Kiến trúc thân thiện với môi trường
Theo một nghiên cứu mới đây của Ủy ban Kiến trúc xanh thế giới, các doanh nghiệp bất động sản đang thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng cung cấp và thỏa mãn nhu cầu về các công trình xanh cho thị trường bất động sản. Năm 2015, hơn 60% các doanh nghiệp trên thế giới cho biết tất cả các dự án xây dựng của họ đều hướng đến mục tiêu kiến trúc thân thiện với môi trường.
Nếu so sánh với các nghiên cứu trước đây, năm 2008 chỉ có 13% các doanh nghiệp hướng đến kiến trúc xanh và năm 2013 là 28%, có thể thấy kiến trúc xanh đang nhanh chóng trở thành xu hướng được nhiều doanh nghiệp bất động sản và các quốc gia trên thế giới quan tâm.
Tuy cụm từ “kiến trúc xanh” ngày càng phổ biến nhưng rất ít người thực sự hiểu về khái niệm này. Kiến trúc xanh (kiến trúc bền vững) là xu hướng thiết kế và xây dựng theo tiêu chí thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa năng lượng tiêu thụ, cắt giảm sự lãng phí và góp phần xóa bỏ ô nhiễm, bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường sống của con người.
Về lịch sử hình thành, năm 1974, nhóm chuyên gia của Đại học Illinois (Mỹ) phát triển mẫu nhà cách nhiệt để đối phó với tình trạng thiếu năng lượng do Lệnh cấm vận dầu OPEC. Ba năm sau, tấm pin mặt trời đầu tiên ra đời.
Sau đó hàng loạt quốc gia ở nhiều châu lục học hỏi và áp dụng pin mặt trời vào thực tiễn. Năm 1993, lần đầu tiên khái niệm “kiến trúc xanh” ra đời ở Mỹ. 9 năm sau, Hội đồng kiến trúc xanh thế giới được thành lập và mở ra nhiều hướng thiết kế và xây dựng thân thiện với môi trường mà không chỉ là năng lượng mặt trời.
Đến nay, trên thế giới, các hệ thống đánh giá mức độ thân thiện của các công trình được xây dựng ở nhiều nước. Điển hình là Hệ thống đánh giá thiết kế năng lượng và môi trường của Mỹ (LEED), Hệ thống đánh giá năng lượng của Viện Nghiên cứu Công trình Anh quốc (BREEAM)... Các hệ thống này cũng đảm nhiệm công việc dự báo các hướng đi mới trong xu hướng kiến trúc xanh của thế giới.
Xu hướng của thế giới và Việt Nam trong tương lai
Xu hướng kiến trúc xanh năm 2016 là tập trung đi theo 4 hướng cơ bản và mang lại những lợi ích vô cùng thiết thực, theo nhật báo Bất động sản New York.
Tăng không gian xanh nhưng không tăng diện tích đất sử dụng: Trong không gian đô thị chật hẹp, việc tăng diện tích không gian xanh dường như là điều không thể. Tuy nhiên, việc tạo ra thảm cây xanh trên mái (sân thượng) các tòa nhà lại là giải pháp giải quyết tất cả các vấn đề trên. Các nghiên cứu chỉ ra rằng trồng cây trên sân thượng giúp làm giảm nhiệt độ bên trong một tòa nhà và tiết kiệm đến 15% năng lượng tiêu thụ cho việc làm mát. Mặt khác, các thảm thực vật được tạo ra trên mái của các tòa nhà cũng được chứng minh là có thể làm tăng tuổi thọ của mái nhà do nó làm giảm tác động của môi trường đến phần mái.
Giảm tối đa và tiến đến việc không sử dụng nguyên liệu hóa thạch thay vào đó là tăng cường sử dụng các sản phẩm thiên nhiên và tài nguyên bền vững hơn, làm giảm khí thải và chất thải có thể thoát ra môi trường. Các nguyên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt vốn được sử dụng trong hoạt động sưởi ấm và sản xuất sẽ được thay thế bằng năng lượng địa nhiệt và hệ thống điều hòa không khí tự nhiên.
Tiết kiệm năng lượng: Sử dụng ánh sáng từ đèn LED có rất nhiều lợi ích: giảm chi phí bảo trì, tuổi thọ sử dụng kéo dài và tiết kiệm đến 50% năng lượng tiêu thụ. Bên cạnh đó, sử dụng địa nhiệt cũng được nhiều đất nước sử dụng.
Hạn chế sử dụng năng lượng không tái tạo được và tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng nước... Các tấm pin mặt trời (hoặc quang điện) được lắp đặt trên mái nhà, những cánh quạt gió khổng lồ được sử dụng ở những không gian phù hợp và các hệ thống mái nhà dốc để tích trữ nước mưa làm quay tua bin điện chính là cách để tạo ra nguồn năng lượng tái tạo./.