Kỳ 2: Trần Bá Dương hóa giải “lời nguyền” làm công nghiệp

Kỳ 2: Trần Bá Dương hóa giải “lời nguyền” làm công nghiệp

Sơn Bà
Sơn Bà Congnguyenthanhyb@gmail.com
Thứ Tư, 18/08/2021 - 06:06

- Ông từng nhận định, doanh nghiệp Việt Nam phát triển công nghiệp non trẻ giống như một đứa trẻ “trần trụi giữa bầy sói”. Vậy thì vì sao doanh nhân Trần Bá Dương lại chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí chế tạo?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Ông Trần Bá Dương là người đam mê công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo và có thể nói là người Việt Nam đầu tiên biến giấc mơ của mình thành hiện thực.

Tôi biết rằng, ông Trần Bá Dương có một “lời nguyền” từ thời trai trẻ, đó là bằng mọi giá phải làm công nghiệp. Dựa trên nền tảng phát triển của Việt Nam có thể nhận định, đó là một trong những nhà kinh doanh thành công nhất ở lĩnh vực cơ khí chế tạo tính đến thời điểm này.

Ông Trần Bá Dương đi tiên phong vào lĩnh vực khó nhưng có những bước tiến bài bản, chắc chắn, tuân theo quy luật và trình tự: Lắp ráp, công nghiệp phụ trợ và tiến dần tới tăng hàm lượng nội địa hóa và giá trị gia tăng của cơ khí chế tạo.

 

Trên thực tế, ông Trần Bá Dương đã tạo ra được một ngành công nghiệp ô tô với sự phát triển cơ khí chế tạo công nghiệp đạt tới trình độ khá cao trong khu vực Đông Nam Á.

Tất nhiên, ông ấy chưa phải là người làm chủ hoàn toàn công nghệ. Với công nghiệp chế tạo, quy luật tất yếu là phải đi từ từ, phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực khoa học khác, đặc biệt là luyện kim, cơ khí, công nghệ…

Cần có thời gian để tạo ra những bước phát triển vượt bậc nhưng không thể phủ nhận rằng, chính ông Trần Bá Dương đã tạo ra nền tảng ban đầu để phát triển công nghiệp chế tạo, tạo động lực cho phát triển công nghiệp hóa ở Việt Nam.

 

- Chọn Chu Lai làm nơi phát triển ngành công nghiệp ô tô, ông thấy quyết định đó có lạ không?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng Chu Lai là một trong những lựa chọn đúng đắn nhất của doanh nhân Trần Bá Dương. Bởi vì trên thực tế khi đó, cơ sở hạ tầng cho công nghiệp chế tạo ở đâu cũng khó khăn như vậy. Nguồn nhân lực đang ở mức rất thấp do các trường kỹ thuật của Việt Nam chưa đào tạo được đội ngũ kỹ sư gánh vác được nhiệm vụ lớn về công nghệ kỹ thuật của ngành cơ khí chế tạo.

Hơn nữa, muốn phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo phải cần một diện tích đất rất lớn. Ở các tỉnh khác lúc bấy giờ, để có thể tiếp cận được quỹ đất lớn như vậy cần nhiều thời gian, chi phí.

Vậy nên, dù lựa chọn miền Trung có thể bất lợi về khí hậu, song các yếu tố khác như lợi thế về đất đai, cảng biển, và các ưu đãi khác của khu kinh tế mở vượt trội là cơ sở để khẳng định, đó là sự lựa chọn sáng suốt.

Trong những doanh nhân thời kỳ đó, chỉ có ông Trần Bá Dương nhìn ra lợi thế của Chu Lai và dồn tổng lực dựng nghiệp tại mảnh đất này.

- Ông ấy làm công nghiệp ô tô trong bối cảnh như thế nào, thưa ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Ngành cơ khí chế tạo nói chung và ngành công nghiệp ô tô nói riêng là nền tảng công nghiệp hóa của một quốc gia và giúp tạo ra công ăn việc làm nhanh, số lượng lớn, giá trị gia tăng cao và đặt nền móng cho nhiều ngành công nghiệp khác như đóng tàu, đầu máy toa xe, máy nông cụ… và đặc biệt là công nghiệp quốc phòng.

Vì nó là ngành công nghiệp “thượng nguồn” nên đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, với sự hỗ trợ từ nền tảng khoa học kỹ thuật, có sự trợ giúp dài hạn của Chính phủ mới có thể thành công.

Trong ngành công nghiệp ô tô, những nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Ý hay khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã thành công nhưng các quốc gia Đông Nam Á dường như chưa thành công.

Một số quốc gia có tham vọng lớn về chế tạo như Indonesia, không chỉ dừng lại ở ô tô mà còn tham vọng làm ra cả máy bay. Maylaysia thì tập trung vào công nghiệp ô tô, công nghiệp luyện kim, Thái Lan cũng vậy. Kết quả là sau 30 năm phát triển thì chưa có quốc gia nào có nền công nghiệp ô tô thật sự, thậm chí một số hãng ô tô phá sản.

Maylaysia từng sản xuất ô tô Proton nhưng cuối cùng cũng bị cạnh tranh và phá sản.

Ngành cơ khí luyện kim cũng bị các tập đoàn luyện kim lớn trên thế giới cạnh tranh và thất bại. Còn Thái Lan, một nước có được 2.400 nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô chứ cũng chưa có công nghiệp ô tô. Nghĩa là nếu xét về phương diện công nghiệp phụ trợ thì Thái Lan mới tạm thành công.

Vì sao các quốc gia đó thất bại? Đó là những băn khoăn chưa có hồi kết, rằng công nghiệp này thuộc về công nghiệp quốc doanh hay tư nhân; dựa vào nguồn vốn đầu tư dài hạn, ngân hàng hay chính sách và dựa vào thị trường trong nước hay là xuất khẩu…

Ngoài ra, cần tính tới yếu tố vô cùng khó khăn là cạnh tranh của nền công nghiệp ô tô trên thế giới. Đây là một cuộc cạnh tranh khốc liệt nhất, vừa liên quan tới công nghệ, lại vừa liên quan tới một ngành kỹ thuật mà gắn liền với an ninh quốc phòng, bảo trì, sửa chữa vũ khí… Vì thế, để có thể phát triển ngành công nghiệp nền tảng này phải trải qua rất nhiều gian nan, cả về công nghệ bên trong lẫn bên ngoài.

Trở lại vấn đề của Việt Nam, không còn cách nào khác là phải đi tuần tự, từ thấp tới cao, từ nội địa ít đến nội địa nhiều, từ giá trị gia tăng thấp tới giá trị gia tăng cao; và cũng phải thấy rằng, doanh nhân đi vào lĩnh vực này chưa được Chính phủ hỗ trợ nhiều. Đó là con đường ông Trần Bá Dương đang đi.

