Aa

Ký ức mùa hạ đến cánh đồng tuổi thơ

Thứ Ba, 14/06/2022 - 06:06

Miền ký ức tuổi thơ thật trong trẻo với bao thương mến, ăm ắp bao kỷ niệm buồn vui. Ở đó ta được sống những giây phút thần tiên hồn nhiên, là miền cổ tích có hậu...

Miền ký ức tuổi thơ thật trong trẻo với bao thương mến, ăm ắp bao kỷ niệm buồn vui. Ở đó ta được sống những giây phút thần tiên hồn nhiên, là miền cổ tích có hậu. Trong hành trang mỗi đời người có một quãng thời gian in đậm vào ký ức: Đó là tuổi thơ, tuổi học trò. Là một “Miền xanh thẳm” như tên một tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi khá nổi tiếng của nhà văn Trần Hoài Dương. Cái miền xanh, miền hạ nhớ ấy cứ rạo rực trong lòng với màu hoa phượng vĩ nở tưng bừng: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu” (Lời bài hát “Phượng hồng”).

Và rộn ràng với điệp khúc của tiếng ve: “Chia tay - Chia tay” khi mùa hè đến với những dòng lưu bút màu mực tím bao thương nhớ tuổi học trò. Ký ức mùa hạ gắn với bao kỷ niệm sân trường dưới tán bàng rộng xanh mướt đã diễn ra và lưu giữ những trò chơi rồng rắn của các cô, các cậu “chúng tớ, chúng mình”. Nơi ấy có bác lao công già cần mẫn gõ nhịp tiếng trống trường đến hẹn lại lên như khóm hoa mười giờ đến giờ là nở trước cửa lớp học. Nơi ấy có cánh cổng trường như trang sách mở ra, đóng lại - cánh cổng khép bao nỗi niềm và mở ra bao ước vọng…

Trong hành trang mỗi đời người có một quãng thời gian in đậm vào ký ức: Đó là tuổi thơ, tuổi học trò. (Ảnh minh họa: Internet)

Ôi cái tuổi thơ luôn ngước nhìn lên vòm trời xanh lộng gió bất chợt gặp một sắc cầu vồng bắc sau cơn mưa rào tháng 6 sao mà lung linh ảo ảnh bồn chồn đến thế. Và cánh diều chao liệng réo rắt tiếng sáo nâng bổng cả người, và tôi đã viết: “Mùa hạ chín, da trời còn xanh vỏ”. Và khu vườn của bà, của mẹ bấy giờ: “Quả chín rơi trong nỗi nhớ la đà”. Và rộng ra là sự chín dậy trong lòng với tình yêu làng mạc, xóm thôn: “Nắng quê hương chín dậy cả cây vườn”.

Nhớ sao dòng sông quê mến yêu, cái bến sông có bao nhiêu bậc. Chị ta đã từng ra bến sông giặt áo, giặt bao tâm tình, viền bao lượn sóng tâm tư. Chị luôn dõi mắt đến đám học trò đang bơi lội tung tăng theo vòng sông, mép sóng. Chị cứ sợ hụt hững mà tuổi thơ thì quá trong trẻo vô tư lỡ chao chân vũng xoáy. Ký ức tuổi thơ cứ ăm ắp mà đầy: đường làng thì đầy rơm, đường thơm mùa gặt; đê thì đê vòng như vòng tay đầy mượt mà thảm cỏ. Mưa thì mưa đầy bóng mây chợt rào chợt tạnh. Đêm thì trăng đêm đầy không khuyết tròn rằm. Ngày thì ngày trong, nắng trong tràn nắng mới. Tất cả đều tinh khôi như mới thấy lần đầu, như mới ra ràng.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã từng ao ước thật có lý: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Con tàu tuổi thơ ấy chạy trên đường ray của ký ức. Hai đường ray dài tít tắp song song với bao hồi ức của ngày và đêm, của ấm và lạnh, của buồn và vui… Nhưng sân ga thì bao giờ cũng rộn ràng náo nức để đón về và tiễn đi mới mẻ. Tuổi thơ có cũ bao giờ. Con tàu ấy mở ra bao ô cửa. Có khoang tàu riêng dành cho bạn bè, thầy cô. Có khoang tàu riêng dành cho mẹ cha, anh chị em ta. Mỗi ngăn ký ức đều chứa đựng và sẻ chia, đều yêu thương và trao gửi.

Ký ức tuổi thơ lại về thôn xóm, ruộng đồng, vườn nhà với những cây rơm trong ký ức mùa hạ: “Đầu đội chiếc nồi đất/ Xương sống cọc tre vườn”. Về với cánh võng ru hời mùa hạ của bà gợi cho ta niềm băn khoăn nghẹn thắt: “Lưng bà võng xuống/ Biết mắc vào đâu”. Từ ký ức mùa hạ bỗng mênh mang trong tôi rộng ra với cánh đồng, đó là sân chơi, là “sân khấu” cho bao hoạt cảnh, hoạt náo mà ký ức tuổi thơ không bao giờ quên được, cứ đong đầy thêm như đầy thêm bộn bề vụ gặt của mùa yêu thương.

