Aa

Kỳ 2: Hệ thống quản lý “dễ thương” ở chỗ nào?

Thứ Hai, 17/09/2018 - 06:00

Nếu ai đã từng đọc hết hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, quy hoạch, kiến trúc... thì sẽ dễ dàng nhận thấy Nhà nước ta rất coi trọng đến vấn đề quốc kế dân sinh này, chứ không phải như trong bài kỳ trước, tôi đã có nhận xét rằng, nguyên nhân đầu tiên là sự “thiếu coi trọng quản lý tài sản quốc gia”.

Nếu bạn đã đọc rồi, sau đấy lướt qua những vụ đại án gần đây thì sẽ hoàn toàn tự tin mà nhận định rằng, luật pháp thì chặt chẽ, kín kẽ đến như vậy, thế nhưng trong thực tiễn đã chứng minh không biết bao nhiêu lần diễn ra tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim”.

Hẳn bạn đọc còn nhớ vụ chính quyền địa phương ra quyết định đình chỉ xây dựng cái chuồng gà của nhà văn Hoàng Quảng Uyên sống ở Cao Bằng. Đất nhà mình, xây hàng gạch cao 25cm để làm ranh giới cùng một cái chuồng gà mà vẫn bị coi là vi phạm pháp luật vì không có giấy phép xây dựng. Nếu nói về quy mô xây dựng, “công trình” này chỉ có thể coi như một hạt bụi trong cuộc sống hằng ngày, vậy mà đâu có qua được sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật và con mắt hành pháp của bộ máy hành pháp các cấp?

Rồi cũng cần nhắc thêm đến vụ chủ quán cafe Xin Chào ở TP.HCM suýt bị chui vào vòng lao lý bởi hành vi đặt một chiếc container trên đất vườn nhà mình, sửa sang thành quán bán hàng mà không có giấy phép...

Đấy, luật pháp nước mình về đất đai, về xây dựng chặt chẽ như thế, chi tiết như thế, từ vi mô đến vĩ mô, từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc, nhưng khi được biết kết quả thanh tra về vụ Thủ Thiêm, rồi theo dõi vụ án “Vũ nhôm” thôn tính hàng chục dinh cơ công sản ở Đà Nẵng..., mấy ai nghĩ rằng, sức phá hoại của “lỗi hệ thống” nó lại mãnh liệt như thế!

Hệ thống quản lý không chỉ

Hệ thống quản lý không chỉ "dễ thương" khi đặt một cái container với diện tích vài chục mét vuông trong vườn nhà mình đã vi phạm pháp luật,

Trở lại những sai phạm xung quanh vụ việc ở Thủ Thiêm, chỉ xin nêu một góc nhỏ mà kết luận của thanh tra đã nêu, đó là việc UBND thành phố đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất trong phạm vi Khu tái định cư 160ha thuộc 5 phường đã được Thủ tướng phê duyệt.

Theo đó, UBND TP đã phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương tạm giao, thu hồi và giao đất cho 51 dự án với tổng diện tích 144,6ha để đầu tư kinh doanh nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng…, sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch khu tái định cư.

Hậu quả là không đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dẫn đến làm phá vỡ quy hoạch được phê duyệt, việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu nại kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Bạn đọc có thể nghĩ gì một khi chỉ 2 mét vuông làm cái chuồng gà, khi chỉ đặt một cái container với diện tích vài chục mét vuông trong vườn nhà mình đã vi phạm pháp luật với việc cưỡng bức dịch chuyển trái pháp luật hàng trăm hecta đất của dân dành cho mục tiêu không bắt buộc của pháp luật?

Để có những kết luận “động trời” này chỉ có thể là của cơ quan chuyên trách, có thẩm quyền của Trung ương, chứ những người dân, rồi nhiều công chức cấp thừa hành, thậm chí là nhiều đại biểu Quốc hội có chức năng giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương... cũng không đủ thông tin, không đủ kiến thức chuyên ngành, lại không đủ quyền lực, thậm chí không đủ lòng dũng cảm để có thể minh bạch được cái mớ bòng bong này.

Sau khi có kết luận thanh tra, nhiều báo chí đã phỏng vấn những người trong cuộc có trách nhiệm thời bấy giờ thì mới phát hiện ra một hệ thống quản lý cực kỳ “dễ thương” mà chỉ ở Việt Nam mình mới có.

Mà còn

Mà còn "dễ thương" khi cưỡng bức dịch chuyển trái pháp luật hàng trăm hecta đất của dân dành cho mục tiêu không bắt buộc của pháp luật...