Có giai đoạn chúng ta quan niệm công nghiệp ô tô là bình đẳng cho cả doanh nghiệp nội địa cũng như bên ngoài. Đấy là một quan điểm ngây thơ trước các đối thủ cạnh tranh quốc tế, bởi họ có sự hậu thuẫn từ Chính phủ. Các hãng ô tô của Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ý đi trước chúng ta bao giờ cũng đưa ra phương châm trong hành trình leo lên bậc thang cao, họ đều dựa vào Chính phủ nhưng khi họ đứng trên cao rồi, họ lại đạp đổ chiếc thang bảo hộ. Họ lớn tiếng nói rằng tất cả quốc gia bây giờ phải bình đẳng và chúng ta, kể cả các nước trong khu vực Đông Nam Á đều rơi vào cái bẫy đó. Đông Bắc Á thì không bị mắc lừa, đặc biệt là Hàn Quốc và Trung Quốc.   

 

- Khởi đầu với một xưởng sửa chữa ô tô nhỏ, sau hơn 20 năm, ông Trần Bá Dương đã đưa Thaco trở thành công ty lớn nhất Việt Nam về sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô. Ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh ô tô, hiện Thaco đã hình thành chuỗi giá trị xuyên suốt từ nghiên cứu và phát triển sản phẩm đến sản xuất phân phối bán lẻ, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu với đầy đủ các chủng loại: Xe du lịch, xe bus, xe tải và xe chuyên dụng; đầy đủ các phân khúc từ trung cấp đến cao cấp theo thương hiệu: Xe du lịch: Kia, Mazda, Peugeot, BMW, MINI; Xe tải: Mitsubishi Fuso, Foton; Xe bus thương hiệu THACO; IVECO DAILY; Xe mô tô: BMW Motorrad; Xe máy Peugeot Django…

Năm 2017, đã đánh dấu bước ngoặt lớn với Thaco khi được hai tập đoàn ô tô lớn của thế giới là Dailmer và BMW cùng chọn để hiện thực hoá những kế hoạch kinh doanh của mình tại Việt Nam, mà không ngại ngần đang là đối thủ của nhau. Khi Thaco đang kinh doanh một loạt thương hiệu xe ô tô khác là Mazda, Peugeot và Kia mà BMW vẫn bị hấp dẫn thì phải có một lý do ghê gớm lắm!

Mãi về sau tôi mới biết, ông Trần Bá Dương đã thuyết phục BMW bằng cách: Khách hàng chỉ cần đến một nơi để trải nghiệm nhiều thương hiệu. Thaco triển khai mô hình kinh doanh showroom ô tô kết hợp với các trung tâm thương mại, giải trí, dịch vụ cao cấp, như vậy sẽ thu hút khách nhiều hơn. Hơn nữa, Thaco có cách để tạo ra sự khác biệt trong định vị của từng thương hiệu, kể cả về nhận diện thương hiệu, dịch vụ…

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi nhận thấy có hai khía cạnh cần được bàn tới.

Thứ nhất, nhìn từ phía ông Trần Bá Dương, Thaco sẽ tiết kiệm được chi phí quảng bá và phát huy được những kinh nghiệm của ông từ hãng này qua hãng khác. Đồng thời, từng bước thống lĩnh được thị trường.

Thứ hai, nhìn từ phía khách hàng sẽ thấy ông Trần Bá Dương là đối tác đáng tin cậy, có năng lực, có kinh nghiệm quản trị, có khả năng quảng bá sản phẩm của mình tốt nhất. Ví dụ, BMW nếu nhờ một công ty nào khác quảng bá và bán hàng thì sẽ mất nhiều thời gian và chi phí, còn nếu hợp tác với ông Dương là lựa chọn tối ưu, bởi ông có thương hiệu nên tận dụng được thế mạnh của mình. Khách hàng không nhất thiết phải hơn kém nhau mà họ lựa chọn theo sở thích, theo hoàn cảnh và theo ví tiền của họ. Như vậy, cả đôi bên đều có lợi.

Nói cách khác, thời đại công nghệ hóa, toàn cầu hóa thì một hàng hóa có thương hiệu toàn cầu chứ không phải quốc gia. BMW không chỉ là riêng thương hiệu của Đức mà đó còn là thương hiệu của toàn cầu. Honda cũng vậy.

Do đó, người đứng ra phân phối, quảng bá bất luận là người Việt hay người Hàn hay bất cứ quốc tịch nào nếu làm được cho nhiều hãng, có hiệu quả và duy trì được thương hiệu toàn cầu cho sản phẩm ấy thì tính địa phương càng ngày càng giảm dần. Nhất là thế hệ trẻ sau này, họ không biết thương hiệu xe là của nước nào mà chỉ biết nó là xe thuộc tầm cỡ nào, giá cả ra sao, chất lượng như thế nào.

Hướng đi của ông Trần Bá Dương phù hợp với xu thế thương hiệu toàn cầu, không phải là thương hiệu địa phương, quốc gia nữa.

- Ông có thấy ông Trần Bá Dương đã đảo chiều quy luật: Chỉ làm một thương hiệu tốt thì tốt hơn là làm nhiều thương hiệu? Thaco đã tụ hội được rất nhiều các thương hiệu từ bình dân tới cao cấp, thậm chí thay đổi được định kiến là người nước ngoài làm ô tô tốt hơn doanh nghiệp Việt Nam?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Đúng vậy. Ngay như thương hiệu xe du lịch Mazda, hiện Thaco đã có nhà máy Thaco Mazda công suất 100.000 xe/năm được xây dựng và đưa vào hoạt động hơn ba năm qua, là 1 trong 6 nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô chủ lực của Thaco tại KCN Thaco Chu Lai, được định vị là nhà máy sản xuất xe du lịch Mazda hiện đại nhất khu vực ASEAN.

Đáng chú ý là, Nhà máy được chuyển giao công nghệ hoàn toàn mới từ Mazda Nhật Bản, dây chuyền hàn gồm 87 robot thế hệ mới nhất của Kawasaki, vận hành hoàn toàn tự động. Công nghệ mới đáp ứng yêu cầu sản xuất các sản phẩm thế hệ mới của Mazda theo hướng ít tiêu hao nhiên liệu, sử dụng năng lượng điện và thân thiện với môi trường.

Tôi biết, Nhà máy sản xuất và phân phối đầy đủ các phân khúc xe du lịch Mazda, gồm: Mazda3, Mazda6, Mazda CX-5, Mazda CX-8, Mazda CX-3 và CX-30. Bên cạnh đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, nhà máy hướng đến xuất khẩu theo sự phân chia thị trường từ Mazda Nhật Bản.

Hay như thương hiệu Peugeot xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam cách đây hơn 100 năm. Đến năm 2013, Thaco và Peugeot ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất lắp ráp và phân phối độc quyền xe du lịch Peugeot tại thị trường Việt Nam, đánh dấu sự trở lại của thương hiệu “sư tử Pháp” sau gần 40 năm. Peugeot 3008 và 5008 là bộ đôi SUV sản phẩm thế hệ mới được ra mắt lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng cuối năm 2017, đã được đón nhận nồng nhiệt và đạt doanh số kỷ lục gần 5.000 xe, dẫn đầu phân khúc xe châu Âu trong năm 2018.

