Có bạn đọc của Tạp chí Reatimes gửi tới Tòa soạn một câu hỏi khá giật mình: Tại sao công ty Thái Lan WHAUP bỏ ra 2.073 tỷ đồng để mua 34% cổ phần với giá cao hơn 600% so với mệnh giá và được cử 3 người vào HĐQT cộng 1 người vào BKS của Công ty nước sạch Sông Đuống?
Khi xem lại các tài liệu, nhiều người không chỉ giật mình mà còn thấy “choáng”, bởi công ty này mới thành lập cách đây khoảng 3 năm trong một thị trường tài chính không mấy khởi sắc, vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng. Thế rồi qua một loạt các hoạt động ngoại giao, xây dựng dự án, vận động hành lang, áp dụng một số công cụ tài chính... để khởi động dự án, chỉ một thời gian sau, ngay khi nhà máy vừa đi vào hoạt động giai đoạn đầu mà một cổ đông ban đầu góp 340 tỷ đồng, nay bán được 2.073 tỷ đồng, giá trị mỗi cổ phần được nâng gấp 6 lần(!?).
Vậy nên phân tích hiện trạng này như thế nào? Chắc chắn chúng ta không thể ngây thơ suy diễn cầu may rằng, nhà đầu tư Thái Lan kia đã có sự nhầm lẫn tỷ giá giữa đồng bath và đồng tiền Việt Nam.
Cho dù là người ít nhiều hiểu biết về kinh tế cũng có thể khẳng định, sự chênh lệch giá trị cổ phiếu này phần quyết định là do lợi thế cạnh tranh của dự án đem lại.
Dõi theo thông tin gần đây trên các phương tiện truyền thông nhận thấy, lợi thế này hiển hiện khá rõ:
Thứ nhất, với cam kết của TP. Hà Nội, vì đây là dịch vụ công nên mọi chi phí được tính đúng, tính đủ và có lãi định mức, không để nhà đầu tư bị lỗ hoặc phá sản.
Thứ hai, vì đây là dự án được “mời” nên sẽ có nhiều ưu đãi, kể cả việc tính lãi tiền vay vào giá thành, kể cả vay 100% vốn theo kiểu “tay không bắt giặc”, rồi cả việc sang nhượng vốn tự do, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài như nhau.
Thứ ba, do có sự cam kết giá nước tạm tính là 10.246đ/m3 để nhà đầu tư “liệu cơm gắp mắm”. Nay, “mắm” tôi đã gắp rồi thì “cơm” khó lòng thất hứa.
Thứ tư, được hoạt động độc quyền cấp nước trong một thị trường đã được định sẵn khoảng 3 triệu dân và dần tăng hơn nữa , bao gồm Khu đô thị Thành phố thông minh, Khu đô thị Gia Lâm, các dự án khu công nghiệp, khu đô thị dọc hai bên đường Võ Nguyên Giáp dài mấy chục cây số, rồi Công viên Kim Quy...
Chỉ nêu bấy nhiêu lợi thế trong cạnh tranh của dự án thì việc giá cổ phần của Công ty này tăng lên 600% không còn là điều khó hiểu.
Và một điều không khó hiểu nữa là từ nay về sau, chỉ cần nhà máy nước này “hắt hơi sổ mũi” thì không chỉ hàng triệu người dân điêu đứng mà cả chính quyền thành phố cũng sẽ lao đao.
Rủi ro cho Hà Nội trong tương lai là như thế đấy! Một câu hỏi được đặt ra, liệu trong việc cung ứng nước sạch cho Thủ đô thân yêu của chúng ta có thể phá thế độc quyền này không?
Vấn đề quá lớn này chắc phải nhờ các nhà khoa học, các chuyên gia vào cuộc may ra mới sáng tỏ. Riêng tôi, một bình luận viên của Tạp chí Reatimes, xin có ý nhỏ thế này: Ngành điện lực với doanh thu hàng trăm ngàn tỷ đồng một năm mà còn phá được việc độc quyền sản xuất điện thì không lẽ gì việc sản xuất nước sạch của Thủ đô lại không phá được độc quyền.
Kể từ năm 2013, Bộ Công thương được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, xây dựng và phát triển thị trường điện lực Việt Nam theo các cấp độ theo thứ tự: thị trường phát điện cạnh tranh; thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu tuân thủ các nguyên tắc: Một là, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện lực.
Hai là, tôn trọng quyền được tự chọn đối tác và hình thức giao dịch của các đối tượng mua bán điện trên thị trường phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
Ba là, Nhà nước điều tiết hoạt động của thị trường điện lực nhằm bảo đảm phát triển hệ thống điện bền vững, đáp ứng yêu cầu cung cấp điện an toàn, ổn định, hiệu quả.
Đấy, cần gì phải học đâu xa, chỉ cần thay cụm từ “nước sạch” vào từ “điện” trong nguyên tắc nêu trên là những vướng mắc về cung ứng nước sạch của Hà Nội hiện nay sẽ tìm được hướng đi để tháo gỡ.
Nếu đi theo hướng này, Nhà nước sẽ kiểm soát toàn bộ nguồn lực đầu tư vào hệ thống dẫn nước, tựa như ngành điện kiểm soát hệ thống truyền tải. Sau đấy, ai sản xuất nước sạch cũng tốt, ai công bố giá bán cũng tốt; còn Nhà nước công bố giá mua (với từng vùng, với từng đối tượng ưu tiên theo chính sách đã được công khai, minh bạch), tiêu chuẩn chất lượng và giá bán cho các đối tượng khác nhau tùy theo chính sách đã được định sẵn. Nếu có ai “hắt hơi sổ mũi” thì chỉ cần “khóa van này bày van khác” mà thôi...
Nói thì có vẻ đơn giản, cho dù làm như vậy, nếu như vụ việc đã dính vào lợi ích của một nhóm nào đó rồi thì cũng khó đấy!