Tôi chưa từng biết, bố tôi thích đồng hồ đeo tay cho tới khi tình cờ thấy ông có liên hệ, đặt mua một chiếc đồng hồ cũ. Mẹ tôi khẽ thở dài: “Quanh năm ruộng đồng lấm láp, đồng hồ mà làm gì cho vướng tay…”. Ông đáp, đơn giản ông chỉ muốn tìm về ký ức. Không nhất thiết chiếc đồng hồ phải được đeo trên cổ tay, đeo trong mọi lúc mọi nơi. Đơn giản rằng, chỉ cần nhìn thấy một chiếc đồng hồ xưa cũ, thì bao nhiêu ký ức sẽ ùa về. Con người sẽ cảm giác được an ủi, vỗ về, che chở bởi bầu ký ức mênh mang, sôi nổi mà cũng khốn khó, gian lao trăm bề, trăm ngả.
Thuở ấy, khi chị em tôi còn chưa có mặt trên đời, khi bố mẹ nên duyên và phải ra xóm núi hoang vu san đất đồi, cắt cỏ lau để dựng nên mái nhà tranh liêu xiêu theo từng cơn mưa gió, kỷ vật đẹp đẽ nhất thời bố tôi đi bộ đội là chiếc đồng hồ SK mặt đỏ như lửa, đã không còn giữ được. Người ta ước tính chiếc đồng hồ thành vàng, thành thóc, thành gạo… những là bao nhiêu chỉ, bao nhiêu tấn, tạ... Tôi không thể biết bố có buồn hay nghĩ ngợi nhiều không. Cả mẹ và mọi người cũng vậy. Chỉ biết, bấy giờ, đó là sự lựa chọn duy nhất và đương nhiên phải thế. Tôi đã lớn lên trong căn nhà liêu xiêu ven sườn đồi đó. Từ một mái nhà tranh rồi cất thành nhà ngói, nhà mái bằng… Theo tháng năm, căn nhà được nới rộng dần, cao dần lên, vách đất thay bằng bê tông, màu xám thay bằng những lớp sơn chống thấm.
Đôi lần, trong câu chuyện ký ức, bố tôi nhắc tới chiếc đồng hồ năm xưa với niềm tự hào xa vắng. Thuở ấy, chưa tròn mười tám tuổi ông đã hăng hái lên đường nhập ngũ, chiều cao cân nặng đều không đủ. Bên nước bạn, có bờ biển xanh trong miên man cát trắng. Cả những phút giây đồng đội cận kề sinh tử. Và rồi bằng những cách nào đó, trên tay mỗi người sẽ có chiếc đồng hồ đếm nhịp thời gian tích tắc. Đã có biết bao phút giây tưởng như cả nhịp thời gian và nhịp tim đều loạn. Người lính may mắn trở về trong chiến tranh có thực sự được bình yên? Tôi từng suy nghĩ nhiều, khi còn là một đứa trẻ. Nhớ những cơn đau lưng, đau đầu dai dẳng của bố. Nhớ từng buổi chiều nắng đằng Tây xiên xiên, hắt từ mặt nước lũ đục ngầu lên vách nhà tranh. Bố nằm trong giường nói vọng ra: “Bố thèm ăn bưởi ở vườn ông nội”. Tôi, khi ấy là đứa trẻ lên năm lẳng lặng không nói không rằng, lũn chũn lội qua cánh đồng ngập lũ. Nước ngập gối, bụng rồi lên tới ngực, tới cổ. Nhớ như in vị trí con đê và những gò những đống nhô cao hơn ruộng đồng. Bài học sinh tồn giúp trẻ con thoát chết. Thím tôi trèo lên cây bưởi, thả từng quả bòm bõm rơi xuống nước, tôi đựng vào mũ nan rồi lũn cũn ra về. Tới hiên nhà, vừa ướt như chuột lột, vừa rét run vẫn nhoẻn cười khoe với bố: “Có người trông thấy con còn bảo rằng nếu bưởi nặng quá thì thả theo nước lũ đi, nhưng con chẳng bỏ quả nào, đều mang hết về cho bố”.
Bố tôi đã sống một cuộc đời lam lũ, kể cả khi gia đình thoát cảnh đói nghèo, có phần sung túc. Vẫn từng ấy đồi núi, ruộng vườn, ao cá… Lạ thay, hình ảnh chiếc đồng hồ không hề phai nhạt. Ông có thể kể về từng điểm dạ quang, từng chiếc kim giây, kim phút, kim giờ… Riêng mặt đồng hồ đỏ, lúc như lửa, như mặt trời, lúc như màu một cánh hoa đàn bà con gái quê tôi thêu trên mặt gối, mặt khăn. Thực ra, chỉ có mỗi một màu đỏ ấy, mà bởi nhớ thương, lưu luyến thành ra bao nhiêu màu sắc trên đời. Không riêng bố tôi, đồng đội của ông cũng thế. Từ thuở các bác đạp xe mang từng bao gạo, khoai, sắn cứu đói cho gia đình tôi mùa giáp hạt hay cả từng bó củi, chai mật mía lúc Tết sắp về… tiếng tích tắc thời gian vẫn luôn hiện hữu trong từng câu chuyện.