Đường rơm quấn quýt bước chân của tuổi thơ... (Ảnh minh họa: Internet)

Cánh đồng tuổi thơ với bao rơm rạ. Những sợi rơm vàng thơm nắng qua suốt bao mùa mưa bão vẫn giữ nguyên bền bỉ, sức chịu đựng dẻo dai quấn quýt vào nhau mà thành mái tranh, mái rạ, mà nuôi bao bếp lửa thơm lừng cơm mới; mà cất lên thành cây rơm, là cả kho lương thực cho những trâu, những bò nhai suốt mùa đông và gần gũi hơn với tuổi thơ là cánh đồng đốt rơm hun chuột, thổi nùn rơm nướng khoai, nướng cá nhen lên bao hương vị quê nhà. Vị rơm ngấm vào nức nở của thân khoai bùi ngọt và đậm đà vị béo của cá rô, cá quả. Cứ thế xuýt xoa hôi hổi thổi.

Và thật êm dịu biết bao khi lũ trẻ gối đầu lên ngả lưng xuống tấm thảm rơm trên sân kho vừa trục xong lúa để thả bay bổng giấc mơ lên các chùm sao, tưởng tượng ông sao thần nông buông cần câu cá; và sợi rơm, sợi tóc cứ đan cài nhau kéo vào giấc ngủ bình yên của đám trẻ chờ người lớn gọi dậy. Lúa gặt rồi rơm rạ bó vào nhau, để lại nuôi sự sống hồi sinh. Đường rơm quấn quýt bước chân của tuổi thơ và chính rơm là sợi tơ óng chuốt để lũ chim tha về lót ổ thành cái kén vàng. Cánh đồng tuổi thơ chi chít những gốc rạ như tấm lưới nhưng không chụp xuống những bầy sẻ nâu bao giờ, mà chính những chân rạ ấy mời gọi lũ chim quẩn quanh nhặt những hạt thóc rơi vãi...

Nhớ những buổi chiều lộng gió, cánh diều bay lên khoảng trời xanh mênh mông mà một đầu sợi dây được cắm vào phù sa màu mỡ cánh đồng. (Ảnh minh họa: Internet)

Nhớ những buổi chiều lộng gió, cánh diều bay lên khoảng trời xanh mênh mông mà một đầu sợi dây được cắm vào phù sa màu mỡ cánh đồng. Tiếng sáo diều như hồn quê, hồn đồng véo von và da diết. Gió đồng bao luyến láy theo nhịp nhảy tung tăng của tuổi thơ, của những dấn bước háo hức như muốn bay lên đến với thế giới tự do phóng khoáng. Chính cánh đồng là bệ phóng của bao ước vọng, con đê và dòng sông, cung trầm và cung bổng, và chính cánh đồng là bầu đàn chứa bao âm thanh đồng vọng.

Từ nhà ra vườn, từ vườn ra cánh đồng, tuổi thơ lần theo hành trình của sự khám phá tò mò, lần theo dấu chỉ của cỏ may, lần theo những luống cày luống rạ, lần theo những mùa vụ, lần theo những gieo những gặt, những hái những liềm. Mà cánh đồng thì luôn mênh mông, mùa màng thì luôn nối vụ, với bao đổi thay với bao bất ngờ sinh trưởng. Cánh đồng trải ra và cánh đồng xếp lại như trang sách. Và tuổi thơ lớn dần trên lưng trâu vắt vẻo cặp sừng như cánh nỏ, lại mở ra như cánh diều, lại như vầng trăng khuyết...

Cánh đồng tuổi thơ mặc áo phù sa màu nâu của đất, áo vàng của lúa, áo xanh của cỏ. Tấm áo tuổi thơ chật dần theo năm tháng, giọng nói tuổi thơ cũng đã vỡ ra giọng đồng, giọng ruộng, tóc khét nắng hơn, móng chân móng tay đã ngấm vị bùn nhưng tâm hồn thì vẫn vẹn nguyện sự trong trẻo, trong sáng, thuần khiết như tiếng sáo diều và nồng hậu, chân tình như vị bùi cơm gạo mới. Và vẫn xôn xao như lửa reo trong bếp thổi rơm, vẫn nôn nao khi bất chợt nhận ra hương ngọt của vị cỏ mật, cỏ dại mà sao lưu luyến tỏ bày đến thế.

Tuổi thơ lớn dần trên lưng trâu vắt vẻo cặp sừng như cánh nỏ, lại mở ra như cánh diều, lại như vầng trăng khuyết... (Ảnh minh họa: Internet)

Hương đồng là vị ruộng. Và tôi đã viết:

Cánh đồng tuổi thơ gặt gió heo may

Ngày cưỡi lưng trâu, diều trăng đêm thả

Tiễn chú ve sầu qua cầu mùa hạ

Nợ mây đền gió, nợ gió trả mưa.

 

Cánh đồng tuổi thơ gom lại ngày xưa

Cái Bống tình tang, trống làng mở hôi

Châu chấu, cào cào đòi thay áo mới

Giêng hai lấp ló lúa phất đuôi cờ.

 

Ta về tìm lại cánh đồng tuổi thơ

Tuổi gập vào lưng, cau làm gậy chống

Ngó lên trời cao nhìn vào đất thẳm

Lắng nghe tiếng dế ăm ắp hồn mình”.

Thì bây giờ từ ký ức mùa hạ ta đã về đây, trở lại với cánh đồng tuổi thơ, cánh đồng gấp lại mở ra như tờ giấy bản thấm bao hương đất vị đời./.

Hà Tĩnh, tháng 6/2022    

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top