Aa

Kỳ 3: Báo động mất an toàn lao động

Thứ Ba, 29/03/2022 - 09:00

Tại hàng loạt mỏ khai thác đá ở Quảng Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động. Vấn đề này đặt ra nhiều dấu hỏi trong công tác quản lý, kiểm tra bảo đảm an toàn lao động.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, hoạt động khai thác đá đã và đang là lĩnh vực “nóng” mang lại lợi nhuận cao, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều chủ mỏ vì lợi nhuận đã bất chấp các quy định về an toàn lao động.

Nhiều xe ben chở đá đã cũ kỹ, không gắn biển số, lốp xe đã mòn trên địa bàn xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành)

An toàn lao động liệu có được đảm bảo?

Khai thác khoáng sản là một trong ba lĩnh vực có số vụ tai nạn lao động xảy ra nhiều nhất nước, chỉ đứng sau lĩnh vực xây dựng và sản xuất công nghiệp. Theo ước tính của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, số vụ tai nạn lao động xảy ra trong lĩnh vực này chiếm khoảng 18 - 20% tổng số vụ tai nạn lao động. Người lao động làm nghề này phải đối mặt với bụi bặm, ô nhiễm, thậm chí là nguy hiểm cả tính mạng. Trong khi đó, một số trường hợp người lao động trong lĩnh vực này lại không được huấn luyện, đào tạo về an toàn lao động đúng quy trình.

Để nắm bắt và có cái nhìn thật toàn diện về việc bảo đảm an toàn lao động tại các mỏ đá, nhóm PV Reatimes đã dành nhiều thời gian đi thực tế tại một số mỏ khai thác đá ở xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, nơi đây được xem là một trong những địa phương có số lượng mỏ đá khá lớn của tỉnh khi có khoảng hơn 5 mỏ đá đang được khai thác.

Theo ghi nhận của PV, đa số tại các mỏ đá này hầu hết người lao động không sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động. Bên cạnh đó, kết hợp với việc một số mỏ đá không tuân thủ hoặc một phần không tuân thủ kỹ thuật khai thác, không phân tầng khai thác, góc nghiêng bờ mỏ khai thác chưa đảm bảo, hiểm nguy luôn rình rập người lao động.

Người lao động tại các mỏ đá phải đối mặt với bụi bặm, ô nhiễm, thậm chí là nguy hiểm cả tính mạng
Vì lợi nhuận, các chủ mỏ coi thường tính mạng người lao động khi không trang bị đồ bảo hộ 

Có mặt tại mỏ đá Kỳ Hà (xã Tam Nghĩa), đi dọc xung quanh khu vực khai thác đá tại mỏ này, chúng tôi không khỏi rùng mình khi những vách núi cao dựng đứng thành từng khối đồ sộ, có nơi khai thác không hoàn toàn theo đúng kỹ thuật, còn khai thác không tuân theo tuần tự từ trên xuống dưới. Bên trong các xe vận chuyển, nhiều người lao động đang điều khiển xe đều không mang đồ bảo hộ lao động. Không chỉ có các lao động điều khiển xe, những công nhân làm nhiều công việc khác như: Chế biến, nghiền, gia công đều không mang những dụng cụ bảo hộ lao động này.

Đặc biệt hơn, có những cung đường di chuyển trong mỏ đá chỉ vỏn vẹn đủ cho một chiếc xe ben di chuyển với những dốc cao và con đường quanh co, ngay sát con đường này chính là một hồ nước rộng hàng trăm mét vuông.

Cùng với đó, nhiều phương tiện tại mỏ cũng có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng, các xe ben chở đá đã cũ kỹ, không gắn biển số, lốp xe đã mòn và có lẽ cũng không được kiểm định, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động khi phải chuyên chở khối lượng đá rất lớn. Bên cạnh đó, hầu như các mỏ không có giải pháp rửa xe trước khi vận chuyển ra khỏi mỏ nên mang theo đất đá ra đường vận chuyển làm ảnh hưởng đến môi trường. Không tưới nước trong quá trình xoay đá để bụi đá bay mù mịt.