Thaco và Peugeot tiếp tục mở rộng mối quan hệ giữa hai bên thông qua việc hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất lắp ráp xe máy Peugeot Motocycles để phân phối tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang khu vực ASEAN cùng các thị trường khác (Đài Loan, Hongkong, Úc…).

Ông Trần Bá Dương đã triển khai nghiên cứu, thiết kế và đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp xe máy theo tiêu chuẩn châu Âu của Peugeot Motocycles tại Thaco Chu Lai; đồng thời, tập trung đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển R&D hướng đến làm chủ công nghệ sản xuất và gia tăng hàm lượng nội địa hóa đạt trên 40% đủ điều kiện xuất khẩu sang khu vực ASEAN. Ô tô Peugeot từng rất nổi tiếng ở miền Nam, trong khi miền Bắc chỉ biết xe đạp Peugeot thôi. Vì vậy, cần tập trung khai thác thị trường miền Nam của hãng ô tô này.

 

Là thương hiệu ô tô lâu đời nhất Hàn Quốc với hơn 70 năm tiên phong sáng tạo, đến nay KIA đã hiện diện trên 180 quốc gia, luôn nằm trong Top 100 thương hiệu giá trị nhất. Tại Việt Nam, suốt 14 năm qua, đã có hơn gần 300.000 xe KIA lăn bánh trên mọi nẻo đường đất nước. Đó là thành quả của Thaco.

- Cách quản trị của ông Trần Bá Dương có gì đặc biệt, thưa ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Ngay từ đầu, ông Trần Bá Dương không đi theo mô hình doanh nghiệp gia đình mà tiến hành cổ phần hóa và bán cả cổ phần ra nước ngoài để có thể học hỏi được thêm phong cách quản trị thay vì loay hoay một mình.

Điều này là chuẩn. Giải quyết vấn đề lớn là người Việt Nam hoặc là kinh doanh một mình hoặc nếu không thì sẽ dừng; rằng nếu có nhiều cổ đông sẽ mất đoàn kết, tính hợp tác giữa các cổ đông kém. Nói cách khác, đó là sự ghen ghét, đố kỵ, bất hợp tác và có thể hiểu do ảnh hưởng từ hàng nghìn năm đất nước ở trong nền kinh tế tự cung tự cấp gây ra tâm lý lệ thuộc, bản lĩnh hợp tác kém, tiểu nông, tiểu khí.

Chính điều này là hạn chế chí tử của doanh nghiệp Việt Nam, không bao giờ có sự tách biệt tuyệt đối giữa chủ sở hữu với nhà quản lý. Ông chủ cũng chính là nhà quản lý trá hình và ngược lại. Nhưng chính tâm lý sợ người khác thao túng sẽ không phát huy được năng lực sáng tạo của nhà quản lý.

Nhà quản lý phải được độc lập hoàn toàn với chủ sở hữu để quản lý theo khoa học, xu thế, sáng tạo của họ. Nếu ông chủ ở bên trên sẽ ép nhà quản lý làm theo ý của mình và ông chủ mà có trình độ quản lý hạn hẹp thì cuối cùng doanh nghiệp chỉ phát triển được tới mức độ trung bình và chững lại. Nó là công ty gia đình, và chẳng có công ty gia đình nào trở thành đại tỷ phú. Ví dụ điển hình trong ngành ngân hàng, ông chủ muốn có ngân hàng để lợi dụng làm giàu cho tập đoàn sân sau của mình và làm giàu chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản cho nên loay hoay lúc thì Chủ tịch, Phó chủ tịch nhưng mà đều có quyền quyết định và như thế, tất cả các biện pháp quản trị rủi ro của ngân hàng trở nên vô nghĩa vì ông chủ quyết định cho vay. Thậm chí là cho bạn bè trong lĩnh vực ngân hàng vay chéo, như thế thì còn gì là quản trị.

Cách làm của ông Dương là cổ phần hóa và tách rời vai trò của nhà quản lý và chủ sở hữu để phát huy tối đa hiệu quả của khoa học quản trị hiện đại là điều rất cần thiết. Tất nhiên ông phải xây dựng được nhà quản lý giỏi thì mới giải quyết được vấn đề này. Cần phát huy được vai trò giám sát, phát triển của chủ sở hữu và vai trò quản lý, sáng tạo, khoa học, nắm bắt xu thế phát triển công nghệ của nhà quản lý.

 

- Ông Trần Bá Dương cho rằng, ở Việt Nam hay mặc định, con mình có thể không tốt nhưng vì là con nên phải cho nó làm. Ông ấy tư duy, con mình mà làm không tốt thì đừng làm, để người ngoài làm, không nói nhiều.

TS. Lê Xuân Nghĩa: Đấy là quan niệm về sử dụng nhân tài. Nhân tài không thể có sẵn, kể cả con mình. Không nên loay hoay “mình” với “ta”. Người tài ở trong thiên hạ phải tuyển dụng, đào tạo qua trải nghiệm thì mới chọn được. Cho nên, các doanh nghiệp Việt Nam thiên về chọn người trung thành hơn là chọn người tài. Nhưng trung thành mà dốt thì cũng chết cùng với ông chủ thôi (cười).

Bởi cuộc cạnh tranh này không phải là trung thành hay không mà là cuộc cạnh tranh sống chết về tài năng, về công nghệ, về bản lĩnh đứng ở đầu sóng ngọn gió của thách thức và cơ hội trong một kỷ nguyên mà hỗn loạn trở thành một chuẩn mực của bình thường mới.

Lịch sử cũng thế thôi. Nếu không có quân sư người Hán giỏi thì làm gì có triều đại Mông Nguyên. Cũng như vậy, nếu không có cố vấn người Hán giỏi thì làm gì có triều đại Mãn Thanh. Một chính nhân quân tử có trí tuệ thì tự khắc sẽ biết trung thành. Chỉ sợ trí tuệ của một kẻ ngụy quân tử thôi!

- Ông Trần Bá Dương chọn không liên doanh liên kết mà chỉ mua công nghệ, không giống tư duy của nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi liên doanh để dựa vào nước ngoài. Ông nghĩ sao về tư duy này?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Ông Trần Bá Dương có tư tưởng giống như người Hàn Quốc, không có liên doanh liên kết, không ưu tiên đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, chỉ có đi vay tiền về để phát triển công nghệ.

Nhìn chung, Hàn Quốc không thích đầu tư trực tiếp dưới dạng liên doanh. Họ cho rằng làm như vậy chỉ khiến đất nước của họ phụ thuộc vào nước ngoài, không có tính độc lập, không làm chủ được công nghệ. Và đúng là như vậy, ngày hôm nay Samsung ở Việt Nam thì GDP tăng nhanh, nhưng ngày mai Samsung sang Ấn Độ thì GDP lại sụt giảm. Đó là câu chuyện đương nhiên, và chúng ta phải suy ngẫm một cách nghiêm túc.

