Học kỹ năng sinh tồn
Lúc 14h ngày 1/11, lửa bùng lên bao trùm ít nhất 4 căn nhà mặt phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) nơi có nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng và karaoke.
Hàng trăm lính cứu hỏa cùng các xe chuyên dụng, xe thang, xe cứu thương đến hiện trường dập lửa. Tuy nhiên, do ngọn lửa quá mạnh, nhà kín nên công tác cứu hỏa khó khăn, con số thống kê đã có 13 người chết.
Thạc sĩ Lương Quốc Chính – Khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là điều đáng tiếc. Ở Việt Nam còn thiếu các lớp học kỹ năng sinh tồn, nhất là ở trường học. Do đó, mỗi người nên học cách sinh tồn thông qua internet, qua các bộ phim của Mỹ.
Thạc sĩ Chính nhấn mạnh, ở Mỹ sản xuất được rất nhiều bộ phim hay, thực tế và mang tính chất khoa học rất cao. Trong mỗi bộ phim, ngoài tính nhân văn, nó còn chứa đựng rất nhiều kiến thức về kỹ năng sinh tồn hữu ích mà các trường học ở Việt Nam không hề dạy.
Ví dụ như khi xảy ra một vụ hỏa hoạn ở nơi đông người, luôn có một vài người đứng ra chỉ huy giúp mọi người giữ bình tĩnh di tản, hoặc khi một nhóm người không kịp thoát ra trước khi lửa bùng lên, khói đen nghi ngút tràn ngập khu vực xung quanh sẽ xử lý như thế nào.
Và khi có hỏa hoạn xảy ra, trong nhóm người này có một vài người rất giỏi, hướng dẫn những người còn lại tìm bất cứ tấm vải lớn nào trùm lên người tránh lửa và tránh nóng; Dùng những tấm khăn hoặc quần áo, bao gồm cả quần áo chip của đàn ông và phụ nữ thấm đẫm nước bịt lên miệng, lên mũi để thở nhằm tránh hít phải nhiều khói.
Ngoài ra họ còn hướng dẫn mọi người bò sát mặt đất để tìm đường ra ngoài, vì trong bất cứ vụ hỏa hoạn nào, khu vực sát mặt đất luôn có nồng độ khói thấp nhất.
Cuối cùng, tất cả mọi người đều được thoát thân an toàn mặc dù một vài người có những thương tích bỏng từ nhẹ tới nặng.
Cách thoát hiểm an toàn khi hỏa hoạn xảy ra
Chuyên gia kỹ năng sống Nguyễn Cao Cường (Trung tâm Khoa học Kỹ thuật an toàn Việt Nam Visatech) cho biết, quán karaoke là một địa hình đặc thù do mỗi phòng đều được trang bị vô số đèn led, đèn nháy, phần lớn các vách tường cách âm được làm bằng gỗ, thạch cao và mút xốp... những vật liệu thuộc nhóm dễ bắt lửa. Một khi cháy sẽ bùng phát rất nhanh và sinh ra khí độc Carbon Monoxide (CO).
Khi hít phải khí độc CO, cơ thể sẽ ngừng hô hấp trong vòng 5 hơi thở - tức chỉ trong 10 giây. Vì thế, khi bị cháy trong quán karaoke, cần cố gắng thoát ra ngoài nhanh nhất có thể.
Dưới đây là những gợi ý từ các chuyên gia phòng cháy chữa cháy, giúp bạn thoát hiểm an toàn khi hỏa hoạn xảy ra.
1. Phản ứng nhanh khi có hỏa hoạn
Khi phát hiện có hỏa hoạn xảy ra, bạn nên thông báo cho những người xung quanh biết, đồng thời gọi số 114 của lực lượng cứu hỏa để kêu gọi sự giúp đỡ. Đóng các cửa trên đường di chuyển để tránh lửa lan rộng ra.