Tôi đặt mua một chiếc đồng hồ cùng thương hiệu, kiểu dáng với chiếc đồng hồ cũ từng rời xa bố tôi. Ông chủ hãng đồng hồ vốn chỗ quen biết, thân tình, có thể lắng nghe và sẻ chia câu chuyện. Đó là người từng ra quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, liên kết với các thương hiệu đồng hồ uy tín trên thế giới để sản xuất các phiên bản đồng hồ đặc biệt có bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa; biểu tượng Khuê Văn Các ở Văn Miếu Quốc Tử Giám; ngôi sao vàng năm cánh trên Quốc kỳ… Tôi luôn cảm nhận được niềm xúc động, ánh mắt rưng rưng của một doanh nhân khi chạm vào từng ngăn kỷ niệm. Bởi lẽ đó, ông chấp nhận mọi yêu cầu khắt khe của khách hàng, từ việc khắc chữ, đóng hộp, bảo hành, chuyển phát… Có lẽ, nếu không xuất phát từ tình cảm và niềm trân trọng đặc biệt thì những cỗ máy thời gian không thể có hồn, những thương hiệu đồng hồ lớn không đủ sức đánh thức hồi ức, kỷ niệm của mỗi con người.
Không phải ngẫu nhiên, một câu chuyện nào đó cứ hằn in mãi trong ta như một dấu chỉ. Dù đó chỉ là chiếc mặt đồng hồ màu đỏ, những kim giờ kim phút kim giây le lói dạ quang trong đêm tối. Cũng không phải ngẫu nhiên người ta cứ nhớ nhung mãi, không thể quên và luôn tìm mọi cách tìm về. Trong mạch chuyện xoay quanh tiếng tích tắc nhịp thời gian, tôi muốn nhắc tới nhạc trưởng Lê Phi Phi – con trai của cố nhạc sĩ Hoàng Vân. Anh du học từ khi còn rất trẻ và định cư ở nước ngoài nhiều chục năm, nhưng ký ức vẫn vẹn nguyên, da diết. Anh từng say sưa nhắn cho tôi những dòng tin dằng dặc giãi bày về bao kỷ niệm giữa vùng băng tuyết trắng xóa, giá lạnh, những nồi măng, bóng được các bạn nữ trong ký túc xá nấu biến tấu theo điều kiện thiếu thốn, cành đào giấy tự làm như hồi bé mình loay hoay trong giờ học thủ công. Từ nước Cộng hòa Macedonia, bằng tất cả mọi nỗ lực, qua đường tàu biển, nhạc trưởng Lê Phi Phi đã mang từ Việt Nam sang từng bộ bàn ghế, tủ chè khảm trai trang trí cho phòng khách đúng chất Hà thành; nhà không có bàn thờ, anh sắp xếp một góc trang trọng nhất dành để thắp hương trong những dịp đặc biệt. Và cũng như bố tôi, vị nhạc trưởng tài ba mê say với tiếng tích tắc gõ nhịp thời gian. Tất cả những phiên bản đồng hồ có hình bản đồ Tổ quốc, biểu tượng của Hà Nội, tên gọi của vùng biển đảo thiêng liêng… đều được nhạc trưởng Lê Phi Phi sở hữu. Hóa ra, dù là một người nông dân chân lấm tay bùn hay một trí thức tài hoa lỗi lạc thì thời gian cùng với sự hiện hữu của chiếc đồng hồ vẫn luôn thuộc về góc nhỏ đầy thiêng liêng mà bất cứ lý do gì cũng không ai cho phép mình buông xuôi, đánh mất.
Có hay không sự hiện hữu của một chiếc đồng hồ, kỷ niệm vẫn trở về khắc khoải? Nhưng khi tôi nghĩ nhiều hơn và làm một điều gì đó, dù nhỏ, để bồi đắp thêm về câu chuyện ký ức của bố mình, thì tôi tin tiếng tích tắc sẽ sâu hơn, mạnh hơn bởi niềm đồng cảm. Bằng không, mọi thứ hẳn sẽ trượt trôi, hoặc sẽ đọng mãi trong trái tim một con người với niềm cô đơn, day dứt. Thực ra, tôi vẫn không thể biết bố tôi từng buồn thế nào khi rời xa một kỷ vật quý giá. Cũng không thể biết ông vui ra sao khi nhận món quà của hiện tại. Duy nhất một điều, tôi tin, đó là chiếc đồng hồ xưa cũ đã thực sự thuộc về ngày hôm nay, trong một hình hài khác. Màu đỏ trên mặt đồng hồ, có rực rỡ như lửa cháy, như mặt trời hay dịu dàng như màu một đóa hoa, thì vẫn thắp lên mọi niềm bâng khuâng, suy tưởng và biết ơn vô hạn./.