Theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương; tầm nhìn đến năm 2045, Khánh Hòa là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á. Trong đó, Nghị quyết định hướng huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp và huyện Cam Lâm sẽ là đô thị sân bay, hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.
Quy tụ nhiều tập đoàn lớn
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, hiện nay có nhiều công ty, tập đoàn lớn đang quan tâm, nghiên cứu, đề xuất các ý tưởng đầu tư tại Khu Kinh tế Vân Phong (thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa), như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico, Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Novaland và Công ty Cổ phần Đầu tư Đất Tâm, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Flamingo, Công ty Millennium Energy (Mỹ)...
Mới đây, Tập đoàn FPT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, đề nghị xây dựng dự án Trung tâm đào tạo chuyển đổi số và đô thị dịch vụ khu vực Tuần Lễ - Hòn Ngang (thuộc huyện Vạn Ninh) rộng 350ha để xây dựng trung tâm đào tạo lập trình viên, trường cao đẳng nghề, khu đô thị ở; đô thị nghỉ dưỡng, khu vui chơi - giải trí; trung tâm thể thao nước cấp quốc tế... Tập đoàn này cũng đề xuất dự án tại khu vực Hồ Na - Mũi Đôi rộng 350ha gồm sân golf 18 lỗ, khu nghỉ dưỡng cho chuyên gia cao cấp, khu đô thị, khu giải trí, khu sinh hoạt cộng đồng, bến du thuyền, trung tâm thể thao dưới nước cấp quốc tế...
Bên cạnh đó, cùng với việc tài trợ quy hoạch, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) cũng đang phối hợp với Tập đoàn Sun Group đề xuất ý tưởng quy hoạch và đầu tư tại khu vực xã Vạn Thọ - Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) để hình thành khu thương mại tự do Hòn Gốm với đề xuất quy hoạch khoảng 31.000ha. Khu vực này được đề xuất hình thành trung tâm tài chính, bất động sản, khách sạn vui chơi - giải trí, khu phi thuế quan gắn với cảng trung chuyển quốc tế...
Trong khi đó, huyện Cam Lâm có Khu du lịch Bãi Dài, được coi là “thủ phủ resort” với 41 dự án du lịch, resort nổi tiếng. Thời gian qua, Cam Lâm đã và đang thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư, làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của vùng đất này.
Mới đây nhất, hồi giữa tháng 3/2022, lãnh đạo Tập đoàn Vingroup đã báo cáo với Thủ tướng và các thành viên trong đoàn công tác tại tỉnh Khánh Hòa về ý tưởng đầu tư dự án đại đô thị tại Cam Lâm. Theo đó, khi dự án được triển khai sẽ biến vùng đất nông thôn, miền núi trở thành đô thị cao cấp mang đẳng cấp quốc tế. Nổi bật là trung tâm, trí tuệ toàn cầu, trung tâm y tế, giáo dục, cùng các dịch vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cao cấp thuộc hàng đầu thế giới. Nếu được phê duyệt, đến tháng 6/2023 dự án khởi công và sau 2 năm, hình hài của khu đô thị phức hợp sẽ thành hình.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng, huyện Vạn Ninh và huyện Cam Lâm hội tụ nhiều thế mạnh để thu hút các nguồn lực đầu tư của các tập đoàn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước. Nếu được đầu tư đúng mức và có những chính sách phù hợp thì trong tương lai không xa, hai khu vực này sẽ có những phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng trong việc đưa Khánh Hòa trở thành một trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Phát huy mạnh mẽ tiềm năng
Ngày 11/3/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý chủ trương lập Quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm, với mục tiêu phát huy hiệu quả tiềm năng và phát triển huyện Cam Lâm thành đô thị sân bay, hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế, góp phần sớm đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày 13/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu Khánh Hòa phát huy mạnh mẽ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; tạo cơ hội thu hút nguồn lực để có sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, Thủ tướng đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra thực địa một số khu vực trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa. Thủ tướng đánh giá rất cao tiềm năng phát triển kinh tế của Khu kinh tế Vân Phong. Tuy nhiên, để phát huy thế mạnh của Khu kinh tế Vân Phong, bên cạnh đầu tư ngân sách Nhà nước, cần phải có cơ chế đột phá để thu hút các nguồn lực đầu tư của các tập đoàn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước. Chính phủ sẽ cho cơ chế, tạo điều kiện thu hút đầu tư nhằm đưa Vân Phong có những phát triển vượt bậc. Đối với đề xuất của Tập đoàn Vingroup về ý tưởng đầu tư dự án đại đô thị tại Cam Lâm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia và người dân về ý tưởng này. Nếu dự án được triển khai, cần phải tạo nên một đô thị xanh, thông minh, trở thành một trung tâm trí tuệ toàn cầu; tạo công ăn việc làm cho người địa phương… Đặc biệt, chủ đầu tư cần tạo ra hình mẫu về tái định cư, người dân phải có điều kiện sống cao hơn hẳn nơi ở cũ và bảo đảm sinh kế lâu dài.