Quy hoạch tổng thể thì đã được Thủ tướng phê duyệt rồi, thế nhưng cấp dưới lại “hồn nhiên” ra một quyết định thay thế. Về đạo lý đã không đúng, pháp lý thì chắc chắn là sai, còn về tư duy logic quả là chỉ có thể đưa ra nhận xét: không thể chấp nhận khi trong cùng một tổ chức!

Sau đây là lời kể của ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM với báo chí: "Trong một dịp tình cờ, tôi gặp nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải. Tôi hỏi ông Hải rằng, tại sao lúc đó lại ký thay quyết định của Thủ tướng? Nếu không xin ý kiến của Thủ tướng thì phải bác bỏ Quyết định 6.565 quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm và những quyết định sau này về quy hoạch Thủ Thiêm. Ông Hải xác nhận với tôi đã ký quyết định đó. Sau đó, thành phố rút lại văn bản, ra QĐ 5.945 ngày 2/11/2007, điều chỉnh hủy bỏ đoạn "Quyết định này thay thế QĐ 367/TTg" của Điều 2 Quyết định số 6.565 ngày 27/12/2005 của UBND TP.HCM".

Đấy, bạn đọc thấy chưa, là người đứng đầu một địa phương được mệnh danh là đầu tàu của nền kinh tế quốc gia mà không hề nghĩ rằng, một khi điều chỉnh đến 144,6ha đất đai từ mục đích làm khu tái định cư sang đầu tư kinh doanh nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng… thì bao nhiêu gia đình, bao nhiêu cuộc sống người dân bị đảo lộn. Lòng dân ở đấy bao nhiêu số phận không yên? Đấy là chưa kể cái quyết định điều chỉnh ấy có hợp pháp hay không?

Tôi nghĩ rằng, chắc là họ đã quá nhiều quyền lực mà thiếu chế tài kiểm soát, kiến thức của họ ngày càng suy giảm vì sự ngạo mạn, đức hy sinh của họ đang ngày càng bị che lấp bởi ánh hào quang, trái tim họ đã băng lạnh bởi vinh danh, tư duy của họ đang bị thiên lệch bởi tham vọng cá nhân...
Ngày xưa, những bậc tiền bối của đất nước mình đâu có như thế! Có lẽ cốt lõi của “lỗi hệ thống” là nằm ở chỗ này đây!

Đến giờ này, sau khi đọc toàn bộ những thông tin của vụ Thủ Thiêm, tôi bảo đảm chắc chắn rằng, sự điều chỉnh quy hoạch ấy không nằm trong mong muốn từ người dân nơi đây, cũng không nằm trong ý chí của Chính phủ cho phục vụ lợi ích quốc gia với mảnh đất này. Vậy, với TP.HCM, giữa bản quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt và bản quy hoạch được điều chỉnh, vì lợi ích của ai đây?

Động cơ nào đã khiến những nhà lãnh đạo TP.HCM hồi bấy giờ đã có “chủ trương tạm giao, thu hồi và giao đất cho 51 dự án với tổng diện tích 144,6ha để đầu tư kinh doanh nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng…”? Một câu hỏi đến bây giờ rất khó trả lời.

Cá nhân tôi, xin nêu riêng hình tượng khi nghĩ đến sự việc này: Đây là 51 “viên đạn bọc vàng” đã xuyên thủng cả một hệ thống luật pháp về đất đai, về xây dựng, về bộ máy thực thi..., chặt chẽ và chi tiết, từ vi mô đến vĩ mô, từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc, để tạo ra một “lỗi hệ thống” khiến ai cũng thể hiện quyền lực, ai cũng khẳng định vai trò của mình, ai cũng sẵn sàng ban phát ơn huệ mà ai cũng nghĩ nếu có lỗi thì thuộc về người bên cạnh(!?).

Vâng, ai đã làm báo như tôi, đã chia sẻ với cuộc sống thường ngày của các doanh nghiệp, đã từng tiếp cận với những đường dây chạy dự án, đã từng ngồi ở các phiên Tòa nghe những bị can khai rằng đã từng xách những catáp chứa cả trăm ngàn “đô” đi cảm ơn... thì sẽ dễ dàng hiểu rằng, đằng sau 51 dự án kia là cái gì mà có thể sản sinh ra những quyết định tày trời trong một hệ thống quản lý “dễ thương” như thế...

Mời quý độc giả đón xem Kỳ 3: Hậu quả của "một dàn nhạc không có nhạc trưởng" trên Reatimes.vn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
  • Chuyên phân phối Motor Dolin chính hãng
Lên đầu trang
Top