Lời tòa soạn:
Đầu tháng 12/2018, tại kỳ họp thứ 7, khóa 7, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thông qua đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.
Tiếp đó, ngày 10/12/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế. Đây là Khung chính sách đặc biệt chưa từng có, mở được nhiều nút thắt kéo dài hàng thập kỷ đối với công cuộc di dân, bảo tồn, tu bổ Kinh thành Huế.
Từ cuối năm 2019 cuộc di dân lịch sử ra khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế đã được triển khai. Hàng ngàn hộ dân dần được chuyển đến nơi ở mới, sau nhiều năm phải sống tạm bợ trong Kinh thành. Di tích được “cởi trói”, cách đó không xa, những ngôi nhà trong mơ được dựng lên, khu dân cư mới được hình thành...
Khung chính sách nhân văn
Đầu tháng 12/2018, tại kỳ họp thứ 7, khóa 7, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thông qua đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế. Tiếp đó, ngày 10/12/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế.
Đây là Khung chính sách đặc biệt chưa từng có, mở được nhiều nút thắt vốn làm tắc nghẽn công cuộc di dân, bảo tồn, tu bổ Kinh thành Huế. Cụ thể, ngoài mức tiền bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất, những hộ dân di dời tùy vào đối tượng, diện tích, mà được bố trí (có thu tiền sử dụng đất) mỗi hộ 1 lô đất từ 61,1m2, trên 100m2, 150m2… đến dưới 200m2; hộ dân nào giá trị bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn 120 triệu đồng, thì sẽ được nhà nước hỗ trợ thêm cho đủ 120 triệu đồng/hộ dân để có điều kiện làm nhà, nơi ở.
Đặc biệt, Khung chính sách cho phép các trường hợp sử dụng đất lấn chiếm trong giai đoạn từ 19/5/1976 đến 15/10/1993, trên đất có nhà ở thì được hỗ trợ 100% theo hiện trạng; ngay cả những trường hợp xây dựng nhà trên mặt nước (thường gọi là nhà chồ) cũng được hỗ trợ 100% theo diện tích xây dựng. Các trường hợp sử dụng đất do lấn chiếm trong giai đoạn từ sau 15/10/1993 đến 1/7/2004 nếu đất có nhà ở thì được hỗ trợ 50% theo hiện trạng...
Riêng đối với các trường hợp sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004 nhưng chưa nộp tiền để được sử dụng đất, được chia làm hai loại đối tượng hỗ trợ. Đối tượng sử dụng đất trước 15/10/1993 được hỗ trợ 100% theo diện tích hiện trạng. Đối tượng sử dụng đất giai đoạn từ 15/10/1993 đến 1/7/2004 được hỗ trợ 50% theo diện tích hiện trạng, không vượt quá 200m2…
Ngoài ra, những hộ phụ, tức hộ dân nào có có gia đình riêng, có hộ khẩu, nhưng được xác định thực tế sống chung với hộ chính (thường là của cha mẹ) thì vẫn được xem xét bố trí 1 lô đất ở 61m2 với giá đất ưu đãi để đảm bảo “không người dân nào bị bỏ lại phía sau”, như quan điểm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Những ngôi nhà trong mơ
Đầu năm 2020, hạ tầng kỹ thuật hai khu dân cư mới ở đường Nguyễn Văn Linh và đường Tản Đà, phía Bắc phường Hương Sơ, TP. Huế được hoàn tất, bàn giao. Sau khi đón cái Tết cuối cùng trên Thượng Thành, người dân bắt tay vào việc xây nhà. Gần 360 hộ dân (hộ chính và hộ phụ) vùng Thượng Thành, thuộc các phường Thuận Lộc, Tây Lộc, Thuận Thành và Thuận Hòa di dân đợt 1 đủ điều kiện để nhận giao đất.
Theo báo cáo mới nhất của UBND TP. Huế, đến cuối tháng 9/2020, đã có gần 260/289 hộ có nóc nhà riêng ở khu vực Thượng Thành đã bàn giao mặt bằng; các hộ còn lại sẽ bàn giao mặt bằng hoặc thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định trong tháng 10/2020.
Khu dân cư mới bên đường Tản Đà kết nối với khu dân cư mới ở đường Nguyễn Văn Linh, cùng phường Hương Sơ (hộ chính, hộ diện tích thu hồi lớn) bằng một con đường rộng chừng 15m, chỉ mất 5 phút đi xe máy. Con đường này cũng là để nối những “hộ chính” với “hộ phụ”, “nối” cha mẹ với con cái, “nối” anh chị em ruột với nhau sau khi chia tách, rời khỏi vùng Kinh thành Huế.