Hàn Quốc không chấp nhận liên doanh mà đầu tư cho công nghệ thì mới nhanh chóng tạo ra một nền kinh tế độc lập, tạo nên nền tảng công nghệ của một quốc gia. Bởi khi đi vay thì có tiền nhập khẩu và buộc phải làm chủ công nghệ, chứ cứ liên doanh thì công nghệ nước ngoài họ đưa vào họ vẫn làm chủ. Họ đưa cho doanh nghiệp Việt một tỷ suất lợi tức nào đó còn lại họ nắm toàn bộ, công nghệ cũng không có, chuyển giao cũng không được, thậm chí có tỷ phú nước ngoài bảo với tôi: “Vợ có thể chuyển giao được chứ công nghệ thì không bao giờ”. (cười)

Đó là tư duy thuộc về tầm vóc vĩ đại của Park Chung Hee chứ Việt Nam hầu như chưa làm được, chỉ có những người nhen nhóm như ông Trần Bá Dương, ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch Geleximco, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup, bà Thái Hương – Nhà sáng lập Tập đoàn TH, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch Tập đoàn AIC… thì chưa trở thành quốc sách được.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là tư tưởng thành bại của công nghiệp hóa. Muốn công nghiệp hóa phải có công nghệ và tiền. Công nghệ có thể học, đi mua hoặc “ăn cắp” từ các nước khác nhưng tiền thì phải đi vay. Nếu công nghiệp hóa theo hướng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài thì không thể làm được, không đời nào nước ngoài chuyền giao công nghệ cho mình để có công nghiệp hóa. Nếu cứ liên doanh liên kết thì vĩnh viễn không bao giờ có được nền kinh tế độc lập, tự chủ đúng nghĩa được, bởi vì công nghệ quyết định năng suất, mà năng suất quyết định “ai thắng ai”… Bài học của các nước Đông Bắc Á thành công trong công nghiệp hóa và thất bại của Đông Nam Á là vì thế.

Tôi đã nhiều lần phân tích rằng, ở Việt Nam có một chiến lược công nghiệp hóa từ năm 1993, với slogan là công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Nhưng thực ra, chúng ta hiểu công nghiệp hóa chưa chuẩn. Ví dụ như điện, nước, sản xuất vật liệu xây dựng, gọi là công nghiệp nhưng thực ra đó là cung ứng dịch vụ công nghiệp. Công nghiệp cốt lõi là chế tạo máy, tức là dứt khoát phải có máy, như động cơ ô tô, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay… Với những ngành công nghiệp như vậy gắn với một trình độ công nghệ rất cao. Ví dụ, phải có ngành luyện kim, ngành cơ khí chính xác… Và phải có một thời gian rất dài để đào tạo con người, đào tạo kỹ sư… Nếu không đào tạo được thì “ăn cắp” ý tưởng. Nhưng “ăn cắp” thì phải làm chủ được.

Bất kỳ quốc gia nào cũng coi công nghiệp chế tạo là rường cột. Bởi trong chuỗi giá trị sản phẩm, nó khẳng định giá trị cao nhất. Đồng thời, nó cũng khẳng định đẳng cấp và giá trị của một quốc gia công nghiệp. Quan trọng hơn nữa, nó gắn với an ninh, quốc phòng của quốc gia. Ngay như Thụy Sỹ, một quốc gia nhỏ bé, đẳng cấp là chế tạo đồng hồ và các loại máy móc chính xác.

Vì có một vai trò đặc biệt quan trọng với một quốc gia, cho nên nước nào cũng coi là rường cột và ra sức bảo hộ trước những bão táp của cạnh tranh, của thương trường. Đương nhiên, một ngành công nghiệp chế tạo non trẻ, chịu sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều quốc gia, nếu không có sự bảo hộ sẽ chết yểu. Bởi đó không phải là ngành dễ dàng thay thế. Nó gắn liền với những bí kíp, gắn liền với cả một ngành khoa học – kỹ thuật cơ bản nên phải ra sức bảo hộ.

Lý luận để bảo hộ công nghiệp chế tạo non trẻ dựa trên cơ sở đó. Các quốc gia chăm chút lĩnh vực này kinh khủng lắm. Ngay cả ở Mỹ, sau gần 200 năm công nghiệp hóa, hàng loạt tập đoàn lớn ra đời nhưng vẫn được Chính phủ Mỹ ngầm bảo hộ. Khi Tập đoàn General Motors tuyên bố đóng cửa một số nhà máy, sa thải 14.000 công nhân, Tổng thống Mỹ đã lên tiếng tuyên bố, nếu làm như vậy, Chính phủ sẽ cắt tài trợ cho Tập đoàn này. Điều đó chứng tỏ có sự bảo hộ và chống lưng phía sau của chính phủ Mỹ.

- Sau thành công ở mảng cơ khí ô tô và bất động sản, tôi thấy ông Trần Bá Dương đang dồn tổng lực vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được coi là đầu ra cho chính lĩnh vực cơ khí ô tô mà Thaco đã dồn tâm sức bấy lâu nay.

TS. Lê Xuân Nghĩa: Khi lựa chọn phát triển một lĩnh vực dài hạn như công nghiệp chế tạo thì các doanh nghiệp đều cần đa dạng hóa sản phẩm trong thời kỳ đầu để tạo ra dòng tiền bền vững. Samsung là một tập đoàn từng trồng táo, làm nước ép táo. Họ đã từng lao vào một số lĩnh vực khác, để lấy ngắn nuôi dài nhưng không bao giờ từ bỏ lĩnh vực cốt lõi và thậm chí, họ đã dùng lợi nhuận từ khu vực khác để hỗ trợ cho khu vực chính và nhờ đó mà thành công.

Trường Hải cũng đang học tập những kinh nghiệm đó. Ông Trần Bá Dương tìm kiếm các ngành nghề kinh doanh có lợi thế của Việt Nam cả trong ngắn và trung hạn. Và một trong những ngành nghề ấy là nông nghiệp sạch và bất động sản. Dựa trên nền tảng đó thì họ tạo ra một dòng tiền tương đối thường xuyên, ổn định cho khu vực kinh tế đầy cam go, dài hạn và vô cùng tốn kém về thời gian, tiền của là công nghiệp ô tô. Chúng ta hãy tin tưởng và hy vọng đấy không phải là chuyển hướng mà là một chiến lược mở rộng công nghiệp hóa sang lĩnh vực có tiềm năng và ít cạnh tranh để hỗ trợ phát triển lâu dài. Đó là sự lựa chọn đúng đắn chứ không hề ngây thơ như nhiều người lầm tưởng.

 

- Nhưng nhiều người cho rằng, doanh nhân Trần Bá Dương là tay chơi mới trong lĩnh vực nông nghiệp nên rủi ro là rất lớn!

