Aa

Ký túc sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp chuyển thành nhà ở xã hội

Thứ Sáu, 28/07/2017 - 06:01

Bộ Xây dựng vừa có công văn phúc đáp Văn phòng Chính phủ đồng ý với việc chuyển đổi mục đích sử dụng 3 hạng mục đầu tư thuộc Dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, TP Hà Nội) sang nhà ở xã hội (NƠXH).

Về đối tượng được mua NƠXH tại dự án này, Bộ Xây dựng cho rằng, hạng mục nhà A2, A3 chuyển từ nhà ở cho học sinh, sinh viên (HSSV) sang NƠXH thuộc sở hữu nhà nước. Quỹ nhà này để dành cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định trên địa bàn thành phố. Việc chuyển đổi theo hướng thành phố cân đối nguồn vốn từ ngân sách của địa phương để hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Đối với hạng mục nhà A4 chưa khởi công, có thể xem xét, chấp thuận cho chuyển đổi mục đích sử dụng sang NƠXH để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức... theo phương thức xã hội hóa.

Bộ Xây dựng lưu ý, việc chuyển đổi mục đích sử dụng các hạng mục nhà A2, A3, A4 phải báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho phép, vì dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư xây dựng bằng vốn trái phiếu chính phủ.

Một góc dự án xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân -Tứ Hiệp. Ảnh: Trần Kháng.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra quá trình thực hiện và thực trạng quản lý nhà dự án xây dựng nhà ờ cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp.

Theo Quyết định số 357/QĐ-UBND, Trưởng đoàn kiểm tra là Phó Chánh Thanh tra thành phố; Phó đoàn kiểm tra là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Thành viên Đoàn kiểm tra gồm Phó Giám đốc các sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai. 

Đoàn kiểm tra sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát quá trình thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân -Tứ Hiệp; kiểm tra chất lượng công trình, kiểm tra, đánh giá thực trạng việc quản lý sử dụng nhà; đánh giá hiệu quả của dự án.

Được biết, khu nhà ở dành cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp được đưa vào sử dụng từ tháng 1/2015, nhằm giải quyết vấn đề ăn ở cho hàng nghìn sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố. Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, trên khu đất có diện tích hơn 40.000m2 trong Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp.

Khu nhà ở có 6 tòa nhà, với sức chứa lên tới 22.000 sinh viên. Tháng 1/2015, 3 tòa nhà đi vào sử dụng, có sức chứa 10.800 sinh viên. Mỗi phòng rộng gần 57m2, được trang bị đầy đủ thiết bị như bình nóng lạnh, vòi tắm hoa sen, bàn học, giường tầng, có lắp đầu chờ điều hòa...

Theo quy định là 8 người/ phòng với giá thuê là 205.000 đồng/người/tháng (chưa bao gồm giá điện, nước). Việc xây dựng khu nhà này được xã hội quan tâm và kỳ vọng vì giải quyết vấn đề thiếu chỗ ở cho sinh viên trên địa bàn Hà Nội tồn tại từ nhiều năm nay.

 Sau nhiều năm, dự án này vẫn còn nhiều tòa xây dựng dở dang. Ảnh: Trần Kháng.

Tuy nhiên, đến nay, số lượng sinh viên đến đăng ký ở vẫn thưa vắng, khu nhà vẫn đìu hiu. Trong số 3 tòa nhà đưa vào sử dụng thì chỉ có một tòa nhà có sinh viên đến ở, hai tòa còn lại gần như bỏ không. Bên cạnh đó, các tòa nhà thuộc dự án nhà ở cho sinh viên ở bên cạnh vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện.

Lý do nhiều sinh viên không muốn chuyển đến ở đây là vì xa trường học và bất cập trong việc đi lại. Hiện chỉ có duy nhất một tuyến xe buýt đi qua khu nhà, và phải mất 20-25 phút mới có một chuyến. Thiết kế mỗi phòng 8 người ở, không được nấu ăn, không khác gì các khu ký túc xá, trong khi nếu ở ký túc xá, sinh viên được ở gần trường, thuận tiện khi đi học…

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự án Khu nhà ở dành cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp gồm có 6 khối nhà (ký hiệu từ A1 đến A6) được khởi công từ tháng 9/2009. Dự án được lập và triển khai trong giai đoạn có biến động lớn về giá các vật liệu xây dựng dẫn đến tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh tăng thêm, từ gần 1.500 tỷ đồng lên gần 1.900 tỷ đồng. 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top