Coi thường quy định?

Quy định về an toàn trong khai thác đá được ghi rõ trong mục 8.1, Điều 4 và Điều 11, QCVN 05:2012/BLĐTBXH – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động trong khai thác và chế biến đá có nêu: “Người sử dụng lao động phải thực hiện các chế độ bảo hộ lao động cho người lao động như: Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân… tại những khu vực nguy hiểm, phải có biển báo, bảng chỉ dẫn an toàn, đề phòng tai nạn được đặt tại vị trí dễ thấy, dễ đọc. Các vị trí đặt thiết bị, trạm điện, trạm bơm… phải có nội quy vận hành và nội quy an toàn lao động” (mục 8.1, Điều 4: Các yêu cầu chung); “Việc sử dụng máy, thiết bị phải theo đúng quy trình kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật an toàn hiện hành. Không được sử dụng các máy, thiết bị không đảm bảo an toàn theo quy định tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động” (điều 11: An toàn trong thi công xúc, gạt).

Thiếu kiểm tra, giám sát về công tác đảm bảo an toàn lao động tại các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn Quảng Nam, nhất là tại các mỏ khai thác đá

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động ở các mỏ đá thuộc xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành) lại dường như không hề quan tâm. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là tại các doanh nghiệp, đơn vị khai thác đá trên địa bàn huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) tại sao người lao động vẫn vô tư hoạt động trên các công trường khi thiếu các điều kiện đảm bảo an toàn lao động? Tại sao nhiều chủ doanh nghiệp, đơn vị khai thác đá phớt lờ các quy định về phổ biến, giám sát kỹ thuật khai thác và trang bị các phương tiện bảo hộ tối thiểu cho người lao động?

Về phía người lao động làm việc trực tiếp tại các mỏ đá, dù vẫn biết là tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhưng nhiều người vẫn chấp nhận làm công nhân theo kiểu “thời vụ” ở các mỏ đá tư nhân và bỏ qua các nguyên tắc an toàn, khoa học trong quá trình khai thác, miễn sao khai thác được nhiều sản phẩm, bất chấp tính mạng bị đe dọa hàng ngày.

Những bài học từ một số vụ sập mỏ đá, tai nạn lao động trong quá trình khai thác, vận chuyển đá đã từng diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, gây ra tai nạn, cướp đi sinh mạng của người lao động, tạo ra những hậu quả đáng tiếc và đau lòng. Đây là lời cảnh tỉnh không chỉ đối với các doanh nghiệp, mà còn đặt ra nhiều vấn đề bất cập, tồn tại xung quanh việc quản lý đối với lĩnh vực này. Khi mọi sự… “đã rồi”, thì dù trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý hay doanh nghiệp, song hậu quả thì đối tượng phải gánh chịu nặng nề nhất vẫn là người lao động.

Thiết nghĩ, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc quản lý an toàn lao động tại một số mỏ khai thác đá trên địa bàn huyện Núi Thành để góp phần ngăn chặn những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra./.

Quy định An toàn lao động, vệ sinh lao động trong khai thác khoáng sản

Điều 57, Luật Khoáng sản năm 2018 quy định: 1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, người làm việc tại mỏ phải thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động;

2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải ban hành nội quy lao động của mỏ phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật về an toàn lao động, vệ sinh lao động;

3. Khi có nguy cơ xảy ra sự cố về an toàn lao động, Giám đốc điều hành mỏ phải áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để loại trừ nguyên nhân xảy ra sự cố;

4. Khi xảy ra sự cố về an toàn lao động, Giám đốc điều hành mỏ phải áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp để khắc phục sự cố; cấp cứu, sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm; kịp thời báo cáo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bảo vệ tài sản, bảo vệ hiện trường xảy ra sự cố;

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hỗ trợ việc cấp cứu và khắc phục hậu quả sự cố về an toàn lao động;

6. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện chế độ báo cáo về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top