TS. Lê Xuân Nghĩa: Có thể thấy nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp nhiệt đới là một thế mạnh của Việt Nam nhưng hiện nay sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nông nghiệp Việt Nam chưa trở thành ngành kinh doanh có danh tiếng trên thế giới vì một số lý do sau:

Thứ nhất là sự manh mún. Bởi vì manh mún nên không công nghiệp hóa, hiện đại hóa được.

Thứ hai là không sạch. Lý do không sạch bởi vì nó manh mún, không ứng dụng được công nghệ cao, không tạo ra được sản phẩm khiến người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm khi sử dụng, đặc biệt là đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Mỹ và châu Âu để có thể xuất khẩu được nhiều.

Thứ ba, chưa thiết lập được chuỗi giá trị từ giống, trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, hậu thu hoạch và phân phối đảm bảo theo đúng một chuẩn mực của quốc tế.

Khi ông Trần Bá Dương nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp và làm theo hướng đó thì khả năng thành công sẽ cao. Cơ sở để thành công xuất phát từ những lý do sau:

Thứ nhất, ông Trần Bá Dương phối hợp với bầu Đức để có được những cánh đồng mẫu lớn, quy mô đủ để công nghiệp hóa.

 

Thứ hai, ông Trần Bá Dương có thể tận dụng lợi thế của ngành công nghiệp chế tạo để công nghiệp hóa nông nghiệp, ít nhất là trong khuôn khổ doanh nghiệp của Thaco. Do cơ khí nông – lâm nghiệp tại Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường nên một trong những mục tiêu của Tổ hợp Cơ khí Thaco Chu Lai là nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm phục vụ cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu gần 2/3 số máy móc nông nghiệp từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đó là chưa kể đến các loại chi phí bảo trì, bảo dưỡng cũng rất tốn kém. Máy nông nghiệp sản xuất trong nước vừa hạn chế, vừa hiếm mà giá lại cao.

Tổ hợp Cơ khí Thaco Chu Lai đã phát triển cơ khí nông – lâm nghiệp với cách làm khác biệt là nghiên cứu, phát triển sản phẩm và áp dụng trên các nông trường của Thaco tại Lào, Campuchia, từ đó hoàn thiện quy trình sản xuất, công nghệ, sản phẩm để cung cấp cho các đối tác trong và ngoài nước là ý tưởng khả thi và tạo được quy chuẩn rõ ràng. Làm được như vậy sẽ tạo ra những giá trị mới cho nông nghiệp thông qua phương thức quản lý công nghiệp.

Đây là bước đi phù hợp trong bối cảnh cơ giới hóa trở thành yêu cầu cấp thiết trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, đồng thời đáp ứng chiến lược phát triển đa ngành của Thaco, trong đó nông nghiệp được xác định là lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính.

Ông Trần Bá Dương đau đáu việc phát triển nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ và cơ giới hóa, kết hợp nghiên cứu – sản xuất – chế biến – phân phối, xuất khẩu để nâng cao giá trị nông sản đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của cơ khí chế tạo để sản xuất các thiết bị canh tác, bộ nông cụ, thiết bị chế biến, phương tiện vận chuyển chuyên dụng.

Cái hay của ông Trần Bá Dương là tạo ra các sản phẩm cơ giới hoá trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất từ trồng trọt, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, bảo quản. Sản phẩm chính gồm thiết bị nông cụ (dàn cày ngầm, dàn xới…); cơ cấu chuyên dụng (ròng rọc và rơmoóc kéo chuối, rơmoóc chở cây…); silo, thiết bị trang trại chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản đi cùng các giải pháp cơ giới hóa. Tổ hợp còn nghiên cứu và phát triển sản phẩm theo nhu cầu riêng biệt của khách hàng.

Ông Trần Bá Dương cũng đẩy mạnh đầu tư hệ thống dây chuyền, máy móc thiết bị hiện đại; nhận chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh hoạt động R&D thông qua việc tuyển dụng các chuyên gia, kỹ sư có năng lực và kinh nghiệm về cơ khí nông – lâm nghiệp, đưa kỹ sư qua các nông trường tại Campuchia và Lào để trực tiếp nghiên cứu các giải pháp cơ giới hóa đồng bộ cho cây ăn trái, cây công nghiệp và xuất khẩu.

Thứ ba, ông Trần Bá Dương cũng có thể áp dụng những tiêu chuẩn quản lý chất lượng trong ngành ô tô, trong khu vực công nghiệp để đảm bảo an toàn và chuẩn mực ngay từ khâu chọn giống, nguyên liệu, quá trình chăm sóc, chế biến và đặc biệt là tổ chức phân phối, thiết lập một chuỗi giá trị toàn cầu cho các sản phẩm nông nghiệp của mình.

Nếu ông Trần Bá Dương làm thành công thì đó là một trong những khuôn mẫu mà chúng ta có thể tìm thấy ở trường hợp TH của bà Thái Hương. Tất nhiên, ông Trần Bá Dương tập trung làm sản phẩm khác, chủ yếu liên quan tới hoa quả, ngũ cốc…

Ông Trần Bá Dương đang góp phần tạo lập cách làm nông nghiệp xanh, sạch và chuẩn mực quốc tế. Và nếu như nông nghiệp của Việt Nam được phát triển theo hướng như vậy thì đây thật sự là một thế mạnh, có thể nói là một trong những thế mạnh lớn nhất của Việt Nam.

- Ông ấy muốn nông nghiệp Việt Nam tập trung vào công nghiệp chế biến và cơ giới hóa. Ông nghĩ sao về hai chiến lược này?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Không phải ngẫu nhiên, Philip Kotler – “ông vua” marketing của thế giới – đã nhận xét: Lợi thế lớn nhất của Việt Nam là tự biến mình trở thành bếp ăn của thế giới. Câu nói đó đã được nghiền ngẫm rất kỹ khi ông ta nhận ra rằng, Việt Nam có một văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng, lành mạnh bậc nhất thế giới.

Công nghiệp chế biến nông sản là một ngành cao cấp, nó còn cao cấp hơn cả điện tử là bởi ti vi, tủ lạnh, máy tính bán ra bên ngoài còn dễ hơn chế biến thực phẩm.

Một chuyên gia kinh tế nổi tiếng đã nói với tôi rằng, nếu Việt Nam lúc đang còn nghèo mà chọn công nghiệp chế biến thực phẩm thì khó. Phải đi vào ngành điện tử trước còn với công nghiệp chế biến thực phẩm thì tốt nhất là nên liên doanh với nước ngoài, bởi cần có công nghệ và đây là bí kíp để vượt qua được hàng rào kiểm định thực phẩm rất khắt khe của thế giới.

