Aa

Kỳ 3: Các thành phố làm gì để người dân thêm hạnh phúc?

Thứ Hai, 01/10/2018 - 00:00

Trong khi Vienna (Áo) có lịch sử cà phê và âm nhạc lâu đời cùng những công trình thiết kế đặc sắc thì Dubai (UAE) lại áp dụng nhiều công nghệ hiện đại để tăng chất lượng cuộc sống dân cư.

Charles Montgomery, tác giả cuốn sách Happy City: Transforming Our Lives Through Urban Design (tạm dịch: Thành phố hạnh phúc: Sự thay đổi cuộc sống qua thiết kế đô thị),  nảy ra ý định chắp bút cuốn sách này sau một lần đạp xe ở Bogotá (Colombia), nơi mà cựu thị trưởng Enrique Peñalosa đã tái cấu trúc thành phố này thành một nơi hướng tới hạnh phúc của con người thay vì đặt mục tiêu kinh tế lên hàng đầu.

Sau một thời gian dài tìm hiểu và nghiên cứu, Montgomery nhận thấy, thiết kế đô thị có ảnh hưởng mạnh tới mức độ hạnh phúc của cư dân, có thể thúc đẩy niềm vui, hạnh phúc, tự do và kết nối xã hội. Như vậy, muốn có một thành phố hạnh phúc, nhất thiết cần những chính sách hợp lý của người quản lý và các nhà thiết kế.

Với các đô thị được đánh giá là thành phố hạnh phúc hay đáng sống trên thế giới hiện nay, nhận định trên liệu có chính xác? Cùng tìm hiểu xem điều gì đã giúp các thành phố này tăng mức độ hạnh phúc cho người dân của họ.

Những thành phố đáng sống nhất thế giới

Mỗi năm, Liên Hợp Quốc đều công bố bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Năm 2018, vị trí đứng đầu thuộc về Phần Lan trong khi năm trước là Na Uy. Xếp hạng này dựa vào các yếu tố như: tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người, tuổi thọ, phúc lợi xã hội, quyền tự do, sự hào phóng và tỷ lệ tham nhũng.

Tuy nhiên, với các thành phố, đô thị, chỉ số hạnh phúc chưa được áp dụng mà thay bằng mức độ đáng sống (Global Liveability Index – GLI), dựa trên kết quả khảo sát hàng năm của Bộ phận nghiên cứu Economist Intelligent Unit (EIU) thuộc tạp chí The Economist nổi tiếng của Anh. Năm 2018, thủ đô Vienna của Áo đang giữ ngôi đầu trong top các thành phố đáng sống nhất thế giới. Tám năm liền trước đó, thành phố này cũng được hãng tư vấn Mercer (Anh) bình chọn là thành phố có chất lượng sống cao nhất thế giới.

Vienna không chỉ ổn định về kinh tế, phúc lợi xã hội tốt,p/an toàn, thành phố này còn được gọi là

Vienna không chỉ ổn định về kinh tế, phúc lợi xã hội tốt, an toàn, thành phố này còn được gọi là "Thủ đô âm nhạc" với một nền âm nhạc đặc sắc lâu đời cùng những cái tên kinh điển như Joseph Haydn, Mozart hay Johann Strauss, thêm vào đó văn hóa cà phê cũng rất nổi bật.

Cũng không khó hiểu khi chất lượng cuộc sống ở Vienna lại được đánh giá cao đến thế. Với 1,8 triệu dân, thành phố rộng 415km2 này có tới 51% diện tích là cây xanh, các công viên rộng lớn cùng vô số lâu đài tráng lệ và nhiều công trình kiến trúc độc đáo như Lâu đài Hoàng gia Hofburg xây dựng vào thế kỷ 13 hay Lâu đài Schonbrunn xây dựng ở thế kỷ 17.

Ngoài ra, văn hóa cà phê cũng là nét đẹp đáng chú ý của Vienna với lịch sử hàng trăm năm và nhiều quán cà phê nổi tiếng, có thể điểm tới quán Landtmann hình thành từ năm 1873 hay quán Central ra đời năm 1876.

Chỉ số GLI đánh giá các thành phố dựa trên 5 khía cạnh: cơ sở hạ tầng, độ ổn định - an ninh, giáo dục, y tế - văn hóa và môi trường. Cả Vienna và thành phố đáng sống thứ hai - Melbourne (Australia) đều đạt điểm tối đa 100 trong khía cạnh y tế, văn hóa và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, Vienna đạt tổng điểm (96,3) cao hơn so với Melbourne (95) nhờ tỷ lệ tội phạm thấp và nguy cơ bị tấn công khủng bố được hạ tới mức thấp nhất.

Bảy năm trước khi bị Vienna “soán ngôi”, Melbourne đã liên tục được vinh danh là thành phố đáng sống nhất. Thủ phủ của bang Victoria là nơi có không khí trong lành, an ninh tốt, nhiều công viên, công trình cổ được bảo tồn bên cạnh những tòa nhà hiện đại. Mặc dù cư dân ở đây có gốc gác và văn hóa đa dạng nhưng lại rất thân thiện, dễ hòa nhập.

Vào những ngày nắng đẹp, mọi người thường đi cắm trại, đạp xe, chạy bộ ở công viên, hay chèo thuyền trên dòng sông Yarra. Người dân ở đây cũng rất yêu nghệ thuật, thích tới các bảo tàng, triển lãm. Thành phố có hệ thống tàu điện dày đặc đi tới mọi khu vực và thậm chí có tàu điện miễn phí cho du khách.

