Aa

Kỳ 2: Cần xây dựng lý luận nhận diện giá trị tích hợp

Chủ Nhật, 23/06/2019 - 07:02

Với các di sản văn hóa “sống” như đình làng, nhà cổ, khu vực đô thị cũ, làng cổ… các di sản cùng tồn tại với cuộc sống đương đại thì việc nhận diện di sản chưa thật sự được nhìn nhận đầy đủ.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực tế trong công tác bảo tồn thời gian qua cho thấy, mặc dù chúng ta đã có các phương pháp nhận diện giá trị khoa học, tuy nhiên đánh giá thường là tốt với các công trình bảo tồn di sản “tĩnh”, độc lập, ít liên đới đến đời sống đương đại như lăng tẩm, thành cổ, chùa, tháp… Với các di sản văn hóa “sống” như đình làng, nhà cổ, khu vực đô thị cũ, làng cổ… các di sản cùng tồn tại với cuộc sống đương đại thì việc nhận diện di sản chưa thật sự được nhìn nhận đầy đủ.

Điều quan trọng nhất là cần có quan điểm nhìn nhận giá trị tích hợp. Trong bối cảnh lịch sử, văn hóa của Việt Nam, với đặc trưng di sản đô thị, nông thôn, xin đưa ra 3 nhóm giá trị:

Nhóm 1: Giá trị tự thân của công trình, khu vực di sản bao gồm các giá trị như:

- Giá trị kiến trúc, nghệ thuật: Những giá trị nổi bật, tiêu biểu cho một phong cách, loại hình kiến trúc, trang trí hay điêu khắc, tiêu biểu cho một giai đoạn, có tính toàn vẹn còn được giữ gìn…

- Giá trị lịch sử: Giá trị về niên đại, thể hiện sự hiếm có của di sản còn lại qua thời gian, thể hiện sự tiêu biểu của hiện vật với một giai đoạn lịch sử, công trình hay không gian là chứng tích cho những sự kiện lịch sử.

- Giá trị phương thức xây dựng truyền thống, tri thức bản địa: Giá trị văn hóa của phương thức xây dựng, kỹ thuật xây dựng, các kinh nghiệm bản địa đặc sắc, rất đáng để các thế hệ sau học tập.

- Giá trị văn hóa phi vật thể trong công trình: Các giá trị văn hóa về tín ngưỡng, phong tục tập quán truyền thống, nghệ thuật biểu diễn… tồn tại đi kèm với công trình kiến trúc, không gian.

Nhóm 2: Giá trị kế thừa, chuyển tiếp trong bối cảnh đương đại. Giá trị này nếu nhìn về thời gian coi là gốc của di sản thì nó chưa hình thành, mà nó được hình thành dần cho đến ngày hôm nay.

- Giá trị cảnh quan: Các tổ hợp cây xanh, mặt nước, địa hình, bầu trời. Các yếu tố này thường xuyên thay đổi, tuy có được dựa trên một số yếu tố chính như cây cổ thụ, bờ sông, bến nước… nhưng vẻ đẹp của nó là sự kết tinh qua thời gian, đặc trưng của sự phát triển sinh học của cây, của sự thay đổi tự nhiên khí hậu, thời tiết tác động đến địa hình, không có các giá trị gốc tuyệt đối.

- Giá trị dấu ấn nơi chốn, tạo bản sắc, tính biểu tượng cho khu vực: Giá trị này không hẳn là giá trị lịch sử bởi có thể nó được tái hiện, tái tạo hoặc phục dựng phần vỏ để giữ phần hồn. Một chiếc cổng làng xây mới, không đặt ở vị trí cũ, không có chút nào giống với mẫu cũ vẫn mang giá trị dấu ấn nơi chốn, tạo bản sắc làng Việt vì nó đã chuyển hóa thành giá trị biểu tượng về tính riêng của làng trong đời sống đương đại.

- Giá trị tạo lập môi trường sống, sinh thái, sinh thái nhân văn: Giá trị này cũng có tính động rất cao. Hệ thống mặt nước làng xã giai đoạn trước năm 1954 có vai trò tạo lập cân bằng hệ sinh thái nước, tạo sự đa dạng sinh học. Hiện nay chu trình cấp - thoát nước đã có sự can thiệp thêm của công nghệ, vai trò sinh thái của nó suy giảm nhưng vẫn có vai trò về môi trường giảm nhiệt đô thị… vẫn có thể khôi phục được sự đa dạng sinh học nếu có các giải pháp phù hợp.

- Giá trị văn hóa xã hội đương đại: Khi một công trình cũ nằm trong một khu vực dân cư hiện tại nó đều phải có sự chuyển biến để có một giá trị nhất định trong đời sống đương đại, nếu không trước sau cũng bị phá bỏ. Cổng làng, giếng làng, cầu đá, nhà cổ, cổng nhà, tường rào cũ… trong làng truyền thống là những ví dụ điển hình về sự mong manh trong giá trị văn hóa xã hội đương đại. Vì vậy đánh giá giá trị của chúng cũng phải đặt trong câu hỏi liệu chúng có giá trị gì trong đời sống đương đại, chúng có khả năng tiếp nhận, dung nạp thêm các chức năng mới, phù hợp với cuộc sống đương đại không.

Sự tích hợp giá trị của nhóm 1 và nhóm 2 không phải là phép cộng. Giá trị di sản khi tích hợp các giá trị nó được nhân giá lên gấp bội. Vì vậy rất cần nhìn nhận giá trị một cách đầy đủ, hệ thống.

Nhóm 1 thiên về giá trị tự thân của di sản, khả năng bảo tồn, nhóm 2 thiên về giá trị đương đại, khả năng phát huy giá trị. Nếu tích hợp đầy đủ thì ý nghĩa bảo tồn và phát huy giá trị đã có cơ sở để cùng tồn tại. Nếu di sản có giá trị nhóm 1 thì chưa có gì chắc chắn để có thể bảo tồn thành công. Nhìn nhận đầy đủ nhóm giá trị giúp cho việc định hướng gìn giữ phát huy giá trị có tính khả thi vì có thể giá trị này không cao, bù lại đã có các giá trị khác. Các giải pháp bảo tồn, tu bổ cũng cần nhìn tới mục tiêu tích hợp này, tránh những mục tiêu đơn lẻ, việc đầu tư kém hiệu quả.

Giữa nhóm 1 và nhóm 2 việc tích hợp cũng có thể tạo ra xung đột, ví dụ lũy tre làng nếu giữ thì tốn đất, khó mở rộng quy mô đất ở, cổng làng nếu giữ thì không có lối ôtô vào làng, nhà cổ đô thị giữ thì khó xây dựng nâng tầng tạo hiệu quả sử dụng đất. Việc giải bài toán xung đột đó chính là để công tác bảo tồn có kết quả.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top