Cách đây hơn 20 năm, khi tôi hỏi miền Trung nên lựa chọn ngành nào để phát triển thì ông ấy nói là không thể đi vào công nghiệp chế biến thực phẩm mà tạm thời cần đi vào công nghiệp điện tử. Nhưng vào thời điểm này tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp Việt Nam đã có thể đi vào công nghiệp chế biến thực phẩm vì nền tảng công nghệ mình có thể mua được, học tập được. Bởi với công nghiệp chế biến thực phẩm, phải có công nghệ đảm bảo an toàn, sạch, tươi và giữ được chất lượng dài hạn. Ví dụ như hạt lạc, nếu chế biến không cẩn thận thì một tháng sau đã có mùi dầu.

 

Cho nên, để đi được vào lĩnh vực khó khăn này, cần phải phối hợp nhiều ngành công nghiệp với nhau trong đó có cả cơ khí chế tạo, như máy móc, thiết bị chế biến thực phẩm. Đó là lĩnh vực ông Trần Bá Dương đang nắm lợi thế.

Thuở ban đầu, các nước Đông Nam Á dựa vào liên doanh để phát triển còn bây giờ, họ bắt đầu chuyển sang nội địa hóa.

Còn với chiến lược cơ giới hóa, tôi hiểu ông Trần Bá Dương muốn nói đến việc sử dụng máy móc và thiết bị trong sản xuất nông nghiệp ở cả quy mô lớn, vừa và nhỏ. Cơ giới hóa ở quy mô lớn phải gắn với loại hình nông sản, với phương thức sản xuất công nghiệp, công nghệ phù hợp.

Có thể thấy rằng, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam có tiềm năng rất lớn và giá trị gia tăng cũng rất cao, nhưng đầu tư ban đầu rất đắt nên mấy chục năm nay, chúng ta hầu như chỉ xuất khẩu thô. Chính vì thế mà chế biến thực phẩm là một công nghệ đặc thù nằm trong tay các nước phát triển. Đi vào lĩnh vực này chính là một trong những lĩnh vực then chốt để phát triển công nghiệp Việt Nam.

- Ông đánh giá ra sao về cách tiến vào công nghiệp chế biến và cơ giới hóa của ông Trần Bá Dương?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Rất táo bạo và đòi hỏi một trình độ tổ chức sản xuất, cung ứng rất khắt khe. Ông Trần Bá Dương từng có kinh nghiệm nhất định trong ngành cơ khí chế tạo – một ngành rất phức tạp – có thể áp dụng và hiện thực hóa những ý tưởng về công nghiệp hóa nông nghiệp, công nghiệp chế biến hiện đại. Công nghiệp hóa nông nghiệp không khó, nhưng chế biến nông sản là khâu cực kỳ khó.

-  Đâu là những khó khăn ông Trần Bá Dương đang phải đối diện?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Ông Trần Bá Dương có tham vọng trở thành một trong những người đi đầu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản. Như vậy, rõ ràng cần tổ chức cả khâu sản xuất và phân phối công nghiệp với những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, tin cậy. Tin cậy cho cả nông dân, các nhà máy chế biến và tin cậy cho cả người tiêu dùng. Có như vậy mới có thể trở thành một ngành công nghiệp – dịch vụ thực sự.

Ở Việt Nam, chúng ta nói đến thực phẩm tươi sống là hay nghe theo tiếng đồn thị trường nay thế này, mai thế khác. Với cách làm như vậy thì không thể nào có một nền công nghiệp mạnh đúng nghĩa và không tạo ra một ngành có giá trị gia tăng cho nông nghiệp. Cho nên, nhiệm vụ của ông Trần Bá Dương với chiến lược như vậy có thể nói là cực kỳ khó khăn và nếu thành công thì thật là vẻ vang.

Sự phức tạp của công nghiệp chế biến nông sản không kém gì ngành cơ khí – chế tạo. Ở đây đối thủ cạnh tranh cũng rất lớn và vượt qua hàng rào kiểm định thực phẩm của các nước cũng không phải đơn giản. Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ. Muốn doanh nghiệp làm được nhiều thứ và toàn là những thứ tầm cỡ tiên phong thế giới nhưng chưa có chính sách tiên phong đúng nghĩa. Chính sách công nghiệp hóa tối kỵ lan man. Vì công nghiệp hóa cần tập trung nguồn lực lớn, dài hạn, gồm tài lực, nhân lực và đất đai.

Phải thấy rằng kinh tế tự do là một lời nói đầu môi, chót lưỡi của những người, những doanh nghiệp đã từng lên tới đỉnh cao và chúng ta ngây thơ tin vào điều ấy sẽ không thể có một ngành cơ khí chế tạo và cũng không thể có ngành công nghiệp chế biến thực phẩm được.

Bởi vì, đây đều là những ngành đòi hỏi đầu tư, vốn liếng rất lớn. Thậm chí phải mua và làm chủ công nghệ, tức là phải có cả một hệ thống giáo dục – đào tạo để làm chủ công nghệ. Quy trình vô cùng rắc rối ở chỗ, vừa đảm bảo thực phẩm đó là sạch nhưng công nghệ để làm bao bì cũng vô cùng gian nan, công nghệ in ấn, công nghệ không thể làm giả bao bì cũng rất phức tạp.

Cho nên, cần sự hỗ trợ từ Nhà nước, cần có những mối quan tâm đặc biệt của các ngành khoa học – công nghệ và hệ thống tài chính – ngân hàng, quỹ đầu tư, nếu không sẽ không thể có công nghiệp ô tô và công nghiệp chế biến.

- Điều quan trọng nhất trong chiến lược ấy là gì?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Các doanh nhân như ông Trần Bá Dương không cần Chính phủ cho tiền. Cái người ta cần là cơ chế chính sách về đất đai, cơ sở hạ tầng, về giáo dục – đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, rồi bảo vệ thương hiệu, bản quyền và thị trường…

- Thưa ông, ông Trần Bá Dương không hài lòng về thực trạng “giải cứu nông sản”. Ông thấy thế nào?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi đồng ý với quan điểm đó. Trong nền kinh tế thị trường phải giữ được giá, còn khi chúng ta tiến hành giải cứu có nghĩa là giá cả giảm, có thời gian rất nhiều tập đoàn lớn của thế giới đã phải mang lương thực – thực phẩm ra biển để đổ, phải mang hoa nghiền thành rác như ở Hà Lan.

Lý do đơn giản là để giữ giá, chứ còn người ta bán rẻ đi cũng được hoặc cho không các gia đình mang về dùng, nhưng như thế giá sẽ giảm thê thảm và lúc nào giá mới phục hồi? Lúc nào các yếu tố sản xuất mới lấy lại được các giá trị của nó? Nếu cần thì có thể tài trợ cho nhà sản xuất để họ duy trì kỹ năng cho sau này.

Việc ông Dương đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vào Hoàng Anh Gia Lai cũng là mở ra cơ hội để phát triển mảng sản xuất kinh doanh nông nghiệp cho Thaco. Câu chuyện đó thành công hay thất bại đang còn bỏ ngỏ.

