thiện đồng bộ HTKT giai đoạn 1. Đến năm 2025, KCN Becamex đầu tư hoàn thiện đồng bộ HTKT đảm bảo điều kiện thu hút đầu tư từ 30-40% diện tích; KCN Hòa Hội triển khai đầu tư giai đoạn 2.

Đồng thời, chúng tôi tập trung đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, mời gọi đầu tư vào KCN, xây dựng tiến độ và cam kết thời gian lấp đầy KCN, phấn đấu hằng năm thu hút từ 10-15 dự án; thực hiện công khai, minh bạch trong công tác xúc tiến đầu tư. Như vậy, đến năm 2025, các KCN Nhơn Hòa, Nhơn Hội A, Hòa Hội (giai đoạn 1) cơ bản được lấp đầy.

Còn đối với mục tiêu phát triển CCN đến năm 2025, chúng tôi sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các CCN, ít nhất mỗi địa phương từ 20-30ha/năm nhằm đảm bảo diện tích đất sẵn sàng thu hút đầu tư các dự án mới theo chủ trương của tỉnh.

Bên cạnh đó, Bình Định sẽ tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh HTKT các CCN đã được thành lập; trong đó, ưu tiên bố trí 335,5ha đất phục vụ chế biến nông, lâm, thủy, hải sản trong CCN.

Kỳ 2: Bình Định phát triển khu, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ và bền vững- Ảnh 4.

Ngoài ra, tỉnh sẽ thu hút và ưu tiên các doanh nghiệp đăng ký làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh HTKT từ 8-10 CCN thành lập mới, mở rộng; thực hiện chuyển đổi mô hình chủ đầu tư xây dựng HTKT CCN từ đơn vị sự nghiệp nhà nước (đã đầu tư một phần hoặc toàn bộ HTKT từ ngân sách nhà nước) sang doanh nghiệp làm chủ đầu tư và xử lý tài sản công đã đầu tư.

Thêm nữa, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN phải lập kế hoạch, tổ chức thực hiện xúc tiến đầu tư và thu hút ít nhất 2 dự án/năm trở lên. Tỉnh sẽ phấn đấu tỷ lệ lấp đầy đạt 75% diện tích đất công nghiệp cho thuê tại các CCN vào năm 2025. Và số lượng CCN đi vào hoạt động có công trình hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định đến năm 2025 đạt 100%.

PV: Xin ông cho biết thêm, việc phát triển CCN tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 được UBND tỉnh quy hoạch ra sao?

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng: Theo Quy hoạch phát triển CCN tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 được UBND tỉnh phê duyệt, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 60 CCN với tổng diện tích 1.956,2ha, bình quân 33ha/CCN (so cả nước có 1.704 CCN với 58.123ha, bình quân 34ha/CCN); trong đó, có 56 CCN đa ngành nghề và 4 CCN chuyên ngành.

Đến nay, có 53 CCN với tổng diện tích 1.643,1ha được quyết định thành lập; có 50 CCN với tổng diện tích 1.586,7ha, trong đó diện tích đất công nghiệp 1.114,2ha được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 (so cả nước có 955 CCN).

Theo Phương án phát triển CCN thời kỳ 2021 - 2030 tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 68 CCN với tổng diện tích ~3.470ha phân bổ trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố.

Hướng đến sự bền vững

PV: Việc thúc đẩy các dự án KCN đồng nghĩa với mối lo ngại về môi trường bị ảnh hưởng. Tỉnh Bình Định xử lý vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng: Đúng là việc phát triển các dự án KCN đã thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế và là nhân tố thúc đẩy phát triển xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, việc tập trung các doanh nghiệp để thực hiện hoạt động sản xuất công nghiệp trong các KCN sẽ thuận lợi cho công tác quản lý, xử lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Song, khi thúc đẩy các dự án KCN phát triển đồng nghĩa với nguy cơ ảnh hưởng môi trường sẽ tăng lên.

Do đó, tôi cho rằng, phát triển KCN cần gắn với công tác bảo vệ môi trường. Để vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo môi trường, tỉnh đã thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, quá trình lập quy hoạch phải tính ngay tới các tác nhân gây ô nhiễm môi trường và đề xuất các giải pháp giảm thiểu, bảo vệ môi trường. Việc thành lập và phát triển KCN phải đảm bảo tuân thủ đúng với quy hoạch đã được phê duyệt.

Thứ hai, thu hút đầu tư vào KCN theo hướng ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, đảm bảo cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng và thực tế giải quyết ô nhiễm của địa phương; thu hút có trọng điểm để phát triển các ngành kinh tế chủ lực cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong bố trí nhà máy, xây dựng phương án bảo vệ môi trường.