Trong số 8 cái tên còn lại thuộc top 10 thành phố đáng sống nhất, có tới 2 thành phố thuộc Nhật Bản (Osaka - hạng 3, Tokyo - hạng 7), 2 thành phố khác thuộc Australia (Sydney – hạng 5, Adelaide – hạng 10), 3 thành phố thuộc Canada (Calgary – hạng 4, Vancouver – hạng 6 và Toronto – cùng hạng 7). Vị trí số 9 thuộc về Copenhagen của Đan Mạch.

Dubai và chiến lược xây dựng thành phố hạnh phúc

Nhìn vào danh sách 10 thành phố đáng sống nhất thế giới, chúng ta có thể thấy rằng, điểm chung của những nơi này là lịch sử phát triển lâu đời với sự ổn định và bền vững. Nhưng điều đó không có nghĩa, những thành phố non trẻ hơn lại không hướng tới mục tiêu tương tự, là trở nên đáng sống và hạnh phúc.

Dubai là ví dụ điển hình nhất. Thành phố phồn hoa nằm ở Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) này, trong những năm gần đây, đã lên hẳn một kế hoạch bài bản để trở thành Thành phố hạnh phúc - điều chưa có một thành phố nào trước đó từng làm.

Làm thế nào một thành phố, cũng là tiểu vương quốc, với khoảng 3 triệu cư dân đến từ hơn 200 quốc gia khác nhau có thể trở thành thành phố hạnh phúc nhất trên thế giới? Dubai tin rằng vào năm 2021, điều này hoàn toàn có thể trở thành sự thật. Với chính phủ Dubai, hạnh phúc không chỉ là mục tiêu hữu hình, mà còn là một đích đến quan trọng để đạt được sự thịnh vượng.

Dubai

Dubai đề ra mục tiêu đến năm 2021, điểm hạnh phúc của thành phố này sẽ đạt 95%.

Hạnh phúc vốn là khái niệm khó định nghĩa với phần đa con người nói chung, nhưng Ủy ban Hạnh phúc của Dubai cho rằng hạnh phúc có thể được tạo ra một cách khoa học, dựa trên các yếu tố cụ thể như sự thịnh vượng kinh tế, quyền tự do cá nhân, phúc lợi xã hội tuyệt vời hay niềm tin vào xã hội… Chính vì vậy, họ đã phát động chiến dịch Tầm nhìn Dubai đến 2021 để cụ thể hóa mục tiêu của mình.

Dubai đã sớm có những hành động thực tiễn. Đầu tiên, chính phủ thành lập Bộ Hạnh phúc và bổ nhiệm một người phụ nữ, bà Ohood Al Roumi làm bộ trưởng. Hành động này cho thấy những nỗ lực của Dubai để cải thiện sự phân biệt đối xử với nữ giới ở khu vực Trung Đông vốn đã tồn tại trong thời gian dài. Cơ quan đặc biệt này có nhiệm vụ thúc đẩy các kế hoạch, chương trình và chính sách mang lại hạnh phúc cho xã hội UAE.

Các quyết định của chính phủ UAE cũng đặt yêu cầu hạnh phúc cho xã hội lên trước tiên. Tại Dubai, có rất nhiều các sự kiện cho chủ đề này do chính phủ tổ chức như “công viên hạnh phúc” để thúc đẩy mọi người tập thể dục, một “chuyến đi hạnh phúc” nhân Ngày Hạnh phúc Quốc tế hay một loạt các lễ hội hạnh phúc khác nhau.

Về giáo dục, học sinh được dạy về trái tim nhân hậu cũng như tâm hồn rộng mở, giá trị của tinh thần tích cực, tránh xa tiêu cực. Một số trường còn có chương trình yêu cầu học sinh chụp ảnh và quay video những điều tuyệt vời đã làm và chia sẻ cùng cha mẹ.

Bên cạnh đó, Dubai cũng áp dụng triệt để công nghệ như một chìa khóa để giúp người dân của họ thêm hạnh phúc. Dự án Smart Dubai ra đời giúp cho các dịch vụ công được hợp lý hóa. Ứng dụng Dubai Now giúp người dân có thể thanh toán hóa đơn, trả tiền phạt và thực hiện nhanh chóng 55 dịch vụ công khác của thành phố chỉ qua điện thoại.

Muốn biết người dân có hạnh phúc hay không, các nhà nghiên cứu của Smart Dubai sử dụng tới Máy đo Hạnh phúc để đánh giá mức độ hài lòng của người dân với các dịch vụ hàng ngày. Số lượng khuôn mặt hạnh phúc sẽ xác định “điểm hạnh phúc” của thành phố.

Năm 2017, dựa trên 6 triệu lượt đánh giá, điểm hạnh phúc của Dubai đạt được là 90%. Họ kỳ vọng sẽ tăng con số này lên 95% vào năm 2021.

Dubai chỉ xếp thứ 69 trong danh sách các thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2018 bởi nơi này vẫn bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn về chính trị và an ninh ở quốc gia láng giềng. Nhưng với những nỗ lực của mình, chính phủ tiểu vương quốc này tin rằng người dân Dubai nói riêng cũng như UAE nói chung sẽ ngày càng hạnh phúc trong tương lai.

Tiến sĩ Aisha Bin Bishr, Tổng giám đốc Dự án Smart Dubai, chia sẻ: “Khi một thành phố cam kết sẽ mang lại hạnh phúc cho người dân, không chỉ người dân được lợi mà thành phố cũng được lợi. Người dân hạnh phúc thì thành phố cũng hạnh phúc. Đó chính là một chu trình tích cực”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top