Rẻ, tiện nghi nhưng hoang lạnh
Năm 2009, dự án Nhà ở sinh viên tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) được xây dựng với kì vọng giải quyết khoảng 22.000 chỗ ở cho sinh viên các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Dự án bao gồm 6 tòa nhà, cao 20 tầng bao gồm cả tầng hầm, do Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội) làm chủ đầu tư. Tổng mức kinh phí của dự án khoảng 1.900 tỷ đồng, được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, trên khu đất có diện tích hơn 40.000m2 trong Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp.
Tháng 1/2015, dự án đưa vào sử dụng 3 tòa nhà A1, A5 và A6. Theo tìm hiểu của PV, khu nhà ở dành cho sinh viên khá rộng rãi, được trang bị đầy đủ tiện nghi như bình nóng lạnh, vòi hoa sen, bàn học, giường tầng,… với mức giá 205.000 đồng/người/tháng, được đánh giá là rẻ hơn nhiều so với giá nhà trọ trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có khoảng 6.000 sinh viên vào ở, chiếm chưa đến 30% chỗ ở của ký túc xá. Tình trạng thừa phòng, thiếu người ở khiến ký túc xá được xem là sang trọng bậc nhất Thủ đô trông vắng vẻ và thiếu sự đông vui, ồn ào và náo nhiệt vốn có của sinh viên.
Một nhân viên bảo vệ tòa nhà A6 cho biết, mỗi phòng có thiết kế 8 người ở, tuy nhiên số lượng phòng đủ 8 người là rất ít, phụ thuộc vào nhu cầu của nhóm người sử dụng.
Một trong những nguyên nhân khiến ký túc xá dù rẻ, tiện nghi nhưng không đạt được như kì vọng là vì nằm ở xa khu vực trung tâm thành phố, đặc biệt là các trường đại học. Trong khi tâm lý của sinh viên thường muốn ở trọ gần trường để tiện đi lại. Hiện chỉ có hai tuyến xe buýt đi qua khu nhà là 21B và 60A và phải mất 20 - 25 phút mới có một chuyến. Sinh viên đi học và đi làm thêm sẽ phải di chuyển khá xa. Bạn Nguyễn Thị Yến – sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, hiện đang ở tại ký túc xá chia sẻ: “Mình ở đây được hơn một năm rồi, bây giờ có nhiều người ở hơn ngày xưa. Mình thấy ký túc khá đầy đủ tiện nghi, nhưng bất tiện vì quãng đường từ ký túc đến trường mình học khá xa nên phải đi từ rất sớm mới không bị muộn”.
Bên cạnh đó, các dịch vụ ăn uống, sinh hoạt, mua sắm và vui chơi giải trí,… ở ký túc xá cũng không đa dạng như trong khu vực nội thành. Khoảng cách địa lý cộng với các dịch vụ tiện ích, giải trí không đáp ứng được đại đa số sinh viên nên nhiều sinh viên chấp nhận chi trả khoản tiền nhà lớn hơn để được ở gần trường học.
Chuyển đổi mục đích sử dụng để tránh lãng phí
Bên cạnh 3 tòa nhà đã đưa vào sử dụng, công trình này còn có 2 tòa A2, A3 xây dựng dang dở, bỏ hoang suốt 7 năm nay. Riêng tòa nhà A4 chưa khởi công, vẫn còn ngổn ngang gạch đá. Người dân sống gần đây cho biết những tòa nhà đang xây dở này vẫn sừng sững đứng đó suốt nhiều năm nay mà chưa thấy có động tĩnh gì.
Phía bên ngoài công trình đang xây dở, lô cốt vẫn bọc “kín cổng cao tường”. Cỏ dại mọc um tùm, cao rợp đầu người. Những đống rác thải nằm tràn ra vỉa hè bốc mùi hôi thối, đường đi bên ngoài lâu ngày không được quét dọn khiến khu nhà càng trở nên nhếch nhác. Nhiều người dân sống xung quanh đây bày tỏ nỗi lo sợ khi đi gần khu nhà bỏ hoang này, đặc biệt là vào buổi tối vì khu nhà bỏ hoang thành tụ điểm hút chích của những người nghiện hút.
Để “chữa cháy”, mới đây, Bộ Xây dựng vừa có công văn phúc đáp Văn phòng Chính phủ đồng ý với việc chuyển đổi mục đích sử dụng 3 hạng mục đầu tư thuộc dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc này cần phải báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Bộ Xây dựng cũng chuyển hạng mục nhà A2, A3 từ nhà ở cho học sinh, sinh viên sang nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. Quỹ nhà này để dành cho các đối tượng sinh viên được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định trên địa bàn thành phố. Việc chuyển đổi theo hướng thành phố cân đối nguồn vốn từ ngân sách của địa phương để hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Còn đối với hạng mục nhà A4 chưa khởi công, có thể xem xét, chấp thuận cho chuyển đổi mục đích sử dụng sang nhà ở xã hội để bán, cho thuê đối với các đối tượng có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức... theo phương thức xã hội hóa.