Nếu như sau cuộc giải cứu đó, ông Trần Bá Dương vẫn vững tâm đi vào công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông sản theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế và hướng vào xuất khẩu, tiêu thụ nội địa với gia tăng giá trị sản phẩm thì đó là chiến lược đúng đắn và Chính phủ cần hỗ trợ.

Ví dụ, nếu chúng ta có công nghiệp cấp đông tốt như công nghiệp sóng âm của Nga thì chúng ta có quả vải ăn quanh năm, xuất khẩu quả vài bằng đường biển và khắp thế giới chứ không chỉ vài contener. Khi đó, giá vải sẽ cao chứ không cần giải cứu.

- Chính việc giải cứu làm mất đi nhuệ khí của nông dân?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Ông Trần Bá Dương luôn quan niệm rằng, công nghiệp hóa nông nghiệp cũng phải như công nghiệp ô tô, phải làm sao gắn bó được với người nông dân, làm cho người nông dân trở thành một thành phần trong ngành sản xuất kinh doanh có giá trị về dài hạn, có thể gặp những rủi ro khách quan thua lỗ trong ngắn hạn là thường tình trong kinh doanh, chứ không phải nhìn thấy ở nông dân hình ảnh cần thương xót tội nghiệp.

 

Có thể khi “giải cứu”, người nông dân tưởng như thế là tốt bởi họ sản xuất ra dưa hấu bán được thay vì chặt bỏ. Có thể đó là cái tốt nhất thời, nhưng họ không biết họ đã làm giá dưa hấu trên thị trường sụt giảm rất nghiêm trọng. Nhưng nông dân họ phải làm như vậy vì họ sản xuất rất manh mún, mỗi một nhà vài ba sào và người ta buộc phải làm như vậy. Còn đối với nhà sản xuất lớn, phải hướng đến cạnh tranh tầm quốc gia. Tôi có cùng quan điểm với ông Trần Bá Dương là chúng ta cần tạo ra nền sản xuất nông nghiệp tốt để nguồn nhân lực nông nghiệp quay về sản xuất nông nghiệp với thu nhập ổn định. Việc của các nhà sản xuất lớn là đưa công nghệ vào và làm chủ thị trường.

- Ông Trần Bá Dương cũng muốn nông dân là một thành phần chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng để làm được điều đó không hề dễ dàng…

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là chúng ta chia ruộng đất cho nông dân là để tối đa hóa sản lượng nông nghiệp trong giai đoạn công nghiệp hóa và dịch vụ chưa thu hút được nhiều lao động. Trên thế giới không phải nước nào cũng chọn con đường ấy. Người ta chọn tầm nhìn xa hơn là nông nghiệp phải tập trung, quy mô lớn và xa hơn nữa như Trung Quốc, người ta thấy chia ruộng đất cho nông dân thì mai mốt làm cơ sở hạ tầng phải đi đền bù giải tỏa rất phức tạp, nên họ vẫn để ruộng đất cho hợp tác xã.

Chia ruộng đất cho nông dân được cái là trong ngắn hạn, có thể tối đa hóa sản lượng nông nghiệp khi chúng ta đang gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, khó khăn về thu hút lao động… Nhưng về lâu dài, chúng ta phải trả giá. Vì khi cần tập trung quy mô lớn là rất khó khăn và rõ ràng, Chính phủ nên định hình lại nền nông nghiệp hiện đại và có những chiến lược về tập trung hóa.

Đó là cách ứng xử với nông dân nghèo và đã nghèo thì trình độ canh tác, hiểu biết về thị trường thấp nên họ quan tâm nhiều tới lợi ích ngắn hạn và làm thế nào để họ thoát khỏi cái lo về cơm áo gạo tiền. Ngoài những cái cam kết (rất dễ bị xóa bỏ) từ phía nông dân hay doanh nghiệp, thì đi vào cái này cần có cái đệm từ tài chính hay là cái phòng ngừa rủi ro tài chính.

- Hôm vừa rồi ngồi với Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tôi được biết, ông Trần Bá Dương đang rất quan tâm và chăm lo cho các giá trị văn hóa khi đồng hành cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Giải thưởng tác giả trẻ. Hay như việc cam kết hỗ trợ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 200 tỷ đồng để tài trợ chương trình thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016 2021, tài trợ cho chương trình truyền hình Đường lên đỉnh Olympia, hay Chuyện tử tế…

TS. Lê Xuân Nghĩa: Xu hướng kinh doanh của thế giới bây giờ không phải theo lối “cá lớn nuốt cá bé” mà là cạnh tranh nhân văn. Cần có yếu tố nhân văn trong kinh doanh và đó mới là giá trị tạo nên sức mạnh cạnh tranh thực sự.

Người tiêu dùng sẽ nhìn vào những doanh nghiệp cạnh tranh nhân văn, sản phẩm nhân văn, hoạt động dựa trên nền tảng nhân văn để ủng hộ và tin dùng. Trong xu thế cạnh tranh của kinh tế thị trường hiện đại, nếu như tàu thuyền của Việt Nam đánh bắt cá tại biển của nước khác, khách hàng sẽ không mua. Họ không tham rẻ.

Hay như muốn sản xuất thép xuất khẩu vào châu Âu thì phải sử dụng điện tái tạo chứ không thể ham rẻ. Kinh doanh phải có ý nghĩa nhân văn, vì con người.

Những hành động như trên của ông Trần Bá Dương là xu thế của nền kinh tế thị trường hiện đại. Đó là cạnh tranh một cách nhân văn, kinh doanh một cách nhân văn. Nhân văn trở thành một yếu tố cạnh tranh để quyết định sự thành công của doanh nghiệp.

 

Mới đây, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, chỉ trong vòng 1 tuần, Thaco đã nỗ lực ngày đêm sản xuất 63 xe chuyên dụng vận chuyển vắc xin và tích cực thiết kế, đưa vào sản xuất 63 xe chuyên dụng phục vụ tiêm chủng lưu động, với tổng giá trị là 150 tỷ đồng để kịp phục vụ cho việc tiêm vắc xin. Đáng chú ý là, những sản phẩm này được sản xuất tại Chu Lai – Quảng Nam, với tỷ lệ nội địa hóa trên 50%, được tiêu thụ trong nước và đang xuất khẩu sang các nước Asean (Thái Lan, Philipine...), mang thương hiệu Mitsubishi Fuso (Nhật Bản) sở hữu bởi tập đoàn Daimler – Mercedes (Đức).

Ông Trần Bá Dương giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính xe chuyên dụng phục vụ tiêm chủng lưu động đồng thời sử dụng được cho công tác lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

 

Trong những năm qua, bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Thaco đã thực hiện trách nhiệm cộng đồng thông qua các chương trình an sinh xã hội với đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng. Đó là điều không nhiều doanh nhân ở Việt Nam có thể làm được. Đó là trách nhiệm xã hội của một doanh nhân.