2. Khi ngửi thấy mùi khó chịu, mùi ga, hoặc mùi khói...
Bạn phải bò ngay ra phía cửa, không nên chạy ngay khi bạn vẫn còn chịu đựng được. Vì lúc này bạn phải giữ đôi mắt, lá phổi được sạch sẽ càng lâu càng tốt, chạy sẽ khiến bạn mất sức và thở dốc.
Khi mở cửa phải dùng tay để sờ và cảm nhận tay nắm cửa trước, nếu cánh cửa hoặc tay cầm nóng, chứng tỏ lửa đang cháy bên ngoài, bạn nên mở hé cửa và quan sát tình hình khi tay vẫn giữ cánh cửa.
3. Không sử dụng thang máy
Hãy lưu ý thang máy không phải là lối thoát nạn. Vì sao? Khi có cháy, thang máy sẽ tự động trở về tầng 1 rồi mở cửa và ngưng hoạt động, nguồn điện sẽ bị ngắt đồng thời hệ thống thông gió và chiếu sáng trong đó cũng ngừng làm việc.
Giếng thang máy trở thành ống dẫn khói, lửa khổng lồ, đôi khi thang bị kẹt trên hành trình về tầng 1.
Nếu thang có nguồn điện riêng, thử hình dung tất cả các tầng đều gọi thang, thang thì không dừng lại ở tầng đang cháy, và thang máy thường chỉ chở tối đa 10 -12 người, liệu bạn có thuộc vào 10 -12 người đấy không?
4. Sử dụng vải thấm nước để chống khí độc
Khi ở trong đám cháy, hãy thấm ướt một mảnh vải, cuốn quanh mũi và miệng. Lúc này, tấm vải sẽ trở thành mặt nạ phòng độc, giúp bạn lọc khí và thở dễ dàng hơn. Nếu không có vải, bạn cũng có thể sử dụng khẩu trang đã được thấm ướt bằng nước.
Muốn thoát ra khỏi đám lửa, dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên người và chạy nhanh ra ngoài, tránh để lửa bén vào trang phục. Nếu bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt.
6. Khi bị bén lửa
Khi tóc hoặc quần áo bén lửa, bạn nằm ngay xuống đất và lăn qua lăn lại, không nên chạy vì khi chạy có thể làm ngọn lửa bùng lên. Khi thấy có người bị cháy, bạn nên hướng dẫn người đó nằm xuống, sử dụng chăn hoặc khăn dày thấm nước phủ lên người để dập tắt ngọn lửa.
7. Kiểm tra tay cầm của cánh cửa
Khi mở bất kỳ cánh cửa nào để thoát hiểm, bạn cũng nên kiểm tra liệu cánh cửa đó có nóng không bằng mu bàn tay. Không mở cửa nếu thấy cửa ấm và nóng vì phía sau cánh cửa lửa đang bùng lên.
8. Khi bị mắc kẹt
Khi bạn bị mắc kẹt trong đám cháy, bạn hãy làm mọi cách để thu hút sự chú ý của nhân viên cứu hỏa như la lớn, vẫy tay, vỗ tay. Lấy chăn, khăn hoặc bất cứ thứ gì bạn tìm thấy để chặn ở cửa giúp ngăn lửa và khói vào phòng.
9. Làm gì sau khi thoát khỏi hỏa hoạn?
Đầu tiên hãy thông báo cho những người xung quanh để có thêm sự giúp đỡ.
- Báo cháy kịp thời cho cơ quan Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 để được hỗ trợ trong công tác chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn khi có người bị kẹt trong đám cháy.
- Khi thoát nạn ra ngoài an toàn nên tập trung ở một nơi và kiểm tra lại danh sách xem còn có người bị kẹt lại trong đám cháy không, từ đó có các biện pháp cứu người bị kẹt trong đám cháy ra ngoài an toàn.
- Trong quá trình thoát nạn phải tuân thủ theo đúng sự hướng dẫn của người chỉ huy hoặcnhân viên hướng dẫn thoát nạn của tòa nhà.
