Aa

Kỳ II: Đa phần sẽ “buông” doanh nghiệp!

Thứ Tư, 13/12/2017 - 06:01

Quy định buộc các sếp ngân hàng kiêm lãnh đạo doanh nghiệp chỉ được chọn một trong hai "ghế" được đánh giá là trái với thông lệ quốc tế, nhưng phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện tại.

 

Thông tin Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng những ngày qua thu hút nhiều sự chú ý của dư luận, đặc biệt là khi câu chuyện buộc phải "chọn ghế" của các sếp ngân hàng được mang ra mổ xẻ. Để có thêm cái nhìn đa chiều, Reatimes đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Tài chính Ngân hàng cao cấp - TS. Nguyễn Trí Hiếu.

PV: Là người có thâm niên hoạt động trong ngành tài chính tại Mỹ và nhiều năm trở về Việt Nam cũng hoạt động trong lĩnh vực này, theo ông Luật sửa đổi liên quan đến lãnh đạo ngân hàng có phù hợp với tình hình của nước ta hiện tại? So với thông lệ quốc tế thì thế nào thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Có thể hiểu, việc quy định không cho lãnh đạo các tổ chức tín dụng không được đồng thời là thành viên trong ban lãnh đạo các doanh nghiệp hay tổ chức tín dụng khác là để hạn chế tình trạng cho vay "sân sau", sở hữu chéo... 

Về vấn đề này, nhìn ra thế giới sẽ thấy, ở Mỹ hay các quốc gia phát triển, những hiện tượng sở hữu chéo hay lạm dụng chức vụ của các lãnh đạo tại ngân hàng là điều khó có thể xảy ra. Và việc biến ngân hàng thành "sân sau" của tổ chức kinh tế khác là điều không thể. Dĩ nhiên, không có một nền kinh tế nào là hoàn hảo, không để xảy ra tình trạng này nhưng vẫn phải khẳng định rằng các cơ quan an ninh tài chính tại các quốc gia phát triển kiểm tra và giám sát các ngân hàng rất chặt chẽ.

Tại Mỹ, quy định sở hữu cổ phần ngân hàng dành cho cổ đông cá nhân là dưới 10% và với cổ đông doanh nghiệp là không quá 5%. Nhưng ở Việt Nam, cổ đông cá nhân lại được sở hữu ít hơn khoảng 5%, trong khi doanh nghiệp có thể sở hữu tới 15% cổ phần ngân hàng.

Quy định ở Mỹ và Việt Nam là ngược nhau. Tại Mỹ, họ nghĩ cá nhân khó có thể lũng đoạn một tổ chức tài chính vì dẫu sao cá nhân cũng sẽ bị hạn chế về năng lực quản lý và tài chính. Ngược lại, Việt Nam lại rộng rãi cho các doanh nghiệp nắm nhiều cổ phần hơn và đó chính là lý do mà các doanh nghiệp liên quan có khả năng lũng đoạn các ngân hàng cao hơn cá nhân.

TS Nguyễn Trí Hiếu

TS Nguyễn Trí Hiếu

Tại Việt Nam, trong quá khứ đã từng có nhiều trường hợp ngân hàng bị lạm dụng như sân sau của doanh nghiệp. Những vụ án vừa qua cho thấy, các ngân hàng dễ bị lũng đoạn bởi các doanh nghiệp "sân sau". Chính vì thế khi nhìn vào bối cảnh Việt Nam thì việc không cho lãnh đạo doanh nghiệp bên ngoài kiêm lãnh đạo ngân hàng và ngược lại là hợp lý. Nó không phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng lại phù hợp với bối cảnh của Việt Nam. Vì ngoài cơ hội được sở hữu cổ phần lớn tại các ngân hàng, thì ý thức của các vị lãnh đạo của Việt Nam cũng khác biệt so với thế giới.

PV: Nói vậy, ông đồng ý với quy định này?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Không thể phủ nhận rằng, quy định trên có phần bất cập và chưa công bằng. Việc buộc lãnh đạo phải chọn một trong hai "ghế" sẽ ảnh hưởng đến cá nhân họ và đồng thời phần nào ảnh hưởng đến ngân hàng hoặc doanh nghiệp nếu người lãnh đạo có năng lực, có kiến thức và kinh nghiệm.

Dù nói vậy, tôi vẫn đồng ý với quy định trên bởi nó sẽ giúp hệ thống ngân hàng trở lên lành mạnh hơn, tránh sở hữu chéo và lạm dụng vốn.

PV: Nhưng có luồng dư luận cho rằng, việc hạn chế quyền kiêm nhiệm của lãnh đạo ngân hàng là vi phạm quyền cá nhân, thưa ông? 

TS Nguyễn Trí Hiếu: Lãnh đạo ngân hàng có thể ủy quyền cho người khác. Do đó, quyền hạn không suy giảm, người đại diện sẽ thực hiện quyền lợi cổ đông lớn của người ủy quyền.

Tuy nhiên, phải có văn bản quy định rõ ràng về người liên quan có thể nhận ủy quyền và số cổ phần người liên quan được nắm giữ. Người được ủy quyền không thể là người thân, mà là người đáng tin tưởng, có năng lực và có kinh nghiệm, không thuộc gia quyến. Bởi vì ở Việt Nam tình trạng khống chế ngân hàng xảy ra thường xuyên khi lãnh đạo để lại cổ phần cho vợ con hay bạn bè. Khi số lượng cổ phần lên tới 30 - 40%, lãnh đạo dễ dàng giật dây trong mọi chuyện.

Dù người ở ngoài có nghĩa vụ phục vụ quyền lợi cổ đông họ đại diện, nhưng chắc chắn khả năng lũng đoạn thấp hơn nhiều. Khi quyền lực qua tay 1 - 2 người sẽ khác hơn nhiều quyền lực nắm trong tay một người. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật ủy quyền có quyền thực hiện quyền lợi của người ủy quyền nhưng cũng có trách nhiệm phục vụ nghĩa vụ cho xã hội, cho nền kinh tế.

PV: Dù nói đi hay nói lại thế nào thì cuối cùng vẫn là câu chuyện, lãnh đạo kiêm nhiệm sẽ chọn đứng đầu ngân hàng hay đứng đầu doanh nghiệp, theo dự đoán của ông, trong bối cảnh như hiện nay, đa phần các vị ấy sẽ chọn và buông vị trí nào?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Việc các lãnh đạo lựa chọn vị trí nào còn phụ thuộc vào từng điều kiện của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, dễ nhận thấy rằng, vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng vẫn nhiều mặt lợi hơn. Do đó, dự báo phần lớn sẽ chọn ghế Chủ tịch ngân hàng.

Đứng đầu ngân hàng lãnh đạo vẫn có quyền hạn lớn, họ vẫn có thể "làm lợi" cho công ty của họ và vẫn có thể đề cử người lãnh đạo doanh nghiệp. Do đó, tôi cho rằng rất nhiều vị sẽ chọn ngân hàng.

Với sự lựa chọn này, cần có thêm và làm chặt các quy định về điều kiện cho vay các tổ chức liên quan cũng phải theo các tiêu chí và mức lãi suất chung của thị trường. Không ưu đãi và phải được kiểm soát chặt chẽ.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng mới được Quốc hội thông qua, từ 15/1/2018, lãnh đạo hàng loạt tổ chức tín dụng sẽ không được đồng thời là thành viên trong ban lãnh đạo các doanh nghiệp hay tổ chức tín dụng khác.

Cụ thể, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của TCTD, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD. Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của TCTD không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top