Để đáp ứng việc hình thành 2 đô thị mới trong tương lai, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Cam Lâm và huyện Vạn Ninh. Theo quy hoạch sử dụng đất huyện Cam Lâm đến năm 2030 đất thương mại dịch vụ sẽ tăng gấp 3 lần hiện tại; đất ở đô thị, đất ở nông thôn, đất khu vui chơi - giải trí cũng tăng mạnh. Cụ thể, tổng diện tích đất tự nhiên của huyện Cam Lâm là hơn 54.659ha. Theo quy hoạch sử dụng đất vừa được phê duyệt, đất phi nông nghiệp được quy hoạch tăng mạnh từ 6.254ha lên 11.141ha. Đất thương mại dịch vụ tăng từ 623ha lên 1.815ha; đất ở tại nông thôn tăng từ 682ha lên 1.243ha; đất ở tại đô thị tăng từ 90ha lên 178ha; đất vui chơi giải trí công cộng tăng từ 102ha lên 553ha; đất khu công nghiệp 115ha tăng lên 136ha… Ngoài ra, đất chưa sử dụng của huyện Cam Lâm sẽ giảm từ 1.565ha còn 613ha vào năm 2030.
Trong khi đó, theo quy hoạch sử dụng đất huyện Vạn Ninh đến năm 2030 được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt, đất ở đô thị cũng tăng gấp nhiều lần hiện tại. Cụ thể, huyện Vạn Ninh với tổng diện tích đất được phê duyệt quy hoạch đến năm 2030 là hơn 57.221ha. Đáng chú ý, các loại đất ở đô thị, đất dành cho vui chơi giải trí được điều chỉnh tăng cao. Cụ thể, đất ở đô thị năm 2020 chỉ hơn 94ha thì đến năm 2030 được quy hoạch lên đến trên 1.753ha; đất dành cho vui chơi, giải trí từ 5,2ha được tăng lên 380ha. Bên cạnh đó, huyện Vạn Ninh sẽ chuyển hơn 7.456ha đất nông nghiệp trở thành phi nông nghiệp tập trung ở các xã có lợi thế về du lịch, công nghiệp như: Vạn Thạnh (2.182ha), Vạn Hưng (1.052ha); các xã Vạn Khánh, Vạn Phú, Vạn Thọ… mỗi nơi chuyển hơn 500ha./.
Sốt đất nhiều nơi
Trước thông tin nhiều tập đoàn lớn đề xuất các ý tưởng đầu tư tại Khánh Hòa, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã xảy ra tỉnh trạng sốt đất, “loạn” giá đất. Theo ghi nhận của PV Reatimes, hiện thị trường đất đai ở 3 khu vực: Huyện Cam Lâm, vùng ven Nha Trang và Khu kinh tế Vân Phong (thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh) được xem là sôi động nhất. Một môi giới bất động sản tại TP. Nha Trang cho biết: “Giá đất đang có nhiều biến động. Vì khách hàng không chỉ người ở địa phương mà cả TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh thành khác vào săn mua đất. Các khu vực đều tăng giá so với trước Tết Nguyên đán; nhiều khu đất rao giá lên gấp đôi so với hồi năm 2021”.
Các chuyên gia bất động sản cho rằng việc đất đai "nóng" lên sau khi có các thông tin quy hoạch, tập đoàn lớn đổ vào Khánh Hòa là theo nhu cầu của thị trường. Tuy chưa đến mức “bong bóng” nhưng việc đầu tư, “đầu cơ” đất đai khi chưa nắm vững các quy hoạch cũng tiềm ẩn rủi ro, gây nhiều hệ lụy. Thậm chí kể cả khi các dự án lớn hoàn thành thì thường nằm ở quần thể khép kín nên việc đón đầu chưa chắc có được lợi thế. Vì vậy trước khi đầu tư, người mua nên thận trọng, cần phải tìm hiểu kỹ ở các kênh chính thống từ cơ quan chức năng.