Thứ ba, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của KCN; HTKT bảo vệ môi trường phải được xây dựng, hoàn thành trước khi các doanh nghiệp trong KCN đi vào hoạt động; phải có hệ thống quan trắc nước thải tự động và kết nối, truyền số liệu trực tiếp đến Sở Tài nguyên và Môi trường, các hạng mục này cần được thiết kế đúng và phù hợp điều kiện thực tế, xây dựng và lắp đặt đúng thiết kế, duy trì hoạt động ổn định và hiệu quả trong suốt quá trình hoạt động của KCN; tham gia ứng phó các sự cố môi trường trong KCN; bố trí địa điểm và xây dựng các khu vực lưu giữ tạm thời và trung chuyển các chất thải rắn, chất thải nguy hại từ các doanh nghiệp trong KCN.

Như vậy, tất cả các doanh nghiệp trong KCN có nước thải phải xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn đầu vào của hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi thải vào hệ thống thu gom nước thải của KCN, trường hợp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì từng doanh nghiệp phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra ngoài. Các doanh nghiệp có phát sinh khí thải phải có hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả thải. Các doanh nghiệp trong KCN có phát sinh chất thải nguy hại phải có hợp đồng với các đơn vị có chức năng và đủ năng lực để thu gom và xử lý đúng cách.

Thứ tư, tỉnh sẽ chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN cũng như các doanh nghiệp thứ cấp để giúp các doanh nghiệp ý thức rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của mình đối với vấn đề bảo vệ môi trường trong và ngoài KCN; tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường các KCN; khuyến khích xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường.

Thứ năm, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về môi trường trong các KCN. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động thi đua khen thưởng trong công tác bảo vệ môi trường KCN, động viên kịp thời các doanh nghiệp, ban quản lý thực hiện tốt công tác này.

Kỳ 2: Bình Định phát triển khu, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ và bền vững- Ảnh 5.
 Tỉnh Bình Định chú trọng phát triển KCN gắn với công tác bảo vệ môi trường. (Ảnh: Nguyễn Lạc)

PV: Xin ông chia sẻ thêm về một số mô hình phát triển KCN, CCN bền vững của tỉnh hiện nay?

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng: Hiện nay, các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh chủ yếu đang hoạt động theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực. Thực trạng này nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nóng của nền công nghiệp tại giai đoạn đầu phát triển. Các KCN, CCN ra đời với nhiệm vụ đáp ứng được nhiều nhất nhu cầu tổ chức sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, mô hình KCN, CCN tập trung thời kỳ đầu, đảm bảo đủ các điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu và hướng tới thu hút nhiều ngành nghề nhất có thể, được xem như những sản phẩm “may sẵn” và được ưa chuộng.

Tuy nhiên, sự phát triển của nền kinh tế luôn hướng tới việc chuyên môn hóa hoạt động sản xuất, kèm theo đó, mô hình các KCN, CCN cũng phải phát triển theo hướng đáp ứng những nhu cầu đặc thù của doanh nghiệp.

Các sản phẩm KCN, CCN cần phát triển theo hướng “may đo”, tức phát triển các mô hình khu, CCN chuyên ngành, dành riêng cho một ngành nghề hoặc một nhóm ngành nghề gắn với định hướng hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành. KCN, CCN chuyên ngành sẽ tạo ra lợi thế rất lớn cho cả doanh nghiệp và nhà quản lý.

Doanh nghiệp sẽ được đáp ứng đầy đủ tất cả các nhu cầu để hoạt động sản xuất được diễn ra hiệu quả. Đối với Nhà nước, việc quy hoạch các doanh nghiệp cùng một lĩnh vực về cùng một khu vực tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý giám sát hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, các cơ quan nhà nước có sự so sánh, đánh giá về hiệu suất hoạt động của từng doanh nghiệp tạo điều kiện cho công tác hỗ trợ doanh nghiệp và thống kê, phân tích nền kinh tế.

Đối với xã hội, việc quy hoạch các KCN, CCN chuyên ngành sẽ giúp tận dụng triệt để được tài nguyên và không dẫn đến lãng phí tài nguyên.

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã hình thành và phát triển mô hình CCN chuyên ngành may mặc tại CCN Tam Quan và CCN Cát Trinh, bước đầu phát huy hiệu quả và lợi thế của CCN chuyên ngành.