- Tôi còn được nghe câu chuyện ông Trần Bá Dương giao lưu, trò chuyện với cây trồng, vật nuôi ông Nghĩa ạ! Ông Dương nói rằng, một cái cây, một con vật khi mình chú tâm đến và vun vén, chăm sóc nó sẽ cảm nhận được tâm hồn của nó.

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ ông ấy đang hướng đến một triết lý có tính chất quy luật. Loài người được tạo ra từ những thứ không phải là loài người. Trong đó, có cả những cây và con vật mà ông Dương đang tâm sự và chăm sóc. Mọi vật đều được tạo ra từ nhân và duyên. Nhân là hạt giống, duyên là các điều kiện giúp hạt giống đó phát triển và ra quả nên mới có khái niệm nhân quả, nhân duyên.

Và nếu như thế thì công nghệ không có gì là biệt lập cả. Kể cả việc ông ấy làm ô tô và giờ hướng đến làm nông nghiệp. Tất cả mọi thứ đều phụ thuộc và liên quan tới nhau chặt chẽ. Triết lý đó của ông Dương cũng là triết lý của đạo Phật và ông tạo ra nhân này thì ông sẽ có quả kia. Ông tạo ra nhân và kết hợp được với duyên (nhiệt độ, độ ẩm, không khí, nước) thì nó mới ra quả tốt.

 

Từ đó ta thấy rằng, kinh doanh trong bất cứ lĩnh vực nào cũng phải tôn trọng quy luật tất yếu của tự nhiên, dựa vào nhau để sinh và cũng là dựa vào nhau để diệt. Nếu có duyên sẽ sinh ra, không có duyên sẽ mất đi và nếu chúng ta không có chăm sóc, tưới tắm, hỗ trợ thì cái sinh ra cũng nhanh chóng chết đi.

Tôi hiểu hàm ý của ông Dương khi nói như vậy nhưng về nguyên tắc hiểu một cách đúng đắn thì kể cả một cái cây hay một sinh vật nếu chúng ta yêu thương nó, chăm sóc nó, gieo trồng, nuôi dưỡng đúng với các điều kiện thì mới có kết quả được. Giống chỉ là nhân, điều kiện sống là duyên và nhân duyên cộng lại mới ra quả.

- Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng Thaco vẫn đặt mục tiêu đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt tối thiểu là 25.000 tỷ đồng trong năm 2021. Có lẽ, để Thaco thành công được như ngày hôm nay thì cần sự chăm bẵm rất lớn từ người thuyền trường Trần Bá Dương cho đội ngũ nhân sự của mình, một đội ngũ hùng hậu: Thaco hiện có hơn 55.000 cán bộ, nhân viên, trong đó 25.000 cán bộ, nhân viên ở Việt Nam và 30.000 cán bộ, nhân viên ở Lào, Campuchia.

TS. Lê Xuân Nghĩa: Con người là nhân tố quyết định sự thành bại. Con người của Thaco cần được đào tạo mới có thể làm chủ được công nghệ và kỹ thuật, cho dù đó là công nghệ ô tô hay công nghệ kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi.

Ông Trần Bá Dương đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo và bồi dưỡng nhân sự. Bằng chứng là thông qua Trường cao đẳng Thaco, ông Dương đã đào tạo nghề, miễn học phí cho công nhân, thường xuyên đào tạo lại để nâng cao tay nghề cho các bậc thợ. Hàng vạn nông dân Quảng Nam và vùng lân cận đã trở thành những công nhân lành nghề, được đào tạo bài bản, có kỷ luật của người làm công nghiệp.

Tôi hy vọng và tin rằng, ông Dương sẽ tiếp tục tạo ra những trung tâm đào tạo nhằm thẳng vào lĩnh vực mình đang làm là công nghiệp cơ khí chế tạo. Ông ấy cũng sẽ đào tạo ra đội ngũ kỹ sư chế biến thực phẩm.

Ở Việt Nam không thiếu “kỹ sư kẹo”, “kỹ sư bánh” nhưng khủng hoảng kỹ sư chế biến đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng của châu Âu, Mỹ. Tức là nên thành lập những trung tâm đào tạo lớn, bài bản, đi từ những ngành khoa học cơ bản. Đó là điều mà ông Trần Bá Dương, ông Phạm Nhật Vượng đang rất để tâm tới.

Ông Phạm Nhật Vượng có nói trong hàng trăm ngàn người thì chọn ra chỉ được có 10 người xuất sắc, từ 10 người ấy chỉ chọn được một người là có tài năng vượt trội. Nhưng không còn cách nào khác. Một quốc gia muốn phát triển thì phải như vậy. Đây không chỉ là vấn đề của ông Vượng, ông Dương mà là vấn đề của cả quốc gia, của chính sách đào tạo nói chung.

Đi vào cơ khí chế tạo, luyện kim, chế biến thực phẩm… là những ngành công nghệ gắn với khoa học cơ bản, cần phải có một chiến lược dài hạn. Chúng ta chỉ mua vải về may chứ không phải là đi từ trồng bông. Công nghệ dệt vải phải nghiên cứu 10 năm, 20 năm mới ra được và công nghiệp chế biến thực phẩm cũng vậy. Ông Trần Bá Dương chỉ là những hạt nhân, cần phải có duyên để ra quả. Duyên có nhiều yếu tố, trong đó có trình độ con người, tham vọng của các kỹ sư, điều kiện đất đai, chính sách của Việt Nam và môi trường cạnh tranh…

 

- Đến đây, chúng ta có thể nhìn nhận câu chuyện hợp tác của ông Trần Bá Dương với “bầu” Đức như thế nào, thưa ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Ông Trần Bá Dương đã bỏ gần 30.000 tỷ đồng vào Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai là lo cho an ninh quốc gia. Tôi nghĩ Hoàng Anh Gia Lai suốt thời gian dài mới chỉ dừng lại ở sản xuất với mức độ xuất khẩu sản phẩm thô. Bây giờ, ông Trần Bá Dương đang muốn tổ chức lại sản xuất và đưa công nghệ vào. Đó là những điều vượt quá tầm của Hoàng Anh Gia Lai, mặc dù họ đã có nhiều cố gắng.

Với kinh nghiệm lâu nay trong chuỗi giá trị công nghiệp, khi “nhảy” vào Hoàng Anh Gia Lai có thể ông Trần Bá Dương đang ấp ủ một chiến lược, một giấc mộng khác để biến một vùng đất giàu tiềm năng, nhiều tài nguyên trở thành tọa độ mới của nông nghiệp Việt Nam, và làm cho người dân những khu vực đó được hưởng lợi từ sản xuất nông nghiệp. Dễ gì để chọn được những khu vực đất đai tập trung quy mô lớn như vậy để làm nông nghiệp công nghệ cao!

Khát vọng công nghiệp hóa nông nghiệp để có những sản phẩm nông nghiệp chất lượng xuất khẩu là định hướng chiến lược đúng đắn, còn thành hay không tùy cơ duyên! (cười).

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

Nguyễn Thành Công
18/08/2021 06:30
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top