Phần lớn những người dân vùng kinh thành chuyển đến ở trên đường Nguyễn Văn Linh đều được bố trí mỗi lô đất trên 100m2 trở lên; người dân xây nhà kiên cố, chí ít cũng có gác lửng. Riêng về giá trị đất hiện theo giá thị trường mỗi mét vuông tăng 7 - 8 lần so với giá nhà nước giao (1,9 triệu đồng/m2) nên phần lớn tại khu dân cư mới đường Nguyễn Văn Linh người dân đều sống trên mảnh đất tiền tỷ. Để cân đối chỗ ở, có tiền trả tiền đất, xây nhà, không ít hộ đã chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần đất của mình.
“Có nằm mơ mình cũng không nghĩ rằng nhà mình có ngày lại ở trên khu đất tiền tỷ với hạ tầng tiện tích, thông thoáng như thế. Tụi mình hay đùa là bà con mình hơn cả trúng số nữa”, anh Trương Trọng, một trí thức làm công tác nghiên cứu lớn lên ở Thượng Thành, bộc bạch.
Trở lại nhà bà Trần Thị Gái, nhưng không phải căn nhà ẩm thấp ở kiệt 92 đường Ông Ích Khiêm như trước đó, mà là ở khu dân cư mới bên đường Tản Đà, đã thấy bà vui vẻ và lạc quan hơn. Nơi đây có một dãy nhà cùng mẫu, cùng diện tích đất 61m2 dành cho 25/28 hộ nghèo (3 hộ tự xây) vùng Thượng Thành di dời đợt 1. Toàn bộ kinh phí xây dựng 202 triệu đồng/căn đều được chính quyền vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ, người dân chỉ trả 50% tiền đất.
Bà Gái kể, một số chị em của bà được bố trí đất ở khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh, bà thì ở đường Tản Đà. Ngôi nhà mới đủ để bà và người con gái bệnh tật 25 tuổi sinh hoạt thoải mái.
Bà Gái còn “khoe”, về nơi ở mới tiện đủ đường, bởi từ nhà đến cái xuồng đựng rác công cộng của công ty môi trường đặt ở ngã 3 đầu khu dân cư chỉ chừng 150m. Điều này thuận lợi cho việc lượm chai bao hơn lúc mẹ con bà còn ở Thượng Thành. Giờ thì con bà Gái hằng ngày có thể tới đó kiếm khoảng 20.000 - 30.000 đồng. Đặc biệt người phụ nữ cả một đời kham khổ với chồng con, vay mượn nợ nần thuốc thang thường xuyên ấy kể rằng bà còn “gửi” nhà nước cả trăm triệu đồng.
Số là ngoài 202 triệu đồng tiền xây nhà được tài trợ hoàn toàn, bà Gái phải trả 50% tiền đất theo giá nhà nước (miễn 50%). Khi di dời, giải phóng mặt bằng bà Gái được nhà nước hỗ trợ 100% tài sản trên đất. Lấy tiền hỗ trợ tài sản khấu trừ vào tiền đất phải trả, bà Gái còn "lời" đến khoảng 100 triệu đồng.
“Số tiền ni hiện bên thành phố họ nói chưa đưa vì đang còn làm giai đoạn 2 chỗ Eo Bầu, sẽ đưa sau. Tui đang gửi nhà nước giữ giùm”, bà Gái nói, nở nụ cười như nắng tỏa.
Theo đề án di dân kinh thành Huế đã được duyệt, giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2019 - 2021, kế hoạch hoàn thành di dời 2.938 hộ dân ở các khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành hào và tuyến Phòng lộ. Kinh phí giải phóng mặt bằng của giai đoạn 1 là 1.880 tỷ đồng (theo Khung chính sách mà Thủ tướng đã phê duyệt năm 2018), kinh phí xây dựng các khu tái định cư 946 tỷ đồng (ngân sách tỉnh).
Giai đoạn 2, sẽ di dời dân cư tại khu vực các di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài (Mang cá nhỏ) với 1.263 hộ dân. Kinh phí giải phóng mặt bằng ở giai đoạn 2 dự tính khoảng 855 tỷ đồng, kinh phí xây dựng các khu tái định cư 416 tỷ đồng.
(Kỳ 3: Ước vọng dáng xưa kinh thành: Cuộc di dân lịch sử ở Kinh thành Huế tiếp tục diễn ra đợt thứ 2. Với khung chính sách đầy nhân văn, bài toán dân sinh bước đầu đã có những lời giải thuận lợi, nhưng còn đó cả một kế hoạch chu toàn để phát huy giá trị của Di sản văn hóa thế giới)