Giải quyết bài toán an sinh cho người lao động

PV: Chỗ ở cho công nhân, người lao động trong các KCN vẫn đang là vấn đề vô cùng cấp thiết được Chính phủ, các ngành, các cấp và địa phương đặc biệt quan tâm. Vậy, tỉnh Bình Định đã có phương án giải quyết vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng: Câu chuyện an sinh cho công nhân, người lao động tại các KCN luôn được tỉnh quan tâm. Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" tại Quyết định số 388/QĐ-TTg; theo đó, Thủ tướng giao cho tỉnh Bình Định đầu tư xây dựng 12.900 căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN.

Để thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, đồng thời cũng là giải quyết bài toán nhà ở, an sinh xã hội cho công nhân, người lao động tại các KCN, CCN, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 18/10/2023 triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Kỳ 2: Bình Định phát triển khu, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ và bền vững- Ảnh 6.
Tỉnh Bình Định đã và đang đẩy mạnh giải quyết bài toán nhà ở, an sinh xã hội cho công nhân, người lao động tại các khu, CCN. (Ảnh minh họa: Hoàng Đức Ngọc)

Kế hoạch này phù hợp với Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2035, Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm đồng bộ về HTKT và hạ tầng xã hội; tuân thủ quy định của pháp luật về nhà ở; đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng xây dựng đối với nhà ở theo quy định của pháp luật; thực hiện đúng các yêu cầu về phòng chống cháy nổ; bảo đảm kiến trúc, cảnh quan, vệ sinh, môi trường, an toàn trong quá trình xây dựng theo quy định của pháp luật và có khả năng ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên đất đai.

Đặc biệt, tỉnh Bình Định cũng đa dạng các loại hình nhà ở xã hội (nhà ở chung cư cao tầng, nhà ở chung cư thấp tầng) có giá bán, cho thuê, cho thuê mua phù hợp với từng địa bàn, phù hợp với khả năng thu nhập bình quân của nhóm đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, người có thu nhập thấp, công nhân, người lao động có cơ hội tiếp cận với nhà ở.

Kỳ 2: Bình Định phát triển khu, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ và bền vững- Ảnh 7.

Và để triển khai thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng thực hiện một số nội dung:

Một là, chủ trì, chịu trách nhiệm rà soát chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh để điều chỉnh, bổ sung, cập nhật các dự án phù hợp, khả thi; rà soát, điều chỉnh tiến độ một số dự án vào giai đoạn đến năm 2025 để tổ chức thực hiện; công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và của Sở Xây dựng để các doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư theo quy định.

Hai là, đôn đốc các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì đề xuất cấp có thẩm quyền thu hồi quỹ đất 20% để tổ chức lựa chọn, giao cho các chủ đầu tư khác thực hiện theo quy định. Chủ động đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo kế hoạch phát triển nhà ở đã phê duyệt, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Ba là, lập hồ sơ yêu cầu, hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án theo quy định, đảm bảo triển khai, trong đó quy định cụ thể năng lực, kinh nghiệm, tài chính, chất lượng công trình, kế hoạch triển khai, xác định các mốc thời gian hoàn thành cho từng giai đoạn (giai đoạn chuẩn bị đầu tư, giai đoạn thi công xây dựng); tiêu chí về giá bán, cho thuê, thuê mua phù hợp; bổ sung quy định trường hợp nhà đầu tư thực hiện không đảm bảo tiến độ, kế hoạch đã cam kết mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị thu hồi.

Thứ tư là, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch xây dựng các dự án nhà ở xã hội phải quan tâm đến mật độ xây dựng công trình, dành quỹ đất đảm bảo bố trí các công trình HTKT, hạ tầng công nghệ, bãi đỗ xe, các tiện ích phục vụ cộng đồng dân cư. Nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thẩm định quy hoạch, góp ý thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định hồ sơ thiết kế, cấp giấy phép xây dựng để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đẩy nhanh tiến độ triển khai. Quản lý giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân ngay từ khi lập dự án đầu tư, đảm bảo giá thành hợp lý, phù hợp với thu nhập của người thu nhập thấp ở Bình Định.

Năm là, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, làm việc với các chủ đầu tư để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất tháo gỡ đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đã phê duyệt; quản lý chất lượng công trình theo phân cấp; yêu cầu chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội đang triển khai phải xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện cụ thể cho từng dự án và có văn bản cam kết thực hiện cụ thể, trường hợp không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã cam kết mà không có lý do chính đáng, không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện thì rà soát, đề xuất xử lý, thu hồi, lựa chọn lại nhà đầu tư có năng lực để triển khai dự án cho kịp thời. Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trên địa bàn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top