10. Cách sử dụng bình chữa cháy dạng bột: (không nên dùng bình chữa cháy bằng khí CO2 vìdễ gây ngộ độc).
- Chuyểnbình tới gẩn địa điểm cháy. Lắc xóc vài lần nếu là bình bột loại khí đẩy chungvới bột (MFZ).
- Giật chốt hãm kẹp chì.
- Chọn đầu hướng gió, hướng loa phun vào gốc lửa.
- Giữ bình ở khoảng cách 4-1,5 m tùy loại bình.
- Bóp van để bột chữa cháy phun ra.
- Khi khí yếu thì tiến lại gần và đưa loa phun qua lại để dập tắt hoàn toàn đám cháy.
- Tuyệt đối không phun trực tiếp vào người nạn nhân.
- Khi phun giữ bình ở tư thế thẳng đứng. Người phải đứng ở đầu hướng gió (cháy ngoài); đứng gần cửa ra vào (cháy trong). Đứng chữa cháy theo hướng quay lưng lại với lối thoát.
- Phun đến khi lửa phải tắt hẳn mới ngưng. Sau đó dội nước lên đám cháy.
- Khi dập các đám cháy chất lỏng, phải phun bột bao phủ lên bề mặt cháy, tránh phun trực tiếp xuống chất lỏng đề phòng chúng bắn ra ngoài, cháy to hơn./.
Thoát làm sao để không bị ngạt khí?Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Bùi Hải – Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trường hợp này các nạn nhân có thể bị ngạt khói trước khi bị bỏng nặng. Các loại khí độc sinh ra trong đám cháy như cacbon monoxit (CO), hydro cyanua (HCN) làm nạn nhân bị ngạt, hít phải lượng lớn có thể bị ngộ độc dẫn đến tử vong chứ không phải chết do bỏng lửa. Khi hít phải khói, con người sẽ bị thiếu ôxy, dẫn đến thở nhanh, gấp, lâu dần yếu đi. Cùng đó, một lượng lớn ôxít cacbon sinh ra từ những vật liệu cháy xâm nhập và tạo áp lực lớn trong đường hô hấp, gây bỏng đường hô hấp. Nặng hơn, ngạt khói có thể gây co giật, bất tỉnh. Theo tác dụng hóa sinh trong cơ thể, khi đi vào trong cơ thể, khí CO cạnh tranh với Oxy để kết hợp với hemoglobin trong máu tạo thành cacboxy hemoglobin (HbCO). Chất này sinh ra ngăn chặn khả năng giải phóng oxy trong tế bào, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, dẫn đến tình trạng thiếu oxy. Chia sẻ kinh nghiệm trong cách “chiến đấu” với hỏa hoạn, tiến sĩ Hải cho biết, điều cần thiết nhất là các nạn nhân phải bình tĩnh trong mọi tình huống xảy ra cháy để tìm cách thoát khỏi hoặc tránh xa những không gian gây ngạt như phòng kín. Để tránh bị ngạt khói, trong khi di chuyển mọi người cố gắng bò hay trườn, sao cho mặt sát sàn vì khói thường lơ lửng bên trên. Nạn nhân trong hỏa hoạn cần cố gắng tiếp cận với nước, lấy khăn ẩm bịt mũi, mồm, quấn vào người để thoát qua đám khói. Nếu thoát vào được một phòng kín, không bị cháy đe dọa nhưng có khói thì nên lấy khăn, vải thấm nước để bịt tất cả các khe hở lại để chắn khói. Lý giải việc sử dụng triệt để khăn ướt trong cháy và chống ngạt khói, bác sĩ Hải cho biết, vì khăn ẩm có nước, khi khói gặp khăn ẩm khói sẽ bị chặn lại vì CO không tan trong nước. Chính vì thế ở mọi tình huống nạn nhân cố gắng tiếp cận nước. Tiến sĩ Hải cho biết sự việc xảy ra thật là đau buồn, tuy nhiên đây cũng là hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy chữa cháy, cách xây dựng chuồng cọp kín mít, đặc biệt là ở nhà dân với địa hình thành phố, đây là cách “tự thiêu” nhanh nhất khi có hỏa hoạn xảy ra. |